Vài nét về di sản nho học ở Thái Bình
Ngày: 23/11/2021
Trước hết, khái niệm di sản nho học hay di sản văn hóa về nho học là một khái niệm rộng, bao gồm các di sản vật thể và phi vật thể về sự hình thành và phát triển cùng những đóng góp lớn lao của nho học trong lịch sử văn hóa nước nhà

Trước hết, khái niệm di sản nho học hay di sản văn hóa về nho học là một khái niệm rộng, bao gồm các di sản vật thể và phi vật thể về sự hình thành và phát triển cùng những đóng góp lớn lao của nho học trong lịch sử văn hóa nước nhà.

Bài viết nhỏ này, chỉ xin được khảo vài nét về những di sản văn hóa vật thể gồm: di tích, di vật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển của nho học ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ - tỉnh Thái Bình.

Thái Bình là một vùng đất được hình thành sớm, có tuổi đời trên dưới 2.000 năm, được phát triển mở rộng về phía Đông Nam qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt từ đầu thế kỷ XIX với vai trò của Doanh điền sứ Nguuyễn Công Trứ.

Hiện nay, tỉnh có tổng diện tích 1495,88km2, dân số xấp xỉ 2 triệu người, gồm 7 huyện và 1 thành phố, 285 xã phường, thị trấn; có sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa là biên giới phía Tây, Nam, Bắc; giáp với Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng; phía Đông giáp biển. Đây là một tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; trong đó có truyền thống học hành khoa bảng - truyền thống hiếu học. Điều ấy được minh chứng qua các di tích, di vật; đặc biệt là hệ thống văn khắc, văn bản Hán Nôm trên các loại chất liệu (kim loại, đá, giấy, gốm, sứ và đất nung) tại các di tích từ đường, văn chỉ, đình, đền, chùa, miếu tại các làng xã Thái Bình.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ qua đợt tổng kiểm kê di tích tỉnh Thái Bình, năm 2007 của Bảo tàng tỉnh, thì: Toàn tỉnh hiện đang tồn tại trên 2.000 các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm lịch sử (không kể nhà thờ Thiên chúa giáo). Trong đó:

Văn chỉ, văn từ: trên 20

Lăng mộ: trên 30

Từ đường: trên 160

Số di tích cấp Quốc gia: trên 90

Số di tích cấp tỉnh: trên 400

Dưới đây chúng tôi xin được khái quát về di tích và di vật liên quan đến nho học ở Thái Bình như sau:

I. Về di tích:

1. Văn từ, văn chỉ

Trong số những di tích của Thái Bình thì số lượng di tích là văn từ, văn chỉ chỉ còn lại rất ít, chiếm khoảng 1,5 - 2%. Hầu hết các loại di tích này đã bị phá hủy. Hiện còn một số văn từ, văn chỉ khá hoàn chỉnh: Văn từ tại làng Trung Châu, xã An Cầu (Quỳnh Phụ); văn từ làng Bổng Điền, xã Tân Lập (Vũ Thư)... ở rải rác các làng xã trong toàn tỉnh, chỉ còn lại một phần công trình hoặc dấu tích văn tự, văn chỉ trên khu đất đang được phục hồi. Thường thường văn từ, văn chỉ là các công trình kiến trúc nhỏ, có mái che hoặc không có mái che, có bát hương thờ Khổng Tử, có bia ghi danh các vị đỗ đạt trong làng, trong tổng. Nhiều nơi văn từ bị phá hủy, bia ghi danh đưa về đình làng để thờ phụng, bảo quản. Văn tế Khổng Tử và các vị tiên hiền của làng được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Rất tiếc ở Thái Bình mới có một văn từ, văn chỉ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Theo tài liệu điều tra, trong làng hoặc trong tổng nào có nhiều người đỗ đạt thì mới được xây dựng văn từ, văn chỉ. Ở Thái Bình hiện có 118 vị đỗ đại khoa và hàng trăm vị đỗ cử nhân, rất nhiều các vị khóa sinh đã qua các kỳ thi hương. Mỗi ông nghè, ông cử, ông khóa, ông kép đều có những giai thoại, những câu chuyện về cuộc đời bút nghiên thi cử. Có làng ở Thái Bình xuất hiện phụ tử đồng khoa, các thế hệ cha, con, chú, bác, cháu cùng đi thi như làng Bệ, xã An Bài (Quỳnh Phụ); lại có làng Duyên Hà (xã Độc Lập - Hưng Hà) - nơi sinh trưởng nhà bác học Lê Quý Đôn, thế kỷ XVIII, một danh tài trí thức đại khoa của đất nước. Có những trí thức đại khoa trung quân, ái quốc, liêm chính, khảng khái như: Bùi Sĩ Tiêm (Đông Kinh, Đông Hưng); Tiến sĩ Phạm Thế Hiển (Thụy Phong, Thái Thụy); có làng Hải An (Quỳnh Côi) - quê ngoại của đại thi hào Nguyễn Du; các trí thức đại khoa như: Đoàn Nguyễn Tuấn, Doãn Uẩn, Doãn Khuê... có nhiều công trạng với quốc gia thế kỷ XIX.

Tuy số lượng thống kê các vị đỗ đạt ở Thái Bình từ Cử nhân đến Tiến sĩ qua các thời chưa thật đầy đủ và số lượng không lớn như các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên... nhưng Thái Bình có quyền tự hào rằng: Không ít những trí thức đại khoa của Thái Bình đã trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời Nho học Việt Nam.

2. Từ đường và lăng mộ các trí thức Nho học

Trong khi kiểm kê loại hình từ đường dòng họ và lăng mộ ở Thái Bình; chúng tôi tập trung kiểm kê tới các từ đường, lăng mộ các vị trí thức đại khoa, được trưởng thành qua "Cửa Khổng sân đình" ra làm quan, phụng sự, bảo vệ đất nước. Trong tổng số trên 160 từ đường và hàng vài chục lăng mộ đã kiểm kê thì có tới 1/5 thuộc loại trên. Cụ thể toàn tỉnh có 31 di tích Từ đường và Lăng mộ  các trí thức Nho học ở Thái Bình. Trong đó có 12 di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 04 di tích chưa xếp hạng. Ngoài ra còn có các miếu, đền thờ các vị Tiến sĩ đại khoa như:

- Miếu Đài Vường, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng thời Tiến sĩ Nguyễn Hán Đình (xếp hạng cấp tỉnh).

- Miếu Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ thờ Trạng nguyên Vũ Duệ (xếp hạng cấp tỉnh).

- Đền thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (xếp hạng di tích cấp Quốc gia).

Nhìn chung hệ thống di tích liên quan đến Nho học ở Thái Bình đang được bảo tồn và phát huy giá trị giáo dục tại địa phương, mục đích nhằm tri ân và tôn vinh công lao, tài năng, trí tuệ  của đội ngũ trí thức đại khoa của Thái Bình trong lịch sử. Đồng thời góp phần khẳng định và tôn vinh một nền văn hóa, với sự ra đời của hệ thống giáo dục Nho học Việt Nam.

II. Di vật

Chúng tôi tập trung giới thiệu những loại hình di vật thường gặp trong các di tích, phản ánh sự phát triển và tồn tại của Nho học Thái Bình trong lịch sử. Đó là các loại văn khắc, văn bản trên các loại chất liệu: đá, kim loại, giấy, gốm sứ và đất nung có niên đại trước năm 1945. Cụ thể là:

- Bia đá: 907 cái (tấm)

- Chuông đồng: 941 quả

- Thần tích: 272 cuốn

- Sắc phong: 4264 tờ

- Câu đối: 2244 đôi

- Đại tự, cuốn thư: 1903 cái

Qua hệ thống các di vật văn khắc, văn bản Hán Nôm trên, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

1. Về bia đá

Với 907 tấm bia có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn hiện tồn tại ở các di tích tín ngưỡng tôn giáo, văn chỉ, từ chỉ, là những tài liệu Hán Nôm vô cùng quý trong kho di sản Nho học ở Thái Bình. Nội dung các văn bia tập trung vào các vấn đề chính như: ghi công, ghi danh những người đã có công đóng góp xây dựng công trình; ghi danh các vị đỗ đạt, khoa bảng (bia văn từ huyện Phụ Dực ở xã An Bài (Quỳnh Phụ); bia văn từ xã Tự Tân ở đình Phú Lễ (Vũ Thư); bia văn chỉ làng Trung Châu, xã An Cầu (Quỳnh Phụ); bia văn chỉ huyện Đông Quan tại đình Lịch Động, xã Đông Các). Các tấm bia tại chùa ông Lâu - Xuân Hòa (Vũ Thư), bia chùa Từ Ân, xã Đông Vinh (Đông Hưng); bia chùa Đồng Bát, xã Thụy Xuân (Thái Thụy)... là loại bia có niên đại sớm từ thời Trần có giá trị nghiên cứu về sự phát triển của lịch sử Phật giáo nước nhà.

Hệ thống bia thời Lê - Mạc, Lê Trung Hưng tại các di tích ở Thái Bình chiếm vị trí khá lớn (trên 50%), không chỉ có giá trị nội dung mà còn có giá trị mỹ thuật điêu khắc qua loại hình, kiểu giáng, hoa văn trên trán bia.

Hệ thống bia chùa La Vân (Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ); chùa Cả (Mê Linh), bia Hoa Nam, bia Chương Dương (Đông Hưng); bia chùa Keo (Vũ Thư); bia Cổ Tuyết (An Vinh, Quỳnh Phụ), là những tấm bia có niên đại thế kỷ XVI - XVIII vô cùng quý. Đặc biệt, cụm bia tượng đá ở Chương Dương (Đông Hưng) là loại hình bia có dạng hình trụ, gắn liền với những bài văn bia của cụ Lê Trọng Thứ - thân phụ nhà bác học Lê Qúy Đôn, viết về Quận công Phạm Huy Đĩnh triều Lê Trung Hưng. Hoặc hệ thống bia chùa La Vân (Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ), ghi tiểu sử và công trạng của Quốc sư Nguyễn Minh Không thời Lý, bia có niên đại Đức Long (thế kỷ XVII).

2. Về chuông đồng, khánh đồng

Là một trong những loại hình di vật tiêu biểu tại các chùa Thái Bình, hiện còn 941 quả chuông đồng có khắc di văn, có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Chưa phát hiện quả chuông có niên đại trước thế kỷ XVI. Riêng chuông và Khánh Đồng tại chùa Sơn Đồng (Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ) có niên đại Mạc Quảng Hòa, là di sản văn khắc Hán Nôm trên chất liệu đồng sớm nhất của tỉnh Thái Bình. Chuông đồng chùa Keo (Duy Nhất, Vũ Thư), chùa xã Thụy Lương (Thái Thụy), chùa Đọ, chùa Sơn Đồng là những quả chuông có kích thước lớn, lượng văn khắc trên chuông nhiều, nội dung lịch sử quan trọng. Chúng ta gặp lại các bài minh chuông của các trí thức đại khoa như: Lê Qúy Đôn khắc trên chuông chùa xã Thái Giang, Đông Nhạc Hầu tiến sĩ Nguyễn Duy Hằng tại chuông chùa Đông Lĩnh (An Bài), chuông chùa Đọ (Đông Sơn, Đông Hưng)...

3. Về thần tích, sắc phong

Đây là loại hình di vật chất liệu giấy trong di tích rất khó bảo quản vì điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên dễ mục nát. Tuy vậy con số 4264 tấm sắc phong và 272 cuốn thần tích chữ Hán là những di sản Hán Nôm quan trọng và có giá trị ở Thái Bình. Hiện nay, chưa có một tấm sắc phong nào có niên đại từ đầu thế kỷ XVIII trở về trước. Thường gặp sắc phong từ thời Cảnh Hưng đến thời Nguyễn (Khải Định). Các thần tích cũng thường được sao lại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) hoặc có một vài cuốn có niên đại sao lại vào giữa đến cuối thế kỷ XVIII, nhưng chữ rất nhỏ và giấy đã bị mục nát. Nội dung các sắc phong và thần tích giúp chúng ta nhiều vấn đề khi nghiên cứu về lịch sử di tích và lịch sử làng xã.

4. Câu đối, đại tự, cuốn thư, hoành phi

Đây là loại di vật tiêu biểu về chất liệu gỗ. Hầu hết loại hình di vật này có niên đại vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX đến năm 1945). Điều đáng ghi nhận ở đây là nội dung các câu đối, đại tự, cuốn thư, hoành phi với các kiểu dáng khác nhau, trang trí, chạm khắc các đề tài phong phú, đa dạng đã làm gia tăng giá trị mỹ thuật, giá trị văn học của loại hình di vật này trong lịch sử Nho học Việt Nam. Điển hình là các câu đối; đại tự, hoành phi ở đền Đồng Bằng, La Vân (Quỳnh Phụ); chùa Keo... với các kiểu chữ chân, triện, thảo, các thể minh văn, thơ đường, các vế đối vừa Nôm vừa Hán, 7, 9, 11,13 chữ một vế đối. Các loại hình câu đối bản phẳng, lòng máng biến thể, trạm trổ trên các khung viền, nền chuyển tải những triết lý, lý luận giáo dục của Nho giáo (Khổng giáo).

Một vài tư liệu trên đây tuy chưa được đầy đủ nhưng là những nét chấm phá về bức tranh toàn cảnh di sản Nho học ở Thái Bình trong lịch sử.

Vũ Đức Thơm