DANH NHÂN BẬC NHẤT DƯỚI TRỜI NAM
NGUYỄN THANH
Thái sư Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở thôn Lưu Gia, sau là làng Lưu Xá, nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà. Ông là trụ cột, là linh hồn kỳ vĩ trong công cuộc sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần. Theo các nguồn sử liệu thì tổ tiên họ Trần làm nghề chài lưới, suốt tháng quanh năm vào sông ra bể, khi ngược Đông Triều, lúc xuôi Tức Mặc. Đến năm Quý Sửu 1133, Trần Hấp thấy vùng Hải Ấp là nơi cát địa, bèn di dời mộ tổ về đặt ở Mả Sao, hương Thái Đường, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình rồi lên bờ định cư, phát nghiệp nông tang, sinh ra Trần Lý và trở nên giàu có. Từ vùng quê này, Trần Lý đã cùng các con trai của mình là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu thúc bá là Trần Thủ Độ từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị. Vào năm Kỷ Tỵ 1209, dưới thời Lý Cao Tông, binh biến xảy ra tại kinh thành Thăng Long. Vương triều nghiêng ngả. Giặc Quách Bốc đánh chiếm kinh thành và dựng con nhỏ của Lý Cao Tông lên làm ngụy vương. Tô Trung Từ là em vợ của Trần Lý cùng anh em, con cháu họ Trần đã mở đường đưa Cao Tông đi trốn ở vùng Quy Hóa, đưa Hoàng tử Sảm về lánh nạn ở nhà Trần Lý tại thôn Lưu Gia, miền Hải Ấp. Duyên trời và mưu người sắp đặt, Hoàng tử Sảm đã lấy Trần Thị Dung con gái Trần Lý làm vợ. Anh em, con cháu họ Trần ở Hải Ấp đã tập hợp hương binh dẹp loạn Quách Bốc, lấy lại kinh thành, đón Cao Tông và Hoàng tử Sảm về cung. Cao Tông nhường ngôi cho Hoàng tử Sảm, miếu hiệu Huệ Tông. Trần Thị Dung được đón về cung phong làm Hoàng hậu. Lý Huệ Tông cùng Hoàng hậu Trần Thị sinh được hai công chúa là Thuận Thiên và Phật Kim rồi mang bệnh trọng. Vào thời điểm ấy, mọi công việc triều chính đều dưới sự điều hành của Trần Tự Khánh và anh em nhà họ Trần. Sau khi Tự Khánh mất thì mọi công việc của triều đinh đ ̀ ều do quan Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ định liệu. Bằng mưu thần, trí thánh; Trần Thủ Độ đã cùng Trần Thị Dung sắp đặt chuỗi sự kiện lịch sử để làm cuộc chuyển giao vương triều từ họ Lý về cho họ Trần; từ sự kiện Lý Huệ Tông truyền ngôi cho công chúa Phật Kim miếu hiệu Chiêu Hoàng đến sự kiện Chiêu Hoàng thành thân với Trần Cảnh khi chưa đầy 10 tuổi và chung cục là sự kiện Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh … Thế mới hay, đạo trời có khi thường, khi biến, vận nước có khi thịnh khi suy. Hồng phúc cho giang sơn Đại Việt là khi nhà Lý suy vong đã có Trần Thủ Độ đa mưu túc kế cùng với Trần Thị Dung sắp đặt để họ Trần ở đất Long Hưng lên nối ngôi trời, đặng cứu vãn xã tắc qua cơn khủng hoảng. Trần Cảnh là người cháu đời thứ tư của dòng họ Trần từ vùng quê Long Hưng lên ngôi ở tuổi ấu thơ. Mọi việc triều chính, đều phải cậy nhờ vào Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Sau khi Lý Huệ Tông băng hà, Hoàng hậu 78 VNTB 01(258) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN Trần Thị Dung đổi làm Thiên Cực công chúa và thành thân với Trần Thủ Độ. Trần Thái Tông phong cho bà là Linh Từ Quốc Mẫu. Bằng thiên tài kinh bang tế thế kiệt xuất, Thái sư đã cùng Linh Từ toàn tâm, toàn ý chăm lo hưng nghiệp và giữ nghiệp vương. Khi luận định về hai vị có công đầu về sự sáng nghiệp nhà Trần sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả...” và: “Trời sinh ra Linh Từ để mở nghiệp nhà Trần”. Những năm đầu triều Trần, Thái sư Trần Thủ Độ đã triển khai hàng loạt giải pháp để chấn hưng đất nước như: xây dựng bộ máy trung ương tập quyền vững mạnh, thống nhất từ triều đinh đ ̀ ến làng xã; thiết định kỷ cương, đề cao pháp chế, định ra luật lệ, điển chương, đặt lệ thi cử kén chọn người tài giỏi... Cùng với việc đẩy mạnh công cuộc trị thủy, khẩn hoang, khuyến khich ph ́ át triển nông nghiệp thì triều Trần đã sớm chăm lo xây dựng quân đội, dự trữ lương thảo, sẵn sàng đối phó khi giang sơn có biến. Khi giặc Nguyên tràn sang xâm lược, bằng thiên tài quân sự của mình, với trọng trách là Thống quốc Thái sư, Trần Thủ Độ đã chủ động sắp đặt để nhà Trần triển khai kế sách “vườn không nhà trống”, “ngụ nông ư binh”. Vùng đất Long Hưng là nơi tựa dựa để triển khai kháng chiến. Triều đình đã giao cho Trần Thị Dung đưa hoàng thân, quốc thích về sơ tán tại quê cha, đất tổ. Nơi đây cũng là địa bàn chiến lược mà nhà Trần đã chăm lo xây dựng thành một phòng tuyến hiểm yếu để triển khai thế trận thuỷ chiến và cũng là một hậu phương vững chắc để huy động binh lương phục vụ cho kháng chiến. Giặc Nguyên hung hãn, như thế chẻ tre tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long, Trần Thái Tông phải cùng các quần thần xuôi thuyền lánh tạm xuống vùng hạ lưu. Trong tình thế hiểm nghèo, quan trong triều đã có người nao núng, Thái Tông hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, ông đã đáp lời vua: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ đừng lo”. Câu nói bất hủ này có sức mạnh hơn cả vạn binh, góp thêm phần làm bừng lên hào khí Đông A, củng cố ý chí của quân dân Đại Việt quyết đánh, quyết thắng giặc Nguyên và Trần Thủ Độ đã trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến. Không chỉ là một người toàn tài về chính trị, quân sự, kinh tế mà Trần Thủ Độ còn là một tấm gương sáng về đức độ. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã chép khá nhiều chuyện về nhân cách của ông. Ví như các chuyện sau: Khi mới giành vương triều, Thái Tông còn thơ dại, với cương vị Thái sư Quốc thượng phụ Trần Thủ Độ phải chủ động xử lý mọi công việc. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?". Thái Tông lập tức lệnh xe ngựa đến dinh Trần Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho ông biết. Thái sư Trần Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời hắn nói". Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy. Linh Từ quốc mẫu là phu nhân của Trần Thủ Độ có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, khi về dinh, Linh Từ khóc bảo ông: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Trần Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Trần Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Ông bèn nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Bèn lấy vàng lụa thưởng cho. VNTB 01(258) - 2022 79 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN Có lần Trần Thủ Độ đi kinh lý duyệt định số hộ khẩu, vợ ông là Linh Từ xin riêng cho một người làm chức nhỏ ở địa phương. Ông gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, ông gọi tên người đó, anh ta mừng rỡ vội vào bái kiến. Trần Thủ Độ bảo: "Ngươi vì có công chúa (Linh Từ) xin cho được làm câu đương (ngang với xã trưởng), không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa. Thái Tông có lần muốn cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Ông đã tâu: "An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?". Vua bèn thôi... Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là một nhân vật lịch sử từng được công luận nhìn nhận, phẩm bình về công trạng và tính cách theo nhiều chiều khác nhau. Gần 800 năm qua, nhiều nhà sử học ở các thời đại đã thừa nhận và đánh giá cao về tài năng và tâm đức của Trần Thủ Độ. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã có nhiều trang dòng luận bình về Trần Thủ Độ trong bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư: “Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”; “Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gì là không để ý. Vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết”... Tác giả sách Việt Nam sử lược đã viết: “Thủ Độ là người gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng bao trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường”... Các nguồn sử liệu đã cho thấy cuộc đời Trần Thủ Độ là cuộc đời của một con người tài ba, thao lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, có bản lĩnh chính trị và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, quả quyết theo ý chí của mình, ít khi để cho tình cảm sai khiến, nhằm cai trị đất nước một cách nghiêm minh nhất. Với Trần Thủ Độ, lợi ích của dòng họ, của vương triều Trần gắn liền với sự tồn vong của non sông, xã tắc. Đó là điều luôn được đặt lên trên hết. Để đạt được mục đích, ông đã hành sự bằng tất cả ý chí quyết đoán của mình, trong đó đã có cả những mưu sâu, kế hiểm mang đậm tính cực đoan, duy ý chí nên cũng từng có khá nhiều ý kiến cho là ông đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Ví như các vụ việc: bức tử Lý Huệ Tông; lấy chị họ của mình (Trần Thị Dung) làm vợ; ép Trần Thái Tông lấy vợ của anh trai khi đang mang thai 3 tháng; nghi vấn tàn sát tôn tộc nhà Lý... Mấy thập niên gần đây, qua các công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhiều sử gia đã có những kiến giải khách quan, thấu đáo về tính quyết đoán của Trần Thủ Độ. Có những việc ông xử sự tưởng chừng như ngang trái, không hợp lẽ thường nhưng ông vẫn quyết làm, dám làm với cái tâm trong sáng. Tựu trung lại, tất cả những mưu lược, những hành 80 VNTB 01(258) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN xử của ông đều là vì quyết sáng nghiệp đế vương và quyết vì sự cường thịnh của vương triều Trần. Sau khi Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, triều đình truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Lăng mộ đặt tại xã Phù Ngự, nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, cận kề với lăng mộ Linh Từ Quốc Mẫu. Nhiều làng quê khác trong nước cũng đã tôn thờ ông làm Thành hoàng tại đình làng hoặc lập đền miếu thờ ông. Xót thay! Trải những thăng trầm của lịch sử và binh lửa, nhiều đình, đền, miếu mạo thờ danh nhân đất Việt ở các nẻo đường đất nước, trong đó có những thiết chế thờ quan Thái sư đầu triều Trần đã bị hư hao. Đến nay có thể kể đến những ngôi đình, ngôi đền lớn ở các địa phương đang thờ Trần Thủ Độ như khu lăng mộ, đình làng Ngừ, đình làng Khuốc (Thái Bình); đình, đền làng Quắc Hương (Nam Định); đình làng Hoan Ái (Hưng Yên), đền quan Thái sư trên đồi Lim (Bắc Ninh)... Thiên cổ luận bàn. Cho đến nay, những nơi thờ ông trên các miền đất nước đều đã được Nhà nước ta xếp hạng là di tich l ́ ịch sử - văn hóa của Quốc gia. Tại ngôi đền thờ ông trên đồi Lim (Bắc Ninh) có đôi câu đối: Công đáo vu kim bất đãn Trần gia nhị bách tải, Luận định thiên cổ kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu. Nghĩa là: Công đức để lại đến nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm nhà Trần. Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc nhất dưới trời Nam. Năm 1994, nhân kỷ niệm 800 năm sinh Trần Thủ Độ, ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp với viện Sử Học, hội Khoa học lịch sử, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc gia với chủ đề “Thân thế và sự nghiệp của Trần Thủ Độ”. Hội thảo đã hội tụ được đông đảo các nhà sử học là chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu lịch sử cổ trung đại của Việt Nam. Hơn 40 tham luận khoa học đã gửi đến hội thảo. Tại cuộc hội thảo này đã có nhiều sử gia có danh tiếng tham gia thảo luận sôi nổi và lý giải khá khách quan, tường tận về sự nghiệp, công trạng và nhân cách của Trần Thủ Độ. Hội thảo thống nhất kiến nghị về việc khai thác và phát huy tác dụng của những di sản tích cực của Trần Thủ Độ, gồm 3 vấn đề chính: Một là, trong sử học cần dựng lại thân thế và sự nghiệp của Trần Thủ Độ theo nhận thức mới hiện nay, kể cả trong việc biên sọan sách giáo khoa, sách về danh nhân lịch sử, cũng như trong văn học¸ nghệ thuật. Hai là, tôn tạo các khu lưu niệm cho xứng với tầm vóc của danh nhân. Ba là, cần thiết đặt tên đường, tên phố Trần Thủ Độ ở các thị trấn, thị xã, thành phố; trước mắt là ở các thành phố Thái Bình, Hà Nội, Hồ Chí Minh. Cho đến nay, khu lưu niệm Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà đã được tôn tạo khá khang trang. Tại thành phố Thái Bình và ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều đã có tên đường Trần Thủ Độ. Hẳn là cuộc đời và sự nghiệp, tài năng và nhân cách siêu phàm cùng những giá trị di sản của Thái sư Trần Thủ Độ sẽ ngày càng được thắp sáng thêm để các thế hệ người Việt tiếp bước nhau kế thừa, phát huy trên các chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước./.
NGUYỄN THANH