Nhận giấy báo điểm thi Đại học, Tam lạnh toát người, không tin vào mắt mình nữa. Thế là mọi hy vọng tiêu tan. Đây không chỉ là nỗi buốn, cú sốc của riêng Tam, mà còn là cú sốc đối với cả bố mẹ. Bởi vì khi cho Tam theo học THPT là bố mẹ đã nuôi một hy vọng, một quyết tâm là sau này Tam sẽ trở thành một kỹ sư, bác sĩ gì gì đó để thoát cảnh đói nghèo truyền kiếp và cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ lúc tuổi già
MỘT SÁNG XUÂN
Truyện ngắn VŨ DUY YÊN
Nhận giấy báo điểm thi Đại học, Tam lạnh toát người, không tin vào mắt mình nữa. Thế là mọi hy vọng tiêu tan. Đây không chỉ là nỗi buốn, cú sốc của riêng Tam, mà còn là cú sốc đối với cả bố mẹ. Bởi vì khi cho Tam theo học THPT là bố mẹ đã nuôi một hy vọng, một quyết tâm là sau này Tam sẽ trở thành một kỹ sư, bác sĩ gì gì đó để thoát cảnh đói nghèo truyền kiếp và cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ lúc tuổi già. Vì vậy, bố Tam đã ra sức lao động, tằn tiện từng đồng, có khi phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội để cho Tam ăn học. Thế mà giờ đây, giấc mơ đó đã tan thành mây khói. Thực ra, sức học của Tam, suốt ba năm THPT, đều đạt loại trung bình khá, chứ đâu đến nỗi nào? Đúng là "học tài, thi phận", biết làm sao được? Dẫu sao, cú sốc này cũng khiến Tam chán nản, thất vọng vô cùng. Suốt ngày nọ sang ngày kia, Tam chẳng chịu ăn, làm gì cả. Đôi khi phóng xe đi chơi, nhậu nhẹt với mấy thằng bạn vô công, rồi nghề cho đến khi say xỉn thì được đưa về nhà, nằm vật trên giường, đến hôm sau mới tỉnh. Bố mẹ Tam thấy vậy rất buồn và lo cho tâm trạng tiêu cực của con không biết sẽ ra làm sao? Rồi một ngày nọ, Tam gặp Ca là chủ đào vàng trong một quán bia trên thành phố. Thấy Ca đeo vàng đầy người từ cổ, tới mấy ngón tay, cổ tay... dễ đến hàng kg vàng. Tam khen Ca: - Sao anh giàu thế, người đeo bao nhiêu là vàng! Thấy Tam có vẻ là một thanh niên lanh lợi, khỏe mạnh, song trong lòng chắc đang có nỗi buồn gì đó nên nét mặt âu sầu, nói năng giọng bất cần đời, Ca liền nảy ra ý định bắt chuyện để xem có tuyển mộ được chàng thanh niên này làm phu đào vàng cho mình không? - Chú em làm nghề gì mà trông có vẻ chán đời thế? - Em mới tốt nghiệp phổ thông,vừa thi Đại học trượt chứ đã làm nghề ngỗng gì đâu! - Vậy chú em ở nhà ôn thi năm nữa hay đi làm? - Bố mẹ em đều là nông dân, kinh tế gia đình đang khó khăn. Có lẽ trước mắt, em phải đi kiếm việc gì làm đã để đỡ cho gia đình. - Thế chú em có đi làm với anh không? Anh đang cần tuyển lao động.. - Anh định tuyển em làm việc gì, nói xem em có làm được không? - Công việc của anh dễ ợt, chỉ cần có sức khỏe.Chú em trai tráng thế này là anh OK rồi! - Vậy đó là việc gì? Anh là chủ mỏ vàng. Công việc khai thác vàng của anh là chỉ đào sâu xuống lòng đất, chỗ nào nghi có vàng thì bốc đem lên đãi. Tức là đãi đất tìm vàng ấy mà! - Việc ấy thì em làm được! Vậy công mỗi tháng anh trả bao nhiêu? - Việc có nặng nhọc chút, nên lúc đầu, anh trả mỗi tháng mười triệu. Về sau tay nghề quen, đãi được nhiều, anh sẽ tăng lương. - Thế thì anh cho em đi làm với! - OK! Vậy chú mày về nhà chuẩn bị, 9h sáng ngày kia đến gặp anh ở đây, anh sẽ đưa đến chỗ làm. Tam về nói lại chuyện này với bố mẹ. Ban đầu, bố Tam lo lắng không đồng ý. Ông khuyên con: - Công việc phu đào vàng nghe nói vất vả và nguy hiểm lắm! Nó lại dễ làm hỏng con người với nạn cờ bạc, nghiện hút. Chẳng may bị sập hầm thì chết là cái chắc. Bố đừng lo! Con sẽ cẩn thận. Vả lại bây giờ nhà ta đang khó khăn, mẹ thì ốm nằm đó mấy năm nay rồi. Bố để con đi làm tạm vài tháng, lấy tiền chạy chữa cho mẹ đã. Nghe con nói kế hoạch như vậy, ông Hoành đành đồng ý. Công trường khai thác vàng của Ca ở một khu rừng thẳm sâu, hẻo lánh; có lẽ đến hàng trăm người mà Ca chiêu mộ được ở các tỉnh về đây. Ca dựng lán trại làm nơi ăn nghỉ cho công nhân tại công trường để giữ được bí mật. Nơi đây cũng có quán hàng tạp hóa nhỏ do người nhà của Ca kinh doanh. Đặc biệt ma túy các kiểu: chích, hít, uống... đều có, cũng do người nhà của Ca cung ứng. Song việc mua, bán, sử dụng loại hàng cấm này phải thật kín đáo, không công khai như mua đồ tạp hóa. Tam được Ca cho vào làm cùng tổ với Giang Trọc, một đại ca nổi tiếng của mỏ. Giang Trọc vốn là một tay giang hồ có số má ở thành phố, được Ca tuyển mộ vào đây để giữ gìn trật tự, an ninh cho khu mỏ là chính. Những phu nào ương ngạnh, khó bảo thì Ca hẩy Giang Trọc đến trị cho vài chưởng thì đều phải khuất phục, đi vào khuôn phép. Ngoài nhiệm vụ đó, Giang Trọc còn là tay có tài lôi kéo phu mỏ vào con đường nghiện ma túy, để gia đình nhà Ca thu lại tiền công của phu mỏ, bằng việc bán ma túy đắt đỏ. Một buổi tối, sau khi ăn uống xong, Giang Trọc chủ động đến ngồi tán gẫu với Tam. Miệng y phì phèo điếu thuốc lá. Tam ngửi thấy mùi thuốc thơm kỳ lạ liền khen: - Anh hút thuốc gì mà thơm thế? - Thuốc đặc biệt! Chú mày thích thì anh cho thử một hơi. Thuốc này vừa thơm, vừa ngon, hút vào người khoan khoái, khỏe ra, sướng lắm! Nói rồi Giang Trọc cầm điếu thuốc đang hút đưa cho Tam. Tam cầm ngắm nghía, cố nhìn xem nhãn thuốc là gì ? Song trời tối, dưới ánh điện lờ mờ của chiếc máy phát công suất có 1kw không thể nhìn rõ; chỉ thấy mùi thơm khiến con người sảng khoái lạ lùng. Thấy Tam chưa dám hút, Giang Trọc liền giục: - Cứ làm thử một hơi đi cho biết mùi đời! Được Giang Trọc cổ vũ, Tam liền đưa điếu thuốc lên miệng hít thử một hơi, rồi nuốt khói vào cổ, thở ra đằng mũi, Tam thấy người có cảm giác khoan khoái lạ kỳ. - Làm tiếp hơi nữa đi! Được cho phép và động viên, Tam liền phấn chấn rít một hơi nữa thật sâu, sau đó thấy người sảng khoái hơn, hưng phấn hơn. Song Tam cũng đủ tỉnh táo trả lại điếu thuốc cho Giang Trọc và nói: - Thuốc này chắc đắt lắm, em chỉ dám hít hai hơi thôi. Xin trả lại anh. Em cảm ơn! - Thuốc này tuy đắt, nhưng không khó mua. Thích hút cứ bảo anh. Song chỉ được hút vào buổi tối thôi đấy! Sau khi được hút hai hơi thuốc lá của Giang Trọc, về lán nằm ngủ, Tam thấy trong người lâng lâng, khoan khoái, hơi thở thơm tho, dễ chịu. Nằm mãi Tam mới ngủ được. Khi thiếp đi, Tam chìm vào những giấc mơ huyền ảo, thấy mình như Tôn Ngộ Không, đi mây, về gió, bản năng có sức mạnh phi thường, đánh bại hết thảy mọi người. Hôm sau đi làm, Tam vừa làm, vừa luôn nhớ tới mùi thuốc tối qua mà thèm, muốn được trở lại cái cảm giác đó cho quên nỗi buồn thi trượt. Song chợt nhớ lời Giang Trọc dặn: thuốc này chỉ được hút vào buổi tối thôi đấy thì Tam biết tự kiềm chế mình, cố chờ đến tối để đến hỏi Giang Trọc mua giúp hút cho sướng, cho quên nỗi buồn. Thế rồi Tam bị nghiện thứ thuốc lá đặc biệt của Giang Trọc bao giờ không biết. Thứ thuốc đó là loại thuốc đã được tẩm Hêrôin. Từ hút thuốc lá tẩm Hêrôin đến hít trực tiếp Hêrôin là khoảng thời gian không xa. Và rồi theo cái bẫy của Giang Trọc, Tam thành con nghiện ma túy rất nhanh. Tiền công làm được bao nhiêu, Tam nướng sạch vào gói ma túy hàng ngày, chẳng tiết kiệm được đồng nào gửi về chữa bệnh cho mẹ. Bỗng một hôm, trời đổ trận mưa rào tầm tã như trút nước, nhiều hầm lò bị sập, hàng chục phu lò bị chết, mỏ khai thác vàng trộm của Ca bị lộ. Ca bị bắt. Mỏ bị đình chỉ. May mà lò của Tam hôm đó không sập. Thoát chết, Tam về thành phố kiếm việc làm. Song tìm kiếm mãi không được. Trong khi đó cơn nghiện thèm thuốc nổi lên, thôi thúc Tam bằng mọi giá phải kiếm được tiền mà hút, hít. Thế là không còn cách nào khác, để thỏa mãn cơn nghiện, đêm đêm, Tam phải đi trộm cắp, cướp giật. Một đêm khuya, Tam rẽ vào con ngõ hẻm của đường phố, thấy trong ngôi nhà nhỏ còn sáng ánh đèn. Cổng khép hờ, trong nhà chỉ có một bà cụ già ngồi xem ti vi, bên chiếc quạt bàn đang quay vù vù. Đêm hè nóng nực, cụ già chỉ mặc chiếc áo lót may ô trễ cổ, để lộ ra chiếc dây chuyền vàng chừng vài chỉ. Tam mừng thầm đã gặp được "con mồi ngon". Bất thần, Tam đẩy cửa xông vào nhà, tay phải cầm con dao nhọn chĩa thẳng vào mặt bà cụ ra lệnh: - Bà tháo chiếc dây chuyền đưa ngay cho tôi, nếu không tôi sẽ đâm bà chết! Biết sức già không thể chống cự lại được gã thanh niên trai tráng, cụ già liền kêu toáng lên: - Ối bà con ơi! Cướp đến nhà tôi! Cứu! Cứu tô ôi vơ ...i... Thấy không thể dễ dàng lấy được. Trong tình thế nguy hiểm, khẩn cấp, Tam chỉ còn cách phải đâm chết bà già thì mới lấy được sợi dây chuyền. Tức thì tay cầm dao, hắn đâm thẳng vào ngực bà lão, tay kia bịt miệng bà lại. Chỉ cần một nhát trúng tim, bà già chết ngay lập tức. Tam nhanh chóng tháo sợi dây chuyền trên cổ cụ già bỏ vào túi quần, nhanh chóng tháo chạy. Không ngờ, ra đến sân thì gặp người con gái cụ đi làm ca đêm về. Trước đó, khi gần tới nhà, chị đã nghe thấy tiếng mẹ kêu cướp. Chị đạp dấn xe lao thẳng vào sân thì vừa gặp Tam trong nhà chạy ra.Chị vội vàng xuống xe, đẩy nó đổ xuống sân, xông vào đấm Tam túi bụi, miêng kêu to mọi người đến cứu. Để thoát thân, Tam liền vung dao, đâm tới tấp vào người chị cho tới khi chị buông tay khụy xuống thì hắn liền tháo chạy. Sau khi Tam chạy khỏi con ngõ hẻm, xóm giềng chung quanh mới kịp tới thì mọi chuyện đã rồi. Thế là Tam không bị bắt. Hắn thở phào thoát nạn. Bà cụ già thì bị chết, người con gái bị thương nặng, song được đưa ngay đến bệnh viện kịp thời nên được cứu sống. Sáng hôm sau, Tam đến hiệu cầm đồ bán sợi dây chuyền vàng để lấy tiền chạy khỏi thành phố. Sợi dây chuyền ba chỉ, lẽ ra bán được trên chục triệu, song chủ hiệu chỉ trả có 5 triệu, hắn cũng phải bán cho nhanh mà chạy trốn. Không ngờ vừa bước ra khỏi hiệu cầm đồ, hai chiến sĩ công an ập đến đứng ngay trước mặt, một người nhanh chóng quành ra phía sau, kéo hai tay hắn vào lòng giữ chặt, chiến sĩ kia kịp thời tra còng số 8 vào. Sau đó một chiến sĩ dõng dạc tuyên bố: - Anh Nguyễn Văn Tam. Anh đã bị bắt về tội giết người, cướp của đêm qua. Mời anh đi theo chúng tôi về đồn. Một tháng sau, Tam bị đưa ra Tòa án Nhân dân Thành phố xét xử về tội giết người cướp của với bản án 20 năm tù giam. Vào tù, Tam vô cùng ân hận vì chủ quan, không nghe lời bố can ngăn khi Tam bàn với bố đi làm phu đào vàng. Bây giờ hối thì đã muộn. Thực ra, trong thâm tâm Tam hằng nghĩ: đời mình sẽ không bao giờ làm điều ác, điều phi nghĩa để làm ô danh truyền thống gia đình, dòng họ. Không ngờ cuộc đời đưa đẩy thế nào, khiến Tam lại hành động trái với suy nghĩ, lương tâm của mình đến vậy. Với bản án 20 năm tù, chắc khi mãn hạn trở về, bố mẹ sẽ không còn nữa. Thế là mình trở thành đứa con bất hiếu! Ôi thật đau lòng! Không thể thế được! Bằng mọi cách, mình phải trốn khỏi trại giam này. Ra ngoài lao động kiếm tiền, bí mật gửi về giúp bố mẹ. Nung nấu ý chí đó trong lòng, hàng ngày đi lao động ở ngoài trại giam, Tam luôn quan sát địa hình để tìm cơ hội trốn thoát. Rồi ý định ấy của Tam trở thành hiện thực. Bây giờ Tam thay tên, đổi họ, lao động tự do tại một thị trấn nhỏ ở Tây Nguyên với việc chăm bón, thu hái cà phê, bốc vác hàng cho xe tải. Công việc có quanh năm, thu nhập được kha khá. Vài ba tháng lại gửi được dăm triệu về cho bố mẹ. Mỗi lần gửi, Tam đều nhờ người thân ở quê lái xe khách từ Bắc vào, bí mật đưa tận tay bố mẹ chứ không gửi qua bưu điện. Sau khi Tam trốn khỏi trại giam, công an tỉnh truy tìm hàng tháng không thấy, bèn ra lệnh truy nã toàn quốc, song cũng biệt tăm, vô hiệu. Thấm thoát mười năm đã trôi qua, vụ án tưởng rơi vào quên lãng. Thế rồi đến một ngày, Công an tỉnh nhận được điện từ cơ sở báo lên rằng: thấy Tam mới về nhà. Lập tức một tổ công tác được cử đi với ba đồng chí, có đem theo sẵn lệnh bắt Tam do Thiếu tá Nguyễn Văn Long chỉ huy. Nhà Tam ở một trại hẻo lánh bên đê, cuối làng. Khi tổ công tác gần tới nơi thì được biết: mẹ Tam mới mất, trong nhà đang có đám tang.Tuy vậy, tổ vẫn cho hai người mai phục bên ngoài, còn thiếu tá Long bình thản bước vào nhà, miệng anh mỉm cười, hai tay bắt vào nhau giơ lên cao, đầu gật gật cúi chào mọi người. Ai nấy trong đám đều hồi hộp lo lắng, biết chắc chuyện gì sắp xảy ra cho Tam. Thiếu tá Long đảo mắt nhìn gia cảnh và khắp đám tang một lượt. Anh nhận ngay ra Tam đang đứng phục tang bên bàn thờ; một tay chống gậy, một tay nâng khăn tang che miệng khóc rưng rức. Ngôi nhà gia đính Tam thật quá tồi tàn, còn là nhà tranh vách đất, chưa có lấy một viên gạch để xây chỗ nào. Đột nhiên anh thấy xúc động, mủi lòng trước gia cảnh nghèo túng hy hữu của gia đình tang chủ. Mặc dù vừa đứng phục tang, vừa khóc; nhưng khi thấy mọi người nhốn nháo, xì xèo bàn tán, Tam cũng ngước mắt nhìn quanh thì thấy một anh công an đang bước vào nhà. Y thót tim, buông gậy, đứng như trời trồng.Thấu hiểu tâm trạng của Tam, Thiếu tá Long giơ tay ra hiệu cho hắn bình tĩnh, cứ đứng phục tang. Bố Tam và mấy người trong gia tộc lo lắng đến chào, mời Thiếu tá Long ngồi uống nước để thưa chuyện. Bố Tam lên tiếng trước: - Thưa cán bộ, hôm nay bà nhà tôi mất. Cháu nó phải về chịu tang mẹ. Biết rằng cháu có tội lớn, phải ở tù. Song nhà tôi đang có việc thế này, xin cán bộ cho cháu được ở nhà chịu tang đã. Xong việc, tôi sẽ dẫn cháu lên trại tiếp tục thi hành án.. Thấy bố Tam, một ông già gầy còm, khắc khổ, nét mặt đầy vẻ thiểu não, Thiếu tá Long lại càng thương cảm. Anh nghĩ: ông này chắc khoảng bảy lăm, bảy sáu, ngang tuổi bố mình, mà sao ông nghèo khó, tiều tụy vậy. Kể cũng phải thôi, bởi ông chỉ là một nông dân thuần túy. Vợ ốm nằm hơn chục năm nay. Nhà chỉ có mỗi thằng con trai, định quyết chí nuôi cho con ăn học đến nơi, đến chốn để sau này cậy nhờ. Nào ngờ con thi trượt, phải đi lao động kiếm sống, trên đường mưu sinh, chẳng may vướng vào vòng lao lý. Thương bố mẹ, Tam phải trốn trại, tội lại nặng thêm... Suy nghĩ như vậy, Thiếu tá Long bèn quyết định: không bắt Tam về trại ngay nữa. Anh ôn tồn trả lời: - Trước hết, tôi xin có lời chia buồn sâu sắc với gia đình về việc bà nhà ra đi. Xin gia đình hãy yên tâm lo liệu đám tang của bà cho chu đáo. Các cụ ta đã dạy: Nghĩa tử là nghĩa tận. Vậy nên chúng tôi chấp nhận để anh Tam ở nhà làm việc hiếu cho phải đạo. Khi nào công việc xong xuôi, đề nghị gia đình bảo anh Tam lên trại giam tiếp tục chịu án. Đừng để chúng tôi phải xuống bắt hoặc truy tìm. Thiếu tá Long vừa dứt lời thì bố Tam liền thưa: - Gia đình chúng tôi vô cùng cảm ơn cán bộ đã thông cảm, cho cháu nó được ở nhà lo đám tang cho mẹ, để được làm chữ hiếu. Khi công việc xong xuôi, chúng tôi sẽ dẫn cháu lên trại giao cho cán bộ. Chúng tôi xin hứa sẽ làm đúng như vậy. Sau khi bố Tam dứt lời, Thiếu tá Long xin phép được lên thắp nén nhang cho người quá cố. Bố Tam cảm ơn và dẫn Thiếu tá lên trước án tiền, tự tay thắp nén hương đưa cho Thiếu tá Long và cùng con gập mình đáp lễ. Đáp lễ xong, Tam quỳ sụp xuống khóc nức nở: - Em xin đội ơn cán bộ đã cho em được ở nhà chịu tang mẹ, để được làm đạo hiếu. Ơn này em xin ghi lòng, tạc dạ. Công việc xong, em sẽ tự lên trại chịu án. Em hứa với cán bộ như vậy. Thiếu tá Long ân cần động viên Tam yên tâm ở nhà cùng gia đình lo toan đám tang cho mẹ, rồi giữ đúng lời hứa phải lên trại chịu án. Sau khi anh ra về, mọi người trong đám tang trầm trồ bàn tán sôi nổi. Ông Cam, một người trong dòng họ nói: - Khi anh công an đến, tôi cứ tưởng mười mươi là bắt thằng Tam đem đi. Bởi vì tội nó rất nặng, lại trốn trại hơn chục năm nay, giờ mới thấy mặt. Không ngờ anh ấy lại để cho nó ở nhà chịu tang mẹ. Thật là một cách xử lý vô cùng nhân đạo, đầy tính nhân văn! Ông Ba ít chữ nghĩa hơn thì nói lời bộc trực, thẳng thắn mà sâu sắc: - Anh công an đến đây là khách quý nhất của đám tang này! Thật đúng là người Công an Nhân dân! Mấy ngày sau, trong không khí của mùa xuân ấm áp, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc. Cây đào trước phòng trại giam còn đang độ nở hoa phớt hồng tươi thắm, một thanh niên chừng ngót ba mươi tuổi, vai đeo túi vải đựng quần áo, đi cùng một ông già bước vào phòng trực. Anh ta tự giới thiệu: - Em tên là Nguyễn Văn Tam, cách đây mười năm, em đã trốn khỏi trại giam này. Vừa qua, mẹ em mất, em phải về chịu tang. Thiếu tá Long xuống định bắt em về trại. Song thấy nhà em đang lúc tang gia, đại sự nên không bắt, để em ở nhà chịu tang. Hôm nay công việc đã xong, em xin lên trại tiếp tục chịu án. Tam vừa nói xong thì Thiếu tá Long đến. Tam lại quỳ sụp xuống thành thật nói: - Em vô cùng biết ơn cán bộ! Thiếu tá Long cầm tay kéo Tam đứng dậy và nói: - Trước hết tôi hoan nghênh bố con ông đã giữ đúng lời hứa,Tam đã tự nguyện lên trại tiếp tục chịu án. Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin chúc gia đình luôn mạnh khỏe, thịnh vượng. Riêng Tam, tôi chúc em luôn mạnh khỏe, tích cực cải tạo để sớm được về với gia đình, làm lại cuộc đời, xây dựng cuộc sống mới.. - Em xin cảm ơn cán bộ. Em hứa sẽ cố gắng làm theo lời cán bộ dạy bảo. Sau đó Thiếu tá Long tiễn bố Tam ra tận cổng trại, vừa đi, hai người vừa hỏi han nhau về chuyện ăn tết vừa qua của mỗi nhà. Trên đầu, bầu trời xuân xanh ngăn ngắt, nắng xuân ấm áp, khiến lòng hai người khoan khoái vui vui. Họ bắt tay nhau rất chặt rồi chào nhau từ biệt. Long quay đầu thanh thản đi vào trại. Một cơn gió xuân ấm áp trong lành ào đến, làm anh thấy sảng khoái, phấn chấn. Anh hít một hơi thật sâu rồi đi nhanh vào phòng làm việc.