Một sáng sớm tôi đáp chuyến xe buýt xuôi xuống phía nam huyện Tiền Hải tìm gặp Mận, cô bạn cùng tuyến lửa là "thanh niên xung phong" thời chống Mỹ
Một sáng sớm tôi đáp chuyến xe buýt xuôi xuống phía nam huyện Tiền Hải tìm gặp Mận, cô bạn cùng tuyến lửa là "thanh niên xung phong" thời chống Mỹ. Mận sống trong căn nhà cô đơn, nghĩ mà thương cái thời con gái xa lắc cứ tôn thờ mối tình đầu đời để rồi tuổi tác xuân thì qua đi thành gái quá lứa lỡ thì… Đã có lần tôi dũng cảm nói ý nghĩ của mình: “Thì cậu cứ xem thằng cha nào thông minh, đẹp trai xin nó một đứa con, có kết quả thì cắt phăng cái đuôi để khỏi … Thời buổi nhà nước cho quyền phụ nữ làm mẹ sau chiến tranh đó thôi!”.
Nói xong cổ tôi nghẹn lại vì thương Mận. Còn Mận nhìn tôi buồn rầu lắc đầu quầy quậy: “Mày thông cảm tao không thể làm được việc ấy với linh hồn anh An và còn hàng xóm, anh em bạn bè nữa chứ”.
Tôi đã đến cửa nhà Mận nhưng sao đã hẹn rồi mà cửa đóng then cài, chắc hẳn nàng đi mua thêm thứ gì đãi mình cho ra trò đây? Con người này tính hay đầu cuối.
Trong khi chờ đợi Mận, vui chân tôi theo con đường láng xi măng mới tinh, qua mấy ao sen đang vào mùa hoa nở rộ hương thơm ngan ngát bay khắp cả một cùng nông thôn trên đà đổi mới, càng làm cho phong cảnh quê thêm thanh bình nồng ấm. Khiến tâm hồn tôi thư thái… Và bước tới cổng một ngôi chùa làng lúc nào không hay.
Người gặp đầu tiên là một vị sư đã luống tuổi, chững chạc trong bộ nâu sòng, khiến tôi sững người với vẻ đẹp hiền dịu của nhà sư, hẳn thời con gái chị như một bông hồng ngát hương giữa trời xuân để rồi một lũ ong bướm lượn quanh… Thường những người đi tu xinh đẹp đều có mối tình ngang trái trong đời duyên phận. Tôi mong được nói chuyện với nhà sư:
- A Di Đà Phật.
Nhà sư đáp lại với giọng nhỏ nhẹ. Vừa cất lời đã làm hồn tôi tan ra. Ừ với tôi là đàn bà nghe còn ngây ngất, với người khác giới thì sao nhỉ??? Thật có sức hút siêu hồn!
- Mô phật tín chủ có việc chi tới chùa đó ạ?
Câu hỏi đột ngột tôi như kẻ bị bắt quả tang với ý nghĩ mông lung không thiện. Tôi gượng gạo chỉ về phía nhà Mận, Nhà sư cười:
- A Di Đà Phật, tín chủ Mận cũng là con nhang của chùa này. Xin mời quý khách vào vãng cảnh chùa rồi xơi nước.
Có ấm trà xanh, câu chuyện càng thêm rôm rả. Tôi kể một thời con gái ở tuyến lửa của mình nhà sư cũng thấy mình trở về với cái thời xa lắc rồi kể tỉ mỉ. Nhà sư cũng là thanh niên xung phong (TNXP) đã từng bảo vệ con đường huyết mạch, đường 20 quyết thắng. Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh bây giờ..
Giữa lúc cả nước sục sôi ý chí "đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào", giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì phong trào thanh niên xung phong ra hỏa tuyến vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước càng rầm rộ. Tỉnh Thái Bình có hơn hai vạn người tình nguyện xung phong ra tuyến lửa. Phần đông là các chị ở độ tuổi trăng tròn, nhiều người quá trẻ họ khai tăng tuổi. Có người viết đơn bằng máu. Nhà hai chị em ruột, nhà hai chú cháu tình nguyện xin ra tuyến lửa. Tôi cũng trong thời điểm đó, nhanh chân ghi tên mình vào danh sách đợt đầu của xã, còn bí mật đến ngày lên đường mới cho cha mẹ biết. Cha im lặng… Còn mẹ khóc đỏ cả mắt, thương con phận gái… Còn tôi thương mẹ, nay đã lớn chưa báo đáp được việc chi nay lại đi xa. Nước mắt tôi muốn trào ra nhưng cố kìm nén, rồi nói cứng để mẹ yên lòng:
- Mẹ xem này con đã mười bảy tuổi, cánh tay săn chắc bẻ gẫy sừng trâu, mẹ đừng lo, khi đất nước bình yên con lại về với mẹ!
Sợ dùng dằng lại thêm nước mắt tôi nén lòng tới đầu làng tôi giục mẹ đi về.
Sau đợt học tập chính trị. Xác định nhiệm vụ của mỗi chiến sĩ thanh niên xung phong trên trận tuyến giao thông, đơn vị cho tôi về thăm mẹ rồi đúng ngày thứ tư trong đêm mưa sối sả, cả đại đội con gái chúng tôi lên xe. Chiếc xe được bịt kín lao về phía đang rền tiếng bom… Nơi dừng chân của đại đội 87 TNXP là một cánh rừng già Trường Sơn ngút ngàn màu xanh. Tưởng nơi đây sẽ chẳng có máu đổ nhưng chỉ tạm yên ít ngày.
Như đã biết trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân đối phó với lực lượng của ta như máy thu tiếng động. Loại máy này chúng thả xuống rừng già khi có tiếng động, tiếng cuốc xẻng, bộc phá mở đường, tiếng nói cười của đám thanh niên xung phong được truyền về sở chỉ huy của chúng. Ngay lập tức hàng đàn máy bay trút đủ các loại bom. Bom quát quang, bom từ trường, bom na, bom bi, bom hẹn giờ… Mỗi loại tính năng giết người một kiểu và tần suất oanh tạc hôm ít nhất 45 - 50 trận một ngày, hôm nhiều không đếm xuể. Vậy mà đường vẫn phải thông, tuyến vẫn phải mở. Các chiến sĩ TNXP không kể ngày đêm lấp hố bom để xe thông, kịp cho những trận đánh lớn của bộ đội giải phóng miền Nam. Những chuyến hàng tới được mặt trận thì những đơn vị TNXP cũng đổ không biết bao xương máu. Mùa khô năm 1972 quân và dân miền Nam liên tục thắng lớn. Còn Mỹ bị thua đau trên khắp mặt trận nên càng thiết chặt những con đường huyết mạch chi viện của ta ra mặt trận, hòng tê liệt các trọng điểm giao thông để cứu nguy chiến trường miền Nam. Song với sức mạnh toàn dân và sức trẻ của TNXP trên toàn tuyến quyết tâm giải phóng miền Nam với một khí thế hào hùng. Bài thơ của tác giả Lại Tây Dương chúng tôi chuyền tay nhau rất xúc động: “… Đón xe đến, tiễn xe đi/ Kể chi đạn nổ xá gì bom rơi/ Cung đường như mạch máu sôi/ Chẳng than thở dẫu đầy vơi nhọc nhằn”.
Mỗi chiến sĩ không ai chùn bước, giặc phá ta sửa, khó khăn chồng chất. Đời sống của các chiến sĩ TNXP vô cùng thiếu thốn. Với chị em lại càng khó gấp nhiều lần, thiếu từ cái thông thường nhỏ nhất. Ngày mới vào Trường Sơn cả đại đội con gái tóc đứa nào cũng dài, cũng mượt. Ác thay chỉ ba tháng sau tóc rụng trụi cả đầu. Cứ đà này cả đại đôi sẽ thành sư cụ hết. Rồi với cơn sốt rét rừng, bom Mỹ dội xuống tuyến đường không kể ngày đêm, có lúc chúng tôi nản lòng ôm nhau khóc nhưng chỉ trong thoáng chốc bởi đã xác định, khi đứng trên đỉnh núi đếm bom, cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tuổi trẻ là hiến thân vì tổ quốc, ai cũng xác định như thế còn nấn ná gì chứ? Vì vậy khẩu hiệu “"Mưa bom bão đạn lòng thanh thản/ Nhạt muối với cơm miệng vẫn cười"… Nhớ hôm anh Hoàn trên ban chỉ huy không biết kiếm đâu được ít bồ kết đưa xuống tặng tiểu đội chúng tôi. Anh được mệnh danh là "người hùng" phá bom lại khá điển trai. Thay mặt chị em tôi nhận món quà quý đó. Chuyện đơn giản thế thôi vậy mà khi sang lán chỉ huy thấy người nọ nháy người kia "gái Thái Bình sánh với trai Hà Thành đẹp đôi nhé". Về lán cái Hương lại vỗ vai tôi thật mạnh trêu trọc "được yêu là sướng nhất đời đấy có gì mang ra khao đi". Xong Hương quay sang các bạn, xem đi cả đống ế kia kìa.
Hương nói đúng! Cả tuyến toàn con gái, cả C có một hai con trai. Con trai quý như mì chính cánh vậy.
Tôi biết các bạn đang đùa, những lúc như thế thật hiếm. Bởi trên trời lúc nào cũng có tiếng máy bay gầm rít. Phát hiện ra mục tiêu là bổ nhào xuống thả bom, biết sống chết thế nào mà yêu với đương, có thì cũng chẳng dám vì nông dân chân đất đâu dám “chọi” với thị thành.
Ấy nghĩ là thế nhưng chẳng hiểu sao duyên phận cứ buộc vào. Cả C hùa vào, còn thêm mắm muối y như sắp "bùng nổ" đến nơi. Trong mưa bom bão đạn cái sống, cái chết đến bất thần với bất cứ ai. Trò trêu đùa cũng là món ăn tinh thần để chúng tôi quên đi mệt nhọc và cả cái chết. Lạ thay trái tim của hai chúng tôi cùng đi theo một hướng. Nó mách bảo tình yêu là một thi vị rất ngọt ngào, con người ta ai cũng phải bước đi trên con đường đó.
Tình yêu có nhau hai chúng tôi hăng say phấn đấu xem ai lập nhiều thành tích trên trọng điểm. Anh suốt ngày đóng trên chốt chỉ huy điều phối cho xe qua trọng điểm. Khi thiếu công binh lại lao vào gỡ bom. Khi lại phải phơi mình đếm bom, quả nào chưa nổ anh xử lý ngay để kịp thời cho xe qua trọng điểm. Còn tôi bám sát hiện trường quyết giữ vững mạch máu giao thông trong mọi tình huống.
Trọng điểm Trường Sơn tuyến 20 không giây phút nào ngớt tiếng bom, nếu Mỹ khống chế được đoạn đường này thì các chiến sĩ quân giải phóng sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Vì vậy người này ngã xuống, người sau thay thế. Cả tuyến gồng mình "Tiếng hát át tiếng bom". Địch đánh ta sửa để các đoàn xe kịp ra tiền tuyến.
Kể đến đây nhà sư thoáng buồn… lan cả sang tôi. Tôi hiểu nhà sư đang xúc động mỗi khi nhắc lại chuyện đau lòng dẫu thời gian đã xa lắc bởi cái chết tức tưởi nó luôn hiện diện để rồi đêm nào cũng thao thức nhớ đến ánh mắt lời nói của người mình yêu thương và cả đồng đội nữa. Nhà sư kể tiếp: Hôm ấy trời sớm, sương đầu núi vẫn còn giăng. Trên cao điểm ngày 2/11/1972 tôi vừa đếm xong loạt bom chưa nổ đang bàn giao cho tổ công binh thì nhận lệnh lên tuyến trên. Vừa tới nơi thảm cảnh đau lòng diễn ra trong mắt tôi. Tám người cùng C trong đó có Hương bạn thân của tôi bị trúng bom. Những hố bom khoét sâu, máu nhuộm đỏ đất. Tám người không ai còn nguyên vẹn. Người mất tay, người bị mảnh bom cắt làm hai, thậm chí ruột gan còn vương lên cành cây… Mắt tôi nhòa đi tay run run nhặt gom xác đồng đội….
Chưa kịp nguôi ngoai thì ngay chiều hôm sau lán chỉ huy bị trúng bom B52. Được tin tôi lao đến… Rồi đứng sững trước cảnh đổ nát cháy trụi hoang tàn… Những vũng máu và những thi thể biến dạng không lành lặn… Còn Hoàn, anh Hoàn của tôi đâu??? Anh đã hứa ngày không xa nữa chúng tôi sẽ thành vợ chồng, sẽ báo cáo với đơn vị, làm lễ cưới cơ mà… Không! Anh không thể… Rồi tôi không còn biết gì nữa.
Đầu năm 1973 Mỹ bị thua đau khắp chiến trường miền Nam. Còn trên bầu trời Hà Nội quân và dân ta chiến đấu 12 ngày đêm bắn B52 của Mĩ rụng như sung, buộc Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc. Vì vậy trong tuyến lửa cũng bớt căng thẳng ai lâu ngày được thay thế, chuyển về hậu phương. Trước lúc chia tay Lan cô bạn thân người Hưng Yên chứng kiến mối tình tôi và anh Hoàn, đã trao cho tôi một chiếc nhẫn làm bằng mảnh máy may. Nhận nó tôi sững sờ. Sao Lan có được nó nhỉ? Lúc đó chị biết không Lan rất buồn vì Lan là người nhặt gom xác đồng đội hôm ấy, nhờ chiếc nhẫn đính hôn của hai đứa chúng tôi mà nhận ra anh Hoàn nay đưa lại cho tôi giữ để có đôi. Tình yêu đầu đời làm sao quên được. Có nó tôi sẽ thấy anh Hoàn bên cạnh mà vơi đi nỗi nhớ thương!...
Lan nói đúng! Tình yêu đầu đời có bao giờ phai nhạt. Từ bấy đến nay không đêm nào tôi ngủ ngon giấc luôn mơ thấy anh Hoàn. Mơ thấy đồng đội, mơ bom dội xuống đầu mình. Mơ thấy cung đường rạt hố bom và đặc biệt mơ thấy anh nói với tôi những lời yêu thương. Đúng! Tình yêu đầu đời là một dấu son đẹp chẳng thể phai nhòa trong tâm trí tôi. Để trọn đời với người đã khuất tôi xuống tóc đi tu. Từ cô thôn nữ, một chiến sĩ TNXP nay đã là sư chùa làng, ngày ngày mượn lời kinh, tiếng mõ cầu siêu cho hương hồn đồng đội, cho anh Hoàn người yêu dấu suốt đời của tôi.
Thu Thời