Những kỷ niệm không quên về Bác
Ngày: 23/11/2021
Đúng vào sinh nhật lần thứ 79 của Bác, ngày 19/5/1969, lúc đó tôi là học sinh lớp 6, Trường cấp II Song Lãng, được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Thư Trì cũ (nay là huyện Vũ Thư)

Đúng vào sinh nhật lần thứ 79 của Bác, ngày 19/5/1969, lúc đó tôi là học sinh lớp 6, Trường cấp II Song Lãng, được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Thư Trì cũ (nay là huyện Vũ Thư). Ngày đó, cả trường chỉ có vài thầy cô giáo có xe đạp đèo mấy đứa chúng tôi xuống Ủy ban hành chính huyện Thư Trì dự Đại hội. Tại Đại hội, mỗi Cháu ngoan Bác Hồ được trao tặng một huy hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, và được tặng một tấm ảnh Bác Hồ quàng khăn cho một thiếu nhi, bên cạnh có “Năm điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng”. Chúng tôi cảm động rơi nước mắt vì vinh dự và tự hào, mình là Cháu ngoan Bác Hồ. Lúc dự Đại hội xong, thầy hiệu trưởng, thầy chủ nhiệm còn đưa mấy đứa chúng tôi vào cửa hàng ăn uống cạnh cầu Thẫm, đối diện Ủy ban, mua cho mỗi đứa hai cái kem một hào, là loại kem ngon của cửa hàng lúc bấy giờ (làm bằng đường trắng).

Tôi về xin thầy chủ nhiệm một tờ báo cũ, đóng đinh lên tường, rồi trang trọng treo tấm ảnh Bác lên đó, đúng giữa gian trung tâm. Hàng ngày, đi học về, nhiều khi tôi cứ đứng lặng một lúc lâu ngắm hình ảnh thương yêu của Bác, tự nhiên những giọt nước mắt ứa ra. Không ngờ, sau đó mấy tháng, tháng 9 năm ấy, Bác đã mãi mãi đi xa…

Ngày cả nước “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” đưa tiễn Bác, tôi còn nhớ mãi, sáng ngày 4/9, chị gái cả tôi bấy giờ là bí thư chi đoàn thanh niên xóm hớt hải chạy về nói với mẹ tôi và chúng tôi (lúc đó bố tôi đang dạy học ở trường xa) trong nước mắt “Bác… Bác Hồ mất rồi”. Tai tôi ù đi, tôi không tin vào tai mình nữa. Sau giây lát, như tỉnh lại với thực tế đau thương, mẹ tôi, các chị gái tôi và em trai tôi ôm lấy nhau thành một vòng tròn, òa khóc nức nở. Chị gái tôi nói thêm “Con vừa được Đoàn thanh niên xã thông báo”. Nói đoạn, chị cầm vội cái loa tay được cuộn bằng sắt tây, sơn xanh treo ở góc nhà, nói với mẹ tôi và chúng tôi: “Con đi thông báo cho bà con đây” (lúc đó chị tôi là bí thư chi đoàn, kiêm đội trưởng đội tuyên truyền lưu động của xã). Một lát, đã nghe tiếng chị tôi ngoài cầu đá ở ngõ giọng run run vang lên: “Loa loa loa, bà con chú ý! Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mất vào hồi 9 giờ 47 phút, ngày mồng 3 tháng 9…” (lúc bấy giờ Đảng và Chính phủ vì tránh ngày Quốc khánh 2/9 nên thông báo như vậy, sau này sửa lại là Bác mất ngày 2/9). Chị nói như nghẹn lại. Mọi người xung quanh chạy ra nghe loa thông tin, ai cũng sụt sùi khóc, nhiều người òa khóc nức nở, cả xóm, cả thôn, cả làng, cả xã khóc Bác như mưa.

Mẹ tôi vào trong buồng lấy mảnh vải đen còn mới, cắt nhỏ, khâu tay viền cho chúng tôi mỗi đứa một cái băng tang, lấy kim băng cài vào ngực áo.

Hôm sau đi học, sau khi cả lớp đứng nghiêm đọc “Năm điều Bác dạy”, thầy chủ nhiệm nghẹn ngào hô “Vĩnh biệt Bác Hồ kính yêu!”. Thầy giáo vừa dứt lời, cả lớp đồng thanh hô 3 lần “Vĩnh biệt!”, rồi cả lớp thầy và trò cùng òa khóc, ôm nhau mà khóc, dựa vào nhau mà khóc, như cho vơi đi nỗi đau thương đến tột cùng này.

Bố tôi là ông đồ, là nhà giáo từ trước Cách mạng, hồi Bác mất cụ đang dạy học ở trường xa, mỗi khi về nhà, rảnh rỗi cụ thường kể lại lần được gặp Bác Hồ, ấy là ngày 28/4/1946, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ hai để động viên nhân dân Thư Trì, Thái Bình đã nhanh chóng hàn khẩu đoạn đê xã Mỹ Lộc (thuộc xã Việt Hùng, Vũ Thư ngày nay) bị vỡ mùa lũ năm 1945 và khen thưởng nhân dân và cán bộ Thái Bình có thành tích bước đầu chống lại giặc đói, giặc dốt. Lúc ấy ông cụ là một trong những cán bộ dạy bình dân học vụ đầu tiên của huyện có thành tích xuất sắc được Mặt trận Liên Việt huyện chọn cử đi gặp Bác, nhưng để giữ bí mật trong việc bảo vệ Bác, nên chỉ được thông báo là đi đón một đồng chí lãnh đạo Trung ương, không ngờ lại được gặp Bác. Bố tôi không tin ở mắt mình “Ôi! Đây là Bác Hồ ư? Mình không mơ chứ! Một vị Chủ tịch nước, một nguyên thủ quốc gia mà giản dị, gần gũi thế này sao?”. Nhìn khuôn mặt hốc hác, khắc khổ, gò má hõm sâu, chòm râu đen lốm đốm sợi bạc, nhưng đôi mắt sáng ngời, sâu thẳm, bố tôi nước mắt chảy dài, thương “Ông Cụ” quá!

Sau khi động viên nhân dân và cán bộ có nhiều cố gắng trong việc hàn khẩu đê, Người nói đại ý: Bây giờ, nước nhà mới giành được độc lập, trước mắt ta là ba thứ giặc giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vì thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm đô hộ nước ta, nô dịch đồng bào ta một lần nữa! Chúng ta phải đồng thời chống lại cả ba thứ giặc ấy. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Riêng về chống “giặc dốt” thì dân ta phải được học chữ ta, học để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Bởi vì dân ta trước đây ít được học nên mới bị thực dân phong kiến áp bức, bắt nạt (ôi! Người dùng từ “bắt nạt” mới dân dã, bình dị làm sao!). Nay nước nhà đã được độc lập, người biết chữ phải dạy người không biết chữ, người biết nhiều dạy cho người biết ít, làm sao đồng bào ta, trẻ, già, đàn ông, đàn bà đều biết đọc, biết viết.

Bố tôi cùng các đại biểu dạy bình dân học vụ tiêu biểu hôm ấy được Bác Hồ trao tận tay tấm Huy hiệu “Chiến sỹ diệt dốt”. Tôi còn nhớ rõ chiếc huy hiệu ấy, chỉ nhỏ bằng chiếc cúc áo đại cán, bên trên dập nổi hình con chim hòa bình màu trắng đang dang cánh dưới bầu trời xanh, phía dưới là hình cuốn sách mở rộng, chính giữa, phía dưới cùng là biểu tượng bánh xe lịch sử có dập nổi bốn chữ cái CSDD (chiến sỹ diệt dốt). Tấm huy hiệu này, bố tôi luôn đeo trang trọng trên ngực trái mỗi khi có lễ tết quan trọng của đất nước, của ngành Giáo dục đến khi cụ qua đời.

Bố tôi kể, từ khi được Bác trao tấm huy hiệu thiêng liêng của Người, trong suốt 9 năm kháng chiến, luôn hết lòng phục vụ nhân dân, đem cái chữ đến cho đồng bào, không quản gian khổ, nhiều lúc cận kề với cái chết, cụ đã 3 lần bị giặc bắt, nhưng đều may mắn thoát chết.

Kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác Hồ, ôn lại những kỷ niệm về Bác không bao giờ quên để tôi và chúng ta luôn ghi nhớ công ơn trời biển của Người, truyền lại cho con cháu lòng biết ơn và kính yêu vô hạn với Bác, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người hôm nay và mãi mãi về sau./.

Đào Xuân Ánh