ĐÁ NÚI NINH BÌNH
Ngày: 22/06/2023
Ninh Bình là một tỉnh có nhiều dãy núi đá vôi. Đá ở đây vào loại tốt, phần lớn là đá vôi xanh, có sức chịu đựng cao với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết: mưa, gió, nóng, lạnh ...Và cũng ở đây, ở mảnh đất Ninh Bình lịch sử, đá với người chung thủy, gắn bó với nhau hiếm nói nào có được.

ĐÁ NÚI NINH BÌNH

                                                                                 Vũ Duy Yên

Ninh Bình là một tỉnh có nhiều dãy núi đá vôi. Đá ở đây vào loại tốt, phần lớn là đá vôi xanh, có sức chịu đựng cao với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết: mưa, gió, nóng, lạnh ...Và cũng ở đây, ở mảnh đất Ninh Bình lịch sử, đá với người chung thủy, gắn bó với nhau hiếm nói nào có được. Từ buổi hồng hoang xa xưa, khi những người Nguyên thủy đầu tiên ở Việt Nam ra đời trên đất Ninh Bình, họ đã dựa vào các hang động ở rừng Cúc Phương mà sống để tránh thú dữ, bão, gió, nắng, mưa của thời tiết. Khi con người nguyên thủy tiến bộ, văn minh hơn một chút, họ biết chế tác ra công cụ lao động để tăng gia sản xuất, làm ra lương thực, thực phẩm mà sống, đỡ phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Những công cụ đầu tiên ấy của người Nguyên thủy đều làm từ đá: dao đá, búa đá, rìu đá ...v.v Như vậy: ngay từ những buổi đầu tiên con người Nguyên Thủy ra đời, đá đã thành người bạn thân thiết. Đá đã giúp con người có chỗ ở an toàn,. Đá là công cụ lao động để giúp con người tự lao động mà sinh sống. Tiến bộ hơn một chút, người Nguyên Thủy đã biết dùng hai hòn đá hay hai hòn sỏi cọ xát mạnh, lâu vào nhau để tạo ra lửa. Việc tìm ra lửa là một bước ngoặt lớn trong đời sống của người Nguyên Thủy. Nhờ có lửa, người Nguyên Thủy biết ăn chín, uống sôi vệ sinh hơn, đỡ được bệnh tật, đau yếu, con người khỏe mạnh hơn, đời sống được ấm no hơn. Khi sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm thì con người biết khai thác đá để làm ra các công cụ lao động mới, giúp việc thu hoạch, chế biến nông sản nhanh hơn, nhàn hơn như làm ra hòn đá lăn để trục lúa cho thóc rụng khỏi cuống bông nhanh hơn là nắm từng nắm bông lúa, vung lên cao rồi vặn mình đập xuống; hay ngồi tuốt từng bông lúa một. Làm ra chiếc cối đá to để giã gạo, cối đá nhớ để giã lạc, giã vừng làm muối ăn; giã thịt làm giò, làm chả hay mọc... Cối xay đá để nghiền các hạt lương thực, thực phẩm thành bột chế biến ra nhiều kiểu món ăn.. Khi con người biết làm ra ngôi nhà tre hay gỗ to đẹp hơn, đàng hoàng hơn thì dùng đá để kê chân cột nhà thay vì chôn chân cột xuống đất, làm cho nhà không bị lún, chân cột không bị mục và được rút ngắn lại mà lại bền chắc hơn.. Đến khi Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta ra đời với nhà Đinh, kinh đô đặt tại Hoa Lư, nơi có những ngọn núi đá vôi bao bọc, làm cho Kinh đô như một pháo đài kiên cố. Kinh đô này được an vị suốt ba triều đại từ nhà Đinh, đến nhà Lê và đầu nhà Lý. Việc xây dựng Kinh đô cần rất nhiều vật liệu bằng đá. Vì vậy nghề khai thác, chế tác đá ra đời ở Ninh Vân gần Kinh đô, cung cấp vật liệu xây dựng bằng đá cho các công trình như Cung điện, Cổng thành, tường thành, chùa ...v.v. Ngày nay còn một di vật duy nhất thời Lê Đại Hành là cột Kinh Phật làm bằng đá vôi ở chùa Nhất Trụ làm năm 995. Cột cao 4,16m, nặng 4,5 tấn, hình bát giác, đặt trên bệ đá xanh, trên đỉnh đặt búp sen đá. Bản kinh được khắc bằng chữ Nho. Đây là một tác phẩm thể hiện tài hoa điêu khắc của những người thợ đá Ninh Vân thời đó đã đạt tới trình độ điêu luyện thế nào? Năm 2015, cột Kinh Phật này được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Suốt hơn một nghìn năm dưới các triều  đại Phong kiến, đá vẫn là người bạn thân thiết với người dân Ninh Bình, với dân tộc Việt Nam. Đá dùng để xây thành lũy, để làm súng đá, bẫy đá. chống quân thù xâm lược, giữ gìn giang sơn đất nước, độc lập dân tộc, tính mạng người dân. Trong kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh :"...Ai có súng, dùng súng, có gươm, dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xẻng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống Pháp cứu nước ..." , Đồng bào Tây Nguyên đã dùng những bẫy đá bằng cách đặt những hòn đá khoảng vài chục cân trên lưng chừng núi làm bẫy, nối bẫy từ hòn đá xuống chân núi bằng một sợi dây, ngụy trang dây cho khéo. Khi giặc Pháp đi theo chân núi, vô tình vấp phải dây, lập tức tảng đá lăn xuống đè lên người, làm cho chúng chết.. Dưới thời Phong kiến, rồi Thực dân - Phong kiến, đất nước còn nghèo, gia đình nào có được ngôi nhà xây bằng vôi vữa, gạch thì vững chãi hơn; khi mùa giông bão đến, đỡ phải lo chống chọi để nhà khỏi bị đổ. Những ngày hè oi nồng ở trong ngôi nhà xây, tường quét vôi trắng xóa, chủ nhân thấy mát mẻ, sảng khoái, vui hơn. Vôi không chỉ để xây nhà cửa, sân, cổng cho mỗi gia đình, vôi còn để xây đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ linh thiêng, những nơi nương tựa, cứu rỗi cho các tâm hồn đau khổ khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Còn gì an tâm hơn khi tín đồ ngồi trước nơi thờ tự các đấng Thánh, Thần, Phật, Đức Chúa để cầu xin được bảo hộ, độ trì, cứu rỗi cho bản thân, gia đình, bè bạn được tai qua, nạn khỏi, vạn sự hanh thông, đắc phúc, đắc lộc, đắc tài, vạn sự như ý, bản mạnh bình an ... Trong số các công trình thờ tự của cả bên Lương lẫn bên Giáo, không thể thiếu các đồ thờ làm bằng đá như: tượng đá, voi đá, ngựa đá, chó đá, rùa đá, cột đá, khánh đá, bát hương, bàn thờ bằng đá ...v.v. Các công trình thờ tự của Thiên Chúa Giáo phải kể đến nhà thờ đá Phát Diệm, ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) ngôi Thánh đường cổ kính hơn 120 năm nay, được xây dựng từ năm 1875-1899. Công trình được làm hoàn toàn bằng đá với gỗ lim, được mệnh danh là "Kinh đô Công Giáo Việt Nam" . Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm nhà thờ Lớn và năm nhà thờ nhỏ. Trong đó có một nhà xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ Đá, có những phiến đá nặng tới hai mươi tấn. Như vậy, đá đã đi vào đời sống tâm linh của người Ninh Bình, người Việt nam, gần gũi, thân thiết biết chừng nào! Ngoài việc làm vật liệu xây dựng, vôi còn làm gia vị cho miếng trầu của mẹ, của em; làm cho răng mẹ thêm chắc, má em thêm hồng. Trong mỗi cuộc yến tiệc, cỗ bàn ngày xưa, không thể thiếu miếng cau, cơi trầu. Việc nên duyên đôi lứa cũng bắt đầu từ quả cau lá trầu mà họ nhà trai trao cho họ nhà gái trong ngày ăn hỏi, xin cưới, đón dâu. Câu tục ngư "Miếng trầu làm đầu câu chuyện" lý do là vậy. Nói "miếng trầu" ở đây không phải đơn thuần là chỉ có lá trầu, mà còn phải có cau. Đặc biệt phải có vôi tôi từ đá nung ra làm gia vị thì miếng trầu ăn mới ngon, mới thơm, mới kích thích thần kinh con người thêm hưng phấn.. Vì vậy, những ngày đông tháng rét xưa kia, ông bà ta thường hay ăn trầu để chống lại cái giá rét căm căm ấy. Đá với con người ngày xưa là vậy. Ngày nay tuy Ninh Bình cùng đất nước đang lớn lên từng ngày theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa; song không thể thiếu được đá vôi . Trái lại, đá vôi ngày càng cần nhiều hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển ấy. Các công trình xây dựng về nhà ở, văn hóa, quốc phòng, cầu cống, đường sá, đê kè ... Ngày càng nhiều thì càng cần nhiều đá. Đá dùng để rải đường bộ, đường sắt, phát triển giao thông. Các công trình hạ tầng này có phát triển thì mới phát triển kinh tế được . Đá dùng để xây kè cống, đê bao, các công trình thủy lợi với những trạm bơm, máng nổi, mương chìm thì mới đảm bảo đủ nước tưới hay tiêu úng cho cây trồng phát triển. Đá nung thành vôi, để lâu thành vôi bột còn là nguồn phân bón cải tạo đất chua, mặn, giúp cây trồng dễ sinh trưởng và rễ cây hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng cho cây phát triển mạnh hơn; nước vôi đem quét lên thân cây, làm cho côn trùng không phá hoại cây được.. Những khu đô thị, những xí nghiệp, những công trình văn hóa, phúc lợi mới ngày càng mọc lên nhiều thì càng cần nhiều xi măng. Không có xi măng thì không thể nói gì đến việc xây dựng các công trình đó. Xi măng làm từ đá mà ra.. Vậy nên đá với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay ngày càng quan trọng, ngày càng cần nhiều vô kể! Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế ở trung tâm thành phố Ninh Bình, có thể gọi đây là "Quảng trường đá" . Với diện tích hơn ba chục ha; ngoại trừ bức tượng Đinh Tiên Hoàng Đế làm bằng đồng, cao 9,9m, nặng 100 tấn ra thì tất cả các hạng mục còn lại đều làm bằng đá như : bệ tượng đá cao 10m, đặt trên một khuôn viên rộng rãi gồm hai bậc để đặt hơn 100 bức tượng toàn thân bằng đá, gồm bốn chục lính canh ở bậc dưới, khoảng sáu bảy chục quan Văn, quan Võ ở bậc trên. Các bức tượng to, cao bằng người thật. Mỗi tượng có một khuôn, nét mặt, sắc thái riêng, không rượp khuôn, trông rất sinh động. Ngoài ra, bốn góc Quảng trường còn có bốn bức tượng cũng bằng đá, mỗi bức cao 5m . Đây là những cận thần thân tín nhất của vua Đinh Tiên Hoàng từ thời thơ ấu, gồm Đinh Điền, Nguyễn Bậc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Ở chân bức tường phân cách giữa các bậc về phía trước tượng đài là những bức tranh phù điêu phong cảnh bằng đá xanh, rất đẹp và sinh động. Choáng ngợp nhất là toàn bộ sân quảng trường rộng mênh mông mà được lát kín bằng gạch đá vôi xanh, mỗi viên dày chừng 7cm rất vững chắc, lâu bền. Các bức tượng đá và tranh đá ở quảng trường, đều do những bàn tay tài hoa của làng nghề chế tác đá Ninh Vân (Hoa Lư) có trên một nghìn năm kinh nghiệm làm ra. Sau tượng đài là hai ngọn núi đá nhân tạo, làm theo thuyết phong thủy giúp cho thế tượng được vững chãi, đẹp đẽ, hoành tráng hơn. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, nước ta hiện nay (2023) đã có 103 dây chuyền sản xuất xi măng, với 63 nhà máy, công suất 107 triệu tấn/năm. Riêng Ninh Bình cũng đã có một số nhà máy như nhà máy xi măng Hướng Dương, Duyên Hà ... Trong đó nhà máy xi măng Duyên Hà là lớn nhất với công suất 3 triệu tấn/năm. Với tiềm năng, thế mạnh về núi đá vôi, các công trình xây dựng ở Ninh Bình đã sử dụng khá nhiều đá. Đi khắp thành phố Ninh Bình, công trình nào cũng thấy đá và đá. Đường phố rải đá nhựa, vỉa hè tất cả các phố, sân, nền nhà các cơ quan, chùa chiền, đền, miếu ... hầu hết đều lát bằng gạch đá xẻ với đủ hình dáng, màu sắc, kích cở khác nhau, tùy theo nhu cầu của công việc. Những cây cầu đá, ghế đá, cổng đá ở các khu di tích lịch sử, công viên vừa đẹp, vừa bền. Bên lề đường phố hay trong các công viên, rải rác có những chiếc ghế đá dài, có lan can tựa, rất thuận tiện cho khách bộ hành, du lịch nghỉ chân. Trong những đêm hè thanh vắng, dưới ánh điện chập chờn bóng cây, ghế đá công viên là nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân, làm cho phong cảnh thành phố đêm khuya thêm thơ mộng, trữ tình. Đá không chỉ giúp người trong sản xuất, xây dựng và chiến đấu, đá còn là thứ nhạc cụ đơn giản, độc đáo, hiếm hoi, nghe rất hay, làm cho cuộc sống con người thêm thi vị, lạc quan và đáng sống. Hơn một nghìn năm trước, người Việt xưa đã biết dùng những hòn đá có sẵn mà khi gõ vào phát ra âm thanh hay khác nhau, làm thành những nốt nhạc cho một bộ đàn đá (thạch cầm). Những bộ đàn đá này ngày nay còn lại khá nhiều ở Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Ở Bình Phước có những bộ đàn đá hơn một nghìn năm tuổi, được trưng bày tại các khu bảo tồn, bảo tàng của tỉnh. Những bộ đàn đá này đã được Unesco xếp vào danh sách các nhạc cụ của không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Đặc biệt bộ đàn đá ở Khánh Sơn, Khánh Hòa hơn một nghìn năm tuổi, đã theo chân đoàn Nghệ thuật Khánh Hòa đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới; được khán - thính giả các nước rất thích thú, hết sức ngạc nhiên, thán phục về tài trí độc đáo của con người Việt Nam ta. Ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh, có nghệ nhân Trương Đình Chiếu, người có thể chơi được 100 nhạc cụ và phối khí cùng một lúc mười nhạc cụ khác nhau. Ông được Trung tâm Unesco Văn hóa - Thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc nhất Việt Nam. Ông rất say mê đàn đá, nên đã cất công đi tìm khắp núi rừng Tây Nguyên trong nhiều năm. Đến năm 2017, ông gặp những cụm đá cây phát ra âm thanh độc đáo ở huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước, Ông mua những cụm đá đó về chế tạo ra bộ đàn đá đầu tiên, nặng 3 tấn, đem tặng cho Nhà Văn hóa TP Hồ Chí Minh. Đến nay, ông đã chế tác được 58 bộ đàn đá đem tặng hết cho các địa phương và dạy miễn phí đánh đàn đá cho 12 thanh niên người X' tiêng. Tấm lòng thiện nguyện của nghệ nhân Trương Đình Chiếu thật đẹp đẽ và cao quý biết chừng nào. Như vậy, đi suốt chiều dài lịch sử của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam ta nói chung, từ khi hình thành, ra đời cho đến nay, đá luôn luôn là người bạn vô cùng quý báu, vô cùng thân thiết và hữu ích . Đá là ngôi nhà đầu tiên cho ta ở, đá là công cụ lao động đầu tiên cho ta thực sự biết làm người tự chủ; đá là ngọn lửa đầu tiên cho ta thoát khỏi cuộc sống hoang dã, mở đầu cuộc sống văn minh; đá là viên đạn đầu tiên giúp ta chiến đấu bảo vệ cuộc sống cho mình và đá cũng là nhạc cụ đầu tiên làm cho cuộc sống của ta thêm thi vị, ý nghĩa và đáng sống... Ngày nay dù nhân loại có đang tiến nhanh vào cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0 thì đá không hề mất đi vai trò quan trọng của nó. Trái lại nó ngày càng cần nhiều hơn cho các công trình xây dựng dân sinh, văn hóa, công nghiệp, quốc phòng...v.v. Mỗi khi con người nhắm mắt, xuôi tay về với tiên tổ thì đều được an táng dưới ngôi mộ xây hay mộ đá, mộ xây thì cũng phải có xi măng làm từ đá và trên ngôi mộ phải có tấm bia bằng đá ghi tên tuổi người quá cố để mai sau, con cháu biết nơi mà tìm về bái yết, tri ân. Đá với người Ninh Bình, người Việt Nam thật sống có nhau, chết có nhau! Từ ngàn đời nay, đá với người đã chung thủy và mãi mãi ngàn ngàn đời sau nữa, đá với người sẽ vẫn là đôi bạn chung thủy.