EM KHÔNG BỎ HỘI CHÙA KEO HÔM RẰM
Ngày: 30/10/2021
Xưa và nay gác chuông chùa Keo từng là biểu tượng vĩnh hằng cho văn hóa tỉnh Thái Bình. Ngôi chùa này đã được Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

Xưa và nay gác chuông chùa Keo từng là biểu tượng vĩnh hằng cho văn hóa tỉnh Thái Bình. Ngôi chùa này đã được Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. 
Trên diện tích của một khu đất rộng hơn 100.000 mét vuông của làng Dũng Nghĩa (tên Nôm là làng Keo) nay thuộc xã Duy Nhất huyện Vũ Thư, một quần thể kiến trúc đồ sộ với 21 công trình gồm 154 gian, tòa rộng dãy dài tới gần 60.000 mét vuông xây dựng từ năm 1630 có tên gọi chùa Keo. Do sự hủy hoại của thời gian, đến nay nhiều công trình đã hư hao, toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình với 128 gian, lưu giữ khá nguyên vẹn các đường nét kiến trúc của người xưa. Ngoài gác chuông có kiến trúc độc đáo thì hệ thống tượng pháp, quân rối cạn và nhiều cổ vật quí hiếm đã tạo cho chùa Keo những nét riêng trong hệ thống những ngôi chùa thờ Phật có danh tiếng ở Việt Nam.
Chùa Keo xưa là một danh thắng độc đáo, kỳ vĩ vào bậc nhất của trấn Sơn Nam Hạ và lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi giai tầng cư dân tứ trấn. Trong tâm thức hội hè xưa, cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ thường lưu truyền câu:
Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.
Vì là một lễ hội còn giữ được nhiều nghi lễ truyền thống và những trò đua tài, thi khéo đặc sắc nên hội chùa Keo đã sớm được đón nhận Quyết định của bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.
Hàng năm, theo sự lệ cổ truyền, chùa Keo có hai kỳ hội. Hội xuân vào mồng 4 tết Nguyên Đán. Hội thu vào các ngày 13 -14  -15 tháng 9.
Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp trong đó đáng chú ý là ba trò thi: bắt vịt, nấu cơm, ném pháo.
Trò bắt vịt được tổ chức ngay tại hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội của chùa. Tục thi bắt vịt ở hội chùa Keo có nét khác là tám thanh niên đại diện cho tám giáp tham gia bắt vịt. Người bắt vịt tay cầm lá cờ đuôi nheo bằng giấy. Khi bơi lội đuổi vịt thì phải giơ cờ lên, nếu ướt là phạm qui. Như vậy cái khó là chỉ được bắt vịt bằng một tay. Người nào bắt được vịt là điều may đầu năm cho cả giáp. Những năm gần đây, nếu tục thi bắt vịt được duy trì trong hội chùa Keo thì người bắt vịt có thể tự do bắt bằng cả hai tay, không phải cầm cờ.
Trò thi nấu cơm trong hội chùa Keo là hấp dẫn nhất, sôi động nhất với sự tham gia hào hứng của cả làng. Để tham gia trò thi này các giáp phải lo chuẩn bị từ đầu năm trước. Theo tiêu chuẩn người dự thi mỗi giáp phải chọn cử một cô gái đồng trinh, giỏi nấu ăn và một số chàng trai khỏe mạnh, hoạt bát tham gia. Gia đình nào có con gái được chọn đi dự thi là một niềm tự hào và phải lo chọn gạo nếp, đậu xanh, đường mật, gia vị từ năm trước. Đặc biệt là phải chọn những ống nứa ngộ già đanh gác trên bếp để chuẩn bị cho việc kéo lửa nấu cơm thi trong ngày hội. Trước khi vào thi, tám giáp phải chuẩn bị dụng cụ sẵn theo vị trí đã định. Khi trống hiệu nổi lên, ông chủ khảo châm lửa đốt hương, khi nén hương vừa bén lửa, tám chàng trai chạy đua bốn vòng quanh hồ. Chạy hết vòng thứ tư thì nhanh chóng cầm lọ xuống hồ múc nước về vị trí giáp mình để nấu cơm. Cũng vào thời điểm này, các chàng trai khác ngồi bên cô gái cùng mải miết xiết đậu, giã bột, vo gạo. Cô gái dùng hai thanh nứa xiết mạnh vào nhau bên chiếc bùi nhùi rơm để tạo ra lửa. Trong tiếng hò reo, tiếng trống, chiêng thôi thúc, khi ánh lửa bùng lên ở giáp nào thì giáp đó càng hò reo náo động hơn. Có lửa rồi, việc đặt bếp nấu nồi gì trước để chạy đua với thời gian là cả một nghệ thuật đã được tính toán, tập luyện công phu. Khi nén hương của ông chủ khảo vừa cháy hết cũng là lúc từng giáp phải đặt trên mâm hai đĩa xôi, hai bát cơm, hai đĩa bánh và bốn bát chè. Đạt về thời gian nhưng kỹ thuật nấu ăn phải khéo sao cho xôi rền, cơm dẻo, chè ngon, bánh ngon, bóc không dính lá… Giáp nào đạt cả về thời gian và chất lượng thì đoạt giải nhất, các giáp còn lại tùy theo đạt về thời gian hoặc chất lượng mà xét giải nhì, ba.
Ngoài hai trò thi trên, tục thi ném pháo trong hội vui xuân chùa Keo cũng sôi nổi hấp dẫn người xem. Trước sân chùa người ta dựng hai cột tre cách nhau khoảng 4 mét. Mỗi cột cao 8 mét. Trên đầu hai cột nối nhau bằng một chiếc sào tre, giữa sào treo một nón pháo bằng sợi dây dài 50 cm. Nón pháo là chiếc nón phất bằng giấy hình nón cụt treo ngược như chiếc chậu, đường kính miệng nón khoảng 50 cm, đáy khoảng 30 cm, cao 40 cm. Dưới đáy nón đặt một lá đề bằng giấy có xát thuốc cháy. Lá đề tiếp nối với hệ thống pháo đã tết thành dây với một dây pháo tép, một số pháo nhỡ và một quả pháo lớn. Các giáp cử đại diện vào dự thi. Người vào dự thi một tay cầm quả pháo con, một tay cầm nén hương đang cháy bước vào vòng tròn vạch sẵn theo lệnh của người xướng loa. Khi trống hiệu điểm, chiêng trống thúc đồn, người dự thi châm hương vào ngòi pháo và ném lên nón pháo. Nếu quả pháo được ném vào đúng chiếc lá đề, pháo nổ sẽ làm cháy lá đề và bắt lửa sáng dây pháo, dây pháo nổ dòn là được thưởng. Giáp nào có người được thưởng thì cả giáp hả hê vì năm đó sẽ làm ăn may mắn. Đến nay tục thi nấu cơm và thi ném pháo trong hội vui xuân chùa Keo chưa khôi phục được, thay vào đó là những hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống khác.
Nếu như hội xuân chùa Keo chỉ được mở một ngày, chủ yếu là khách trảy hội trong vùng thì hội tháng 9 có sức cuốn hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài tỉnh về dự. Hội mở trong ba ngày từ 13 đến 15 tháng 9 với nhiều sự lệ khác nhau. Ngày 13 là kỷ niệm 100 ngày Dương Không Lộ viên tịch. Theo điển lệ, vào ngày mồng 3 tháng 6 hàng năm, tại chùa Keo tổ chức lễ giỗ thiền sư Dương Không Lộ. Đến nay, tục giã bánh dày, làm bánh bìa trong ngày giỗ này vẫn được duy trì. Ngày 14 tháng 9 là kỷ niệm ngày sinh của Dương Không Lộ và ngày 15 là tiết vọng hàng tháng của nhà Phật. Các lễ thức trong ba ngày hội tháng 9 vừa mang tính hội lễ nông nghiệp, thi tài vừa mang tính chất của hội lịch sử mà cả xâu chuỗi các hành động hội là một diễn xướng lịch sử về hành trạng của quốc sư Dương Không Lộ, trong đó những sinh hoạt dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo.
Sáng 13 – 9 mở đầu hội chùa Keo là cuộc rước nhang án, long đình, thuyền rồng, thuyền cò ra tam quan ngoại, tối rước từ tam quan ngoại về tòa Thiêu hương.
Chiều 13 - 9 cuộc đua chải của 8 giáp diễn ra trên một không gian rộng hai bờ sông Hồng chừng 5 km. Các đường đua theo 8 cột tiêu cắm hình chữ chi. Tiêu cuối cùng được cắm tại bến đò An Lãng bên hữu ngạn sông Hồng. Việc đua thuyền từ cửa chùa sang bến đò An Lãng (Giao Thủy) vòng về là biểu hiện tâm thức Keo thượng và Keo hạ vốn cùng một gốc làng Keo xưa.
Khi ngoài sông Hồng tấp nập, rộn rã với cuộc đua chải thì tại tòa giá roi cuộc thi thày đọc lại vang lên những tiếng cười sảng khoái. Thi thày đọc ở hội chùa Keo thực chất là thi đọc văn lục cúng nói về hương, đăng, trà, hoa, quả, thực nhưng khác hẳn với văn lục cúng ở các nơi bởi tính khôi hài, trào phúng qua lời văn và giọng đọc. Đây là cuộc thi mang tính văn nghệ chứ không phải là nghi lễ tế thánh. 
Tối 13 - 9 sau khi đã hoàn tất cuộc rước về tòa Thiêu hương thì diễn ra cuộc thi kèn và thi trống. Đến 12 giờ đêm ông chủ hội ra gốc cây phướn làm lễ, tục gọi là lễ long nhan cây phướn.
Sáng 14 - 9, hội chùa Keo kỷ niệm ngày sinh của thiền sư Dương Không Lộ với một đám rước khổng lồ có hàng trăm người tham gia với nghi thức rước Thánh lên kinh đô chữa bệnh cho nhà vua và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Buổi sáng rước từ tòa thượng điện qua tam quan ngoại ra bờ sông, tối lại rước về theo một vòng khép kín.
Đi đầu đám rước là 2 cỗ ngựa (một hồng, một trắng) chân ngựa lắp bánh xe, mỗi ngựa bốn người đẩy. Tiếp theo là tám người vác cờ thần, sau đến 42 người mang vác đồ tế khí, bát biểu, bốn người khiêng giá thuyền rồng sơn son thiếp vàng tượng trưng cho thuyền của Dương Không Lộ lên kinh chữa bệnh cho vua. Tiếp đến bốn người khiêng giá tiểu đĩnh, trên giá đặt chiếc thuyền con, dân gian vẫn gọi là thuyền vỏ trấu hay thuyền cò tượng trưng cho thuyền đánh cá của Dương Không Lộ thuở hàn vi. Đi sau tiểu đĩnh là phường bát âm rồi đến tám em bé mục đồng tượng trưng cho lũ trẻ chăn trâu gần gũi Không Lộ khi ông đi đánh cá. Sau lũ trẻ mục đồng là kiệu Thánh, vốn là một cỗ kiệu bát cống đẹp nhất vùng. Mười hai người khênh kiệu Thánh là những trai đinh vạm vỡ, mình trần, khố đỏ, đầu đội mũ võ, mang một dải khăn vàng buộc chéo từ vai phải sang sườn trái. Hai bên kiệu là hai người cầm quạt vả che kín kiệu, liền sau kiệu một người cầm lọng che kiệu. Hai hàng bên ngoài mỗi bên có bốn người mặc áo lam thụng đi tòng giá. Sau kiệu thánh là ông chủ hội rồi đến các vãi già đội cầu, vừa đi vừa kể sự tích Thánh Không Lộ. Điều hành toàn bộ cuộc rước này là hai ông tổng cờ, ngược xuôi hai bên đoàn rước.
Đám rước chùa Keo là một trong những đám rước hoành tráng nhất trong các lễ hội ở vùng châu thổ Bắc Bộ nhưng nét độc đáo chính là ở chỗ diễn tả lại sự tích của đức Thánh Không Lộ bằng những trò diễn dân gian xa lạ với nghi thức tôn giáo. Khi đoàn rước ra khỏi tam quan nội, kiệu thánh đến góc ao phía trái thì bốn người điều khiển bảy quân rối xuất hiện. Trong bảy quân rối này là một quân rối dây có tên gọi Bà Chàng hay còn gọi là Bà Cá Rổi. Dân gian lưu truyền sự tích khi Khổng Lộ đi đổ đó về thường mang cá đến chợ Viên Quang bán và Bà Chàng là khách quen. Lại có thuyết truyền rằng: thuở xưa Bà Chàng theo Không Lộ lên trời bán cá, mải vui quên mất đường về. Hôm sau Không Lộ lại lên trời bán cá, Bà Chàng mừng vui vẫy tay theo về.
Đi sau Bà Chàng là ba người cầm sáu quân rối làm sáu đầu người, vẻ mặt khác với phàm trần. Những hình đầu người này khi giơ lên, lúc hạ xuống như đang bập bềnh sóng nước. Tương truyền là: thuở xưa, ở nước Thục có một bà hoàng hậu mang thai rồi sinh ra một bọc, vua Thục cho là yêu quái và sai người quăng ra biển. Không Lộ buông lưới gặp phải, sáu người trong bọc chui ra xin ngài cứu giúp. Không Lộ đem về nuôi tại chùa. Mỗi khi Không Lộ đi đâu về sáu người này đều ra đón. Có một số nhà khoa học nước ngoài trong Hiệp hội múa rối thế giới (UNIMA) khi đến chùa Keo để tìm hiểu về múa rối đã khẳng định những quân rối mang đầu người ở chùa Keo là loại quân rối lớn nhất, lạ nhất so với các quân rối cạn họ đã từng biết.
Chiều 14 – 9  khi ngoài sông Hồng tiếp tục rộn rã cuộc đua chải thì tại tòa giá roi tiến hành một nghi lễ chầu thánh bằng điệu múa ếch vồ do 14 chân kiệu chính xếp thành hàng đôi thực hiện. Nghi thức lễ thánh được cách điệu thành một điệu múa cổ gọi là múa ếch vồ cũng là nét độc đáo riêng của hội chùa Keo.
Chiều 15 - 9 sau khi rước thánh hoàn cung, 14 chân kiệu vào lễ chầu thánh bằng điệu múa chèo chải cạn. Các động tác chèo chải đã được vũ điệu hóa. Ngoài 14 người cầm mái chèo còn một người cầm trống con, một người cầm mõ đánh nhịp như ông lái và ông chấp hiệu trên chải đua ở ngoài sông. Cả 17 người tay chèo, chân dậm, miệng hô nhịp nhàng trong ánh nến, ánh đèn lung linh huyền ảo trước thượng điện. Sau động tác chèo đứng đến chèo qùy với các động tác thuần thục như trên sông nước; cả tòa thượng điện thành một sân khấu dân gian trong nghi thức chầu Thánh.
Trải bao thăng trầm, đến nay một số lễ thức trong hội chùa Keo đã bị giản lược nhưng các nghi thức trong đám rước vẫn cơ bản được giữ nguyên, múa ếch vồ và múa chèo chải cạn vẫn được duy trì nghiêm cẩn.
Những năm gần đây một số hoạt động văn hóa văn nghệ được lồng ghép, đan xen trong hội chùa Keo. Mong sao cái hồn cốt xưa của hội chùa Keo không bị lấn lướt.


 

 Nguyễn Thanh