Cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thi đua lập công mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh
Cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thi đua lập công mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Trung ương đến địa phương đang tích cực đẩy mạnh phong trào: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Đạo đức cách mạng của Bác là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư! Nhân kỷ niệm 95 năm ngày "Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020)" nhớ lại lời dạy thiêng liêng của Bác về chữ "cần".
Bác đã nói: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ, tay siêng làm thì hàm siêng nhai! Mọi người đều phải cần, cả nước đều phải cần. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu. Lười biếng là kẻ địch của chữ cần và lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc”.
Đọc lại những lời Bác dạy, mới thấy chữ cần quan trọng lắm. Nhân lúc sưu tầm một số tư liệu để làm bài thi “Bác Hồ với Thái Bình; Thái Bình làm theo lời Bác”, tôi đọc được câu chuyện "Bác Hồ với báo cứu Quốc" của giáo sư Lê Văn Tân, nguyên là chủ bút báo Cứu Quốc. năm 1947 giáo sư kể rằng:
"Hồi ở chiến khu Việt Bắc, Bác siêng năng đọc báo lắm! Ấn tượng sâu sắc nhất của giáo sư trong thời gian làm việc tại báo Cứu Quốc là sự quan tâm chăm sóc chu đáo của Bác Hồ với từng số báo, có khi cả từng bài báo được in. Bác đọc báo và đánh dấu những câu cần góp ý với ban biên tập. Có lần, tòa soạn nhận được một bức thư trong đó có đoạn: “Cháu thấy Bác Hồ đi nhiều nơi mà chẳng ai bảo vệ, cháu sợ bọn người xấu hại Bác nên cháu rất lo lắng…” Sau khi đọc bức thư đó, đồng chí Xuân Thủy, chủ nhiệm báo Cứu Quốc xúc động nói: "Nên cho đăng báo ngay". Bác đọc bài báo đó, gọi chủ bút đến bảo: “Chú có biết bài báo này của ai không?" Chủ bút Văn Tân thưa: "Thưa Bác, đây là thư của một cháu bé, chúng tôi thấy dí dỏm thì cho đăng". Bác bảo: "Chỉ thấy dí dỏm mà cho đăng à? Lộ bí mật! Quốc dân Đảng mà biết thì nguy”. Bác xem một bức vẽ trên báo, hỏi giáo sư Văn Tân: “Đây là ai vậy?” Chủ bút báo cáo: “Dạ, thưa Bác, anh Lê Hiến Mai đấy ạ”. Bác bảo: Vẽ thế này để làm gì? Đối với dân, khi xem báo, thấy bức vẽ này, họ có ấn tượng về ông tướng ra sao? Tướng lĩnh như vậy thì còn gì là oai phong nữa?. Thế đấy, trong khi mải chỉ đạo đánh giặc giành độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, Bác của chúng ta vẫn siêng năng đọc báo! Vậy mà bây giờ, có người vin cớ bận mải công việc, không ngó ngàng gì đến báo và tạp chí. Mọi người nên học Bác ở điều nhỏ nhất: Siêng năng đọc báo, nghe đài. Muốn xã hội phát triển, muốn dân trí nâng lên văn hóa đọc đi vào cuộc sống, trước hết là phải có chuyển biến từ lãnh đạo. Lãnh đạo có say mê đọc báo, say mê nghe đài thì mới nhanh chóng nắm bắt được chủ trương, biết được thực tiễn. Bác của chúng ta là người siêng năng đọc báo, nghe đài nên Bác nắm chắc tình hình, tư tưởng và nguyện vọng của người dân để từ đó Bác cùng các đồng chí lãnh đạo đề ra cac chủ trương phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vai trò của Báo chí và nhiệm vụ của người làm báo, ở tỉnh ta có một đảng viên 70 năm tuổi đang rất đam mê đọc và viết báo. Đồng chí đó rất xứng đáng là tấm gương để những người làm báo và những nhà lãnh đạo noi theo, đảng viên đó là nhà báo Lê Trọng, nguyên Tổng biên tập báo Thái Bình, nguyên phó giám đốc đài phát thanh và truyền hình Thái Bình.
Nói đến nhà báo Lê Trọng thì nhà văn Bút Ngữ (nguyên chủ tịch hội văn học nghệ thuật Thái Bình) và rất nhiều nhà báo có tên tuổi trong làng báo đều quen biết.
Lê Trọng là bút danh của nhà báo Phạm Chiêm.
Nhà báo Lê Trọng sinh năm 1928 tại làng Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia công tác cách mạng từ rất sớm! Mười bảy tuổi đã được bầu làm bí thư thanh niên xã. Hai mươi tuổi đã đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1950, Thư Trì thành lập đại đội bộ đội huyện, mang phiên hiệu CR10 thì ông là người có tên khá sớm. Huyện uỷ Thư Trì giao cho ông làm trưởng ban địch vận CR10 - C12 do huyện uỷ trực tiếp quản lí và ông mang tên biệt danh Trần Thanh Việt. Tất cả các trận đánh li kì, táo bạo của C12 - CR10, như: Trận Thanh Hương, trận diệt đồn Ô Mễ, trận tập kích đồn Tế Bần (Nam Định)... ông đều tham gia giữ vai trò tổ chức nhân mối và lập công xuất sắc. Đặc biệt với chức danh trưởng ban địch vận, Trần Thanh Việt đã cung cấp các tư liệu để sau nay minh oan cho một nữ công an mật Nguyễn Thị Loan. Bà Loan, quê ở Hồng Lý, được đặc phái trưởng công an Phùng Nhâm Tuất giao nhiệm vụ cắm sâu vào hàng ngũ địch, mật báo tình hình cho ta diệt bốt Tế Bần. Sau khi hạ được bốt địch, bà Loan mắc vào vòng lao lý, bị nghi ngờ là vợ việt gian. Mọi lời chỉ trích, mọi điều ong tiếng ve và cả những trận đòn roi của cha đẻ, bà Loan hoàn toàn gánh chịu. Mãi đến khi hồi kí của nhà báo Lê Trọng được công bố, bà Loan mới được minh oan. Những chiến công của ông lập được trong những năm tháng đánh Pháp đã được đồng đội C12 kể lại và nhiều báo chí đã nêu gương.
Theo nhà văn Bút Ngữ, cựu chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Thái Bình: “Nhà báo Lê Trọng là một trong số gần chục người được giao nhiệm vụ triển khai tờ báo Thái Bình vào đầu thập niên 1960...". Báo "Tiến lên" của Thái Bình là tờ báo kế tiếp "Bản tin Thái Bình". Bí thư tỉnh uỷ Ngô Duy Đông trực tiếp làm chủ nhiệm báo, trưởng ban tuyên huấn làm Tổng biên tập và cán bộ chuyên trách tại toà soạn có: các ông Vũ Văn Hân, Lê Trọng, Nguyễn Văn Thuỷ, Bút Ngữ. Ông Lê Trọng là người có khả năng biên tập giỏi. Thấy được khả năng tiềm tàng của ông, tỉnh quyết định chuyển Lê Trọng từ công tác binh vận sang làm thư kí biên tập ở văn phòng uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh. Sau mười năm công tác ở đó, ông lại được điều sang làm việc tại toà soạn báo Tiến Lên” (tiền thân của Báo Thái Bình).
Nhà báo Lê Trọng kể lại: Ngay sau khi sang toà soạn báo, công việc đầu tiên mà chủ nhiệm báo giao cho ông là viết một bài xã luận cho số báo đầu tiên, phát hành vào Tết Nhâm Dần (1962). Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tất cả các kinh nghiệm biên soạn văn thư đã được ông vận dụng linh hoạt vào công tác biên tập báo. Đồng nghiệp xác nhận: “Ông Lê Trọng là một nhà báo sâu sát thực tế, nhạy bén với thời cuộc, không nề hà ngại ngần trước bất cứ một công việc gì do chủ nhiệm và tổng biên tập giao cho. Ông hăng hái đi cơ sở khai thác tư liệu, viết bài của mình và sửa bài cho các phóng viên, thông tín viên. Một kinh nghiệm rất quý mà nhà báo Lê Trọng trao đổi với tôi là: "Nghe được chuyện gì thì nên ghi ngay vào sổ tay phóng viên. Điều đó rất có ích cho bản thân người cầm bút và có ích cho cả thế hệ kế tiếp. Con cháu chúng ta cũng rất cần những tư liệu quý mà cha ông chúng đã tích cóp được".
Sau rất nhiều năm cống hiến cho làng báo: báo viết, báo nói và báo hình ở Thái Bình, nhà báo Lê Trọng được cấp trên cho nghỉ hưu. Ông bảo: "Nghỉ hưu theo chế độ hiện hành, chứ người làm báo không có ngôn từ hưu trí". Ông vẫn viết báo đều đặn như thuở trước. Ông viết hồi kí thời chống Pháp và chống Mỹ, ông cùng những đảng viên lão thành cách mạng của quê hương biên soạn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tự Tân, lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Vũ Thư, kỉ yếu CR10, hồi kí về những sự kiện đánh đồn, phá bốt Ô Mễ, Thanh Hương, Tế Bần.
Đặc biệt nhà báo Lê Trọng đã cho ra mắt bạn đọc khá nhiều tập thơ, thơ của ông theo dòng truyện thơ lịch sử. Có thể kể ra đây một số tập như: “Đặng Thùy Trâm của chúng ta”, “Phạm Huề Chủy”, “Đường Mười xung trận”.... Gần đây là tập "Đại tướng kỳ tài" viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Truyện thơ lịch sử: "Đại tướng kì tài" của nhà báo Lê Trọng được Hội nhà văn Việt Nam cấp giấy phép xuất bản năm 2015. Các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Trung Trung Đỉnh, Trần Quang Quý, Bùi Đăng Sinh, Nguyễn Văn Sơn đứng tên chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập và tổ chức bản thảo..."Đại tướng kì tài" có 5 chương: chương 1 có tiêu đề: "Tuổi trẻ - Tình Yêu - Lý tưởng"; nói rất rõ về quê hương, tuổi thơ ấu của Đại tướng, thuở Võ Nguyên Giáp làm việc tại báo "Tiếng Dân" và yêu cô nữ sinh Đồng Khánh. Chương 2 "Thầy trò hoan hỷ", chương 3 "Đường tới chiến thắng Điện Biên Phủ"; chương 4 "Thắng Mỹ" và chương 5 "Hậu chiến". Nhà báo Lê Trọng đã dành cả tâm huyết, thời gian, tình cảm để sưu tầm tư liệu về Đại Tướng để viết nên cuốn truyện thơ lịch sử khá dày, khá công phu. Ông đọc nhiều sách, có cuốn sách dày hơn một nghìn trang, ông sàng lọc từng con chữ, dồn tâm trí vào từng câu thơ viết về Đại tướng. Có những câu thơ rất tuyệt vời:
"Mưu cao tướng Giáp định từ lâu
Căng mỏng địch ra đánh yết hầu
Nó dàn trận địa, ta phân tán
Mày nống ra ngoài, tao luồn sâu..."
Chương "Đường tới chiến thắng Điện Biên Phủ" có những câu thơ rất hay, ai đọc lên đều khen:
"Lừng lẫy hoàn cầu trận Điện Biên/ Thắp lên ngọn đuốc sáng trăm miền/ NaVa say máu tung đòn hiểm/ Đờ Cát giơ đầu hứng trận điên/Thuộc địa Á Phi đành thế vậy/ Bạo quyền Âu Mỹ ấy càng thêm/ Tầng không Hà Nội ai ngờ tới/ Mười tám năm sau lại Điện Biên".
Chương cuối của truyện thơ lịch sử "Đại tướng kỳ tài" Nhà báo Lê Trọng dành nhiều câu thơ viết về bà nữ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái, người con cả Võ Hồng Anh, phu nhân Đặng Thị Bích Hà và những người con của Đại tướng:
"...Một dòng sông xanh thẳm
Phu nhân Đặng Bích Hà
Hòa Bình thêm Hạnh Phúc
Điện Biên mãi vang ca
Hồng Nam lưu danh bút
Nhân văn thành tên tuổi
Một nhà trong muôn nhà"...
Nhà báo Lê Trọng, nguyên Tổng biên tập báo Thái Bình, trên 90 tuổi đời, đã được nhận huy hiệu 60, 65, 70 tuổi Đảng. Một nhà báo có biệt tài làm thơ lịch sử. Ông đã được nhận kỷ niệm chương "vì sự nghiệp báo chí Việt Nam", "vì sự nghiệp phát thanh, truyền hình Việt Nam". Một tấm gương đam mê học Bác mỗi ngày.
Cao Bá Khoát