Đơn vị tôi là đơn vị cao xạ pháo phòng không.
Nếu ở binh chủng tên lửa hoặc một vài binh chủng khác thì kíp không trực có thể được ở nhờ nhà dân gần trận địa. Nhưng đã là anh lính pháo cao xạ thì phải trăm phần trăm ở trận địa, bốn mùa dầm mưa dãi nắng, phơi sương. Vì thế cánh lính chúng tôi có những niềm mơ ước khao khát, và niềm ước mong lớn nhất là một… bóng hồng, một mái tóc dài, một cái lúm đồng tiền, một ánh mắt có sao trời lấp lánh…
Được vào làng một lúc là diễm phúc cho người lính cao xạ pháo. Và tôi, hôm ấy đã nhận được diễm phúc ấy.
Biết tôi là con nhà nghề của một làng đan truyền thống, thủ trưởng giao cho tôi vào làng xin tre về đan rổ rá, làm chạn bát, làm mâm cơm cho đơn vị.
Đi hết một cánh đồng thì tới một làng có tre xanh bao bọc. Tôi tìm vào một ngôi nhà thấp thoáng sau những bụi tre rậm rịt ở cuối làng. Ngay ở ngõ là một bó chè rào to chắn ngang (có lẽ thay cho cái cổng). Tôi nhấc bó chè rào ra rồi vào sân. Trước mặt tôi là một ngôi nhà gỗ năm gian có mành che ở gian giữa. Tôi đứng ngoài cửa chào to:
Cháu chào bác ạ.
Không có tiếng trả lời. Bốn bề im ắng.
Mãi một lúc lâu thì có một “bóng hồng” ở sau nhà chạy về. (Vâng, “bóng hồng” đây rồi!). Cô gái nói:
Em chào anh. Anh cần gì ạ?
Ôi, tiếng nói của em sao mà trong trẻo và ấm áp lạ lùng?
Ba năm trời phơi gió nằm sương tôi chưa từng được nghe tiếng nói này bao giờ. Tôi cứ ngẩn người ra…
Cô gái phải hỏi lại một lần nữa:
Anh ơi, anh cần em giúp gì ạ?
Ôi, đúng là đôi má lúm đồng tiền, đôi mắt long lanh như có sao trời và mái tóc… mái tóc dài như suối mây ấy…
Mãi một lúc sau tôi mới nói được:
- Chả là… chả là… thủ trưởng giao nhiệm vụ cho tôi đi xin tre về đan rổ rá cho đơn vị…
Tôi nói một mạch rồi không biết nói gì nữa.
Thế rồi cô gái dẫn tôi cầm rựa (dao) vào bụi tre sau nhà.
Đứng trước bụi tre to chọn một cây đẵn mới thấy sự đoàn kết gắn bó khăng khít của gia đình họ nhà tre như thế nào. Tre không mọc đơn độc. tre cũng mọc thành khóm thành bụi. Rồi tre mẹ đẻ tre con. Tre anh, tre chị, tre em ra đời. Rồi tre anh, tre chị, tre em lại sinh con đẻ cháu… Cứ như thế bụi tre to lên dần, lớn lên dần. Có thể ví bụi tre như một gia đình “tứ, ngũ đại đồng đường”, nhiều thế hệ cùng sống dưới một mái nhà chung. Bên cạnh những cây tre già lụ khụ có phấn trắng ở bên ngoài da và gai góc đầy mình là những cây tre già cứng rắn. Bên cạnh những cây tre già ấy là những cây tre bánh tẻ bậc trung niên. Bên cạnh những cây tre trung niên là những cây tre non cao vút… Rồi hàng loạt những cây măng ra đời…
Trừ những cây măng ra, cây tre nào cũng vươn ra nhiều cành, nhiều chạnh gọi là tay tre. Hàng trăm tay tre vấn vít lấy nhau tạo cho bụi tre có một mối ràng buộc đặc biệt. Chọn được một cây tre giữa bụi để đẵn là một việc khó. Đẵn được rồi rút được cây tre ra lại là một việc không phải dễ.
Ấy thế mà, có Hương (tên cô gái) giúp sức, tôi đã chọn, đẵn và lôi được hai cây tre bánh tẻ vừa dài vừa đẹp ra khỏi bụi. Tôi định bụng sẽ vác làm hai chuyến, mỗi chuyến một cây.
Thế nhưng, mây đen tự dưng ùn ùn kéo về giăng kín bầu trời. Rồi gió, gió mạnh nổi lên. Rồi mưa với gió kết hợp với nhau hắt nước xuống mặt đất. Cây tre kềnh càng cứ hết va bên này lại va bên kia. Tôi cố dò từng bước trên con ngõ nhỏ gập ghềnh đầy sỏi đá, nhưng cứ ngã dúi ngã dụi, và rồi ngã kềnh ra không gượng dậy được. Có một người khoác áo mưa ra dắt tôi dậy. Đó là Hương. Em đưa tôi vào nhà, đưa cho tôi bộ quần áo dân quân của em và bảo “anh phải thay ngay quần áo nếu không cảm lạnh thì gay lắm”. Nói rồi Hương xuống bếp. Nhà em có cái cửa ngách thông xuống bếp. Không hiểu sao, cứ thế, tôi ngoan ngoãn làm theo lời Hương. Tôi mặc bộ quần áo dân quân của em. Còn bộ quân phục tôi vắt kiệt nước rồi phơi lên dây ở hiên nhà.
Hương lại lên nhà đưa tôi xuống bếp. Hương rút rơm, bắc nồi nhóm lửa nấu cơm. Em bảo bố em đi công tác xa. Còn mẹ đi ăn giỗ bên ngoại tối mới về. Bây giờ anh phải ở đây ăn cơm với em.
Không nhận lời nhưng ngoài trời mưa mỗi lúc một to, gió mỗi lúc một mạnh. Tôi đành ngồi bên bếp lửa với Hương.
Bây giờ tôi mới được ngắm em kỹ hơn. Hương chừng khoảng hai mươi tuổi. Ánh lửa hồng bên bếp hắt lên làm cho nước da trắng hồng của em trắng hồng hơn, lung linh lạ. Ngồi sát em, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của em ở rất gần, tôi thấy mình run lên bần bật. Từ bé đến giờ, hai lăm mùa bánh chưng, tôi chưa được ngồi gần một người con gái nào, chưa được cầm tay một người con gái nào… Giờ đây, ngồi bên em… Có một mùi hương quyến rũ lạ lùng tỏa ra từ mái tóc dài như suối mây, từ đôi mắt lấp lánh sao trời, từ đôi môi mọng đỏ của em, và từ “tòa thiên nhiên” tuyệt vời kia…
Như có một sức hút kỳ lạ. không thể nào cưỡng nổi, tự dưng, tôi ôm chầm lấy em, hôn tới tấp lên mắt em, má em, cổ em, và… Chỉ một phút nữa thôi, chỉ một phút nữa thôi, tôi đã không kìm chế được bản thân mình.
Bỗng, một tia chớp sáng lòe trời đất rồi sau đó là một tiếng sét long trời… Chúng tôi ôm ghì lấy nhau.
Không! không! không! Tôi không được làm thế. Kỷ luật quân đội là kỷ luật sắt. Tôi không thể làm như thế được!
Tôi nhất quyết phải đứng dậy.
Mưa gió ngớt dần.
Tôi bảo em lấy cho tôi mượn cái cưa. Tôi cưa hai cây tre ra thành từng đoạn độ hai mét một rồi bó thành hai bó. Tôi sẽ vác một bó về đơn vị. Còn một bó ngày mai tôi vào vác tiếp.
Dẫu còn tiếc lắm, nhưng trời sắp tối rồi. Tôi phải tạm biệt đôi mắt ướt và vòng tay nồng nàn của em. Tôi phải “cầm lòng” vác bó tre về đơn vị.
Là con nhà nòi của một làng đan nên ngoài giờ trực chiến, tôi được thủ trưởng giao đặc trách làm nhiệm vụ xin tre và lo đan lát rổ rá, làm mâm cơm, chạn bát cho đơn vị. Thế là tôi lại được vào làng lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư…
Đúng như lời người xưa nói, khó có cái gì được “quá tam ba bận”… Tôi cố gắng “cầm lòng” được ba lần. Đến lần thứ tư, cũng vào một buổi chiều gió mưa sấm sét bên bếp lửa hồng, chỉ có em và tôi, tôi đã không “cầm lòng” được trước đôi mắt ướt, vòng tay nồng nàn và mùi hương kỳ lạ nơi “tòa thiên nhiên” tuyệt diệu của em. Hôm ấy, em đã trao cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất của người con gái. Cũng hôm ấy tôi đã tặng em tấm ảnh trung sỹ pháo cao xạ tôi vừa mới chụp hôm trước và chiếc lược tôi tự tay làm bằng mảnh máy bay có khắc chữ lồng P-H cho em (tên tôi là Phóng, Vũ Phóng). Hôm ấy tôi về muộn, suýt nữa thì bị kỷ luật. May mà bó tre to và bộ quân phục ướt như chuột lột đã “cứu nguy” cho tôi một bàn thua trông thấy.
Thế rồi tôi trở thành người thân trong gia đình em. Rồi tôi biết em đã có em bé trong bụng. Tôi định tuần sau sẽ báo cáo đơn vị được cưới em làm vợ.
Nhưng, thật không ngờ. Hai giờ đêm hôm ấy, đơn vị tôi được lệnh hành quân gấp đi nhận nhiệm vụ mới. Thế là ngay lập tức chúng tôi phải đưa hết pháo, súng, đạn dược, quân trang quân dụng, xoong nồi, rổ rá… tất cả lên xe. Chỉ sau một tiếng đồng hồ, đoàn xe chuyển bánh. Đơn vị được lệnh tiến vào phía nam tăng cường cho một đơn vị Quân giải phóng.
Sau ngày hòa bình, đơn vị tôi lại nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới phía Tây Nam rồi tham gia Quân tình nguyện giúp bạn Campuchia chống quân Pôn-Pốt. Thế là đời chiến binh của tôi cứ dài ra mãi…
Ngày được khoác ba lô trở về, mặc dù nhớ bố mẹ và các em đến cháy lòng, nhưng tôi đề nghị được xuống xe về một ngôi làng miền sơn cước thuộc tỉnh Hà Tĩnh thân thương.
Đây, ngôi làng thân thương ấy đây rồi.
Trước mặt tôi, những bụi tre lớn tre chằng chịt tre, tre quấn quýt tre ngày trước đâu rồi?... Chỉ còn duy nhất một khóm tre, một khóm thôi đứng chơ vơ. Khóm tre này ngày trước em bảo là khóm tre mới trồng anh không nên đẵn, anh đẵn tre ở những khóm bên trong… Vâng, chứng nhân chuyện ngày xưa chỉ còn có khóm tre này…
Tôi đi hỏi thăm tất cả những gia đình sinh sống ở đó nhưng không một ai biết gia đình cô Hương, bà Hường bây giờ ở đâu cả. Rồi ngày hôm sau tôi lên ủy ban xã. Đồng chí chủ tịch xã cho biết ngày trước có một trận địa pháo ở gần làng này. Nhưng sau khi trận địa chuyển đi mấy ngày thì máy bay địch đến oanh tạc dữ dội khu vực trận địa và các làng mạc xung quanh cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người. Tôi nghe mà lòng đau như cắt…
Nhưng đồng chí chủ tịch cho biết thêm: chúng tôi được biết ông Hùng là cán bộ cao cấp đã đưa vợ là bà Hường và con đi theo đến nơi ông công tác. Không biết ở Hà Nội hay Sài gòn, Cần Thơ gì đấy. Nghe đến đây, tôi mới thấy hơi yên lòng một chút. Không biết là em có còn hay không? Em còn thì giờ em ở nơi đâu?
Tôi còn nấn ná ở Hà Tĩnh thêm hai ngày nữa. Tôi lên huyện và tỉnh hỏi thêm một số cơ quan (nghe nói trước kia ông Hùng là tỉnh ủy viên mà)…Nhưng kết quả vẫn là con số không, không tìm ra manh mối ông Hùng bà Hường và các con bây giờ ở đâu cả…
Thế rồi tôi về quê lấy vợ. Vợ tôi là một cô giáo trường làng, khỏe mạnh, thùy mị, nết na. Vợ chồng tôi có hai đứa con gái. Đứa con gái đầu năm nay tròn hai mươi tuổi, tốt nghiệp đại học, đang công tác ở một trường đại học lớn. Nó điện cho bố mẹ bảo rằng chiều nay nó sẽ dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ. Người yêu nó là Phong, một kiến trúc sư rất giỏi đang công tác ở một cơ quan cấp bộ.
Vợ chồng tôi chuẩn bị suốt từ chiều qua đến giờ. Vợ tôi cứ ra ngóng vào trông có vẻ sốt ruột lắm.
Bỗng có tiếng xe con xịch về đến cổng.
À, chúng nó đã về kia rồi!
- Chúng con chào bố mẹ ạ.
Vợ chồng tôi nhìn ra. Bên cạnh cái Vân, đứa con gái của tôi là một chàng trai cao, to, đẹp trai.
Nhìn thấy chàng trai, tôi giật thót mình. Tôi thấy có một cái gì đó thật là thân quen gần gũi trong đôi mắt của anh ta. Nhưng rồi tôi cố trấn tĩnh lại và tự nhủ: ở đời có những người giống nhau là thường.
Vợ tôi đi lấy nước cho chúng nó. Nhưng con gái tôi ấn vai mẹ xuống và bảo:
Bố mẹ cứ ngồi xuống, con đi lấy nước rồi chúng con sẽ thưa chuyện với bố mẹ.
Sau khi uống nước thì con gái tôi giới thiệu người yêu của nó.
Đến lượt chàng trai, anh ta nói:
Con quê ở Hà Tĩnh…
Ở xã nào? Xã nào?
Dạ, ở Hương sơn ạ…
Tôi lắng tai nghe từng lời anh ta kể, cố kìm nén cảm xúc rưng rưng ở trong lòng.
Anh ta kể tiếp:
Mẹ cháu mất năm ngoái rồi vì bệnh ung thư phổi.
Thế mẹ cháu tên là gì? Mẹ cháu tên là gì?
Mẹ cháu tên là Hương…
Tôi gần như khuỵu xuống nhưng cố trấn tĩnh nghe tiếp:
Trước khi mất, mẹ cháu đưa cho cháu tấm ảnh của bố và chiếc lược đuya-ra bố cháu tặng mẹ cháu hồi xưa…
Rồi anh ta lấy trong cặp ra tấm ảnh và chiếc lược đuya-ra đưa cho tôi.
Thôi đúng rồi!...
Tôi cầm tấm ảnh của chính mình và chiếc lược đuya-ra trong tay rồi cứ rũ dần, rũ dần lả người đi trên ghế…
Vợ tôi và hai đứa con tôi xúm xít lại nâng tôi dậy, rồi chúng đi lấy dầu gió xoa lên trán cho tôi, tưởng tôi bị cảm…
Bất thình lình, tôi vùng đứng dậy và nói lớn:
Chúng…mày… chúng mày… dừng ngay lại!
Chúng mày… chúng mày… không được yêu nhau!
Rồi, ngay tức khắc, tôi bước tới ôm chầm lấy chàng trai xứ Nghệ… Nước mắt tôi tự dưng trào ra không tài nào cầm nổi.
Cả nhà lặng đi một lúc. Không ai hiểu ra chuyện gì.
Không! không! không! Rồi vợ tôi sẽ hiểu, con gái tôi sẽ hiểu, chàng trai xứ Nghệ kia sẽ hiểu… Tất cả chúng tôi là một nhà. Anh em chúng nó là anh em một nhà… Rồi mọi người sẽ hiểu. Anh em chúng nó sẽ hiểu…
Phạm Minh Giang