CHUNG MỘT DÒNG XUÔI NGƯỢC
Ngày: 17/02/2022
Hơn chín giờ sáng xe khách mới đến bến. Xuống xe, tôi ra ngay chợ cách bến xe vài trăm mét. Chợ cuối buổi chỉ còn mấy chị sồn sồn ngồi tán gẫu. Tôi chọn chỗ đứng bên cạnh cột cây số, cầu may

CHUNG MỘT DÒNG XUÔI NGƯỢC

                                                           Truyện ngắn TRẦN VĂN THƯỚC

Hơn chín giờ sáng xe khách mới đến bến. Xuống xe, tôi ra ngay chợ cách bến xe vài trăm mét. Chợ cuối buổi chỉ còn mấy chị sồn sồn ngồi tán gẫu. Tôi chọn chỗ đứng bên cạnh cột cây số, cầu may. Chặp nông nhàn năm ngoái tôi cũng đứng chỗ này chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã bán được mình với giá khá cao: Cơm ba bữa, chỗ ở miễn phí, tiền công một trăm lẻ chín nghìn. Chợt nhớ, tôi nhìn cột cây số. Con số chín đo đỏ năm ngoái bị phai, phần còn lại tròn vo như con số không. Chợt buồn. Dọc đường xe khách hai lần gặp sự cố. Lên chợ gặp con số không tròn vo. Không bán được mình chăng? - Chào chàng trai trẻ. - Chào bác. Tôi chào đại rồi mới nhìn người vừa chào mình. Lời chào không bị hố. Trước mặt tôi là người đàn ông tầm tuổi mẹ tôi. Hoàn toàn tin cậy tôi bước đến với bác. - Bác mua cháu chứ. - Nghe ngọt lỗ nhĩ lắm. Chú mày thì to cái rủi còn lão Trường này thì lại quá may. May bù rủi. Bác cháu ta huề. - Huề là thế nào ạ. Tôi hết sức ngạc nhiên. Bác Trường vỗ vai tôi: - Là thế này. Tướng mạo như mày mà đến chợ sớm sẽ là món “tôm tươi”, các váy, các xống tranh nhau chí chết. Tao chân chậm lại vớ nước trong, tóm được tay trai làng chính cống. Đi nào. Cột cây số biến số nhưng tôi gặp may. Bác Trường người huyện bên, cách làng tôi con sông Lăng. Bác “mua” tôi vào việc đào hố trồng cây trong khu công nghiệp. Chiều hôm trước người bạn cùng làm với bác có việc đột xuất vào Tây Nguyên không hẹn trước ngày về. Khu công nghiệp rộng mênh mông như cánh đồng làng tôi. Đường phân khu, chia lô rộng rãi, trải thảm bê tông. Hai bên đường nội khu cứ ba mét đào một hố vuông cạnh một mét, sâu sáu mươi phân. Việc trồng cây đã có người của vườn ươm lâm nghiệp. Nghe nói cây giống ngoại vườn ươm mới nhập về gieo hạt. Buổi làm việc đầu tiên, tôi bấm giờ đào ba hố, chia bình quân. Làm tiếp mấy phép tính nhân chia, kết quả là con số tuyệt vời. Thời gian hoàn thành hợp đồng sớm trước khi gặt trà lúa sớm ít nhất ba ngày. Tôi sang bên kia đường với bác Trường. - Bác chạy cửa nào được việc ngon này? Bác Trường đưa tay gạt mồ hôi trán: - Lão hàng xóm tao có thằng bạn bây giờ thuộc hàng đại quan kiêm chức bố một ông Phó Chủ tịch, một bà Bí thư, hai ông Chánh, Phó Giám đốc và ngôi ông một lũ cháu Tiến sĩ, Kỹ sư. - Một nhà danh gia vọng tộc. Bác Trường chém ngang lời tôi: - Danh gia cái con tiều. Tháng trước bầu đoàn về dự lễ đón danh hiệu làng anh hùng. Cả lũ vênh vang ghế quan khách. Chỉ có con bé út biết nhớ đến thăm bạn của bố. Con bé biếu quà, biếu tiền. Lão bạn tao cảm ơn, chỉ nhận gói quà thắp hương kính cáo ông bà phù hộ cho đứa cháu ngoan giỏi. Con bé thì cứ nài ép. Lão bạn tao xòe đôi bàn tay còn bảy ngón, rằng còn cuốc đất, bổ củi được, khi nào bó tay hẵng hay. Ít hôm sau con bé báo tin về giúp tìm được việc. Thế là tao được ăn ké món ngon này. Linh cảm mách bảo tôi chiếc xẻng trong tay sắc lưỡi, chắc nêm đến thế là do đôi tay thiếu ngón chêm giũa. Đôi bàn tay bảy ngón chằm bặp ruộng vườn, bòn nhặt đồng tiền đi tìm hài cốt đồng đội. Bâng khuâng tôi hỏi bác Trường: - Có ai đi cùng bạn bác không? Bác Trường lắc đầu, hậm hực: - Người muốn đi thì không đi được. Người 14 VNTB 01(258) - 2022 TRUYỆN NGẮN một bước xe đón xe đưa, đi chơi bằng cả máy bay thì coi như không biết. Thôi, làm đi. Được ngày mát trời hai bác cháu ham việc đến lúc đèn đường bật sáng. Bác Trường đếm dồn số hố hai bác cháu đào trong ngày, hể hả: - Hôm nay gấp rưỡi hôm qua. Bác cháu ta làm bữa ăn tươi. Hàng bán thức ăn chín ở ngay đầu phố. Tôi đứng ngoài chờ bác Trường vào chọn món. Có lẽ là chỗ khách quen cô gái đứng quầy vừa gói hàng vừa nói chuyện vui vẻ với bác Trường. Bác Trường chỉ tay ra với tôi: “Hôm nay bác khao tên nhà quê đích thực kia”. Cô gái nhìn ra chập đúng hướng ánh mắt tôi nhìn vào. Có gì như bối rối, vui vui từ hai phía. Khi bác Trường đi ra cô gái đi ra cùng. Chào anh. Anh mới lên làm cùng bác ạ. Biết ngay là cô gái cũng đi “đợi mùa”, tôi đùa: - Chào em. Anh vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nông nhọc” đã bị vợ tống vào chiến dịch “nông nhàn”. Anh biết bản quán của em từ lâu rồi nhé. Cô gái tròn xoe đôi mắt: - Sao anh biết ạ. - Anh đi bộ đội đóng quân vùng ấy ba năm. Quê em hay nói từ này thành từ này. Tôi giơ tay vẽ vào không gian hai chữ cái tiếng Việt. - Em dịch ngon chứ. Cô gái đỏ mặt cười giòn. - Anh thì... Em thua anh rồi. Em tên là Thùy. - Chúng mình bắt tay nhau thi đua đại thắng một chặp “đợi mùa”. Tôi đưa tay cho Thùy. Xuýt quên. Anh tên là... Em nhớ uốn lưỡi, chun môi cho khéo không thì nghịu đấy. Chúng tôi nắm tay nhau, lòng tràn ngập niềm vui trai quê gái quê gặp nhau nơi phố phường. Như ở làng chúng tôi hẹn gặp nhau. Bác Trường rinh được cả can mười lít rượu quê lên phố. Tôi bày “đặc sản” ra mâm. Thịt vịt nấu nhựa mận. Những miếng thịt chặt chéo, đều tắp. Riềng giã nhỏ, lá chanh, gừng thái chỉ. Ngũ vị giao hòa thơm lựng. Món này mười mươi Thùy làm. Mấy năm rồi tôi mới Minh họa: ĐỖ NHƯ ĐIỀM gặp lại món ngon trong bữa VNTB 01(258) - 2022 15 TRUYỆN NGẮN liên hoan đoàn kết quân dân. Tôi khoe với bác Trường: - Món thịt vịt nấu kiểu này cháu từng được ăn, mỗi khi nhớ đến thèm ứa nước miếng. Bác Trường nhấp ngụm rượu, thả tiếng khà: - Bây giờ nhiều món nhà quê trở thành đặc sản phố xá. Bữa nay rượu quê nhắm với món quê, dốc chén với thằng quê như mày thì việc nặng nhọc mấy, chuyện gì buồn đến mấy rồi cũng nhẹ khuây. - Như thế là tam quê bác ạ. - Ờ...ờ... chí phải... tam quê giao hảo. Uống đi cu. Bác Trường nghiêng miệng can vào chén của tôi. Khắp vùng cửa sông Lăng con gái, con trai phải được bề trên yêu mến lắm mới được gọi là cu, là đĩ, mẹ cu, bố đĩ. Một ngày nhiều vui, lại nhiều nhiều hơi men mà quá mười một giờ khuya tôi vẫn tỉnh sáo. Tôi ra đứng bên cửa sổ, nhìn xa. Qua vùng sáng phố phường là mênh mông vùng tối. Trong mênh mông vùng tối ấy có làng bác Trường, làng tôi và đồi núi quê Thùy. Giờ này mẹ tôi còn lâu mới ngủ. Những người mẹ bao giờ cũng ít ngủ, đêm hôm thường lẩn mẩn việc nọ việc kia, nghĩ ngợi về con cháu, sàng sảy việc đời. Giờ này chắc Yên của tôi đang ngon giấc. Ôi buồn cười... Từ sau lần giúp em đẩy xe thồ phân trâu ra bãi sông Lăng mỗi lần gặp nhau đứa nào cũng đo đỏ mặt. Qua mùa lúa phấp phỏng mà bội thu... Rồi làng trên xóm dưới một mực vun vào: “Ông trời ném hai đứa chúng mày xuống đồng bãi này là để chờ tuổi nên vợ nên chồng”. Bạn bè thôn trong, thôn ngoài chưa giáp mặt đã oang oang: “Chúng mày chín lắm rồi... Không nhanh thì nẫu đấy”. Từ sau ngày tôi đi “đợi mùa” có đêm nào em mơ về tôi không? Ước gì đêm nay em mơ gặp lại đêm ấy. Đêm ấy hai đứa ngồi trên bờ đê bên bờ tre chắn sóng. “Ngày mai anh đi...”. Em vùng vằng gỡ vòng tay tôi. “Nghe anh nói đã nào... ”. Em nghe ra, “ứ ..ừ...”, riết róng cánh tay. Nụ hôn dài đến suýt ngất cả đôi. Giả như hai đứa mà ngã ra thảm cỏ thì có trời biết “chúng nó” còn ngất đến đâu. Một hôm quá hai giờ trưa trời mới ngàn mưa. Xem chừng mất buổi làm nhưng tôi không tiếc. Nơi quê nhà những cánh đồng cao sẽ no nước sau chặp nắng lửa gió khô. Những trà lúa sớm sẽ dưỡng đòng trỗ thoát. Làng đỡ chênh chao niềm hy vọng mùa màng. Cánh vó lều, vó bè sông Lăng tha hồ đón cá mừng mưa. Bác Trường ra hiên đứng ngó một lúc trở vào: - Nghỉ một buổi xả hơi. Tao có chú em họ nhà cách đây mấy phố. Hai bác cháu đến thăm cho vui. Qua nhà ba bến xe buýt hai bác cháu mới xuống. Ngôi ba tầng đầu phố trung tâm, cổng ốp đá màu xẻ tạo hình. Ít nhiều biết việc xây dựng tôi ước tính giá thành bộ cổng đủ cho nhà quê xây ba gian nhà mái bằng kiểu mới. Tôi bấm chuông điện. Một lát sau người phụ nữ trung niên đi ra. Bác Trường áp sát cánh cổng: - Phiền cô nói với ông bà chủ có người ở quê đến thăm. Người phụ nữ thoáng chút lưỡng lự: - Ông chủ đi họp hội đồng. Bà chủ đi du lịch tuần sau mới về. Bác và em có nhắn gì không? - Không có gì. Cảm ơn cô. Bác Trường quay ngoắt, bước đi như chạy gằn. Được mấy bước bác dừng lại phảy tay về phía ngôi nhà: “Tao vừa nhìn thấy cái mặt nó sau cửa kính tầng hai’’. Từ lúc ấy bác Trường trở nên lầm lỳ, bước ngắn bước dài. Đến bến xuống tôi phải nhắc bác mới giật mình, khó nhọc đứng lên. Buồn lây. Về gần đến nhà tôi mới sực nhớ chưa mua đồ ăn bữa tối. Bác Trường gạt phắt việc tôi quay lại chợ: - Một bữa muối trắng đã chết ai. Ngày xưa... Bác Trường nghẹn lời. Lúc trên xe bác vui vẻ kể ngày xưa người ấy coi nhà bác như nhà mình. Mẹ bác nuôi “hai thằng” học trò trường huyện bằng cơm độn ngô khoai, muối trắng rang lá chanh. Hai thằng buổi đi học buổi đi đánh dậm, câu cáy bãi sông Lăng. Con cáy ngoeo càng, con tép đồng bé bỏng cõng về cuốn sách, quyển vở học trò... Người ấy đỗ đại học, lấy vợ con ông to, công danh thăng tiến như diều thuận gió... Bữa tối bác Trường uống rượu nhiều hơn mọi bữa, cốc đầy ực một hơi như uống nước. 16 VNTB 01(258) - 2022 TRUYỆN NGẮN Xong bữa bác đi loanh quanh một lúc rồi lên giường. Tôi biết bác mượn rượu để quên đi không chỉ một buổi chiều. Nhẽ đời, những gì mặc dầu lớn nhỏ, con người ta muốn quên đi thường là rất khó quên, thường khổ nhọc rất lâu mới quên đi được. Hệ quả là con người hao tâm tổn sức, sao nhãng công việc, hậu quả khôn lường... Tôi chia sẻ với bác Trường: - Ông bác cháu có lần còn gặp chuyện buồn bực bằng mấy bác. - Chuyện thế nào? - Trong họ có người lên chức tới tầm bốc được cả nhà lên phố, xếp đặt ghế việc cho vợ con ngon như mơ. Năm ngoái bà cụ nhà ấy quy tiên. Bác cháu làm trưởng đoàn họ nội lên viếng. Xe biển đỏ, biển xanh đỗ dãy dài. Vợ chồng ông ta cho osin ra tiếp các cụ. Bác cháu kể dân hàng phố “khen” nhà quan lớn tài bán đám hiếu. Như thế là bán hay buôn. Bác Trường nhổm đầu trên gối: - Ờ ờ ... Vừa buôn vừa bán cu ạ. Buổi chiều cuối tuần, hai bác cháu đi làm về thấy Thùy xách túi đứng trước cửa. Tôi nhanh tay mở khóa, hỏi Thùy: - Em về quê hay sao? Thùy lí nhí lạ: - Vâng... Em về anh ạ. Tuyến đường ấy sáng mai mới có xe xuất bến lúc bốn giờ. Bác Trường và tôi giữ Thùy ở lại tiện sáng mai ra bến xe cách vài trăm mét. Thùy ôm túi ngồi xuống mép giường, một lúc mới ngẩng lên: - Vâng ạ. Phiền bác với anh đến sáng mai. Có gì đó rất khác thường nơi cô gái xinh giòn, nhanh nhẹn. Trong lúc làm bữa tối, lúc rửa bát tôi tán chuyện chọc cười. Thùy chỉ cười gượng gạo. Hình như bác Trường cũng nhận ra những khác lạ nơi Thùy nhưng lại nhìn tôi như dò xét. Ngồi bên bàn uống nước bác hút thuốc lào liên tằng. Linh cảm mách bảo tôi có chuyện gì đó đang sôi sục chỉ chực bùng ra nhưng bác Trường cố kìm nén. Từ lúc rửa bát xong Thùy ôm túi ngồi cuối giường nhìn xa xăm. Đột nhiên dằn túi đánh ịch xuống giường, bước ra ngồi bên cạnh tôi. - Bác ... Anh... Sáng mai bác cho anh đưa cháu đi bệnh viện ... Rồi cho cháu về đây nghỉ nhờ mấy hôm ... Rồi đi làm... - Thùy dứt lời úp mặt xuống mặt bàn khóc tức tưởi. Tôi choáng váng. Thật dễ hiểu vì sao cô gái trẻ phải đi bệnh viện. Còn choáng váng hơn vì bác Trường. Ánh mắt bác kìm nén từ chiều giờ long lên, trừng trừng ném vào tôi. Xuýt nữa tôi hét lên: Bác đừng nghĩ xấu về cháu. Từ ngày quen nhau tôi và Thùy gặp nhau luôn, vài lần Thùy sang cùng bạn trai. Chúng tôi đi chơi phố nhưng không bao giờ quá khuya. Thùy phải đi ngủ sớm để bốn giờ sáng thức dậy cùng vợ chồng bác chủ làm hàng. Chúng tôi trân quý nhau, bộc bạch những chuyện riêng tư. Tôi coi Thùy như đứa em. Bố mẹ mất sớm, trên Thùy là hai chị gái đã lấy chồng bản xa, sau Thùy còn hai đứa em đang tuổi ăn học. Bác Trường cầm chén trà lên vừa chạm môi lại như dằn xuống, đứng phắt lên: - Hai đứa chúng mày liệu mà bảo nhau. Thùy ngẩng lên, để mặc nước mắt giàn giụa: - Bác... Chúng cháu yêu nhau thật lòng. Anh ấy bảo có việc về quê vài ngày. Thế mà ba tuần rồi bặt tin. Tuần sau cháu phải về giỗ mẹ. Bác Trường nghe ra ngồi xuống ngay. Bác rót nước vào chén của tôi hàm ý bỏ qua cơn nóng vội. - Nó làm gì, quê quán ở đâu mày có biết không? - Anh ấy làm bốc vác ở chợ đầu mối. Cháu có biết địa chỉ nhưng chưa về đấy. Anh ấy hẹn về nhà lên sẽ đưa về giới thiệu với mẹ. Bác Trường nhìn Thùy, dịu giọng: - Trai gái yêu nhau thật lòng, sớm có bầu bí cũng là việc đáng mừng. Chuyện đã rồi, mày đừng quá lo xa, nghĩ quẩn làm việc thất đức. Còn thằng người yêu mày tao phải giáp mặt nói cho nó biết cái lẽ ở đời. Nếu nó trở mặt chạy làng khắc có cách trị. Mày cứ vui vẻ ở đây nghỉ ngơi. Rành tên tuổi, quê quán rồi, sáng mai hai bác cháu tao đi chuyến xe sớm. Hai lần chuyển xe. Mười hai giờ trưa hai bác cháu mới đến ngã ba làng Quảng. Vào quán ăn xong bữa trưa muộn, tôi hỏi chị chủ quán lối vào nhà Điển. Chị chủ quán hỏi lại: VNTB 01(258) - 2022 17 TRUYỆN NGẮN - Bác và em hỏi nhà cậu Điển họ Trần hay họ Đỗ. - Bác cháu em cần gặp cậu Điển đi làm trên thành phố về quê hôm đầu tháng. Chị chủ quán chỉ tay ra cửa: - Vậy là cậu Điển xóm bờ sông. Lối ra đấy ngay bên kia đường chỉ non cây số là đến. Bác với em nghỉ ngơi uống nước rồi hãy đi. Cảm ơn chị chủ quán, bác cháu tôi đi ngay. Từ lúc ra khỏi quán bác Trường trở nên rất khác. Lúc bác đi nhanh như chạy gằn, có lúc bác cúi mặt đi như đếm từng bước. Gương mặt bác cũng khang khác. Tôi đi bên cạnh, bác nhanh tôi nhanh, bác chậm tôi chậm, muốn nói câu chuyện cho vui bước nhưng ngài ngại thế nào ấy. Xóm bờ sông, bờ đê cũng là đường trục xóm. Bác Trường vượt lên, dừng lại bên gốc cây gạo đầu xóm, đăm đăm nhìn dọc lối vào. Đi tiếp, chầm chậm mấy bước bác rảo nhanh, rẽ vào ngõ thứ ba. Như về nhà mình bác mở hết tầm cánh cổng tre khép hờ. Điển đang quét vôi hiên nhà, buông chổi chạy ra, hắn mừng đến rối lời: - Bác ... hắn... Vào nhà đi... Mẹ ơi. Bác với bạn con về này. Mẹ Điển ngồi trên ghế, một chân bó bột quá đầu gối bên cạnh là đôi nạng gỗ. Tôi hiểu vì sao Điển vội về và lỡ hẹn với Thùy. Điển kéo ghế mời hai bác cháu ngồi. Bác Trường vẫn đứng bám tay vào thành ghế. Bên kia bàn mẹ Điển cố đứng lên nhưng không nổi, chiếc nạng rơi ịch xuống nền nhà. Mẹ Điển bật khóc, chỉ tay vào bác Trường: - Điển... Đây là bố con. Điển giật lùi dựa lưng vào cánh tủ phía sau. Đôi mắt Điển mở to nhìn mẹ, đảo phắt vào bác Trường. Sự im lặng bao trùm ngôi nhà đang nồng mùi vôi mới. Có sự im lặng trước bão giông. Có sự im lặng để vỡ òa. Còn sự im lặng này tôi chưa từng gặp bao giờ, cảm giác như cô đặc có thể xắt ra được. Tôi đảo ánh mắt thăm dò vào Điển. Rất nhanh Điển nhìn bác Trường, bước lại cầm cánh tay tôi: - Vài lần sang chơi với bác và hắn về đêm tớ không sao ngủ được. Có lần Thùy nói bác Trường và tớ có nhiều nét giống nhau. Tôi nghĩ những đêm mất ngủ của Điển chính là linh cảm của huyết thống. Chờ bác Trường ngồi xuống ghế tôi dắt tay Điển lại ngồi bên cạnh. Mẹ Điển đã nén được tiếng khóc nhưng không kìm nổi nước mắt giàn giụa: - Anh Trường... Tha lỗi cho em. Bác Trường lấy trong túi ra chiếc khăn mùi xoa đưa qua mặt bàn tận tay mẹ Điển. - Tôi không đáng để Lê xin lỗi đâu. Đêm ấy với tôi là bước ngoặt tệ hại. Lên bờ vào nhà Lê thì gặp những người chủ khác. Xuống tàu sắp về đến bến thì tàu đâm vào bờ, hỏng cả trăm tấn hàng. Lãnh đạo biết tôi là lái chính mấy lần bỏ tàu lên bờ gộp thành án kỷ luật đuổi việc. Ngày ấy công nhân bị đuổi việc bị khinh miệt còn hơn bộ đội thời chiến đảo ngũ. Mấy tháng sau có người bạn về tận nhà bảo sẽ giúp xin trở lại công ty nhưng tôi dứt khoát từ chối. Trở lại làm việc là phải xuống tàu xuôi ngược trên con sông này, phải qua bến nước này. Thời trai trẻ thì nghĩ thế, quyết là thế. Khi có tuổi rồi nghĩ lại mới hận mình từng là một gã hèn. Chỉ mấy khúc sông ngược lên mà không dám ngược. - Thôi anh. Ông trời còn cho có hôm nay để em nói rõ sự thật với anh và con. Cô Lê nghẹn lời, vo chặt chiếc khăn trong lòng tay, nhìn ra cửa. Qua khoảng sân, mảnh vườn, lối đi dọc xóm là dòng sông Lăng. Đến khuya nhà vãn khách, tôi và Điển ra ngồi trên bến nước đầu xóm. Sông Lăng đã qua cơn lũ trái mùa đang êm lại dòng trôi. Từ bến quê này xuôi xuống là quê bác Trường, quê tôi, ngược lên xa tít là quê Thùy đồi núi. Chúng tôi, những con người gặp gỡ vô tình mà như tiền định. Tôi chắc tin một điều này: Trước tất cả chúng tôi, sông Lăng đã biết chuyện hôm nay cô Lê mới kể trong lúc bàn tay vo chặt chiếc khăn mùi xoa và đôi mắt đăm đăm ra với dòng sông đang êm lại dòng trôi. Thời con gái cô Lê nổi tiếng xinh đẹp, nết na. Hai mươi chín tuổi cô Lê mới lấy chồng. Muộn đến thế là vì năm trước năm sau bố mẹ qua đời cô phải chịu lệ chồng tang. Đêm chồng vợ đầu tiên, vừa vén áo cô lên anh 18 VNTB 01(258) - 2022 TRUYỆN NGẮN chồng hét toáng, lao ra khỏi buồng. Bố mẹ, em chồng nhao lại. Anh chồng chỉ tay vào bụng, ú ớ không nên lời. Bà mẹ chồng xộc ngay vào buồng, xỉa xói: “Cút ngay ... Cho thiên hạ ăn ốc chán chê rồi cậy xinh cậy đẹp lừa bắt trai trưởng nhà này đổ vỏ... Cút ngay cho khuất mắt chúng tao”. Cô Lê đang cơn hoảng loạn chưa hiểu đầu đuôi thế nào đã bị mấy cánh tay lôi thốc ra ngõ. Nửa đêm về đến nhà cô vén áo lên nhìn. Thì ra người ta sợ vết sẹo. Năm mười tuổi cô Lê bưng nồi cám từ trong bếp ra chuồng lợn bị vấp ngã. Cả nồi cám nóng đổ lên bụng để lại vết sẹo to như cái bát. Sáng sớm hôm sau nhà chồng đem lễ sang trả kèm theo tờ đơn ly hôn. Cô Lê không nửa lời thanh minh nhưng ra điều kiện phải mang lễ về sẽ ký đơn ngay. Làng trên xóm dưới hết chặp xôn xao chuyện “ốc với vỏ” lại đến hồi xì xào “không nhìn thấy bụng vì đã phá thai chui”. Cô Lê ngậm đắng nuốt cay, trút nỗi hận vào công việc. Lo cho em trai yên bề gia thất, cô xin vào đội trồng cói, ra ở xóm bờ sông với mấy chị bộ đội, thanh niên xung phong. Mấy chị đã bằng cách này cách kia tìm được quyền làm mẹ. Dần rồi cô Lê cũng chịu theo lời khuyên của các chị. Khuya khuya cô ra bến nước đầu xóm ngồi giặt áo. Sông Lăng đêm ngày tấp nập tàu thuyền xuôi ngược. Tiếng vỗ áo đêm khuya đã gọi được chàng thủy thủ lên bờ. Khi cô Lê đã có thai các chị tiếp tục “màn hai” của vở kịch đã mấy lần diễn đều thành công. Biết lịch trình của đoàn xà lan tự hành các chị bố trí cho cô Lê lánh sang nhà khác. Đêm ấy chàng thủy thủ lên nhà người yêu. Ngôi nhà đã có chủ khác. Những bày biện trong nhà cũng đã khác đi. Chàng thủy thủ nhận được câu trả lời: "Cô ấy bán nhà đi kinh tế mới...”. Chàng thủy thủ lầm lũi về tàu, bước chân trên lối quen, lá khô bay lào xào như tiếng kèn đưa đám một cuộc tình. Tôi và Điển cùng năm sinh nhưng khác ngày tháng. Đứa ba, đứa năm tháng nữa là chúng tôi tròn tuổi ba mươi.. Ba mươi năm, chỉ có dòng sông Lăng mới biết đã bao nhiêu ngàn lần cô Lê ngồi nhìn dòng sông, lắng nghe tiếng vỗ áo vọng lên từ đáy sông và hình dung người ấy từng bước... từng bước... “Sông Lăng ơi...” Tôi nghe rõ tiếng lòng tôi bật lên như reo. Đêm nay mười mươi dòng sông đã chứng kiến trọn vẹn cuộc đoàn viên trong ngôi nhà đầu xóm bờ sông. Các chị các cô ba mươi năm trước dàn dựng cuộc giặt áo bến sông Lăng bây giờ đàng hoàng ngôi chức bà nội, bà ngoại. Chín, mười bà thẳng thừng một lệnh: “Ngày mai thằng Điển cùng bạn lên thành phố tiếp tục công việc. Chú Trường ở lại sang tuần đưa cô ấy đi tháo bột, về nhà trợ việc tập tành đi lại. Rồi cô chú bảo nhau sửa sang nhà cửa. Sang tháng nhờ cụ trưởng họ chọn ngày đẹp nhắn lên bảo thằng Điển đưa con Thùy về trình diện”. Tôi và bác Trường đã hội ý trước, thống nhất tạm thời giữ kín chuyện Thùy sang ôm túi khóc. Chờ cho hai đoàn xà lan ngược xuôi qua bến một quãng, tôi hỏi Điển: - Hai bố con đã nói với nhau được nhiều chuyện chưa? Điển lắc đầu: - Vào nhà cậu mợ rồi đi chào các cụ trong họ. Buổi tối đông khách thế còn thời gian đâu. Tôi vỗ vai Điển: - Rồi bố con tha hồ tâm sự. Tập một đời ông thì hắn và tớ mới biết cách đây mấy tiếng đồng hồ. Tập hai của bố hắn tớ may mắn được biết trước hắn. Năm mươi tuổi ông mới lấy vợ là bạn thuở câu cáy sông Lăng. Cô ấy đã có con gái riêng. Ông nói thật là lấy cô ấy vì thương nhiều hơn là yêu. Ba năm trước cô ấy bị mắc bệnh hiểm nghèo. Tiền nhà dốc hết, thêm mấy khoản nợ to nữa mà vẫn không cứu được người. Vài năm trở lại đây ông đi làm đủ việc kiếm tiền, phần trả bớt nợ nần phần trợ đỡ vợ chồng con gái. Điển nắm chặt bàn tay tôi, nhìn xuôi rồi nhìn ngược dòng sông. Phía ấy, tôi tin linh cảm đã mách bảo và giờ này Thùy đang ngon giấc ngủ. Tôi nhìn xuôi dòng sông. Giờ này Yên của tôi cũng đã ngủ say sau một ngày chằm bặp với vạt ngô, luống đậu. Ước gì đêm nay hai nàng cùng một giấc mơ có hai thằng đẹp trai... như tôi ngồi bên dòng sông đang yên lành con nước xuôi về. 

TRẦN VĂN THƯỚC