Phố Đống thời tiền chiến
Ngày: 29/11/2021
Câu thơ Quang Dũng viết: “Ngựa từng buộc trước ngõ/ Xe xếp chặt bên hè/ Người từ xa mới lại/ Người sắp sửa ra đi…”

Câu thơ Quang Dũng viết: “Ngựa từng buộc trước ngõ/ Xe xếp chặt bên hè/ Người từ xa mới lại/ Người sắp sửa ra đi…”

Không biết có phải câu thơ ông viết về phố Đống thời tiền chiến không nhỉ? Cảnh chạy loạn thời ấy. Người tới, người đi; Đều chưa rõ mục đích ngày mai vó ngựa mình sẽ dừng lại miền đất hoang cỏ dại nơi nào.

Ngày ấy. Lớp văn nghệ sĩ trí thức thường nhắc tới Cống Thần, Chợ Đại, Đống Năm, là nhắc đến cái nôi kháng chiến, chỗ ẩn thân của lớp trí thức cách mạng. Nơi tụ hội tinh hoa con người. Nơi gặp gỡ trai thanh gái lịch, bằng con đường cỏ hoa, xe ngựa. Nước chảy… bèo trôi.

Những chú ngựa gầy chạy đường dài về Đống. Chừng đã mỏi gối. Thi thoảng “hí hoét” một tiếng như muốn nhắc nhở những tráng sĩ ra sa trường…

Phố Đống Năm nằm trên mặt đường Quốc Lộ 10 Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định. Kẹt giữa hai dòng sông Kim Bôi và sông Tiên Hưng dài chừng ba cây số. Sầm uất nhất vẫn là khu chợ Đống - Phố Đống.

Hai dòng sông bắt nguồn từ sông Luộc, đổ ra cửa Trà Linh, vẫy vùng sóng nước với biển cả. Giữa hai con sông là làng Tuộc - Khuốc - Tăng - Phạm - Nguyễn - Xá. Phía tay phải làng Lịch Động - Kí Con - Làng Nội - Tìm - Lan - Giắng. “Qua Lan xuống Giắng vào Hà”. Những tên làng Kẻ - Làng Cổ Khúc (Khuốc) - Cổ Quán là những làng của “kẻ chợ” dân trao đổi hàng hóa cho nhau tương đương với chợ thời cổ.

Mảnh làng - hồn làng nhỏ bé, hiền lành, cần cù bòn đãi thóc gạo nuôi sống con người. Tên làng quanh phố Đống, lịch sử hấp dẫn gắn liền với Gà Tó, Lợn Tó - Dưa Quài - Khoai Bái; Góp phần đưa phố Đống trở nên sầm uất, tươi miếng ăn, đẹp cái mặc.

“Ăn làng Ngói - Nói làng Khuốc”, là đỉnh cao văn hóa ẩm thực phố Đống. Nhưng tiếng trống chèo làng Khuốc và “Múa rối” làng Nguyễn đã đưa phố Đống thành như phố phường thời tiền chiến.

Con đường xưa thưa thớt bóng người đi về các thôn trang quanh phố Đống. Những buổi sáng sớm, lòng bừng tỉnh cảnh sương thu tĩnh mịch, bảng lảng khói chiều như bóng nước Tây Hồ.

Thúng đội, quang tre, đòn gánh đẽo. Nương thôn làng Sồng - Sen - Khuốc - Tuộc - Tăng - Phạm… đã đưa hương thổ của làng mình, đất mình vào chợ Đống. Nào bánh cuốn, bánh dợ, bánh mật, bánh bèo, bún ốc, bánh chưng, bánh gai. Mùa xuân có bánh khúc.

Những cô từ Hà Nội xuống mở quán cà phê, mấy cô từ Hải Phòng dạt vào phố Đống từ đầu năm 1948. Kéo theo cả đám “tầm phơ tầm phất” phức tạp. Người Phố Đống gọi là đám “bờ lờ” (buôn lậu).

Hàng quán bọn này đâu công khai như mấy bà nhà quê bán quả mít thơm, quả ổi vườn, mùi vị dễ thương mời gọi người cả chợ. Hàng của gái “thập thềnh” thường “thì thụt”, nói “lóng” khó mà ai hiểu? Cho nên phố Đống có bút máy pắc ke, có thuốc lá “cô táp”. Người tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã vượt đò Tìm, vào phố Đống mua chiếc bút pắc ke cho ông em Vũ Ngọc Khoa trước khi vào nghề.

Thị trấn lèo tèo, phơ phất mươi ngôi nhà gạch, còn toàn đường đất, bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Có hiệu ảnh Trí Tâm, có hàng tạp hóa Ngọc Anh, hàng bán dầu hỏa Đức Mỹ. Rạp hát ngay ngõ chợ. Có quán cà phê, phòng hát. Sang trọng thế!

Những đêm xem múa rối “khô”, múa rối “nước” của các cụ từ làng Nguyễn đưa ra. Rồi mấy canh hát chèo làng Khuốc cụ Mầm, cụ cả Tam đưa xuống. Phố Đống thành nơi hội tụ dập dìu tài tử…

Văn nghệ sĩ trên các nẻo đường kháng chiến như bèo hợp, mây tan. Lúc đi, khi ở. Nhưng đã về phố Đống không thể nào quên được bát phở nhà hàng Thuận Đức và không bỏ qua được ngõ chợ với những gánh rau cần từ vùng Sa Cát đưa lên. Không nỡ bỏ đi dưới ánh mắt cô hàng xóm từ bãi Cát Trạng gánh rau muống đi vào phố. Nhớ quả ổi Bo. Nhớ chuối vườn Cổ Tiết. Nhớ gà Tò, nhớ lợn Tó. Trăm cái nhớ, nghìn cái thương. Khẽ chạm tay vào là nhớ… Nhớ bàn tay ngà ngọc của mấy cô hàng xóm. Hàng bày la liệt trên chiếu cói, mảnh áo tơi rách, ngồi dưới gốc bàng, hàng gối lên nhau thành dãy dài, bên anh thợ khóa Lịch Động. Cạnh đó thằng lùn bán buôn thuốc tê thấp. Càng đi sâu vào giữa chợ, ta gặp nhiều món ăn hấp dẫn bên nồi nước sôi ùng ục, khói nghi ngút, trong lều quán chơ vơ. Ngồi đấy, mấy vị nghệ sĩ ăn miếng dồi tiết hoặc miếng phèo con lợn cái “vạy”. Hớp chén rượu nổi tiếng làng Ngói. Uống ít say nhiều. Cuối bữa, thế nào cũng húp bát cháo lòng trút lưỡi, trộn hành tươi, rau dăm thái nhỏ. Miệng ăn. Tai lắng nghe tiếng hát của bà xẩm chợ đang từ đầu lối đi vào.

 Câu hát “xẩm chợ” mắt ta hiện ra ba sáu phố phường Hà Thành… Mỗi tên phố gánh nặng một nỗi ưu tư, thân phận một con người đeo đẳng theo mỗi cuộc đời nhỏ bé. Thằng bé nắm gậy dắt bà đi trong chen chúc, mưa rơi gió lạnh, đầu tóc lơ xơ. Mặt bé ngơ ngác thấy cô gái đang ngồi mút ốc nóng, khẽ nhóntay vào túi, lấy đồng “xanh căng” thả nhẹ vào cái bát nhôm, cất tiếng “keng”. Đấy là đồng tiền đầu tiên nó nhặt được sớm thu nay. Nó cúi đầu lạy bà, lạy cô, thương hai bà cháu. Cô ngồi trong cười hinh hích lúc nãy, giờ cũng im lặng nghe gió lọt qua mành, vạch vội lăn áo, lấy hào lẻ từ trong ruột tượng hoa lý, nói: “Bà cháu nghỉ chân đã. Gió lạnh về. Đêm qua cụ nghỉ ở đâu?”

- Giờ là lúc kiếm tiền nuôi cháu. Tí nữa tan chợ, người thưa. Sao gặp được các cậu các mợ xin “bố thí”. Rồi bước chân liêu xiêu đưa bà cháu về chỗ mấy ông mặc quần lá tọa, áo chùng the ngồi xuống chè chén sau dùng bữa sáng.

Họ là khách Hà Thành - Hải Phòng, táp về phố Đống! Trong số khách uống chè sớm có cả nhà văn Sao Mai, dắt vợ về phố Đống ngắm cảnh Hà Nội qua cái thị trấn bé nhỏ này.

Theo nhà thơ Trần Lê Văn, Sao Mai tiền tiêu nhẵn túi; phải trông vào sự giúp đỡ của anh em văn nghệ. Cô gái tên là Tiếng, người làng Nhuộng (Ý Yên). Khi báo Công Dân đóng ở Nhuộng, hai người gặp nhau, lấy nhau… Cô Tiếng ngày ấy giờ đã là cụ Tiếng. Theo chồng suốt cuộc đời. Sau này đi khai hoang ở đất Phú Thọ…

Trần Lê Văn mô phỏng cuộc tình đó, mấy câu thơ đùa bạn:“…Về đâu? Về đây! Khi túi tiền đã hết/ Anh dắt em, một chiều./Ôi! Bước chân ngập ngừng trên phố Đống Năm”.

Đi sâu vào giữa chợ, qua hàng mành, hàng chiếu, hàng nan, thúng mủng rổ rá, nong nia, dần sàng từ mọi miền chở về chợ Đống. Mảnh đất rộng hàng mấy mươi mẫu. Lúc nào cũng cảm thấy chen chúc, chật chội, hôi hám. Lúc còn bé ngày 3, ngày 7 tôi theo mẹ đi chợ Đống. Tìm đến chỗ lão Gù bán “tò he” trên mẹt bày la liệt những trò chơi dân dã, cá nước, chim trời. Có cả ông múa gươm, cưỡi ngựa màu sắc rực rỡ, làm bằng đất nung. Có loại làm bằng bột, nhuộm xanh đỏ, tím vàng… Không đứa nào quên được con gà đất mào đỏ như lửa, oai vệ, ngẩng cổ cất tiếng gáy ò… ó … ò… o… Khi ấy mắt lão Gù nhín lại, ấp hai bàn tay vào con gà đất lấy hơi thổi. Cái ống sậy nho nhỏ, có lắp lưỡi gà bằng mảnh lá nón cắt vừa khít. Tiếng gà tạo cho chợ búa, phố xá náo nhiệt hẳn lên.

Gần bờ sông Kim Bôi, gió thổi, có lúc se sắt, lạnh giá người ngồi. Đấy là hai quán nối liền nhau, một anh bán kính Lịch Động, một anh khắc chữ vào bút máy. Mấy cô gái tản cư về đây rê guốc “phi mã” của Hà Thành, tắt qua làng Bùi - Làng Tuộc, đi ra chợ, để thưởng cái không khí chợ quê, người quê. Các cô bứu vai nhau đứng xem anh thợ bút khắc chữ như rồng bay phượng múa trên những chiếc bút máy nắp vàng cho mấy thanh niên thời thượng ngông đời… Vòng qua hàng thóc gạo, những thúng gạo tám, gạo dâu có ngọn trông như núi tuyết. Chim bồ câu từng đàn sà xuống. Nó chả sợ người. Bởi người càng quí nó. Bỏ qua hàng trâu, bò, lợn, là đến hàng “tươi”, tôm, cá, ốc, ếch, lươn, chạch rồi cào cào (gọi là tôm đồng). Những đứa trẻ tóc đỏ hoe, ngồi ôm chiếc giỏ tre đợi khách đổi cua lấy sách vở đi học.

Phía tay phải hàng mành phơi, cót trải, thoảng mùi tre ngâm nứa chẻ. Khách Hà Thành nhón chân, nhẹ bước xuống thuyền, bơi qua sông Kim Bôi, sang làng lúa.

Dòng Kim Bôi, nước chảy xuôi nhẹ, dòng sông thi phú, dòng sông gọi bạn. Bờ sông làng lúa, xanh mướt hàng dâu da, hàng nhãn quả, mùa nào cũng thả hoa trắng dịu nhẹ. Dưới vòm dâu da ẩn những mái tranh lúp xúp. Đêm đến ánh đèn măng sông của cửa hàng của mấy cô gái bán giải khát, mặc áo thanh thiên, chào khách, hắt xuống lung linh, màu hồng của đèn đỏ treo dọc bờ sông. Ngồi đò dọc từ cầu Kim Bôi xuống phố Đống nghe tiếng hát, mang nỗi buồn vời vợi từ chiếc máy quay đĩa than, rù rì, lẹt xẹt. “Một đoàn người đi lang thang/ Lúc kháng chiến xa nhà/ Biệt li dời gấm hoa (Phạm Duy). Hay tiếng hát “Nụ cười sơn cước”. Đấy chẳng qua là tâm trạng trí thức tiểu tư sản xa nhà đi kháng chiến.

Bờ sông Kim Bôi. Trong một quán nước, có mấy cuốn sách của nhà sách Mậu Hiên từ thị xã Thái Bình của ông Thiếu Bảo đưa lên. Những tờ báo còn thơm mùi mực đang trải ở mặt bàn. Trần Lê Văn - Lộng Chương gặp Vũ Quốc Uy ở đó. Theo yêu cầu của anh Uy xây dựng nhóm kịch diễn để gây thanh thế. Nhà viết kịch Lộng Chương phụ trách. Trần Lê Văn,  Hoàng Công Khanh viết vở diễn hai tối ở đình Khuốc. Trùm sò Lộng Chương lần ấy tuyển lựa được mấy diễn viên có “ngón nghề” như: Tuyết Khanh, Kiều Liên,Tường Vi.

Tuyết Khanh, một thiếu phụ “Hồng nhan đa truân” đã qua mấy lần đò. Đối tượng nhiều người viết thơ tặng. Trong đó có Vũ Hoàng Chương:“Mấy thuở còn thơm trang dị sử/ Muôn đời vẫn đẹp gái Tây Sương/ Hôm nào Khanh nhỉ tình ta mới/ Hà Nội đèn treo đỏ phố phường”.

Diễn xong, sáng hôm sau. Trần Lê Văn và bác Lộng Chương, ở lại Khuốc chơi, xem cái ăn, ngắm cái mặc, nghe giọng Khuốc. Gặp được Thầy Hoàng Như Mai cây đại thụ văn nghệ ở nhà nghệ nhân Chèo  “Cao Kim Điển”.Thầy Mai coi hai ông như cùng hội, cùng thuyền mời ở lại thết cơm, uống rượu “nổi tăm” làng chèo.

Cuộc kháng chiến đã làm người ta hởi lòng, hởi dạ. Tâm hồn như được bay bổng, lãng mạn. Theo cái đẹp của ý tưởng cách mạng.

Bờ sông mộng mơ “Hồn bướm hoa tiên”. Ở đấy có một quán của cô gái xứ Đoài xuống phố bán cà phê sinh sống. Đôi mắt cô chủ quán trong veo. Nhìn vào đôi mắt xanh, người ta cảm thấy không nhìn thấy bóng núi Ba Vì. Theo nhận xét của Trần Lê Văn, bạn thân của Quang Dũng, nguyên Đại Đội Trưởng Tây Tiến hôm đó cũng ngồi ở quán. Đôi mắt ấy, đẹp và buồn như đôi mắt người đẹp Trời Âu. Gợi cho Quang Dũng viết bài “Đôi mắt người Sơn Tây”… “Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu diu buồn Tây Phương” Nếu đúng vậy thì phố Đống quả là phố thị tạo niềm cảm hứng cho các thi nhân. Tự hào lắm thay!

Ngồi trong quán cô gái người xứ Đoài. Vào lúc vừa tang tảng sáng. Khách văn nhân nghe lơ thơ gió thổi bay trên vòm cây nhãn vào mùa hoa nở. Một tình sương như thế, cô chủ quán đưa tay cài cúc “bấm” cổ, sửa lại mái tóc đuôi gà, nắn lại vành khăn lụa. Thì ôi! Khách nào mà chả run rẩy trước cái đẹp tĩnh lặng của người con gái phố Đống.

Người khách cao dỏng, quần trắng lá tọa, áo the thâm, khẽ vắt đuôi áo lên đầu, e hèm… bước vào quán. Cái ghế góc nhìn xuống dòng sông thi phú. Lúc nào vị cũng ngồi đấy. Khoảng sông nước tĩnh lặng hình như dành cho vị… Chẳng bao giờ cô chủ quán để cho ông khách có cảm giác chơ vơ hụt hẫng…

Quán cao lâu cô Đào Hoa cũng gần đây, rồi dẫy thuốc bắc của cụ Tam Thọ - Cửu Đậu - Cụ Ba Rượu, cùng nhau tạo hương thơm gọi khách.

Gần trưa. Phố phường càng nhộn nhịp. Dòng sông Kim Bôi như nhuốm nắng tươi. Nước lên làm rối bụi cỏ ven sông và tiếng gàu của cô gái Hà Thành vừa vập vào thành giếng cổ? Tạo cho ta cảm giác ngây ngất.

Mấy vị khách bên chén rượu Tăm với đĩa giò lụa nóng, tươi màu hồng, hiện ra hai chữ “Cổ khúc” giữa khoanh giò. Ăn chơi sành điệu như thế là cùng. Có đâu hơn được phố Đống? Một vị khách cất cao giọng “Ơi người gánh nước sân đình/ Còn chăng hay đã trao tình cho ai”?

Ngày vui ngắn, Tết Kỷ Sửu (23) tháng chạp, ngày ấy ông Táo lên trời. Tiếng súng từ nhiều ngả đã vang lên ở đồng lúa Thái Bình. Giặc tràn từ Nam Định sang, từ Hải Phòng vào. Người ta gọi là sự kiện “Tây” O – Thái Bình. Dân chúng nằm trong vòng tròn chữ O, chạy lung tung. Mấy ông nghệ sĩ phố Đống dạt xuống Thần Đầu, Thần Huống (Thái Ninh).

Cánh Lộng Chương - Trần Lê Văn - Quang Dũng bốc bạn bè lên con đò quá giang qua bến đò Thanh Nga, Nhật Tảo sang Nam Định hạ trại.

Mới đêm trước vợ chồng Văn Cao cõng con trai đầu lòng Văn Thao về Phố Đống. Nhạc phẩm “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Tạ Phước, bố Tạ Bôn dàn dựng một đêm ra trò cho người phố Đống thụ hưởng. Mấy hôm sau lại nhanh chóng cõng con về Việt Bắc còn nhóm Phạm Duy chạy dạt vào Khu 4. Anh em Văn nghệ Liên khu 3 cùng “táp” vào Thanh để nhờ đất đứng chân “dụng võ”.

Các thầy Hoàng Như Mai - Nguyễn Tường Phượng, Vũ Hoàng Chương, chuyển về thôn Bắc Đông Sơn, vùng này có đồng bào Công Giáo ở giáp với làng Tào Xá.

Câu thơ Vũ Hoàng Chương bắt đầu có lửa: “Đêm xưa 19/12 đất Việt miền Trung đến ải ngoài/ Một loạt núi sông vùng đứng dậy/ Tung lòng bất khuất quét chông gai”.

Nắng, lửa, của cuộc kháng chiến đã đi vào thơ ca thời đó. Dân Phố Đống và nữ sinh trường Phan Thanh chuyền tay nhau đọc bài thơ thầy Chương viết tặng các chiến sĩ trường Sĩ Quan Lê Lợi Liên Khu 3 đóng ở Khuốc với đề tài “Áo mùa đông binh sĩ”:“Mùa lạnh đã về kia ai chiến sĩ?/ Áo nhung trao mỏng mảnh ấm gì chăng?/ Ngùn ngụt bãi sa trường lê tử khí/ Đàn quạ bay rợp bóng cô Hằng…/ Bông ấm áp vải dày ta chẳng có/ Để dâng ai chung một hội một thuyền/ Ta rút sợi tơ lòng van với gió/ Gửi dùm đi tạm chút gọi là Duyên”.

(Phủ Đông Quan 1949)

Bài thơ này do thầy Lương Hữu (Lượng) dạy văn trường sư phạm Thái Bình, có chút cơ may tản cư về từ đường nhà cụ Mai (Đông Sơn) gần phố cho biết. Nhà cụ Mai Văn Am có thầy Vũ Hoàng Chương, và thầy Hoàng Như Mai ở trọ. Ông Am đưa tay chỉ cái giường cũ nói với Thầy Lương Hữu “Cái giường thầy nghỉ hôm nay, xưa cụ Vũ Hoàng Chương vẫn nằm.

Phố Đống ngoài thầy Hoàng Như Mai - Vũ Hoàng Chương, các danh sư, danh sĩ về đây hội tụ, như Đinh Hùng - Nguyễn Tường Phượng - Văn Cao - Quang Dũng - Sao Mai… Họ ở dù cho một ngày, một tháng, một năm, để hưởng cái “Phúc” các cụ xưa gửi vào phố Đống. Quanh cái ấm tích pha trà ủ trong giỏ mây, cốc chén xếp trong rổ tre nhỏ. Chè khô đổ trong ống tre, ống nứa hoặc gói treo nóc nhà. Cô chủ quán, ngồi nép vào gốc cây bàng, cày nhãn rót nước, thi thoảng góp đôi lời đưa đẩy vào chuyện cho khách vui lòng. Mắt nhìn mắt, tay chạm tay, ấm áp thân tình.

Khách nhìn sông, sông mời khách, lời lẽ qua lại tấm mành che. Những tán lá xanh đọt chuối, bè nứa, bó lá dong từ ngược xuôi về. Cảnh tình thật nao lòng… Các cụ thì đã hẳn rồi, còn thi sĩ Hoàng Chương thốt lên tiếng thơ… “Và ai đó ngồi quanh lửa ấm/ Chuyện thế gian thời cuộc mở thâu đêm…” Cụ Am trông coi từ đường kể lại. Người ở làng Đông Sơn, nhưng hồn các thầy gửi ra phố Đống. Một vài buổi không cuốc bộ ra phố, không chịu được. Sớm đi, tối khuya mới về. Biết trưa đó ngả vạ ở chiếu chèo, quán hát nào. Khó mà đoán được.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương trước yêu Tố Uyên. Tố Uyên phụ ông vì nghèo, đi lấy người khác, cưới vào ngày 12/06. Ông làm thơ khóc “Tháng sáu mười hai từ đây nhé/ Chung đôi từ đấy, nhé lìa đôi…”. Sau này ông lấy Thục Oanh. Thi sĩ còn có người bạn tâm giao là nữ sĩ Ngân Giang. Theo nữ sĩ Ngân Giang trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông Hoàng thi sĩ thích bài “Mây trắng” của nữ sĩ… “Mây trắng lang thang mãi cuối trời/ Gió chiều heo hút khắp nơi nơi/ Thương thay trên quãng đường chia ngả/ Thì ngả nào không có lá rơi…” Ông Hoàng thi sĩ đã vung bút họa lại trong đó có hai câu kết… “Tình thu lạnh lắm Rồng ao cạn/ Há chỉ phòng thu lệ nến rơi…”

Sau 1954, Vũ Hoàng Chương mang theo hồn người phố Đống. Tình nữ sĩ đi Sài Gòn. Đất nước thống nhất. Từ Sài Gòn, ông gửi qua  Vũ Hoàng Địch em trai ông ở Viện Triết học đem về cho nữ sĩ một món quà “mọn”. Đó là tấm gấm, hoa văn chữ Thọ rất đẹp, kẹp mảnh giấy “xuyến”. Viết chưa đầy hai câu thơ “Mây trắng”… “Trên quãng đường chia ngả/ Thì ngả nào không có lá rơi…”. Nhà thơ họ Hoàng chia sẻ nỗi bất hạnh với Nữ sĩ. Khác gì bất hạnh đời mình. Vũ Hoàng Chương ngầm khuyên nữ sĩ đi tu để khỏi rơi vào “Bể khổ, sông mê”.

Nữ sĩ nâng tấm gấm trên tay. Mắt vọng vào trong ấy… Có lúc vọng về phố Đống, cố tìm lấy bóng chàng Chương. Hình như tai nữ sĩ nghe thấy tiếng hát ca Trù của cụ Phúc Hồ và Trần Thị Tuyết cuối 1949. Về phố Đống hát vài canh giờ cho các vị danh sư danh sĩ ngồi nghe, trong đó có Vũ Hoàng Chương.

Nhận được quà, mà lòng đau, phận tủi. Đời một nữ sĩ chỉ quanh quẩn trong cái quán nghèo, ngày quét lá rụng nấu nước. Vốn liếng có năm đồng bạc. Để rồi có lúc người tài hoa bạc phận ấy phải thốt lên.“Sớm tối dăm ba đồng vốn liếng/ Tháng ngày dăm bảy khách văn chương/ Ôi năm cứ đến xuân không hẹn…”. Nữ sĩ nghẹn ngào bởi không giữ được tấm gấm đó, bán đi đong được 5 yến gạo, đủ tiền may cho mình bộ “bạc y”. Hồi đó nữ sĩ Ngân Giang (Đỗ Thị Quế) đã li hôn với ông Nguyễn Văn Hàm. Chánh văn phòng thủ hiến Bắc Việt một nách nuôi con. Bẵng thời gian, bà nhận được tin từ Thục Oanh Vũ Hoàng Chương đã mất. Đêm khuya viết vội đôi dòng khóc người tri kỉ.“… Ơi Vũ Hoàng ơi! Ơi Vũ Hoàng/ Mười hai tháng sáu lạnh màu tang…”.

Cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hé lộ đôi điều về nữ sĩ Ngân Giang trong bài viết “Bên đỉnh Hương Trầm”. Những ngày đầu năm 1949, nhà văn Nguyễn Đình Thi có về phố Đống tìm gặp các văn sĩ, thi sĩ. Ông qua làng Cổ Khúc (làng Khuốc) thăm trường Phan Thanh. Một đêm dong bộ lên Phủ Tiên Hưng, qua cầu Kim Bôi ngắm dòng sông thi phú vào độ xuân về. Được anh em đưa vào nhà cụ Quảng Thành, hiệu buôn thuốc bắc lớn nhất phủ đệ. Nhờ cái sân gạch to nhà buôn, đêm trải chiếu Hới ràn rạt. Tổ chức nói chuyện văn hóa Cứu Quốc. Ông nói đâu một buổi. Nói nhiều đêm liên tục. Sau buổi nói chuyện thế nào cũng được chủ nhà bê lên tô cháo gà nóng đãi khách văn chương. Trong đó có nhà thơ Vũ Hoàng, Nguyễn Đình Thi với nguồn cảm mạch say sưa nồng nhiệt nói với các danh nhân danh sĩ tụ về phố Đống về hồn non nước mang trong mình.

Nhà văn đã truyền cảm hứng cuộc kháng chiến cho mọi người và ông Thi thấy thấp thoáng bóng con ngựa gầy. Đại Thi Hào Nguyễn Du từ trong bến Lan Đình chao chân, rửa nón, trên nước sông Trà, lững thững đi vào Phố Đống với đầy tâm trạng “nước non”, non nước, học trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Đại thi hào đã về Quỳnh Hải (Quỳnh Côi) ở ẩn viết kiệt tác “Truyện Kiều” trong đó có câu “Một vùng cỏ áy bóng tà”. Chữ “áy” là tiếng vùng quê vợ Nguyễn Du. Tiếng “áy” chỉ vùng cỏ úa, đã đi vào văn chương…

Một chi tiết nhỏ đó thôi đã làm cho hậu thế biết bao suy nghĩ về Phố Đống.

Gần trăm năm đã đi qua bao số phận con người, thăng trầm lịch sử. Dòng Kim Bôi, dòng sông thi phú đâu còn? Nó chỉ còn dòng nước nho nhỏ nghèn nghẹn chảy, trong nỗi niềm u uẩn. Bây giờ cửa cao, nhà rộng chọc trời, đèn xanh, đèn đỏ, nhập nhòa sớm tối. Hàng hóa tràn ra cả mặt đường. Hả hê quá! No đủ quá! Nhưng ta thấy nó thiêu thiếu thứ gì? Đó là con đường dâu da xanh lá. Thiếu bóng dáng anh Gù bán “To He”, thiếu hiệu ảnh Trí Tâm, thiếu hàng cót, nhớ hàng mành, nhớ ông già bán thuốc tê thấp.

Tất cả nó đã đi vào quá khứ. Nhưng gương mặt chú Lúy thập thềnh, hờ hễnh, hàng ngày đội mẹt bánh trôi dọc phố. Chú đi rất đúng giờ như chiếc đồng hồ “nước” nhỏ tí tách từng giọt. Chú đã đánh thức cả phố, khi tiếng rao cất lên “Ai bánh trôi nước không?”. Tiếng rao lọt vào từng căn nhà, ngõ nhỏ nó vừa yên tĩnh, vừa thân thiện. Hai tay chú khuềnh khoàng, hai chân chạng hạng đi, như dấu phẩy dấu chấm trên mặt đường. Hàng chú “độc” chỉ để phục vụ cho các văn nhân tài tử, cô chiêu, cậu ấm chạy loạn về đây.

Chú như một cái gì gần gũi, cái gì thiêng liêng không thể thiếu được. Thiếu tiếng rao chú Lúy. Thiếu tiếng gà đất gáy lên từ góc chợ. Thiếu ông già bán thuốc tê thấp. Thì còn đâu ra phố Đống? Nó như hạt bụi lề đường, như quả ớt cay, miếng riềng già trong mẹt thịt chó, như miếng gừng thái chỉ thả vào bát mắm rươi, để các cụ chấm thịt ba rọi ngồi giữa chiếu nhà cụ Cửu Đậu. Nó như miếng gỏi “cá mẻ” chở từ làng Tào Xá vào phố Đống.

Món cá gỏi làng Tào Xá đã góp cho văn nhân gặp gỡ nhau thân thiện hơn, yêu nhau hơn… Tạo ra chất giọng thơ thời tiền chiến viết ở phố Đống:“Ta hàn sĩ nửa đời luân lạc mãi/ Xót cho ai cùng lạnh giấc tha hương”.

Võ Bá Cường