NGÔ TÔN TƯ - DANH TƯỚNG THỜI NGÔ QUYỀN
Ngày: 30/10/2021
Hơn một ngàn năm qua (938-2021) làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã dựng đền miếu thờ Ngô Quyền, Ngô Tôn

 Hơn một ngàn năm qua (938-2021) làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã dựng đền miếu thờ Ngô Quyền, Ngô Tôn Tư, những anh hùng dân tộc đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng đánh bại quân xâm lược Nam Hán (Trung Quốc). Chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt hơn một ngàn năm nước ta bị  phong kiến Trung Quốc xâm lược, thống trị; khôi phục nền độc lập, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.

     Dân làng Hải Triều thờ Ngô Vương Quyền, Ngô Tôn Tư làm thành hoàng làng. Đình làng Hải Triều đã bị tháo rỡ thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954) nhưng nay dân vẫn còn giữ được bài vị, sắc phong, văn khấn. Sắc phong của vua Thiệu Trị (1847) ghi nhận: "Từ lâu xã Hải Triều đã phụng thờ Tiền Ngô Vương, nay chuẩn cho xã tiếp tục phụng thờ…". Cùng với sắc phong thần là những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng ghi nhận : "Việt Nam nhất thống tiền Ngô Vương hoàng đế. Vị tiền !",  “Kinh thiên vĩ địa”. (Công lao ân huệ của vua với dân bao la, cao rộng như trời đất).

      Từ xa xưa, bên cạnh đình, Hải Triều còn có Quốc tế điện, nơi thờ đại tướng Ngô Tôn Tư, nơi đây xưa nay vẫn được coi là “linh từ”. Bình phong ở trước cửa điện đắp nổi bốn chữ “Quốc tế linh từ”.

       Theo dân làng thì xưa, "Điện” được xây dựng trên một khu đất rộng tới ba mẫu Bắc Bộ, có tường vây quanh, cây cối um tùm, có bãi thả ngựa. Sân đền lát gạch chỉ, đủ chỗ cho hàng ngàn người vào tế lễ. Trước cửa điện có đường "quan cấm" dài hơn 100 thước, rộng đủ hai xe ngựa đi vào cửa điện, có bia "cấm chỉ" (cấm mọi người qua lại khi vua và các quan triều về hành lễ). Trước cửa điện là dòng chảy, ngăn cách điện với bên ngoài, làm tăng vẻ tĩnh mịch, thâm nghiêm của điện thờ. Bên cạnh “Hải Triều Quốc tế điện” còn các địa danh: “đường Quan cấm”, “bãi Ngựa”, nơi dựng bia “cấm chỉ”...chứng tích của những nơi xưa vua quan đã từng về hành lễ ở Quốc tế điện.

        Trước cửa điện có đôi câu đối:     

Thủy diễu tiền đình tài tự chí

Sơn cao hậu điện thọ vô cương

Nghĩa là:                Trước điện dòng nước uốn quanh

Tài cao chí lớn sử sanh còn truyền

Gò cao sau điện trùng trùng

Vẫn còn mãi mãi non sông đất trời

Phía sau Điện trên khu đất cao (sơn cao), rộng gần 100 thước vuông là lăng mộ của Ngô Tôn Tư, có nhiều cây đại thụ, dân quen gọi là Miễu (rừng đồng bằng). Nơi đây thâm u chỉ có chim trời về trú ngụ, tiếng chim hót véo von suốt ngày. Về ngôi mộ được chôn ở sau điện Quốc tế, theo ghi chép trong sách “Di tích Khảo cổ học ở Thái Bình” của Vũ Đức Thơm, Nguyễn Ngọc Phát (Bảo tàng Thái Bình xuất bản năm 1999) thì “Trước cách mạng tháng 8-1945 gò mộ còn cao tới 6 mét, rộng gần 400 m2. Tháng 3 năm 1976 Ty Văn hóa thông tin Thái Bình và Viện Khảo cổ học đã khai quật ngôi mộ này. Người chết được chôn trong quan tài bằng gỗ Ngọc am, hình hộp chữ nhật (kích thước 2,30m x 0,6m x 0,396m) dầy 0,005m, được tạo giống như một khối hộp, đặt trên đài sen, có bộ chân quỳ dạ cá. Toàn bộ quan tài được sơn son thếp vàng lộng lẫy.  Quan tài được đặt trong quách gỗ, quách được ghép bằng những phiến gỗ cắt khớp vào nhau...Toàn bộ quách làm thành một khối hộp có kích thước dài 4,84m, rộng 3,6m, cao 0,72m. Hộp quách được đặt trên hai phiến gỗ lớn dài bằng chiều dài của quách. Quách được bọc ngoài bằng một lớp than dầy khoảng 0,3m, lòng đáy quách cũng được trải một lớp than tro dầy 0,2 m”.

     Về xương cốt trong mộ, sách ghi tiếp: “Người chết không được hỏa táng như các mộ thời Trần trước đây tìm được. Thi thể được đặt trên một lớp than dầy 0,10m...vì đã lâu ngày nên chỉ tìm lại được xương sọ, xương sườn, xương chi và chiếc răng cửa nhuộm đen có độ mòn số 3”. (Sđd trang 40-41). Số xương cốt này đã được đưa về để trong kho Bảo tàng nhiều năm qua (nay để ở tầng 3 Bảo tàng Thái Bình) *.

      Vì sao Hải Triều lại thờ Ngô Quyền, Ngô Tôn Tư ? Làng Hải Triều xưa còn có tên Hải Hồ, Hải Thị... dân gian thường gọi làng Hới. Từ xa xưa chiếu Hới đã nổi tiếng, là một trong ba nhu cầu rất cần cho đời sống mà người dân thường ao ước: “Ăn cơm Hom, nằm giường Hòm, đắp chiếu Hới”. Nghề dệt chiếu ở Hải Triều phát đạt sớm đã đưa Hải Triều thành Hải Thị (nơi buôn bán trao đổi hàng hóa). Cuối thế kỷ XIV Hải Thị đã thành một địa danh lịch sử được ghi trong sử nước khi viết về chiến công của Trần Khát Chân  đánh bại quân xâm lược Chiêm Thành trên sông Hải Thị, chém đầu vua Chiêm Chế Bồng Nga, đem lại cuộc sống thanh bình cho đất nước (1390). Hải Triều còn là quê hương của Nguyễn Thị Lộ, người phụ nữ đầu tiên giữ chức Lễ nghi học sĩ, người thiếp yêu của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Hải Triều cũng là quê hương của Tam nguyên Trạng Nguyên Phạm Đôn Lễ, ông tổ của nghề dệt chiếu.

Làng Hải Triều nằm bên ngã ba sông Hồng và sông Luộc, một vị trí chiến lược quan trọng. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi gọi sông Luộc là sông Nông Kỳ, một trong ba “kỳ quan” của trấn Sơn Nam thời đó. Từ đây nếu xuôi theo sông Luộc, qua sông Hóa ra cửa Thái Bình rồi ra biển hoặc ngược lại từ biển vào cửa Thái Bình theo các sông, ra sông Hồng ngược lên kinh đô Thăng Long. Dân gian  còn lưu truyền câu ca nói về vị thế hiểm yếu ở đây:

Cao nhất là núi Tản Viên

Sâu nhất là bến Thủy Tiên, Ngô đồng(2).

Với vị thế hiểm yếu của vùng cửa Luộc, từ thời Trưng Vương thế kỷ thứ nhất, thời Lý Nam Đế thế kỷ thứ sáu, các vua đã cử những tướng súy thân tín lập “đồn binh” đóng giữ. Thời Ngô (938- 968), đại tướng Ngô Tôn Tư cũng đã đóng quân ở Hải Triều để coi giữ cửa Luộc. Tìm hiểu về vị đại tướng Ngô Tôn Tư chúng ta gặp một khó khăn lớn là tư liệu chính sử rất ít, sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi một ít trang về kỷ nhà Ngô, muốn tìm hiểu về Ngô Tôn Tư chủ yếu phải dựa vào nguồn tư liệu dân gian.

Theo dân làng Hải Triều thì Ngô Tôn Tư là chú ruột của của đức Tiền Ngô Vương, ngài có công trong chiến công đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng năm 938. Trận Bạch Đằng giang, hàng vạn quân Nam Hán bị tiêu diệt, tướng giặc Hoàng Thao (con Lưu Nham, vua Nam Hán) bị chém đầu, ngài hy sinh trong trận đánh ấy. Đức Ngô Vương đưa thi hài ngài về Hải Triều làm lễ quốc táng. Mộ ngài được đặt sau điện Quốc Tế bây giờ, rồi giao cho một tướng người họ Nguyễn trông nom. Năm 939 Đức Ngô Quyền xưng Vương, Người đã ban cho điện thờ Ngô Tôn Tư là Quốc Tế điện. Hàng năm vua và các quan triều đều về tế lễ tri ân công đức của Ngài.

Ở Hải Triều đã thành lệ trong ngày lễ trọng ấy, dân làng phải luân phiên cắt cỏ ngựa và phục vụ quan quân về tế lễ. Sau này khi các quan triều không về, hàng nghìn năm qua dân làng Hải Triều vẫn theo sự lệ mở hội tế lễ.

Theo dân làng thì Ngô Tôn Tư là một vị tướng “anh minh thao lược”. Qua bài văn khấn trong ngày giỗ ngài hàng năm, người Hải Triều đã tổng kết về tài đức của Ngài: “Tướng quân là người thông minh, mưu lược sáng suốt. Văn võ tài cao, cái thế anh hào, đức cao vọng trọng. Ngài thương dân như hạn gặp mưa rào, ngài đem tâm trí cứu dân, hộ quốc, trừ diệt bạo tàn, giành hòa bình, nền văn hiến danh thơm mãi mãi” .

Bài vị ở điện thờ ghi về ngài với bốn chữ: “Uy vũ tôn thần”.

Câu đối thờ cũng ghi: “Vũ dũng tiền triều ban Quốc tế

                                          Văn minh tư thế hộ dân an

(Nghĩa là: Làm tướng dũng mãnh phi thường

               Công vang triều nội, danh lừng sử xanh

               Làm quan rất mực minh quan

               Lo phần vun đắp dân an, mạnh giầu ! ).

 Tất cả các đại tự, câu đối ở điện thờ đều ghi nhận Ngô Tôn Tư là một vị tướng tài ba, vừa có dũng, vừa có mưu.

Trong điện có nhiều đồ thờ, đáng chú ý là tượng Ngô Tôn Tư, theo dân gian thì bức tượng này đúc bằng đồng, được tạc dựng từ rất lâu đời, có niên đại cách ngày nay vài ba trăm năm.

Thời Phong kiến chức Thái úy là to nhất. Thái úy là người tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, thời Lý-Trần, Thái úy đã từng Phụ chính, giúp vua trông coi việc nước, còn hàm tướng chỉ phong đến chức Thượng tướng quân, chỉ huy các “quân chủng” nhưng trong dân gian, các vị tướng tài giỏi, có công lớn thường được dân tôn là “đại tướng” với nghĩa là chức cao nhất, to nhất trong quân, Ngô Tôn Tư là một đại tướng trong lòng dân.

Công lao tài đức của Ngô Tôn Tư, không chỉ được nhân dân Hải Triều ghi nhớ mà còn được cả vua của các triều sau công nhận qua sắc phong thần: Tự Đức (1853), Đồng Khánh (1888), Khải Định (1925). Các sắc phong thần đều ghi nhận công “Khử bạo, trừ tà, cứu dân, hộ quốc” của thần.

Theo dân làng Hải Triều thì khi Ngô Tôn Tư đóng quân ở Hải Triều không chỉ trấn giữ đường vào kinh đô theo hướng từ biển vào mà Ngô Quyền đã chuẩn bị cho chiến dịch chặn đánh giặc trên sông Bạch Đằng tại Hải Triều (?). Ngoài công lao đánh giặc, những ngày tháng đóng quân ở đây, vị đại tướng còn lo việc vỡ ruộng khẩn hoang, tích trữ lương thảo, luyện tập dân binh. Ngài hết lòng thương yêu dân, úy lạo trẻ già, trợ cấp dân nghèo, nhờ vậy trang ấp an cư, lạc nghiệp, ngài “Thương dân như hạn gặp mưa rào”.

  Bài văn khấn của dân làng có từ lâu, nguyên văn viết bằng chữ Hán do cụ Đoàn Văn Nghiễn 81 tuổi (2001), người coi Quốc tế điện và đền Quan Trạng nhớ đọc, viết lại, dịch nghĩa:

                 Đại vương tinh thông sáng suốt, văn võ tài cao

                         Là người, là bậc công to đức lớn

                         Trải đời là một đấng anh hào

                        Giúp nước uy danh đầy mưu chước

                        Thương dân như hạn gặp mưa rào

                        Những mong dành hòa bình vũ trụ

                        Phù chính ngự trên đất Nam Giao

                        Diệt bạo tàn công cao vời vợi

                        Giúp dân nước đức rộng mông mênh

                        Nền văn hiến danh thơm mãi mãi

                        Trải bao đời phong tặng uy linh

                        Xưa và nay tôn thờ vọng bái

                        Xin xét soi những tấm lòng thành!

 Ngô Quyền, Ngô Tôn Tư được dân làng Hải Triều tôn làm thần, được nhân dân đời đời hương khói, đó là truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ ơn người trồng cây”  của người Việt Nam được vun đắp từ ngàn xưa và sẽ trường tồn mãi mãi.

    

     *-  Theo dân làng Hải Triều thì  nhiều năm nay làng Hải Triều thường gặp những biến cố bất thường: có người điên, có người đột tử. Làng thường có bẩy người bị điên, nếu một người chết thì lại có người khác thay vào, con số bẩy không thay đổi...Không chỉ làng Hải Triều mà Bảo tàng Thái Bình (nơi lưu giữ hài cốt Ngô Tôn Tư) nhiều cán bộ cũng gặp những biến cố bất thường, dồn dập, liên tục...Trước những hiện tượng ấy, có người cho rằng việc đào bới phần mộ và phơi bày xương cốt Ngài sinh ra những chuyện ấy (?)