Aaaaaaaaaaaaa… về ông, về ông! Tiếng thét chói lói vang lên trong khoang máy bay, trong lúc máy bay đang rung chuyển dữ dội tăng tốc để cất cánh. Mọi gương mặt hành khách hoảng hốt hướng về tiếng thét vẫn vang lên như muốn xé rách màng nhĩ, như muốn át tiếng động cơ máy bay
ĐỔI MẸ
Truyện ngắn KIỀU BÍCH HẬU
Aaaaaaaaaaaaa… về ông, về ông! Tiếng thét chói lói vang lên trong khoang máy bay, trong lúc máy bay đang rung chuyển dữ dội tăng tốc để cất cánh. Mọi gương mặt hành khách hoảng hốt hướng về tiếng thét vẫn vang lên như muốn xé rách màng nhĩ, như muốn át tiếng động cơ máy bay. Chị Thúy vội vàng dùng tay bịt chặt miệng con Ong, nhưng nó cắn điên cuồng vào bàn tay chị, khiến chị đau đớn rụt tay lại. Con Ong tiếp tục hét như muốn làm phổi nó nổ tung. Hai tiếp viên một nam một nữ cuống cuồng chạy về hàng ghế giữa máy bay, nơi bật lên tiếng hét xé màng nhĩ của một đứa trẻ. - Cháu làm sao thế chị? Chị cần em hỗ trợ gì không? Nam tiếp viên hỏi dồn. - Em có cái băng dính nào, bịt miệng nó lại cho chị. Thúy bất lực nói trong hàng nước mắt trào ra vì đau đớn, chị nhìn bàn tay trái với những vết tím rớm máu vì vừa bị con gái cắn chí mạng. - Cháu hoảng sợ vì máy bay cất cánh phải không? - Nữ tiếp viên hỏi chị, giọng vỗ về. Lát nữa máy bay lên cao sẽ bay êm hơn, cháu sẽ bớt sợ. - Nó lên cơn đấy Thúy lẩm bẩm. Chị vừa cúi xuống định lượm cái túi để dưới chân lên thì nhận một cái táng như trời giáng vào đầu. Không kịp né, Thúy hập dúi người xuống. Hai tiếp viên sững người không kịp phản ứng. Một hành khách nam ngồi cạnh Thúy vội nhoài người về phía trong, giữ tay con bé Ong không cho đánh mẹ nữa thì bị nó ngoạm một phát chí tử vào cánh tay. - Ối! Người khách ngồi phía ngoài rụt phắt tay lại, rú lên. - Em xin lỗi anh ạ. Thúy cuống quýt nói, chị đã ngồi thẳng được lên, tay giữ cái túi. - Chết thật! Nó cắn anh đau quá! - Chị làm thế nào cho nó bớt điên hộ cái - Người đàn ông ôm cánh tay rên rỉ. Tôi đau thế nào cũng được nhưng không chịu nổi tiếng thét quái đản của nó. Mẹ kiếp, nó làm nổ tung máy bay mất. Thúy lôi trong túi ra lọ kẹo ngủ, hối hả vặn nắp lấy nhúm kẹo dẻo như kẹo gôm nhét vào miệng con Ong. Con Ong ngừng thét nhưng lại nhè kẹo ra. Vài viên kẹo ướt nhẹp rơi dính vào vạt áo nó. Thúy gỡ mấy viên kẹo, nhét lại vào miệng con. Cùng lúc chị lại “ăn” mấy cái tát lia lịa vào mặt. Chị gục mặt, hai tay ôm đầu chịu trận. - Chị giữ hai tay nó đi, để tôi nhét kẹo vào miệng nó. Dường như không chịu nổi cảnh người phụ nữ tiếp tục bị con đánh thẳng cánh, người đàn ông ngồi cạnh lại lên tiếng. - Không sao đâu, nó chịu nhai kẹo rồi. Em cố cho nó tra tấn thêm chút nữa để nó nuốt mấy viên kẹo ngủ. Rồi nó sẽ ngủ. - Thúy hổn hển nói, túm vội cái túi xách tay che lên đầu để tránh đòn. Xoay sở một lúc, với sự trợ giúp của người đàn ông, Thúy đã trói được hai tay con Ong vào tay ghế. Chị nhận thêm ba phát cắn và vô số cái đập đầu của Ong vào đầu chị, đau như long óc ra. Chị ngồi né người ra phía ngoài, tránh bị con Ong cắn vào vai. Tiếng thét của nó lúc chói vang lên nhức óc, lúc dội xuống thành tiếng gầm gừ đe dọa. Hơn nửa tiếng sau, dường như quá mệt vì hét nhiều, và kẹo ngủ đã ngấm, con Ong gục mặt thiu thiu ngủ. Nhịp tim của mọi hành khách trên máy bay dần trở lại bình thường. Một trải nghiệm bay kinh khủng họ chưa từng qua. Thúy khe khẽ cởi cái khăn trói tay con ra, miệng chị đắng ngắt. - May mà tôi không bị đau tim, chứ không thì “tỏi” rồi! Người đàn ông ngồi cạnh Thúy lẩm bẩm. Người ta nói tiếng trẻ con khóc thét và tiếng kính vỡ gây căng thẳng thần kinh bậc nhất, quả không sai. Mà sao chị không cho nó dùng kẹo ngủ từ trước khi lên máy bay? - Vâng, tôi sơ ý quên mất. Khốn khổ. Tôi xin lỗi anh. - Cháu bị thế này lâu chưa? Bệnh điên gì mà khủng khiếp vậy? Người đàn ông thở dài. - Chị phải cho cháu đi chữa bệnh chứ. - Vâng, thì tôi đưa cháu ra một trung tâm ở ngoại thành Hà Nội để chữa bệnh đây. Lần đầu cháu đi máy bay… Thúy nghẹn ngào quay đi, giấu những giọt nước mắt lại vừa trào ra. Khi biết Vinh bị ung thư phổi giai đoạn ba, Thúy điên cuồng đòi cưới anh cho bằng được. Chị tin rằng khi chị thành vợ anh, toàn tâm toàn ý bên anh, cùng anh “chiến đấu” với căn bệnh, thì chị sẽ giật được anh ra khỏi tay thần chết. Nhất định chị phải giành giật bằng được Vinh ra khỏi tay thần chết bằng mọi cách. Chị tin rằng với tình yêu và ý chí quyết tâm cao hơn trời, sâu hơn đất của mình, chị có thể chiến thắng. Còn nếu chị không thể, thì chị cũng sẽ giành được thứ gì đó từ người đàn ông chị yêu hơn cả bản mạng của chính mình. Cả gia đình Thúy phản đối việc con gái lao vào chốn vô vọng. Thúy ương bướng không chịu nghe lời dù bố mẹ đã họp gia đình, tề tựu đầy đủ các bậc bề trên, cô dì chú bác để ngăn cản chị. Cuối cùng, cực chẳng đã, bố Thúy đã nhốt chị trong phòng ngủ, chỉ cho ra ngoài đi vệ sinh theo giờ và bị giám sát chặt chẽ. Sau mười ngày, thấy con gái không chịu động đến thức ăn, chỉ khóc rộc người, mẹ Thúy lén mở cửa ban đêm cho chị trốn đi. Chị đến nhà Vinh, phủ phục xuống chân ông bà Bình. Bố mẹ Vinh xin được làm dâu. Bà Bình gạt nước mắt cúi xuống nâng cô gái si tình tội nghiệp lên. Không có đám cưới, nhưng từ đó, Thúy sống trong nhà ông bà Bình, làm con dâu, mà như con gái. Bố mẹ đẻ lên tiếng từ mặt Thúy. Thúy cũng lặng câm, ngắt kết nối với những người sinh thành ra mình. Chị một mực tập trung vào Vinh, với hy vọng tình yêu Minh họa: ĐỖ NHƯ ĐIỀM của chị, nỗ lực của chị sẽ giúp anh qua khỏi. Bắt đầu những chuỗi ngày dài đi bệnh viện, truyền hóa chất. Mỗi lần truyền hóa chất về, Vinh suy sụp, không thể ăn uống, chạm tay vào vợ cũng đau. Thúy cố nài anh húp miếng cháo mà chị đã ninh kỹ, lọc sạch không còn chút gợn, anh duỗi cổ ra cố nuốt cho vợ yên lòng. Nhưng miếng cháo vừa vào đến dạ dày, thì anh lại nôn ra. Tóc Vinh rụng như lá trút mùa thu. Tóc trên gối, tóc dính trên chăn, trên sàn nhà, tóc trong bồn rửa mặt, tóc trên bàn, trên ghế ngồi, trong đĩa rau, trong cả nụ hôn gượng nhẹ an ủi mà Thúy cẩn trọng nâng niu với anh. Thúy tẩn mẩn nhặt từng sợi tóc rụng của Vinh, cất vào một cái hộp gỗ chị đựng trang sức thời con gái. Bất cứ sợi tóc nào của anh rụng ở đâu, chị cũng nhặt lại, cất vào đó. Dường như mỗi ngày, ánh mắt của cả bốn người trong gia đình, gồm bố mẹ chồng, anh Quang, anh ruột Vinh, rồi Vinh, đều nhìn Thúy đau đáu hơn. Thúy hiểu ánh mắt đau đáu ấy. Chính chị cũng nhìn mình với ánh mắt đau đáu như bốn người còn lại. Chị đã thành máu thịt với bốn người trong nhà này rồi, nên những ánh mắt, những cử chỉ không lời của họ, đều rõ mồn một với chị. Giá như anh Quang chịu lấy vợ, sinh sòn sòn những đứa con, thì có lẽ, họ sẽ bớt trông chờ vào Thúy hơn. Nhưng chính Thúy cũng trông chờ vào điều đó, hơn tất cả mọi điều. Mỗi lần truyền hóa chất, thì sự gần gũi với vợ dường như bất khả cho Vinh. Đêm đêm, đáp lại nụ hôn dài khao khát, thân thể da thịt nóng bừng đòi hỏi của Thúy, Vinh nỗ lực trong đau đớn khôn cùng. Thúy nâng đỡ, chiều chuộng, vuốt ve, dìu anh lên đỉnh ngọn sóng. Anh nương vào chị, cố gắng hút lấy chút năng lượng thanh tân sôi trào, cuốn anh theo chị, nhưng mỗi lần anh tưởng như mình sắp chiến thắng, thì nụ cười ngạo nghễ của thần chết lại đánh gục anh. Anh sập xuống thân thể đang lúc sáng ngời thỏa mãn của chị, anh run rẩy, vã mồ hôi lạnh lên chị. Thế rồi Thúy chậm kinh. Chị hồi hộp không dám đi lại mạnh bạo. Que thử thai mua về nhà rồi, mà chị vẫn không dám thử. Chị sợ mình háo hức sớm quá. Ngực chị bắt đầu căng nhức, lưng đuỗn ra nặng nề, chị có hoang tưởng không nhỉ. Thúy không nói gì với chồng, với người nhà. Chị kiên nhẫn đợi chậm kinh đến ngày thứ mười lăm thì mới lấy que thử thai ra. Hai vạch hồng sáng rực trên chiếc que giấy mảnh mai thần kỳ! Thúy bật khóc ngay trong nhà vệ sinh. Hơn tám tháng sau, Thúy sinh con gái, con đẹp như một thiên thần. Vinh lúc đó đã rất yếu, phải ngồi xe lăn, nhưng anh vẫn đợi bằng được bên hành lang nhà hộ sinh, đón tay đứa con gái đầu lòng. Vinh khóc vì hạnh phúc, nước mắt anh lã chã rơi xuống tấm khăn bông quấn vội cho con. Bà Bình sụp xuống bên giường con dâu dập đầu cúi lạy. Đứng cách đó xa xa, ông Bình và Quang cũng ôm nhau khóc. Họ dường như đã chiến thắng thần chết. Nhưng ngày con bé Ong đầy tháng, cũng là ngày nó mất đi người cha. Nỗi đau mất con của ông bà Bình dường như được chuyển hóa thành niềm đắm mê đứa cháu nội quý hóa. Cả ông và bà đều yêu chiều và chăm cháu quá mức. Con Ong được cả nhà cưng như nàng công chúa nhỏ. Chỉ cần nó hơi ọ ẹ một chút là cả ông bà và bác Quang dường như đâm bổ đến giường xem có chuyện gì không. Thật tội, Quang là con cả trong nhà, nhưng lại thuộc giới tính thứ ba, không thể có hôn nhân bình thường và sinh con được nên anh đã coi con Ong là con của mình, làm cha thay cho em trai xấu số. Chỉ một đứa trẻ mà được bốn người lớn cưng chiều, thái quá bất cập! Con Ong hay khóc, nhưng lại chậm nói. Lên ba tuổi muốn gì là khóc đòi bằng được, nhưng không chịu nói. Ban đầu Thúy cho rằng con gái mình được chiều chuộng quá mức nên sinh ra trái tính, chị cương quyết cho con đi lớp mẫu giáo. Nhưng chưa được một buổi, cô giáo đã gọi điện cho Thúy phàn nàn, rằng bé Ong không chịu tự xúc ăn khi tới bữa, cô giáo bón cho cũng không ăn, chỉ khóc ròng. Có lẽ bé đòi về nhà, đòi không được thì đập mồm vào bàn sưng vêu, rồi táng các bạn trong lớp khiến cả lớp khóc như ri. Cô giáo nhức đầu không chịu nổi. Thúy phải đến lớp đón con về. Hôm sau chị đưa con đến lớp, cô giáo không chịu nhận. Thúy đi tìm một cơ sở tư nhân nhỏ, trông trẻ lứa tuổi con ong, có hơn chục bé để gửi con. Nhưng cũng chưa quá một ngày thì điện thoại Thúy lại réo. Chủ cơ sở một mực nài Thúy đưa con về nhà, nếu không thì con Ong sẽ làm loạn cả lớp, sát thương các em nhỏ khác. Thúy bất lực đưa con về nhà, ông bà nội và bác Quang sẵn sàng trông nom cháu cả ngày, để Thúy đi học ngành sư phạm. Cả nhà đồng ý rằng, sau khi Thúy học xong, sẽ đầu tư mở một trường học nhỏ, để Thúy có thể dạy chính con mình và những đứa trẻ khó bảo khác. Khi Thúy có bằng sư phạm, chị liền kêu gọi mấy người bạn hùn vốn cùng gia đình mình, mở một trường tư thục dạy từ mẫu giáo đến bậc tiểu học. Chị cho rằng khi mình làm chủ một ngôi trường, thì mình hoàn toàn có thể tạo ra một môi trường tốt nhất cho con Ong và những đứa trẻ bất thường như nó, chúng sẽ không còn bị xa lánh, xua đuổi như khi đi học ở các trường khác. Nào ngờ, ở chính ngôi trường do mẹ mình tạo ra, con Ong vẫn phá phách làm náo loạn toàn trường. Bảy tuổi mà nó vẫn không biết tự xúc ăn, không biết đi vệ sinh đúng cách, chỉ gào thét và đánh người rồi tự đập mồm vào bất cứ thứ gì trước mặt. Miệng nó lúc nào cũng sưng như bị ong đốt và chảy máu dầm dề, ai nhìn thấy cũng sợ, cũng né. Thúy bất lực đưa con về nhà. Chị bàn với ông bà Bình: - Con Ong nhà mình cần phải đi khám bệnh xem sao. Con đang lo là nó có những biểu hiện của trẻ tự kỷ. Có khi phải đưa cháu vào sống trong trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ thì mới yên. - Cái gì! Cháu tôi là cháu vàng cháu bạc, là công chúa, nữ vương. Sao con dám nói nó bệnh hả! Bà Bình kêu lên. - Mẹ xem, nó bảy tuổi rồi mà không biết xúc cơm, không biết đi vệ sinh, nói thì chậm, chỉ biết khóc và đánh người. Con không biết nó đánh người vì muốn gì nữa. Trong khi đó con nhà người ta biết đọc biết viết… Kệ con nhà người ta, ai có phận nấy, con mình mình thương chứ! Ông Bình xen vào. - Cháu tôi khỏe mạnh, sao lại bảo nó bệnh tật gì? Không đưa nó đi đâu cả. Con đã phải đầu tư tốn kém mở trường dạy học mà không chứa cả con gái mình nữa thì đưa đi đâu? Con Ong được ở nhà với gia đình, được học trường do mẹ nó mở ra, sung sướng thế còn mong ước gì nữa hả? - Thế bố mẹ có biết con thực lòng mong gì hay không? Thúy nghẹn ngào. - Mong gì nữa? - Con chỉ có một ước mong, được ôm con Ong lao xuống sông mà chết cho rảnh nợ! Thúy rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, thuyết phục bố mẹ chồng cho con Ong đi khám bệnh không được, mà đưa con đến trường chị dạy học thì chị không kiểm soát nổi con, khiến cho các giáo viên khác cũng không dạy học được. Con Ong luôn đánh bạn tới tấp tơi tả. Chị luôn phải trong tâm thế xin lỗi các bậc phụ huynh có con bị đánh ở trường. Có nhóm phụ huynh còn lặng lẽ rủ nhau rút con về, không đến trường học nữa. Họ một mực xa lánh con Ong, không cho con mình tiếp xúc với con chị. Một số phụ huynh khác cũng đánh tiếng chị nên để con Ong ở nhà, nếu không thì họ cũng sẽ không cho con họ đến trường của chị nữa. Chị đành thỏa hiệp, để con Ong ở nhà cho bố mẹ chồng trông coi. Ông bà Bình cũng như muốn chứng tỏ cho Thúy biết là con Ong không tật bệnh gì nên ra sức chiều cháu. Bà thì tẩm bổ, đút cho cháu ăn suốt ngày, nó ăn no quá lại ói ra, ông thì cứ thấy cháu đòi là dẫn cháu đi chơi, có hôm hai ông cháu chơi tới 2h sáng mới về, cả ông lẫn cháu mệt lử lả. Nhưng vào cuối chiều, khi Thúy từ trường học về nhà, thì đó là thời gian cực hình của chị. Từ khi có con Ong, chị biết thế nào là bị tra tấn. Khi ở trường chị là cô giáo giỏi, hô mưa gọi gió còn được, vậy mà khi về nhà thì chị bị đánh tơi bời, bởi chính đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra. Ăn tối xong vào lúc bảy giờ, là ông bà Bình trả lại đứa cháu yêu thương cho mẹ nó trông nom. Mẹ nó đi cả ngày, tối về phải được quyền gần con. Thúy ôm con vào phòng và cuộc tra tấn bắt đầu. Con Ong cứ nhè mặt mẹ mà đánh, táng nổ đom đóm mắt. Thúy đau quá, lấy chăn chùm lên đầu để đỡ đòn, thì con Ong vừa khóc rống lên, vừa lôi chăn ra và khi vừa nhìn thấy mặt mẹ, thì nó lại đánh tới tấp. Nó chỉ nhè trúng mặt mẹ nó đập. Thúy đau quá, trào nước mắt, gào lên: - Trời ơi, đánh gì mà đánh dữ vậy trời! Tôi biết kiếp trước tôi nợ “bà” rồi, thì từ từ kiếp này để cho tôi sống mà tôi trả dần, đánh dữ thế này tôi chết luôn đây thì lấy ai mà đánh nữa! Mặc cho chị rên rỉ khóc lóc, con Ong cứ đánh chị, đuổi theo chị khắp phòng mà đánh. Cho đến gần mười một giờ đêm, nó mệt quá lăn ra ngủ gục trên sàn. Thúy không dám thở mạnh, sợ nó thức giấc. Chị ngồi xoa má, lau nước mắt rồi nhẹ nhẹ bế con lên giường. Chị đồ rằng con bé thể hiện tình cảm yêu thương bằng cách ấy. Nhìn mặt nó ngủ thật dễ thương, hàng mi dài khép hờ như còn thổn thức, cái mũi hếch nhỏ nhắn, chỉ cái miệng là sưng vều mãn kiếp vì ăn vạ là đập vào cạnh bàn, đến mấy răng cửa của nó cũng vỡ và xô lệch vì bị đập. Cả đêm Thúy trằn trọc, ngủ chập chờn, chị mông lung nghĩ cách làm sao thuyết phục bố mẹ chồng cho con Ong đi khám bệnh. Tình trạng của nó càng ngày càng nặng, mà ông bà ngày càng già yếu đi. Ông Bình còn bị tiểu đường, lắm hôm dắt cháu đi chơi về, ông kiệt sức ngã lăn xuống giường rên rẩm chửi đổng vì quá mệt. Mệt đến đâu cháu cũng cứ dắt tay ông đòi đi chơi, ông mà không đi thì cháu lại đập mồm vào cạnh bàn, máu túa ra đầy miệng khiến bà Bình nhìn thấy ngất xỉu. Nhiều lúc bị con đánh dữ quá, mắt nảy đom đóm, đầu Thúy đau nóng như muốn nứt toác ra. Chị không ngủ nổi, nghĩ quẫn, muốn bóp cổ con Ong, cho nó chết, rồi chị ôm nó ra sông, hai mẹ con lao xuống đó là xong nợ đời. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chết thì dễ, sống được mới khó. Nếu mẹ con chị chết, thì ông bà Bình, và anh Quang nữa, sẽ còn mục đích nào để bấu víu vào cuộc đời này? Nghĩ đến ánh mắt của Vinh khi sắp lìa đời, nghĩ đến hy vọng tràn trề của chính mình khi biết mình có thai, Thúy lại cắn răng chịu đựng. - Sao chị đưa con tới đây muộn thế? Ông Thùy - Giám đốc Trung tâm Mộc Lan cau mày hỏi. Bỏ qua mất thời gian vàng của con rồi. Tình trạng tự kỷ của con bây giờ rất nặng, chữa trị sẽ vô cùng tốn công sức. - Lẽ ra em đã đưa con đi điều trị hoặc can thiệp sớm từ lâu rồi, nhưng hoàn cảnh gia đình em khó khăn quá. Thúy bộc ra kể lể. - Chồng em mất sớm, chúng em có mỗi mụn con này. Bác ruột cháu thì không lấy vợ, cháu là độc nhất nên ông bà nội và bác cháu coi cháu như kim cương, như nữ hoàng. Em phải chiến đấu thực sự với cả nhà hơn một năm trời mới đưa con đi tới đây được. Vậy mà ông nội cháu vẫn mắng “Sao mày đem vứt con mày đi hả? Nó có bệnh tật gì đâu. Cứ để nó ở nhà, sống thì nuôi, chết thì chôn!” - Vậy thì cần điều trị ông bà nội trước tiên! – Ông Thùy lẩm bẩm. Trong thời đại hỗn mang này, tất cả chúng ta đều bị tự kỷ ở mức độ khác nhau. Muốn chữa được cho con thì cần chữa cả ông bà, bố mẹ trước đã. Cũng may là chị đã chiến đấu với ông bà thành công. Chị cứ tin ở chúng tôi. Nào, bây giờ thì kể tôi xem, tại sao miệng cháu sưng vếu thế kia? - Cháu ăn vạ đấy ạ, nếu đòi hỏi gì đó mà không được, nó sẽ vừa khóc, vừa đánh, và cắn người bên cạnh. Lắm lúc cháu ăn vạ như kiểu tự nhiên lên cơn thế thôi, chứ người nhà cũng không biết cháu muốn gì. Nếu biết cháu muốn gì thì đáp ứng luôn cho được yên thân. Nếu đánh người ta không xong, thì nó đập mồm nó vào mép bàn, cạnh tủ, gờ tường, cứ nhằm những chỗ gờ, cạnh gồ ghề đó mà đập có khổ thân con không cơ chứ. Máu chảy toét tòe loe mà hình như nó chẳng thấy đau thầy ạ. - Ai bị con đánh nhiều nhất? Ông Thùy vừa hỏi, vừa bấm chuông gọi người trợ lý. - Dạ, mẹ cháu bị đánh nhiều nhất. Thúy rơm rớm nước mắt. Đêm nào nó cũng hành hạ, đánh tát nát tan cái mặt em ra. Đến khi nó mệt quá, lăn ra ngủ, em thì đau quá không ngủ được, rộc cả người. Tới sáng, vừa chợp mắt đi được một lúc, thì lại giật mình tỉnh dậy, bị con táng cho nổ đom đóm mắt! - Nó yêu mẹ quá đấy mà! Ông Thùy mỉm cười. Trợ lý của ông là một nữ giáo viên dáng người nhỏ bé nhưng chắc nịch, bước vào, nhìn ngay thấy bé Ong đang bị mẹ giữ chặt hai tay. Cô giáo Ninh vẫy nhẹ tay, hướng về bé Ong: - Lại đây với cô nào! Thúy vừa buông tay, thì bé Ong đã bẽn lẽn tiến đến vòng tay cô Ninh đang giang ra, rồi thật bất ngờ, bé ôm chặt lấy cô Ninh mà hôn. Cô Ninh cũng thật tự nhiên chìa lần lượt má trái, rồi má phải cho Ong hôn hít. Nhìn cảnh bé Ong cứ vồ vập hôn hít cô Ninh như vậy, ông Thùy hỏi: - Ồ, sao nó không tát cô Ninh nhỉ? - Con bé này lạ lắm thầy ạ. Nó chỉ đánh người quen, nhất là mẹ, còn với người lạ, thì nó lại ôm hôn âu yếm như mẹ đẻ nó không bằng! Thúy giải thích. - Vậy thì phải đổi mẹ. Ông Thùy đập tay cái đét vào đùi. Đổi mẹ ngay. Từ giờ này trở đi, cô Ninh sẽ là mẹ của Ong, ở bên Ong, còn mẹ Thúy về miền Nam làm việc đi. Thúy định hỏi han thêm, nhưng thầy Thùy đã kéo chị ra cổng Trung tâm, đuổi thẳng về. Thầy chỉ nói ngắn gọn “Muốn đổi đời cho con, phải để con ở đây, con sẽ có hạnh phúc làm người.” Thúy thẫn thờ ra về, lúc trên máy bay trở lại Tp. Hồ Chí Minh, chị mới nhớ ra là mình còn chưa đóng tiền ăn học cho con ở Trung tâm Mộc Lan. Khi về đến nhà, Thúy lại chịu cảnh dằn hắt của bố mẹ chồng vì đã mang cháu nội của ông bà đi đày ải ở một cái trung tâm thần kinh nào đó tận ngoài Bắc. Ông bà còn bóng gió rằng Thúy đã thay đổi, giờ đã là hiệu trưởng một trường tư, muốn tiến thân nên ném con đi cho rảnh. Thúy phải giải thích rằng, ở nhà, dù con được sung sướng vì ông bà chiều chuộng, nhưng lại bị cầm tù trong chính tình yêu thương ấy. Bởi con không có người đồng cảm đồng cảnh chia sẻ với con, nên con không thể hạnh phúc được. Ở đó, bé Ong sẽ sống trong cộng đồng của mình, không bị xa lánh, ghẻ lạnh, con sẽ không phải khóc vì mọi người không hiểu con, và cũng không ai phải khóc vì con nữa. Những ngày đầu xa con, Thúy cũng sốt ruột và nhớ con vô cùng. Khi ăn tối, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, chị lên phòng ngủ của mình, đóng cửa lại. Bất giác chị đưa tay ôm đầu, cứ như chuẩn bị chịu trận, với những cú táng nổ đom đóm mắt của con Ong. Nhưng không có một cú táng, cái tát nào cả. Con Ong không ở đây nữa rồi. Lẽ ra chị phải thấy bình yên chứ nhỉ? Có thể cảm giác nặng nề này là vấn đề tâm lý. Thầy Thùy nói gì nhỉ “Tất cả chúng ta đều bị tự kỷ ở mức độ khác nhau”. Có lẽ vậy, chị phải chữa bệnh cho chính mình trước, thì mới có thể chữa cho con được. Việc ông bà Bình dằn hắt chị, anh Quang hạn chế trò chuyện với chị từ khi chị đem con Ong đi gửi học ở Trung tâm Mộc Lan, cũng là biểu hiện bệnh, sự rối loạn lo âu lâu ngày không chữa trị. Ai cũng thấy mình có lỗi khi Ong không còn ở đây. Chị cần hết sức kiên nhẫn, để tìm ra cách ứng xử cho thật đúng, để mọi người trong gia đình thấu cảm với bé Ong, với chị, và với chính họ nữa. Thúy muốn gọi điện cho cô giáo Ninh để hỏi thăm tình hình của con, nhưng chị gắng hết sức kiềm chế, tôn trọng quy định của Trung tâm. Một tháng sau, cô Ninh đã chủ động gọi điện cho chị, cho chị xem ảnh của bé Ong, các clip ghi hình bé đang ăn, chơi, học, tập luyện kỹ năng mới với các bạn tự kỷ ở Trung tâm. Nước da bé đã không còn xanh xao vì cớm nắng như khi ở nhà, mà rám nắng, đỏ hồng, sắc diện tươi vui. Cô Ninh kể, mỗi ngày bé cùng các bạn tập đi xe đạp ít nhất bốn tiếng đồng hồ ngoài trời. “Bé đang theo liệu trình điều trị Thiền Động do thầy Thùy phát minh ra. Cô Ninh giải thích thêm. Ba tháng sau đó, cô Ninh lại gọi điện cho Thúy, thông báo rằng Thúy có thể đến thăm con được rồi, vì hiện giờ con đã có những tiến bộ đáng kể. Thúy hỏi đó là những tiến bộ gì, thì cô Ninh không tiết lộ, cô muốn Thúy được bất ngờ khi đến gặp con trực tiếp. Quyết định ra Hà Nội thăm con lần này, Thúy mời cả bố mẹ chồng đi cùng. Ông Bình khăng khăng từ chối, chỉ có bà Bình chịu đi. Thúy không ép, chị muốn thời gian sẽ dần làm dịu sự căng thẳng trong gia đình. Vả lại, khi bà Bình tận mắt thấy cháu bà tiến bộ, sẽ kể với ông và rồi ông sẽ hiểu. Thầy Thùy tiếp bà Bình và Thúy ở phòng khách Trung tâm. Thay vì gọi người đưa Ong lên gặp bà và mẹ, thì thầy Thùy lại ra sức thuyết phục Thúy làm đại diện cho thầy ở Tp. Hồ Chí Minh, để thâu nạp những cháu tự kỷ nặng như Ong, mà không có cơ sở nào chịu nhận. Thầy tự tin cho rằng, với việc áp dụng phương pháp huấn luyện của thầy phát minh, thì các cháu tự kỷ sẽ tiến bộ, giải quyết được tình trạng bế tắc của các gia đình có con tự kỷ nặng, hoặc tự kỷ tuổi dậy thì. - Cháu Ong nhà tôi đâu. Cuối cùng không nén nữa, bà Bình hỏi thầy Thùy. Thầy bấm chuông gọi, vài phút trôi qua và thầy vẫn thao thao nói về mong muốn mở cơ sở ở miền Nam, nhưng cả bà Bình và Thúy đều nôn nao. Vừa lúc cô Ninh đẩy cửa bước vào, nhưng chỉ có một mình cô chứ không dắt theo Ong như bà Bình mong chờ. - Cháu Ong đâu rồi cô giáo? Thúy dợm đứng lên, hỏi. - Bà và chị đi theo em. Cô Ninh nói, khoát tay chỉ ra phía sân bên trái phòng khách. Họ cùng bước ra sân vườn của khu Trung tâm, nắng trưa xiên qua vòm lá nhãn, rải xuống sân những đốm tròn nhảy nhót khi lá đưa xào xạc theo gió từ dòng sông Đuống thổi vào. Thúy khoác tay mẹ chồng líu ríu đi theo cô giáo Ninh. Họ chợt chết sững khi có đứa trẻ đi xe đạp một bánh đâm sầm vào họ. Thúy vừa mở miệng kêu trời thì tiếng kêu mắc lại cuống họng. Đứa bé vừa lao cả xe đạp một bánh vào người chị làm chị suýt té đó chính là Ong! Khi nói chuyện với cô giáo Ninh qua điện thoại, Thúy nghĩ con mình tập đi xe đạp thường, như vậy cũng đã giỏi lắm rồi. Nào ngờ khi thực tế ở đây, chị mới biết con gái mình đã đi được xe đạp một bánh! Nghĩa là con phải tự cân bằng rất giỏi. - Thúy, Thúy! Con Ong hét lên rồi túm lấy mẹ, hôn tới tấp lên mặt Thúy. Nó vẫn có thói quen chỉ kêu mẹ bằng tên suông. Thúy ôm chặt con gái, nước mắt chị rân rấn. Từ hồi đẻ con ra, con chỉ tát, táng, cắn mẹ, có bao giờ con ôm hôn mẹ thế này đâu. Bà Bình chờ một lúc, rồi chen vào: - Con quên nội rồi ư, cưng ơi! Ong buông mẹ ra, quay sang cười rồi ngượng nghịu hôn bà nội. - Chị cứ chờ cái tát của nó. Thúy quay sang cô giáo Ninh, nghẹn ngào. Nào ngờ được con ôm hôn. - Chị ơi, hai tháng trước bé Ong cũng tát em lệch mặt, vì bắt đầu thương em như thương chị đó, nói thật, được bé tát mà thấy hạnh phúc, vì em hiểu đó là cách thể hiện tình cảm của bé. Thầy Thùy thấy vậy, lại kêu “đổi mẹ”, nên bây giờ cô giáo Hoa lại được làm mẹ của Ong rồi. - Thế là Ong có những ba người mẹ. - Thúy cười. Cảm ơn cô Ninh, cô Hoa và thầy Thùy, tất cả thầy cô trong Trung tâm… Thúy cùng mẹ chồng ở lại Trung tâm ba ngày, trong ba ngày đó, họ cùng làm bếp, lo bữa ăn cho học trò, quét dọn vệ sinh và tối ngủ cùng con. Bà Bình đã thấu hiểu việc những đứa trẻ cùng cảnh ngộ biết cách giao tiếp và giúp đỡ nhau, vui vẻ luyện tập kỹ năng với nhau như thế nào ở chính nơi này. Bà Bình đột ngột xin được thầy Thùy nhận làm chân quét dọn vệ sinh ở Trung tâm, bà thấy Trung tâm thiếu người làm việc này, nên các thầy cô phải tranh thủ làm khá vất vả mà chưa như ý. Bà cũng vận động con dâu nhận lời chuyển trường của con ở Tp. Hồ Chí Minh thành chi nhánh của Trung tâm, để tiếp nhận phương pháp can thiệp đặc biệt đối với trẻ tự kỷ của thầy Thùy, tạo cơ hội cho thêm nhiều trẻ tự kỷ được sống hạnh phúc. Trong sâu xa, bà Bình nghĩ, bé Ong hạnh phúc ở đâu, thì gia đình bà sẽ hạnh phúc ở đó. Vậy mà bấy lâu nay bà đã không nhận ra điều cháu mình thực sự cần…