CHUYỆN TÌNH TRÊN BẾN ÂU LÂU
Ngày: 01/07/2022
“Đất nước mình nơi đâu cũng có dòng sông. Mỗi dòng sông là một anh hùng”. Tôi từng ngồi đò dọc từ bến Đán, bỏ dòng sông Thương ra với Lục Đầu. Đặt chân trên bến Bình Than mà lòng ngân rung. “Đằng Giang Tự cổ huyết do hồng”, mở trang truyền thuyết nghìn chương sóng nước Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư thắng quân Nguyên Mông trên dòng sông Mang, nối liền giữa hai hòn đảo Quang Lạn - Minh Châu xuôi ra tới cửa Lục.

CHUYỆN TÌNH TRÊN BẾN ÂU LÂU

                                                                                                                           VÕ BÁ CƯỜNG

“Đất nước mình nơi đâu cũng có dòng sông. Mỗi dòng sông là một anh hùng”. Tôi từng ngồi đò dọc từ bến Đán, bỏ dòng sông Thương ra với Lục Đầu. Đặt chân trên bến Bình Than mà lòng ngân rung. “Đằng Giang Tự cổ huyết do hồng”, mở trang truyền thuyết nghìn chương sóng nước Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư thắng quân Nguyên Mông trên dòng sông Mang, nối liền giữa hai hòn đảo Quang Lạn - Minh Châu xuôi ra tới cửa Lục. Đã có chiều ngồi nghe sóng vỗ cửa Bạch Đằng Giang nhớ câu thơ: “Ôi con sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm…” Vào trong kia lặn ngụp dưới lục bình trôi trên sông Tiền, sông Hậu. Vịn tay chèo với lão lái đò trên dòng sông Pa Kô (Tây Nguyên). Ngược Bắc vượt thác sông Đà, vào nghe tiếng hát sông Lam… quặn thắt lòng đau, một thời đứng trên bờ sông “Tuyến” (Vĩ tuyến 17). Bao dòng chảy đã đi vào ký ức dân tộc. Bao bến thuyền đã đi vào thi ca. Bến Bình Ca – Bến Tạ Khoa và bến Âu Lâu nữa. Âu Lâu, chẳng ai quên được? Dù người ấy đã về chơi với cỏ. Cô lái đò ngày xưa đưa bộ đội qua sông, gác mái chèo lên mạn. Nước phù sa nhỏ xuống, một cảm giác đi qua tâm tưởng người lính vì sắp tới đã đi vào trận đánh. “Trinh nữ ơi! Trinh nữ ơi! Tôi buồn…” Âu Lâu gắn liền với Điện Biên Phủ. Nhờ có Điện Biên Phủ, thế giới mới biết đến nước non mình. Bến Âu Lâu, cửa ngõ vào Tây Bắc. Nó nằm giữa khúc lượn đôi bờ của sông Hồng Lào Cai, Yên Bái. Chiều thu 2021, trúng vào mùa vụ rừng cây thay lá. Tôi đã đến Âu Lâu. Biết vẫn là chuyện của dòng sông, con đò, bến nước, nhưng cái địa danh bất tử ấy đã đi vào thi ca nhuốm màu sử sách. Cùng đi có Nguyễn Huy Hùng người Yên Bái. Mái tóc Hùng trắng một ngàn lau. Anh đọc câu thơ ai viết: “Em lặng nhìn tôi – Tôi chỉ nói/ Chiến tranh là thế Thương ơi/ Thuyền có về xuôi cho bến đợi/ Âu Lâu còn đó một con người/ Mong mãi cái ngày hết chiến tranh/ Về lại trung du ngọn gió lành/ Vội đến Âu Lâu ngày xưa ấy/ Tìm bạn trăng xưa đã hỏi mình…” Vâng, Âu Lâu đã có những ngày như thế! Những ngày nhớ thương, những ngày bom đạn. Nhưng con người Âu Lâu vẫn hào hoa thanh lịch và đầy niềm tin chiến thắng, khi anh bộ đội đi qua sông thế nào cũng có bông hoa cỏ bờ sông cô Thương nhanh tay gài vào lưới mũ nan. Tôi hỏi Hùng: “Cô gái chèo đò tên là Thương ấy người bên Trấn Yên, hay Yên Bái? Nhất định là bên Trấn Yên rồi”. Bến Âu Lâu xưa thuộc làng Vạn Chài đầm ấm. Sau mùa nước tràn bờ lấp bãi dồn nhau lên đồi cao ở. Vạn Chài mất đi. Chỉ còn tên phố cổ xưa để lại: Phố Lò Rèn – Phố Vạn Lâu – Phố Nhà Tằm. Phố Nhà Tằm đã đi vào lịch sử. Ấy là chiều thu tháng 8 diễn ra hội nghị tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Tổng khởi nghĩa do ông Trần Đức Sắc điều hành.  Âu Lâu là cửa ngõ đi vào Tây Bắc. Lớp lớp đoàn quân vượt sông qua thành phố Trụi (Nghĩa Lộ). Nó là thành phố tự hủy để mở đường lên đèo Lũng Lô, rồi vượt về Cò Nòi (Sơn La) theo đường 6 vào Điện Biên để viết trang sử hồng dân tộc: “Giũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Hình tượng ấy đã đi vào lịch sử đất nước. Tiếng sóng dòng sông, hay tiếng lòng cô Thương lái đò cứ dội lên phù sa ráng đỏ lúc trở chiều miền Tây hắt xuống sông sâu màu mã não. Trong những đoàn quân ra trận, có bàn chân nát đá mở đường, đâu đó ta gặp bóng những người văn nghệ sĩ với áo trấn thủ, mũ “ca lô” đội lệch, vai mang súng đạn, chân đeo dép lốp hòa vào đoàn người bất tử. Bóng nước, bóng thời gian đi qua năm tháng, nhưng nó không đủ sức xóa nhòa được hình ảnh những con thuyền nan, thuyền thúng lặng lẽ nép vào bờ tre, hàng lau, bãi sậy, rồi đêm đêm đè nặng mái chèo xuống nước cùng con sào nặng đẩy đưa người chiến sĩ qua sông. Người chở đò đó đâu chỉ có Thương, còn biết bao cô gái tuổi ngọc vô danh từ bãi dâu nương mía, cùng các mẹ làm việc với Thương. “Đưa người ta không đưa sang sông/ Mà nghe tiếng sóng ở trong lòng”. Nhà văn Nguyễn Tuân, Văn Cao đi cùng chuyến. Hai ông đi sau đoàn Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận và cả đoàn họa sĩ do Tô Ngọc Vân dẫn đầu đã qua thành phố Trụi (Nghĩa Lộ) để vượt đèo Lũng Lô. Nhà thơ Lê Đạt mới đặt chân lên cửa ngõ Tây Bắc, để lại câu thơ bến nước: “Chiều Âu Lâu bóng chữ đọng chân cầu”. Còn Nguyễn, với tính cách cố hữu của ông, ông đòi bằng được lên đồn cao Cống Đục. Nguyễn bảo đấy mới là nơi ta đáng dừng chân suy nghĩ về Nguyễn Thái Học. Mấy dãy nhà lính còn đó. Một con đường sắt chạy qua, thanh ray đã cũ. Nơi ấy là vùng đất nối liền giữa hai miền Nam – Bắc của Yên Bái. Đồn dưới địa thế không hiểm dễ đánh. Bây giờ là Bệnh viện 103 Yên Bái. Nghĩa quân Nguyễn Thái Học chiếm đồn dưới. Đánh tới đồn cao bị Pháp phản công. Con người sinh ra từ đất Vĩnh Tường Thổ Tang mới 28 tuổi đã làm được việc mấy ai dám làm. Sau thất bại, những người còn sống sót bị Pháp bắt, ngày 8/5 chúng xử chém. Với lưỡi kiếm kẻ thù, nó chém người theo kiểu chém “treo ngành” (Nguyễn đã viết). Lưỡi gươm không dính một giọt máu. Không có người tử tù nào để lại một câu chữ. Nhưng câu “Không thành công cũng thành nhân” ông nói ở hội nghị Lạc Đạo giữa phe chủ hòa và chủ chiến đã trở thành bất tử. Nguyễn bảo: “Cây xanh, lá héo, đau thật”. Nguyễn Thái Học làm được việc lớn với ngầm ẩn một tư tưởng của dân tộc. Nhưng tiếc thay… chưa đoàn kết được muôn người. Còn tính cách riêng… Ông ta cũng là một con dao sắc, nhưng mới gọt được quả cam, rọc được tờ giấy, đấy là bậc “tiểu kĩ”. Cụ Hồ là “Đại kĩ” đấng bậc, là “hiền kiệt” thời nay. Cứ nhìn đoàn quân chân trần áo vải vác pháo, tải lương đi vào Điện Biên. Họ đi những bước chân tình nguyện. Tôi là người ngang ngạnh, có lúc tự nhận mình là người “phá đình, phá chùa”. Đâu như Nguyên Hồng, người “tô tượng, đúc chuông” giờ cũng tình nguyện ngược Bắc. Trong cái thú đi không ngừng không nghỉ, cái thú chơi xê dịch, còn có sức hấp dẫn của thiên nhiên, lịch sử, để tận mắt nhìn non sông đất nước. Ông nói với Văn Cao: “Đi như là một nghiệp chướng của người nghệ sĩ, như một con nai trong khu rừng cổ tích luôn tìm những cái mới lạ…” Nếu không đi, sao Ma Văn Kháng gặp được khúc lượn dòng sông, ôm lấy làng quê có hình chiếc vai cày. Còn khúc lượn bến Âu Lâu cửa ngõ miền Tây cứ âm âm bóng núi, với những buổi chiều mờ sương hơi lạnh. “Ôi miền Tây vời vợi nghìn trùng”. Nguyễn cùng Văn Cao tay sờ lần bức tường cũ người Pháp xây năm 1893. Nay 1953, sáu mươi năm bóng dáng thằng “mũi lõ” đâu còn. Người xã Nam Cường – Phú Lộc chỉ nhớ thương ông Đục xây đồn. Hòn gạch, mạch vữa gợi lớp thời gian máu lửa trở thành chiến khu Vần. Việt Thành - Việt Thường - Việt Hồng - Việt Cường thành đất máu lửa. Nguyễn Thái Học cũng lấy đồn cao khởi nghĩa. Ông chết sau 12 người. Mắt ông phải chứng kiến cảnh tượng ấy và là người cuối cùng, ngẩng cao đầu nhìn giặc ra đi... Vợ ông đứng lẫn vào đám đông xem gương chồng như tráng sĩ. Sau nghe nói bà về quê bái lạy tổ tông rồi ra giữa cánh đồng tuẫn tiết. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái người ta gọi “Ngang trời mây đỏ”. Nhà thơ ARaGông đã viết: “Yên Bái là điều nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục, bằng lưỡi kiếm và đao phủ”. Hoặc: “Yên Bái gửi tới các bạn ra vào, lời nguyền này để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu tên Pa Ren”. Cái hồn Tây Bắc, gớm thật! Nguyễn cười hỏi Văn Cao: - Văn Cao đã nghe ai kể về sự tích Cống Đục chưa? Thân phận của nó cũng đắng cay. Trước đó là một cái hầm. Ở đây chuột lắm. Nó gặm chân người ngủ, nó ăn xương người chết, cắn nát cả chiếc trành xe thồ của dân công chở gạo lên Điện Biên. Cụ Phạm Trung Tốn cùng ông Ba Điện kĩ sư quân đội người Thanh Hóa đã tìm cách đưa gỗ từ rừng vào đây để đóng chiếc ca nô đầu tiên, chở pháo qua bến Âu Lâu. Văn Cao tợp hớp rượu từ chiếc bình toong Nguyễn rót ra, lửng lơ khen: - Giỏi thực. Ca nô đóng trong hầm, ai biết được? Những phiến gỗ vuông, tròn, dài, ngắn nằm thườn thượt trong đó, vô ngôn thách thức. Đều do sức người đưa về. Khó cắt nghĩa lắm! Ca nô dài 10m, sơn màu trắng, trên mui che tấm bạt. Ông Phạm Trung Tốn làm máy trưởng. Các ông cho lắp chiếc máy “mô nô” cũ tiếng nổ kêu ành ạch. Bến trưởng do ông Chu Miêng. Nước lên, nước xuống, căn chỉnh vào bến thế nào cho chính xác để dân công bộ đội qua sông thuận tiện và tránh được máy bay của Pháp bay sát mặt sông Hồng. Ông Chu Miêng là người có công với bến Âu Lâu, đưa được đạn dược, súng ống, pháo binh qua sông vào Điện Biên. Mờ sương đến tối, dòng sông phẳng lặng, không bóng con đò. Khi ráng hồng giăng phơi như chiếc mành mành mắc trên cành trúc ở phía Tây, mặt trời sắp lặn. Bến Âu Lâu như được thức dậy sức sống của cả một dân tộc Anh Hùng. Âu Lâu thường xuyên ngầm chứa ngọn lửa trong trái tim con người. Bắt đầu từ bà Mão, cô Thương và bao người con gái Trấn Yên. Mái chèo lặng lẽ dầm trong sa đỏ. Thoắt cái lá cờ nhỏ trong tay bà Mão phất làm  hiệu, hàng trăm con đò như chiếc lá tre nhỏ lao qua sông như một mũi tên bay. Lúc này chỉ có mây trắng hết mình, trời xanh rút ruột mới hiểu được đoàn người áo vải hăm hở lên miền Tây. Có lần máy bay “bà già” của Pháp rà sát mặt sông thì đoàn quân bà Mão đã kịp lên bờ núp dưới bóng cây. Nghe đâu sau lần ấy các cháu thiếu nhi bên Trấn Yên chặt tre, chém chuối ghép mảng đêm đêm lặn dưới sông đẩy bè giúp bộ đội chuyển pháo của Trung Quốc từ Lào Cai sang hai đồi không tên thuộc xã Hợp Minh và Giới Phiên. Đêm ấy Trường ca sông Lô được cất lên: “Sông Lô ơi cho ta gửi lời…” Nguyễn Tuân bảo: “Trong cái khôn cùng của cuộc sống, tự nó thấm vào máu thịt của mình. Đó là lòng trung với nước, yêu dân tộc”. Lúc Tản Đà còn sống tôi uống rượu với cụ như kẻ hậu sinh hầu bậc trưởng thượng. Lúc ấy tôi đã đọc “Thề non nước” của cụ. Tôi rất kính phục lòng trung của cụ, rồi cũng mon men viết mấy câu thơ nhưng chẳng được. Một người ngang ngạnh như tôi rồi cũng chuyển hướng, đưa vợ con từ cầu Thiều – Thanh Hóa lên Việt Bắc vào đầu năm 1945 để đi theo cách mạng. Nên hôm nay mới có cuộc cùng anh Văn ở Cống Đục ôn lại cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thái Học. Hiểu được bà Mão, cô Thương chèo đò qua sông, thấm thía cái tinh thần của ông Phạm Trung Tốn máy trưởng và ông Chu Miêng lo cho chiến dịch Điện Biên. Họ là sen nở dưới hồ, là hoa đào vượt bấc đem sắc xuân về cho Tổ quốc. Họ như đoàn tàu mùa xuân kéo còi vượt bến Âu Lâu vào Điện Biên để sau này Chế Lan Viên viết: “Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương…” Hai ông hỏi nhau không biết cách họ đưa ca nô từ Cống Đục xuống sông bằng cách nào. Chắc chắn làm đà gỗ lót rồi dùng sức người đẩy trượt dốc. Gần bãi sông nghe đâu dân móc bùn sông đổ lót cho tàu trôi khỏi xây xước. Đêm Âu Lâu vẻ như chậm chạp bởi cái ráng chiều Tây Bắc hắt xuống sông. Chút nắng cuối cùng còn đọng trên tàn lá, đọt tre. Thiên nhiên cũng làm tròn sứ mệnh của nó để hai văn nhân rời Cống Đục hòa nhập đoàn người cuốc bộ lên Văn Chấn. Trong bóng tối hai ông thấy đoàn người từ từ di chuyển. Hai tay cầm súng vai khiêng vật gì rất nặng. Đó là những nòng pháo chở vào Điện Biên. “Trùng trùng quân đi như sóng”, trong đó có những cô gái đồng bằng búi tóc, đeo súng… Tiếng nói thì thầm thân thiết của bạn đường xa khi một chiến sĩ gặp sự cố chân sưng không bước nổi. Cái tình thương con người lại trỗi dậy. Nó làm sâu đậm thêm về những nỗi suy tư trách nhiệm lâu dài trong cuộc chiến Điện Biên. Trong nòng pháo có những nải chuối chín, củ khoai luộc, chùm khế chua được các mẹ bọc bịn nhét vào giúp cho đoàn người ra trận giữa cảnh khuya đói lòng, khát nước. Nhiều quả khế được tẽ ra từng múi chuyền tay các cô gái. Trong cái vị ngọt, vị thơm, vị chua chua của khế là lòng người hậu phương gửi ra tiền tuyến. Văn Cao bảo: “Cuộc sống thật kì lạ anh Tuân ạ! Cuộc sống vẫn cứ sinh sôi trong bao nhiêu việc biến động một thời của đất nước.  Cái lớn lao đã làm chúng ta quên đi những vụn vặt hàng ngày. Chỉ có lòng căm thù giặc chất chứa trong dân được nhân lên. Nó như ánh lửa hàn lấp lóe không bao giờ tắt… Trở lại chuyện Nguyễn Huy Hùng cùng tôi chiều trên bến Âu Lâu. Hùng tuổi bảy mươi rồi. Phong độ lãng tử hơn ai. Quần ka ki trắng, áo phông, máy ảnh đeo hông chạy xe như bay trên đường phố. Anh dẫn đi gặp bác Phạm Văn Vân, tuổi ngoài 90 rồi. Cụ làm giao thông Yên Bái từ năm 1949, rồi đi Lào Cai, lại về Yên Bái. Chuyện sông nước, đường xá cụ rõ vanh vách. Cụ bảo: “Bà tắt ti vi đi, để tôi nói chuyện”. Cụ đẩy thùng hàng tạp hóa xa ra một chút. Gió lùa vào chỗ tôi ngồi. Gió sông mát ngọt đem theo vị phù sa lên bãi. Tôi đưa tay thoa bụi trên mặt, Hùng loay hoay tìm góc chụp tấm ảnh. Ông Vân vừa thở, hơi thở nặng nề nói câu một: “Tôi và ông Tốn đã vớ được bản vẽ ca nô đóng ở Cống Đục, đêm đêm thắp đèn đọc, cũng kiếm giấy bút hí hoáy vẽ bộ phận máy, tập tính lượng sắt, lượng gỗ. Ngồi mấy đêm biết mình không làm gì được vì chỉ là thằng công nhân”. Bến trước kia đi phà đẩy, kéo cáp, khách xuống chia đều đứng hai bên phà, mỗi người cầm khúc gỗ ngắn có ngàm ngoắc vào sợi cáp ưỡn ngực dật lùi kéo đẩy phà sang sông. Lúc phà sát bờ, cạn nước cầm sào, phà đủ nước thì kéo cáp. Mấy lần bị máy bay bà già phóng pháo thả bom “ùm ùm” tiếng nổ trên sông. Khi có ca nô, tôi nhớ không nhầm chuyến đầu tiên chở ông Đồng, ông Duẩn cùng ông Trần Đăng Ninh để vào Nghĩa Lộ vượt đèo Lũng Lô. Ông Phạm Trung Tốn làm máy trưởng, ông ấy vẫn còn sống. Anh Hùng chở nhà văn xuống chơi thăm ông. Ở ông còn ối chuyện chưa ai biết. Mãi đến năm 1965, Ti giao thông chúng tôi cho làm cầu phao bằng cây vàu từ rừng chuyển về. Những cây mây, cây soong dài chục mét đóng đai, néo chặt thành từng hộp nối đuôi qua sông. Vài năm sau dùng gỗ thay vàu. Sau Trung ương cho kinh phí làm chiếc cầu phao nổi dập dềnh trên sóng. Cầu phao LPT hai bên bằng sắt. Chiếc cầu phao vào cửa ngõ Tây Bắc qua Âu Lâu, do kĩ sư Việt Nam thiết kế. Chúng tôi đến nhà ông Tốn đã giữa trưa. Ông Tốn chạm ngưỡng 96. Lạ thay, con người còn minh mẫn. Ông cầm chiếc chìa khóa cũ, buộc sợi chỉ xe săn vào khuy áo. Chiếc dây quá ngắn, cụ ưỡn bụng to tướng sát vào cánh tủ ngoáy mãi mới mở được cánh gỗ cũ kêu cót két. Tay ông già như có ma lực, động vào đâu trúng đó. Ông lôi ra tấm ảnh chiếc ca nô do ông Ba Điện đóng. Ảnh đen trắng to cỡ 9x13. Nhìn ảnh thấy nó như con chim biển. Tôi (VBC) vớ tấm ảnh như vớ được vật báu. Chuyện sông nước lại thức dậy trong ông Tốn. Lòng ông hẳn như lũ tràn về. Tôi hỏi ông còn giữ được kỉ vật nào về bến Âu Lâu ngoài tấm ảnh. Mấy thứ xe thồ, lốp xe đều quăng đâu mất. Tụi trẻ giờ có chú ý gì đến lịch sử. Ông than thở tôi đi nhiều nơi, “nước Sơn La – ma Hòa Bình”, ám ảnh cả thời tuổi trẻ nhưng không đâu bằng bến nước Âu Lâu. Vì Âu Lâu đã làm tròn được nhiệm vụ lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh. Tiếng sóng, tiếng gọi đò bến Âu Lâu, nó như tiếng gà sang canh giữa đêm đen, để bước vào ánh bình minh buổi sớm. Chiều ấy, tôi và Hùng dầm chân trên bến Âu Lâu, ngước nhìn nhịp cầu thời hiện đại chạy vào Yên Bái. Nhưng tâm tưởng cứ mở ra chỗ nước đỏ dưới chân mình. Nó là dấu lặng và mở ra khoảng bao la trong không gian về dòng sông bến nước. Nữ sĩ Tương Phố đã để lại câu thơ: Nhớ đêm trăng ấy bên cầu Hỏi nhau nước chảy về đâu chảy hoài? Tôi muốn thả một con thuyền lá rừng chiều để tìm Thương, cô gái chèo đò viết trang sử thơm cho dân tộc… Nhưng Âu Lâu vẫn có sóng. Sóng rì rầm nói chuyện với tôi: “Bà Mão, cô Thương và hàng vạn người khác là những người trong trẻo, dũng cảm, khác gì dũng sĩ khi xưa trên sóng nước Lục Đầu để nước sông nghìn năm đỏ máu giặc. Tôi gọi tên Thương, đọc vang câu tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt viết năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt rồi nói với sóng nước Âu Lâu: “Lục Đầu như trao ngọn giáo mũi tên cho dân tộc giữ lấy sơn hà”. Còn Âu Lâu đã trao dũng khí cho những người con chân trần áo vải vào Điện Biên dám lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dùng người chèn pháo để có ngày “Giải phóng Điện Biên, bốn mùa hoa nở”. Noi gương Âu Lâu, sau này mỗi dòng sông bến nước từ Bắc tới Nam đều mở ra những trang truyền thuyết mới. Nguyễn Huy Hùng, con mắt suy tư nhìn về phía dòng sông Thương (Bắc Giang). Nó là dòng sông “đào hoa”, là phòng tuyến đánh giặc phương Bắc, hàng năm luyện quân phía trong rồi đưa qua sông Thương sang lò Thùng Đấu cạnh nhà nữ sĩ Anh Thơ đứng chật một lò đủ 300 người nhận lương thực. Ai khỏe mạnh ra với Lục Đầu vào đội quân thủy chiến, còn lại tất cả đi bộ ra biên ải Lạng Sơn - Cao Bằng để “miệng ăn măng trúc măng mai” giữ miền biên viễn. Trước khi xuống thuyền sang sông, người lính được ngủ lại trạm khách với vợ con một đêm. Sáng dậy bước xuống thuyền tai nghe tiếng trống ngũ liên, nước mắt trong sự chia cắt như mưa vậy… Tên sông “đào hoa” thơ mộng vô tình trở thành con sông “Thương” nhớ: “Sông Thương nước chảy đôi dòng”. Câu chuyện truyền kì đó cho ta một cảm nhận mỗi dòng sông bến nước của nước non mình đều trải qua sự trầm luân khổ hạnh. Nhưng dòng chảy nào cũng nhân từ bao dung như lòng mẹ, “Ôi con sông quê – sông quê”. Mỗi hạt phù sa trong dòng nước đỏ đều tìm ra được khí chất của mình. Dù hạt phù sa đó ở đầu sông hay cuối sông đều uống chung dòng sữa mẹ… “Đánh Pháp xong rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng”. Nghe câu hát đó, lòng người ai không có lửa. Câu thơ ai viết cho Thương: “Âu Lâu còn đó một con người”. Thương ơi! Em vẫn còn đó, kiêu hãnh khiêm nhường lẩn khuất như cánh chim rừng chiều Tây Bắc, soi bóng mình xuống bến Âu Lâu. Sau này có những người con gái miền Nam trong phong trào Đồng Khởi, cổ quấn khăn rằn, bơi thuyền chìm khuất dưới rặng trâm bầu bất thần lao ra đánh chìm tàu giặc trên sông Tiền, sông Hậu. Chính họ đã tìm thấy bóng dáng mình qua cô gái Âu Lâu. Những người dân Việt qua bến Âu Lâu vượt đèo Lũng Lô vào Tây Bắc để làm nên chiến dịch Điện Biên lịch sử là cuộc khởi đầu cho chiến tranh thời hiện đại, làm nên một thế trận Anh Hùng, tạo nên “dáng đứng Việt Nam” trong một khúc quân hành. 

VÕ BÁ CƯỜNG