NGỌN ĐÈN CỦA MẸ
Ngày: 12/04/2022
Rít… vo… vo… vo… Tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rú tưởng như sát sạt mái nhà. Rồi Ầm! Ầm! Tiếng bom nổ nghe gần lắm, về mạn thị xã Thái Bình. Tiếng mẹ tôi gọi thất thanh

NGỌN ĐÈN CỦA MẸ

                                                                                                           ĐÀO XUÂN ÁNH

Rít… vo… vo… vo… Tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rú tưởng như sát sạt mái nhà. Rồi Ầm! Ầm! Tiếng bom nổ nghe gần lắm, về mạn thị xã Thái Bình. Tiếng mẹ tôi gọi thất thanh: - Sáng! Tắt đèn đi! Xuống hầm mau, con! Tôi thổi phụt ngọn đèn Hoa kỳ thắp bằng dầu ma dút đầy muội trên bóng, vàng khè, đã vặn nhỏ bằng hạt đỗ, vội vàng lần mò vào chiếc hầm kèo chữ A được đắp nổi ngay trong gian buồng ngủ, có cửa hậu xuyên qua tường ra phía vườn sau nhà. Mùi ẩm mốc từ trong căn hầm tỏa ra làm tôi thật khó chịu. Hằng đêm, tôi học bài dưới ngọn đèn dầu này. Còn mẹ tôi là người cảnh giới, báo động cho tôi xuống hầm mỗi khi có máy bay Mỹ bay qua oanh tạc. Vì nhiều hôm, tôi say sưa học bài, chẳng để ý đến báo động và tiếng máy bay gầm rú, xoen xoét trên đầu. Tính tôi lại gan lì, kiểu “điếc không sợ súng”, nhiều hôm, mẹ tôi gắt lên đến ba lần tôi mới chịu tắt đèn, xuống hầm. Năm nay tôi đã bước vào năm lớp 8, năm đầu của cấp III. Những năm ấy, bố tôi dạy học ở trường xa, thỉnh thoảng mới về. Đồng lương nhà giáo thời bao cấp chẳng đáng là bao. Các cụ đồng nghiệp thường nói vui với nhau “cái nghề bán cháo phổi” ấy mà! Mẹ thì làm hợp tác xã! Dầu đốt được phân phối mỗi tháng một gia đình được có nửa lít, mà nhiều khi không được dầu hỏa, mà là dầu ma dút. Có nhiều hôm, nhà chẳng còn giọt dầu nào. Cầm cái đèn Hoa kỳ lên thấy nhẹ bẫng. Lắc lắc, rồi dốc ngược lên cho những giọt dầu cuối cùng còn lại trong bấc để đốt đèn lên, giải nốt bài toán. Nhưng đang giải giở, sắp tìm ra nghiệm phương trình thì bấc đèn đỏ lên, lụi dần rồi tắt hẳn. Căn nhà tối om. Còn phương trình thì “vô định”, tôi thường nghĩ thầm hài hước như thế! Rồi, cái khó ló cái khôn. Anh em tôi đi “sưu tầm” những hạt gấc của những quả gấc đã được nấu xôi hoặc chín nẫu rụng xuống, bóc ra rửa đi, tách vỏ ra, lấy cái nhân hạt bên trong, xâu vào một chiếc dùi sắt dài, đốt lên để học tối. Nhưng rồi, “người khôn của hiếm”, nguồn nhiên liệu thực vật tự nhiên ấy cũng chẳng đào đâu ra! Tối đến lại phải sang nhà mấy thằng cùng lớp học nhờ. Bốn năm thằng nằm chụm đầu trên chiếc bàn gỗ cập kênh ọp ẹp, hoặc nằm hình hoa thị trên cái ổ rơm quanh một ngọn đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, căng mắt ra mà đọc trên những trang sách giáo khoa giấy đen, hay trên những trang vở đóng bằng giấy của nhà máy đường Hưng Nhân đen xỉn, hoặc cắt ra từ những lớp giấy của bao xi măng. Thấy con không có dầu để học đêm, mẹ tôi đêm đêm cứ trăn trở, ra vào thở ngắn thở dài. Một hôm, mẹ ra vườn cắt những tàu lá chuối khô về, lấy dao dọc lá ra, vuốt ngay ngắn, buộc thành từng mớ nhỏ, dễ có đến vài chục mớ, bỏ vào cái thúng. Đêm đó, mẹ trằn trọc không ngủ, sáng sớm mẹ dậy, cắp chiếc thúng lá chuối lên chợ Lạng, cách nhà chừng hơn cây số. Gần trưa mẹ mới về. Buổi trưa, tôi về ăn cơm. Suất cơm mẹ lồng vào một VNTB 02(259) - 2022 23 TRUYỆN NGẮN chiếc bát tầu và một chiếc bát con. Tôi mở ra ăn ngấu nghiến vì đói. Đang ăn, thấy mẹ vào trong buồng cầm ra một chai góc lít, trong đó là một chất lỏng trong vắt, tôi nghĩ là rượu. Hồi đó những người uống rượu thường gọi là một cút rượu. Tôi thắc mắc trong đầu: Sao nay mẹ lại mua rượu làm gì nhỉ? Chiều lại có khách chăng? Tôi hỏi: “Rượu hả mẹ?”.“ Không! Cái này là dành cho con đây! “Những” hai hào của mẹ đấy!”.Tôi chưa hiểu là thứ chất lỏng gì mà mẹ lại phần tôi, thì mẹ rút cái nút lá chuối ra. Mùi dầu hỏa thơm hăng hắc ập vào mũi tôi. Tôi chợt hiểu ra. Dầu! Dầu mẹ mua dành cho tôi học, mẹ mua từ tiền bán những tầu lá chuối khô! Ôi! Mẹ của tôi! Tôi buông bát cơm chạy ra ôm ngang lưng mẹ, mà nước mắt cứ trào ra! Tôi chẳng biết nói gì! Cứ dụi đầu vào ngực mẹ mà thổn thức! Mẹ tôi cũng xúc động ôm tôi vào lòng. Mẹ cũng khóc! Một lát, mẹ đẩy tôi ra, vừa cười, vừa nói trong nước mắt, mắng yêu: “Thôi nào! Nỡm ạ! Con giai gì mà mau nước mắt! Ăn cơm đi kẻo nguội! Mẹ để lọ dầu này ở chân bàn học nhé. Tối con đổ vào đèn, thắp lên mà học! Khổ thân con tôi!”. Từ hôm đó trở đi, tôi không phải đi học nhờ. Nhưng vườn chuối nhà tôi thì lá cứ hết dần. Những cây chuối chỉ còn trơ những dọc lá như những mũi tên chĩa lên trời xanh. Hết lá Minh họa: ĐỖ NHƯ ĐIỀM khô, mẹ dọc hết cả lá tươi đi bán! Rồi anh chị em tôi lớn lên, học xong, mỗi người một ngả, trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng, đều có gia đình riêng, thoát ly gia đình.Học xong cấp III, tôi đi bộ đội, phục viên rồi học đại học, ra trường về cơ quan công tác, cưới vợ, sinh con. Mấy anh chị em, chẳng đứa nào ở nhà với mẹ. Mẹ ở nhà một mình, đêm đêm hiu hắt với ngọn đèn dầu. Thỉnh thoảng chủ nhật, anh em chúng tôi về thăm mẹ. Mẹ dành dụm từng đồng bạc lẻ để chuẩn bị cho anh em, vợ chồng chúng tôi một bữa cơm quê với những món ăn dân dã truyền thống như: canh cua, cà muối, cá rô đồng kho, hoặc tép kho, rau muống chấm tương do mẹ tự ủ, tự làm, với bát cơm trắng dẻo thơm (thời bao cấp, cán bộ công nhân viên chức ăn gạo mậu dịch vàng khè, mà tiêu chuẩn cán bộ hành chính như chúng tôi chỉ có 13 ki-lô-gam một tháng, lúc nào cũng đói). Về được ăn bữa cơm quê tay mẹ nấu từ bếp rạ, vùi tro. Ôi mới ngon làm 24 VNTB 02(259) - 2022 TRUYỆN NGẮN sao. Cho đến bây giờ, hương vị ấy chúng tôi không bao giờ quên. Năm ấy là năm 1993, nông thôn bắt đầu được kéo điện. Điện kéo bằng dây lưỡng kim. Mỗi nhà chỉ được thắp 2 bóng. Một bóng ở gian giữa nhà. Một bóng ở dưới bếp. Mấy lần tôi và chú em trai bàn nhau về “kéo điện” cho mẹ, nhưng mẹ cứ gạt đi: “Mẹ không thích kéo điện đâu! Nhà có mình mẹ, mẹ thắp đèn dầu quen rồi.Mà giờ dầu rẻ lại dễ mua, không như hồi bao cấp. Mẹ lại không sử dụng điện quen, nhỡ ra tai nạn điện giật, cháy nhà, đêm hôm các con không có nhà thì sao? Thôi! Mẹ đã bảo không kéo là không kéo mà!”. Mẹ tôi kiên quyết. Phần vì chúng tôi mải công việc cơ quan, gia đình riêng, mẹ lại dứt khoát gàn, vì vậy mà rồi chúng tôi cứ lần khân chưa kéo điện được cho mẹ. …Rồi tháng 9 năm ấy mẹ ốm nặng. Sau một tháng nằm viện, bác sĩ nói với anh em chúng tôi: “Bệnh cụ nặng, cụ có khối u ác ở dạ dày. Tuổi cụ lại cao, sức yếu. Nếu động dao kéo vào e rằng cụ không sống được. Thôi, chúng tôi khuyên gia đình đưa cụ về khi còn kịp… Để cụ mất ở nhà”. Anh em tôi cắn răng, lau nước mắt đành đưa mẹ về nhà. Việc đầu tiên anh em chúng tôi làm là nói với xóm trưởng xin kéo điện về nhà để trông nom mẹ trong những ngày cuối đời. Suốt những ngày cuối cùng của mẹ, căn nhà luôn sáng đèn điện từ nhà ra sân, ra ngõ. Trong căn buồng nhỏ, mẹ nằm đấy, người gầy guộc, khẳng khiu như một cành tre khô. Dù đau đớn, nhưng trên môi mẹ vẫn gượng nở một nụ cười chào hỏi, đáp lễ bà con, cô bác, họ hàng đến thăm hỏi. Mẹ nằm đấy, vẫn tỉnh táo, đôi tai mẹ to như tai Đức Phật, nhân từ. Cả một đời mẹ hiền lành, đức độ, bà con họ hàng, anh em trong xóm ngoài làng ai cũng ngợi khen. Nhiều người nói với nhau “Bà cụ giáo hiền như bụt ấy!” (Mọi người gọi mẹ tôi là “bà giáo” vì bố tôi là nhà giáo, cả làng, cả xã rất nhiều gia đình mấy thế hệ là học trò của bố tôi). Đám tang tiễn đưa mẹ tôi, những người đi đưa đám nối dài suốt từ nhà ra đến nghĩa trang, chừng nửa cây số, trong đó có nhiều ông, bà cụ từng là học sinh của bố tôi, đi đưa phu nhân của thầy học. Nhiều người nói với nhau “Thế mà đám tang bà giáo “to” nhất làng!”. To, ở đây không phải là cỗ to, hay mẹ hoặc con cái làm to, tiền viếng nhiều, mà “to” ở đây là to về nghĩa, về tình, vì mẹ sống hiền lành, đức độ, nhân hậu và có chữ nghĩa, nề nếp. Bây giờ nghĩ lại, anh em tôi cứ ân hận mãi. Giá như anh em tôi cứ quyết tâm kéo điện cho mẹ, để thời gian ngắn ngủi mà mẹ còn sống, còn khỏe được có ánh sáng điện có phải mẹ đỡ khổ hơn không? Cả một đời mẹ tần tảo, chắt chiu nuôi các con ăn học nên người. Mẹ dọc từng tàu lá chuối mang ra chợ bán để mua từng hào dầu cho con học tối, thế mà, mỗi cái việc kéo điện cho mẹ mà mấy anh em không làm! Ánh sáng từ ngọn “đèn dầu lá chuối” của mẹ soi cho chúng con có tri thức để bước vào đời, để trưởng thành những con người theo đúng nghĩa của từ này. Sáng nay chợt nhớ mẹ, nghĩ về thời thơ ấu bên mẹ, trong mái nhà của mẹ, tôi thương mẹ đến nghẹn lòng. Tôi bật dậy thắp đèn lên trên bàn thờ gia tiên, thắp nhang khấn mẹ, khấn cha. Nhìn ảnh mẹ mà nước mắt cứ trào ra. Ngọn đèn dầu trên bàn thờ trước di ảnh của mẹ cứ múa lên, chắc mẹ mừng vì đứa con hiếu thảo đã không phụ công lao nuôi dạy của mẹ, luôn nhắc tôi nhớ ngọn đèn của mẹ năm nào… 

ĐÀO XUÂN ÁNH