Một số di tích về chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Thái Bình
Ngày: 23/11/2021
Cũng như nhiều nơi trong toàn quốc, Thái Bình là một tỉnh đã được nhiều lần Bác Hồ về thăm.

Cũng  như  nhiều  nơi trong toàn quốc, Thái Bình là một tỉnh đã được nhiều lần Bác Hồ về thăm. Những di tích và địa điểm di tích Bác về thăm đã được khảo sát biên tập nội dung sự kiện, tu bổ, tôn tạo, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp Quốc gia; hoặc xây dựng những công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành thiết chế văn hóa quan trọng của mỗi địa phương trong tỉnh.

Kể từ năm 1946 đến năm 1966, Bác Hồ đã về thăm Thái Bình 5 lần, đã có trên 10 di tích và địa điểm di tích Bác đã đến thăm, làm việc, động viên, thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Dưới đây là kết quả điều tra khảo sát các di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Bình

1. Đoạn đê Đìa (đê sông Hồng)

Thuộc địa phận làng Đìa, xã Hồng Hà, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Nay là xã Hồng An, huyện Hưng Hà.

Tháng 8/1945, đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ, gây lụt lội toàn tỉnh. Trước tình hình đó, nhân chuyến đi thăm các tỉnh hạ lưu sông Hồng bị lụt lội, ngày 10/1/1946, Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ đã từ Hưng Yên sang thăm đê Đìa. Khi dừng chân trên đê, Bác đã động viên và nhắc nhở nhiệm vụ trước mắt là đắp đê chống lụt, chống nạn đói.

Sáng 28/4/1946, sau khi dự lễ mít tinh lớn tại Thị xã để mừng công khánh thành đê Đìa và đê Mỹ Lộc; Chiều ngày 28/4/1946, Bác và phái đoàn Chính phủ đã lên Hưng Nhân dự lễ mít tinh khánh thành đê Đìa. Nhân dân các huyện Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân vui mừng đón Bác. Bác khen ngợi thành tích đắp đê của địa phương, tinh thần đoàn kết của đồng bào trong sản xuất, cứu đói...

Để ghi nhớ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 2 lần năm 1946, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng An, huyện Hưng Hà đã xây dựng đền thờ Bác Hồ cách đoạn đê bị vỡ ngày ấy 300m. Đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hồng An được khởi công xây dựng vào năm 1996 và khánh thành vào năm 1998.

2. Trụ sở UBHC tỉnh Thái Bình

Nguyên là tòa Công sứ Thái Bình, sau cách mạng tháng 8/1945 là trụ sở Ủy ban cách mạng Lâm thời tỉnh Thái Bình. Sau đó là trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình, nay là khu trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh (mới) tỉnh Thái Bình, thuộc phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình. Nơi Bác Hồ về làm việc với lãnh đạo tỉnh lúc 15h ngày 10/1/1946 và ngày 20/10/1958.

15h ngày 10/1/1946, sau khi thăm đê Đìa (Hưng Nhân), Bác về làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình tại trụ sở. Được tin Bác Hồ về, đồng bào thị xã kéo đến rất đông tại sân, vườn, cổng trụ sở.

Bác dành khoảng 30 phút nói chuyện với đồng bào. Bác nói nước ta đã độc lập, mọi người dân làm chủ đất nước, toàn dân phải tích cực tham gia đắp đê chống lụt, chống nạn đói. Tại trụ sở này, Người đã chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đồng bào.

Ngày 26/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Thái Bình, Người đã gặp gỡ Thường vụ Tỉnh ủy và UBHC tỉnh trụ sở UBHC tỉnh.

Người đã nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình và những công việc đã làm trong năm 1958.

Trụ sở UBHC tỉnh đã bị phá hủy trong chiến tranh và được xây dựng lại trong những năm gần đây. Vị trí xưa của trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời và trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình, được xác định: Giáp đường Lý Thường Kiệt về phía Đông Bắc, giáp đường Trần Hưng Đạo về phía Tây Bắc, giáp đường Hoàng Diệu về phía Tây Nam, giáp đường Lê Lợi về phía Đông Nam.

3. Nhà trí thể dục và sân vận động Thị xã Thái Bình

Hai địa điểm này sát liền nhau. Nay là Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao và sân vận động tỉnh Thái Bình, thuộc phường Đề Thám, thành phố Thái Bình. Phía Tây Bắc, giáp đường Hai Bà Trưng, phía Đông Nam giáp đường Trần Nhân Tông, phía Tây Nam giáp đường Nguyễn Bảo, phía Đông Bắc giáp đường Nguyễn Thái Học. Đây là nơi Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Thái Bình 2 lần vào ngày 28/4/1946 và ngày 26/10/1958.

9h30' ngày 28/4/1946, tại nhà Trí thể dục Thái Bình, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh tổ chức lễ mít tinh lớn mừng công khánh thành đê Đìa (Hưng Nhân), đê Mỹ Lộc (Thư Trì). Hồ Chủ Tịch và đại biểu Chính phủ dự. Tại buổi lễ này, Bác đã khen ngợi thành tích đắp đê của nhân dân Thái Bình, hoan nghênh tinh thần đoàn kết trong lao động sản xuất cứu đói của đồng bào. Bác kêu gọi phải ra sức diệt ba kẻ thù, trước mặt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Sáng ngày 26/10/1958, tại sân vận động Thị xã Thái Bình, trên 4 vạn đại biểu nhân dân đã đội ngũ chỉnh tề để đón Bác. Nhân Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh tổ chức hội nghị sản xuất đông xuân toàn tỉnh. Bác mặc bộ quần áo gụ, đội mũ cát, đi dép cao su đen. Tại buổi mít tinh này, Bác nói với đồng bào Thái Bình: Trong kháng chiến đồng bào và cán bộ Thái Bình đã anh dũng đánh giặc. Hòa bình lập lại đã cố gắng lập nhiều thành tích trong khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa. Bác chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của đồng bào và cán bộ Thái Bình. Bác nêu ra 6 nhiệm vụ trước mắt là: Củng cố tổ đổi công, hợp tác xã, việc phục hồi nông nghiệp các cán bộ các ngành, các giới, vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên... Bác kêu gọi đồng bào và cán bộ Thái Bình phải cố gắng làm cho tỉnh nhà trở thành một tỉnh gương mẫu trong miền bắc.

4. Công trường xây dựng nhà máy xay tỉnh Thái Bình

Nằm bên tả sông Trà Lý, giáp chân cầu Bo về phía thành phố Thái Bình ngày nay. Phía Tây Bắc giáp đường 10 chạy qua cầu Bo (đường Nhà máy Xay). Phía Tây Nam giáp đường Lý Thường Kiệt, phía Đông Bắc giáp sông Trà Lý, phía Đông Nam giáp đường Trần Thánh Tông, thuộc phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình.

Năm 1958, công trình nhà máy xay của tỉnh Thái Bình là một công trình trọng điểm do các chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ. Ngày 26/10/1958, nhân chuyến thăm và dự Hội nghị sản xuất Đông Xuân toàn tỉnh. Bác Hồ đã đến thăm các chuyên gia Trung Quốc đang giúp chúng ta xây dựng nhà máy xay. Nhà máy xay đã bị phá hủy trong chiến tranh, sau được khôi phục hoạt động đến những năm thời kỳ bao cấp. Hiện nay chỉ còn lại từng khu vực và dấu tích.

5. Xã Nam Cường, huyện Tiền Hải

Cách trung tâm huyện Tiền Hải 10km, là xã hình thành trong phong trào khai hoang lấn biển từ năm 1961. Ngày 26/3/1962 Bác Hồ về thăm Nam Cường. Trên vùng bãi biển vừa được khai hoang lập làng, Bác Hồ đã nói chuyện, thăm hỏi, cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Vị trí Bác nói chuyện với hàng ngàn cán bộ và nhân dân Thái Bình ngày ấy, nay là khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích đã được Bộ VHTT&DL cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia .

6. Nhà chị Lựu, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải

Ngày 26/3/1962, khi về thăm Nam Cường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm nhà chị Lựu, một hộ nông dân tham gia khai hoang lập làng mới. Người xoa đầu cháu nhỏ, nhắc nhở gia đình các đồng chí cùng đi, phải giữ gìn vệ sinh, bảo vệ đôi mắt, tránh nạn đau mắt hột. Ngôi nhà này hiện không còn tồn tại, và không xác định được vị trí.

7. Đình Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Thuộc thôn Nho Lâm, xã Đông Lâm cách huyện lỵ Tiền Hải 6km. Đây là địa điểm nhân dân địa phương biểu tình chống Pháp ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và giảm sưu thuế, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tiền Hải. Năm 1962, xã Đông Lâm là hậu phương quan trọng của phong trào khai hoang lấn biển ở Nam Cường.

Ngày 26/3/1962, Bác Hồ về thăm Nam Cường, Bác đã đến thăm Hội nghị sản xuất giỏi toàn tỉnh Thái Bình tổ chức tại xã Đông Lâm. Đại biểu Đảng bộ và nhân dân địa phương đã nghe Bác nói chuyện dưới mái đình Nho Lâm.

8. Nhà ông Du, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Ngày 26/3/1962, sau khi nói chuyện ở đình Nho Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm nhà ông Du ở cạnh đó và chụp ảnh chung với các đại biểu sản xuất giỏi của tỉnh. Ngôi nhà này nay chỉ còn dấu tích.

9. Nhà làm việc của Tỉnh ủy Thái Bình ở nơi sơ tán, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư.

Những năm 1965, 1966, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông phải sơ tán về thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư ngày nay.

Khuôn viên của văn phòng Tỉnh ủy và đồng chí Ngô Duy Đông, cách trung tâm thị xã (nay là Thành phố Thái Bình) gần 6km, trên diện tích 2.700m2. Văn phòng Tỉnh ủy sơ tán gồm 3 công trình:

- Nhà tre lợp lá 9 gian, tường dày 1m, đắp bằng đất. Trong nhà có hệ thống hầm thông suốt chiều dài nhà ra hệ thống hầm, hào, hố cá nhân bên ngoài. Mỗi phòng đều có lối thoát xuống hầm, đây là nơi làm việc của văn phòng của Tỉnh ủy.

- Nhà bếp, giếng nước, bể nước, bàn giặt, nhà vệ sinh.

- Nhà 6 gian lợp ngói phía Tây là nhà khách của Văn phòng Tỉnh ủy.

Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên toàn miền Bắc đạt 5 tấn thóc/1ha. Ngày 31/12/1966 Bác Hồ đã về thăm và làm việc với các đ/c lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Bác và các đồng chí cùng đi đã nghỉ lại khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy một đêm cuối cùng năm 1966. Sáng hôm sau, Bác đi thăm xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư.  

Khi Người qua đời, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ra chỉ thị quyết định giữ lại ngôi nhà Bác đã làm việc và nghỉ lại một đêm tại văn phòng Tỉnh ủy ở nơi sơ tán để lưu niệm sự kiện Bác về thăm Thái Bình lần cuối cùng.

Ngôi nhà khách lợp ngói phía Tây của Văn phòng Tỉnh ủy được sử dụng làm nhà trưng bày những tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ và Thái Bình sản xuất và chiến đấu. Sau đó, lại được chuyển thành nhà khách.

Năm 1974, UBND tỉnh quyết định xây dựng nhà trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật 5 lần Bác về thăm Thái Bình. Sau năm 1975, văn phòng Tỉnh ủy ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, được xác định là khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, yếu tố gốc của di tích là khu nhà lá và các công trình phụ cận cùng các di vật, hiện vật trong khuôn viên.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý và phát huy tác dụng. Đến năm 1986, khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Nhà nước, năm 1986. Năm 2007, UBND tỉnh đã giao quyền quản lý Nhà nước về di tích này cho UBND huyện Vũ Thư.

Năm 2010, UBND tỉnh đã quyết định giao cho UBND huyện Vũ Thư xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng khu Lưu niệm Hồ Chủ Tịch ở xã Tân Hòa. Với chủ trương, giữ gìn nguyên trạng các di tích, di vật gốc nhà làm việc của Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình - nơi Bác Hồ đã làm việc và nghỉ lại một đêm cuối năm 1966. Các công trình như nhà khách, nhà trưng bày và tưởng niệm Hồ Chủ Tịch, hồ nước, tường dậu bao viền, khu công viên, bãi xe... đã được xây dựng, hoàn thành nhân dịp kỉ niệm 45 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình lần cuối cùng (31/12/1966 - 31/12/20).

Tháng 7/2012, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã về làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình và kết luận nhiều vấn đề về sự nghiệp phát triển VHTT&DL của tỉnh trong những năm trước mắt và lâu dài. Trong đó, kết luận 3.7 chỉ rõ: Giao cục DSVH phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh hướng dẫn giúp tỉnh Thái Bình sưu tầm bổ sung và trưng bày hiện vật tại khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (huyện Vũ Thư) nhằm phát huy giá trị di tích gắn liền với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dự án tu sửa, phục chế, bảo quản, sưu tầm và trưng bày hiện vật tại khu lưu niệm chủ tịch Hồ chí minh tại xã Tân hòa Huyện Vũ Thư đã hoàn thành vào năm 2018.

10. Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư

Đình Phương Cáp, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư ngày nay, cách trung tâm Thành phố Thái Bình 15km. Di tích Đình Phương Cáp là một ngôi đình bằng gỗ to, đẹp, gồm 4 tòa tạo nên một quần thể kiến trúc khép kín. Phía trước là một tòa tiền tế 7 gian, đệ nhị 3 gian, hậu cung 5 gian, hai bên hai tòa tả vu, hữu vu, 3 gian, kết cấu nội cung, ngoại quốc, mái chéo tàu góc, lợp ngói vẩy rồng.

Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư - nơi Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình, đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) xếp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, năm 1986.

Vũ Đức Thơm