Phác họa chân dung người thầy dạy vua Hàm Nghi
Ngày: 23/11/2021
Lịch sử dân tộc Việt Nam từng lưu danh những bậc học quan giàu tài năng, phẩm hạnh, không chỉ với những võ công, văn nghiệp truyền đời mà còn thành danh trong việc đào tạo nhiều môn sinh trở thành những đấng minh quân hoặc những bậc tôi hiền

Lịch sử dân tộc Việt Nam từng lưu danh những bậc học quan giàu tài năng, phẩm hạnh, không chỉ với những võ công, văn nghiệp truyền đời mà còn thành danh trong việc đào tạo nhiều môn sinh trở thành những đấng minh quân hoặc những bậc tôi hiền. Cử nhân Nguyễn Doãn Cử (1821 - 1890), quê xã Duy Nhất huyện Vũ Thư là một trong những trường hợp như thế. Về võ công thì Nguyễn Doãn Cử được lưu danh là một sỹ phu yêu nước lẫy lừng, từng xả thân cùng các nghĩa sỹ giữ thành Nam Định lần thứ hai (1883), từng vẽ bản đồ hoạch định khu đề kháng chống Pháp, tương đương với địa dư, duyên cách của tỉnh Thái Bình (khi chưa thành lập tỉnh). Về văn nghiệp ông không chỉ lưu danh với Bằng Phi thi tập mà còn truyền lại cho đời sau một bản Kiều vào loại cổ nhất hiện có. Về đạo làm thầy thì ông đã đào tạo Thái tử Ưng Lịch, trở thành vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước đã ban chiếu Cần vương chống Pháp vào năm 1885 và nhiều môn sinh khác vừa hiển đạt khoa danh vừa trở thành những yếu nhân trong các phong trào yêu nước chống Pháp.

Khi đề cập đến truyền thống học hành, khoa bảng ở Thái Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung thì có thể dễ dàng kể đến nhiều dòng họ văn hiến từng có những nhà giáo thành danh, nhưng nếu nói về truyền thống một gia đình có toàn bộ sáu anh em đều là nhà giáo, từng nổi tiếng trong triều ngoài trấn, đáng được xem là một hiện tượng hy hữu trong lịch sử giáo dục của Việt Nam thì phải kể đến dòng họ Nguyễn Doãn ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là chiếc nôi sinh thành ra danh nhân Nguyễn Doãn Cử.

Tổ tiên họ Nguyễn Doãn vốn ở làng Dũng Nhuệ, sau đổi là Hành Dũng Nghĩa từ rất lâu đời. Bia chùa Keo (Thái Bình) còn khắc ghi danh tính các cụ ở dòng họ này đã có công xây dựng chùa vào những năm 1060 và có công chấn hưng Phật giáo, mở mang sự nghiệp giáo dục ở vùng đất này. Vào thời Lê dòng họ này có Nguyễn Công Khuê thi đậu tú tài rồi ở nhà mở trường dạy học, đã đào tạo được hàng chục môn sinh hiển đạt. Mệnh mạch khoa danh của dòng họ này bắt đầu nở rộ từ triều Nguyễn với cử nhân Nguyễn Doãn Trung từng làm quan tới chức Hàn lâm viện Thị độc học sỹ, là một trong những nhà giáo nổi tiếng ở trấn Sơn Nam thời bấy giờ. Nguyễn Doãn Trung cùng người vợ là con một vị Tiến sỹ nhà giáo người làng Hoàng Xá (cùng huyện) sinh được sáu người con trai đều học hành thành đạt. Cả sáu người đều là nhà giáo. Trong số sáu người này thì có ba người đỗ Cử nhân. Đáng được coi là một gia đình khoa bảng hy hữu của Việt Nam.

Người con cả là Nguyễn Doãn Vọng đậu Cử nhân khoa Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867), làm quan tới chức Đốc học Nghệ An, vốn là thầy học của nhiều bậc danh sỹ nổi tiếng ở Nghệ - Tĩnh như Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận. Người con út là Nguyễn Doãn Tựu, thi đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870), từng làm Đốc học rồi được thăng bổ tới chức Tuần phủ Hà Tĩnh, khi hưu quan cũng lại mở trường dạy học ở quê.

Người con thứ ba là Nguyễn Doãn Cử sinh ngày 7 tháng 5 năm Tân Tỵ (1821), tên hiệu Bằng Phi. Tương truyền là khi cất tiếng khóc chào đời, Nguyễn Doãn Cử đã mang nét dị thường của một cậu bé có dáng mạo thông minh dĩnh ngộ. Sau ít năm dạy chữ, tập văn cho cậu tại nhà, Nguyễn Doãn Cử đã được gia đình cho sang làng Bái Dương (Nam Định) theo học Tiến sĩ Ngô Thế Vinh, một danh sĩ nổi tiếng đương thời. Tư chất và phẩm hạnh của Doãn Cử đã sớm được được thầy yêu, bạn trọng và được chọn làm trưởng tràng. Thế nhưng, đường khoa cử của Nguyễn Doãn Cử không mấy hanh thông. Mãi đến năm 43 tuổi, ông mới đỗ Cử nhân vào khoa thi Giáp Tý (1863).

Ngay sau khi thi đỗ, Nguyễn Doãn Cử được bổ làm Huấn đạo huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), rồi Tri huyện huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), Tri huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Trải 10 năm làm thày, làm quan ở những vùng xa xôi, trong nam, ngoài bắc, tài năng và tiết tháo của Nguyễn Doãn Cử đã được triều đình biết đến.

Năm 1873, thực dân Pháp nổ súng tiến đánh Bắc kỳ lần tứ nhất. Sau khi đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, quân xâm lược Pháp đã chuẩn bị triển khai đánh chiếm các tỉnh trung du, miền núi. Trong tình thế bức bách đó, Nguyễn Doãn Cử đã được triều đình tin cậy cử giữ trọng trách quyền Tuần phủ Sơn - Hưng – Tuyên, một vùng đất cửa ngõ nối Hà Nội với vùng trung du, miền núi phía bắc. Được giao trị nhậm ở vùng đất hiểm yếu này, Nguyễn Doãn Cử đã dốc tâm vào các hoạt động để yên dân như tiễu phỉ, huấn luyện quân binh, giúp dân mở mang đồn điền, an cư lạc nghiệp, chăm lo việc học, nghiêm trị bọn quan lại tham những được dân chúng tôn xưng là Hoạt Phật (Phật sống).

Do tài năng, phẩm hạnh và uyên thâm về kinh sách, thông tỏ về thực tiễn nên vào năm 1879, Nguyễn Doãn Cử được triệu về kinh, vừa là Giảng dụ quan phủ Tôn nhân, dạy bảo các hoàng tử vừa là Hàn lâm viện thị giảng kiêm Quốc sử quán biên tu. Vốn là người trọng nghĩa khí nên khi ở cương vị giảng dụ quan ở Phủ Tôn Nhân, Nguyễn Doãn Cử vẫn giữ vững sự nghiêm khắc cần thiết của người thầy. Có chuyện lưu truyền là sau một lần Nguyễn Doãn Cử dùng roi quất một học trò trong số các vương tôn, thái tử, ông đã chủ động dâng sớ lên vua Tự Đức để nhận tội. Khi đọc sớ, vị vua Tự Đức đã châu phê: “Khanh nể trẫm, là nể trọng khuôn phép, chứ không phải nể quyền uy nơi trẫm. Nếu không nghiêm như thế, thì làm sao đào luyện được tài năng, hoàng tộc sẽ không có người kế nghiệp xứng đáng".

Trong đám con cháu Hoàng gia, Ưng Lịch tỏ ra có chí hơn cả. Cậu ham hiểu biết, ưa thực học và đã lọt vào con mắt xanh của người thày có tên hiệu Bằng Phi. Với Ưng Lịch thì Nguyễn Doãn Cử đã chú tâm vào việc trao truyền những bài học ngoài sách vở đó là tinh thần yêu nước, thương dân, là nghĩa khí, là lòng tự tôn dân tộc để rồi Ưng Lịch đã trở thành vị vua yêu nước miếu hiệu Hàm Nghi.

Năm 1881, khi đến tuổi 60, Nguyễn Doãn Cử dâng sớ về hưu. Nghe tin Giảng dụ quan phủ Tôn nhân hưu quan, học trò nhiều tỉnh thành ở Bắc kỳ đã tìm về thụ giáo. Thông qua việc dạy học, Nguyễn Doãn Cử                                                                                                                                               đã khích lệ tinh thần kháng Pháp cho các môn sinh. Chính ông đã cùng Nguyễn Hữu Bản quê làng Động Trung, nay thuộc xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương tuyển mộ nghĩa sĩ bảo vệ thành Nam khi thực dân Pháp đánh thành vào năm 1883. Khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Doãn Cử đã trở thành một trong những yếu nhân tập hợp lực lượng và làng Hành Dũng Nghĩa đã trở thành một trong những trung tâm của phong trào cần vương ở Bắc Kỳ. Ông đã từng bị thực dân Pháp bắt giam, sau khi được thả, lại dạy học.

Những năm cuối đời, ông sống bằng niềm kỳ vọng ở những học trò, từ người phất cờ nghĩa Hàm Nghi đến những nghĩa sĩ ứng Chiếu cần vương như Phó bảng Trần Xuân Sắc người làng Đông Thành (Tiền Hải) đang hoạt động bên nghĩa quân Bãi Sậy (Hưng Yên), hay đang đợi cơ hội nhập cuộc như Tiến sĩ Nguyễn Khuê (Hà Nội), Phó bảng Nguyễn Tái Tích, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Sơn Tây), Cử nhân Nguyễn Thiện Kế (Hưng Yên), …Nguyễn Doãn Cử từ trần ngày 12/2 năm Canh Dần (1890) hưởng thọ 69 tuổi.

Khi Nguyễn Doãn Cử qua đời, nhiều bậc danh sỹ là bạn hữu, là môn sinh ở các tỉnh thành đã có những câu đối thống thiết ngợi ca một nhà giáo có đức hạnh trùm đời. Một phần những câu đối này đã được trích dịch và in trong Bằng Phi thi tập của ông.

Bằng thanh danh và vị thế của mình, Nguyễn Doãn Cử đã là người khơi nguồn dẫn mạch để làng Dũng Nghĩa trở thành một trung tâm yêu nước và cách mạng. Đồng thời, ông cũng là người tạo ra sự kết giao giữa dòng họ Nguyễn Doãn làng Dũng Nghĩa với dòng họ Nguyễn của Nguyễn Mậu Kiến ở Động Trung, họ Doãn của Doãn Khuê ở Song Lãng, họ Nguyễn (Ngô) của Nguyễn Quang Bích ở Trình Phố và họ Đặng Xuân của Đặng Xuân Bảng ở Hành Thiện (Nam Định) phía tả ngạn sông Hồng. Đó là những dòng họ nhiều đời kết giao thân quyến, bạn hữu với nhau, góp sức đào tạo các thế hệ nhân tài cho đất nước. Ở thời kỳ cận đại, sau phong trào Cần vương thì con cháu của các họ này luôn xuất hiện như những yếu nhân trong các phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục, Quang phục hội. Thời hiện đại cũng lại xuất hiện một lớp trẻ sớm hướng tới Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, như Nguyễn Công Xước, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh)…

Về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Doãn Cử, ngoài Bằng Phi thi tập đã được dịch và xuất bản thì bản Kiều cổ của ông cho đến nay cũng chưa được giới Kiều học trong và ngoài nước khai thác và giới thiệu rộng rãi. Thiết nghĩ đó cũng là một di sản vô cùng độc đáo của Thái Bình, quê vợ Nguyễn Du.

Riêng với việc Nguyễn Doãn Cử đào tạo Ưng Lịch thành vua Hàm Nghi cũng cần phải thấy rõ hơn một thực tiễn lịch sử là: sau khi vua Tự Đức qua đời thì triều đình nhà Nguyễn rất bị động trong việc tìm người trong Hoàng gia có cùng chí hướng để đưa lên ngôi. Trước thời Hàm Nghi, cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc đều lần lượt đi ngược lại đường lối chủ chiến hoặc bị mất sớm, trở thành những phần tử không thể không bị loại bỏ khỏi triều chính đang rối ren. Vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong lúc tình hình đang có lợi cho phái chủ chiến trong triều đình Huế (trong số này có người là bạn, có người là học trò của Nguyễn Doãn Cử). Họ chủ trương dứt khoát lựa chọn bằng được một vị vua ủng hộ lập trường chống Pháp nên đã chọn Ưng Lịch. Đây là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc và quan trọng hơn hết là phái chủ chiến có thể định hướng nhà vua về đại cuộc của đất nước.

Biết rõ tình hình là chính phủ bảo hộ không ưng thuận nên sau khi chủ động tiến đánh quân Pháp, một số đại thần trong phái chủ chiến đã đưa Hàm Nghi rời kinh thành Huế về vùng bưng biền Quảng Trị, Quảng Bình ban chiếu Cần vương chống Pháp. Chung cục, vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Angiêri đến lúc qua đời.

Có một tình tiết lý thú là Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929), quê làng Ngọc Đình, nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà khi bị lưu đày tại Angiêri đã thường xuyên lui tới gặp Hàm Nghi. Hẳn là vị vua yêu nước này đã góp phần thức tỉnh thêm lòng tự tôn dân tộc cho chàng trai trẻ ở quê hương thày dạy của mình nên Kỳ Đồng đã bị người Pháp  trục xuất về Việt Nam.

Từ cuối triều Nguyễn đến thời kỳ hiện đại, truyền thống hiếu học, thành danh của hậu duệ Nguyễn Doãn Cử luôn được duy trì và phát huy. Khá nhiều người đã trở thành những nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nghệ sỹ, nhà quản lý, tướng lĩnh trong quân đội có học hàm, học vị.

Nét nổi trội đáng chú ý trong truyền thống của dòng họ văn hiến Nguyễn Doãn này là nề nếp gia phong, phẩm hạnh làm người từ các thế hệ tiền nhân đã tạo dựng và chuyển giao lại mà lớp lớp cháu con vẫn nghiêm cẩn gìn giữ để duy trì. Ở thời hiện tại, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Doãn Hành Dũng Nghĩa có khá nhiều người là nhà giáo ở các bậc học, ngành học khác nhau, đa phần trong số đó đã và đang lập danh về cả các phương diện dạy chữ, dạy người và dạy nghề.

Trên địa bàn thành phố Thái Bình đã có một đường phố mang tên Nguyễn Doãn Cử. Hy vọng rằng, tới đây sẽ có một ngôi trường ở Thái Bình mang tên ông để lớp lớp học trò noi gương ông mà phấn đấu vươn lên./.

Nguyễn Thanh