Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian với chương trình “Công bố, phổ biến tài sản Văn Hóa Dân Gian Việt Nam
Chi hội Văn nghệ dân gian là một chi hội chuyên ngành của hội VHNT Thái Bình, được thành lập cùng với sự ra đời của Hội (1970), là chi hội có ít hội viên nhất (luôn có trên dưới 10 hội viên) nhưng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của Thái Bình.
Chi hội Văn nghệ dân gian là một chi hội chuyên ngành của hội VHNT Thái Bình, được thành lập cùng với sự ra đời của Hội (1970), là chi hội có ít hội viên nhất (luôn có trên dưới 10 hội viên) nhưng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của Thái Bình. Chi hội tập hợp nhiều cốt cán của ngành văn hóa, của hội VHNT. Ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Văn Hân trưởng ty Thông tin văn hóa là hội viên đầu tiên của chi hội và sinh hoạt hội (kể cả khi đã là Ủy viên thường trực ủy ban) cho đến khi mất. Năm mươi năm qua nhiều giám đốc sở, nhiều chủ tịch, phó chủ tịch Hội là hội viên của chi hội. Gọi là chi hội Văn nghệ dân gian nhưng trong thực tế, chi hội không chỉ nghiên cứu lĩnh vực Văn hóa dân gian mà cả lịch sử, văn hóa, danh nhân Thái Bình. Chặng đường lịch sử nửa thế kỷ qua, hội viên của chi hội đã có nhiều công trình nghiên cứu, xuất bản có giá trị về Thái Bình, trong đó có những công trình do Thái Bình xuất bản, có những công trình được nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu, xuất bản. Trong những năm 80 - 90 của thế kỷ XX các hội viên Phạm Đức Duật, Phạm Thị Nết, Nguyễn Thanh, Bùi Duy Lan, Phạm Minh Đức, Hoàng Nhung, Trần Thanh Phượng, Vũ Đức Thơm, Nguyễn Tiến Đoàn, Vũ Đình Ngạn là tác giả hoặc chủ biên hoặc có bài viết trong các công trình nghiên cứu được xuất bản như: Danh nhân Thái Bình (1,2,3), Tục ngữ ca dao Thái Bình, Ngàn năm đất và người Thái Bình, Trạng nghè Thái Bình, Hội lễ dân gian ở Thái Bình, Kể chuyện Lê Quý Đôn, Giai thoại văn học Thái Bình, Chèo cổ Thái Bình, Nhận diện văn hóa làng Thái Bình, Múa dân gian Thái Bình, Bác Hồ với Thái Bình, Nguyễn Bảo - nhà thơ, danh nhân văn hóa, Văn hóa dòng họ ở Thái Bình, Kỳ Đồng - tiểu sử và thơ văn, Thơ văn yêu nước Thái Bình… Các hội viên Nguyễn Ngọc Phát, Vũ Đức Thơm chủ biên sách “Khảo cổ học ở Thái Bình”. Các tác giả Bùi Duy Lan, Nguyễn Ngọc Phát, Vũ Đức Thơm, Đào Hồng nghiên cứu xuất bản sách "Di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình". Nhiều cuộc hội thảo khoa học về đất và người Thái Bình được tổ chức và sau đó các tập kỷ yếu đã được xuất bản: Nguyễn Quang Bích (2 tập), Bùi Viện, Trần Thủ Độ, Nguyễn Tông Quai, Ngô Quang Đoan, Doãn Uẩn, Nguyễn Doãn Cử. Đặc biệt có hai cuộc hội thảo khoa học về Lê Qúy Đôn, cuộc hội thảo khoa học “Truyền thống đất và người Thái Bình” nhân kỷ niệm 100 thành lập tỉnh (1890 - 1990). Các cuộc hội thảo khoa học này đã tập hợp được hàng trăm các nhà nghiên cứu ở TƯ và địa phương tham gia, đóng góp nhiều tư liệu quý. Chi hội có các hội viên là những nhà nghiên cứu Hán - Nôm như Vũ Đình Ngạn, Nguyễn Tiến Đoàn đã tham gia dịch, giới thiệu nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam và nước ngoài; viết “Từ điển văn hóa Việt Nam”, tham gia dịch nhiều cuốn gia phả dòng họ, nhiều thần tích sắc phong thần ở các làng trong tỉnh… Kết quả nghiên cứu, xuất bản trong giai doạn lịch sử này được các nhà khoa học đánh giá cao. Giáo sư Chương Thâu (viện sử học) viết: "nếu không có những bài viết (của các tác giả Thái Bình) thì chúng tôi những nhà nghiên cứu ở Trung ương làm sao biết Thái Bình là vùng đất đi đầu chống giặc Pháp xâm lược, cũng là vùng đất có một nền thơ ca, văn học sáng giá để cho các nhà nghiên cứu hướng tới, tiếp tục bổ xung cho nền văn hóa, văn hiến của nước nhà"…(các anh) “không những làm rạng rỡ quê hương bằng những công trình nghiên cứu lịch sử đầu tiên về danh nhân của tỉnh nhà mà còn tham gia với tư cách là "đồng chủ biên hoặc đồng soạn giả" với các giáo sư Sử học, các nhà Sử học. Những năm 2003 - 2004 tác phẩm “Đất và người Thái Bình” đã đem đến niềm hào hứng cho bạn đọc người Thái Bình, sách được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở VHTT mua làm quà biếu. Năm 2010 nhân kỷ niệm 120 thành lập tỉnh, UBND tỉnh tái bản 1000 cuốn tặng cho khách mời và đại biểu trong tỉnh. Sách dày 1000 trang (14,5x20,5) đến nay đã tái bản đến lần thứ ba với 5.450 bản. Trong lời giới thiệu sách, giáo sư, anh hùng lao động nguyện Phó viện trưởng viện KH XHVN Vũ Khiêu đã viết: “Đất và người Thái Bình đã đem lại cho tôi nhiều cảm hứng. Đây chính là quyển sách mà tôi đang mong đợi”. “Cuốn sách này chưa hẳn đã hoàn chỉnh, nhưng đã được biên soạn công phu, tổng hợp được khá đầy đủ các thành tựu nghiên cứu về Thái Bình từ trước đến nay, trên cơ sở khai thác triệt để các tư liệu thành văn kết hợp với tài liệu điều tra điền dã. Kết quả là người đọc đã có trong tay một sưu tập các tài liệu về Thái Bình từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước cho tới hiện nay về các mặt thiên nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… Nó đã đánh mốc cho một chặng đường nghiên cứu và mở đầu cho những công trình tiếp theo nhằm đi sâu hơn nữa về mọi mặt của Thái Bình”.
Trong lời bạt, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Danh Phiệt (Phó Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu lịch sử) viết: “Đây không phải là công trình địa chí, cũng không phải là sách lịch sử, nhưng với một nội dung phong phú, được biên soạn một cách thoải mái, sách "Đất và Người Thái Bình" đã đem đến một cảm giác nhẹ nhàng và để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc”. “Sử cũ ghi chép về đồng đất và con người Thái Bình không nhiều lắm. Bổ sung cho điều này, sách "Đất và Người Thái Bình" đã cung cấp một nguồn tài liệu khá phong phú, sưu tầm khai thác qua điều tra điền dã tại chỗ không dễ dàng thực hiện và cũng không mấy ai biết được. Đây là phần đóng góp quý báu của sách, đem lại nhiều điều bổ ích”.
Những năm qua, các hội chuyên ngành ở trung ương, hội VHNT các tỉnh được nhà nước tài trợ nghiên cứu, sáng tác. Trong khoảng 15 năm (2000 - 2015), tác giả Phạm Minh Đức được hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ cho các công trình nghiên cứu: "Nữ thần thánh mẫu Thái Bình" (2000), "Những làng văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình" (2005), "Văn hóa ẩm thực Thái Bình" (2009), "Văn hóa dân gian huyện Hưng Hà" (2012), "Văn hóa dân gian huyện Thái Thụy" (2015). Tác giả Nguyễn Thanh được tài trợ cho các công trình: "Lễ hội truyền thống ở Thái Bình, Hội đền Đồng Bằng và tục hát văn, Văn hóa dân gian huyện Đông Hưng, Lễ hội chùa Keo xưa và nay". Các công trình nghiên cứu biên soạn trên đã được nghiệm thu, nhiều công trình được in, phát hành rộng rãi.
Đặc biệt trong 10 năm (2006 - 2016) chính phủ đã cấp kinh phí cho hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thực hiện chương trình “Công bố, phổ biến tài sản Văn hóa văn nghệ dân gian”. Hội Văn nghệ Dân gian được Nhà nước đầu tư hơn 2400 tỷ đồng, sưu tầm nghiên cứu được hơn 4000 công trình, xuất bản 2500 công trình. Theo GSTSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch hội thì đây là một thành công rất lớn bởi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn chỉ có hai tác phẩm viết về Văn hóa dân gian được xuất bản và phổ biến nhưng chỉ trong một thập kỷ, hàng ngàn tác phẩm đã được xuất bản với số lượng lớn. Tác giả Phạm Minh Đức được in 6 tác phẩm (từ 2000 đến 3100 bản/tác phẩm) gồm: Những làng văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình, Nữ thần, thánh mẫu Thái Bình, Văn hóa ẩm thực Thái Bình, Tìm hiểu tục ngữ ca dao nói về đất và người Thái Bình, Văn hóa dân gian huyện Hưng Hà, Văn hóa dân gian làng Đào Động.
Tác giả Nguyễn Thanh được in 4 tác phẩm: "Lễ hội truyền thống Thái Bình, Nghề và làng nghề truyền thống ở Thái Bình, Hội đền Đồng Bằng và tục hát văn, Nhận diện văn hóa làng ở Thái Bình".
Tác giả Trần Hồng Hoa được in tác phẩm “Văn hóa ẩm thực làng Nguyễn”.
Năm 2019 ba tác phẩm “Đất và người Thái Bình” (Phạm Minh Đức & Bùi Duy Lan), “Trò chơi, trò diễn dân gian ở Thái Bình” (Phạm Minh Đức), Văn hóa ẩm thực làng Nguyễn (Trần Hồng Hoa) được Ban Quản lý đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về các dân tộc thiểu số Việt Nam” in với số lượng 2.450 bản/tác phẩm. Cộng hai chương trình, tác giả Phạm Minh Đức đã được in tám tác phẩm 18.000 bản sách với hơn 10 triệu trang in (con số ấy ít có với nhiều cây bút ở Thái Bình). Điều đáng nói là số sách trên đã được phát hành đến bạn đọc, đến tất cả các thư viện tỉnh, huyện trong cả nước.
Thành quả trên là kết quả của quá trình miệt mài, tâm huyết với nghề, với sự nghiệp, mỗi hội viên là một tấm gương về lòng say mê với nghề, với sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu, viết sách. Tác giả Vũ Đình Ngạn, người đã từng đỗ đầu Bắc Kỳ nhưng cải cách gia đình bị quy là địa chủ nên suốt đời cầm cày. Tác giả mất ở tuổi 87, đã có nửa cuộc đời say xưa gắn bó với nghề. Ngoài các tác phẩm được in (Truyện làng Nho, Anh hùng liệt nữ, Nguyễn Quang Bích…) bút tích của tác giả còn để lại ở hầu khắp các làng trong huyện Kiến Xương qua các bản dịch thần tích, sắc phong. Trong những năm cuối đời, một lần tôi xuống thăm, tác giả hy vọng tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu còn dang dở của lớp người đi trước. Tác giả Nguyễn Tiến Đoàn vừa làm vừa học, trở thành một người hiểu biết uyên thâm nhiều lĩnh vực, được đánh giá “là một gương mặt trí thức đích thực”, “một kho tri thức uyên bác dùng đến đâu cũng không vơi cạn”, “là người khai phá những lĩnh vực về lịch sử, danh nhân Thái Bình”. Tác giả Nguyễn Thái (Nguyễn Thái Hòa) quê Nam Định nhưng vợ anh người Thái Bình nên anh về sống ở Thái Bình. Ngày còn công tác, anh là một công chức mẫu mực, đến cơ quan trước 7h sáng và ra về sau 5h chiều, không ai nghĩ rằng anh lại trở thành một nhà nghiên cứu, một tác giả sau ngày nghỉ hưu với nhiều công trình được in, đặc biệt là những tác phẩm viết về miền núi, về nhi đồng. Tác giả Hoàng Ngọc Khuyến qua tác phẩm của mình đã góp phần làm cho bạn đọc biết những hải sản ở vùng biển Diêm Điền, những món ăn ngon của vùng biển quê anh. Những năm đầu thế kỷ XXI tác giả Phạm Minh Đức, Bùi Duy Lan đã đi hàng trăm làng xã sưu tầm tư liệu để viết “Nữ thần, thánh mẫu Thái Bình”, “Đất và người Thái Bình”…Qua sách Đất và người Thái Bình người đọc thấy “... hai tác giả không chỉ trải qua nhiều năm tháng sưu tầm tài liệu mà còn thể hiện một trình độ kiến thức khá uyên bác và đặc biệt là đã hoàn thành cuốn sách này với những tâm huyết sâu sắc đối với quê hương yêu quý của mình” (GS Vũ Khiêu). Tác giả Nguyễn Thanh không chỉ là “cây viết” trong tỉnh, còn được mời đi viết ở ngoài tỉnh. Thành quả lao động của các hội viên còn được ghi nhận qua các giải thưởng của tỉnh, của hội VNDGVN. Các hội viên Vũ Đình Ngạn, Nguyễn Tiến Đoàn, Nguyễn Thái, Phạm Thị Nết, Nguyễn Thanh, Phạm Minh Đức, Bùi Duy Lan đều được trao giải Lê Qúy Đôn. Nguyễn Thanh, Phạm Minh Đức, Trần Hồng Hoa được trao giải nhì, giải ba, Phạm Thị Nết, Bùi Duy Lan, Vũ Đức Thơm được giải khuyến khích của hội VNDG Việt Nam. Cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình” do tỉnh ủy phát động nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (1890 - 2020), tác giả Phạm Minh Đức, Trần Hồng Hoa đã được nhận giải A, giải B của tỉnh.
Ca dao xưa có câu: “Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại nền hòn núi cao” với ý nghĩa đó thành công của mỗi hội viên sẽ góp phần vào thành công chung của hội, vào việc phát triển sự nghiệp VHNT của tỉnh Thái Bình. Bài viết nhằm góp phần khẳng định thành tích của hội VHNT Thái Bình nửa thế kỷ qua và cũng để thắp cho mỗi hội viên đã quá cố một nén hương cùng với hy vọng trao truyền tình yêu quê hương Thái Bình với bạn viết, với lớp cán bộ nghiên cứu trẻ.
Phạm Minh Đức