BẦU BẠN Ở LÀNG
Ngày: 01/07/2022
Qua quãng đường rợp bóng cây đồng làng òa hiện. Dậu bồi hồi dừng bước. Mấy tháng trời “ nhất nhật thiên thu” không cướp nổi của Dậu thói quen từ thuở chăn trâu cắt cỏ. Bất kỳ lúc nào ở trong làng ra hay đi đâu đó về chớm đến cánh đồng là Dậu đứng nghiêm vươn vai hít một hơi no căng lồng ngực

BẦU BẠN Ở LÀNG

                                                                                                        Truyện ngắn TRẦN VĂN THƯỚC

Qua quãng đường rợp bóng cây đồng làng òa hiện. Dậu bồi hồi dừng bước. Mấy tháng trời “ nhất nhật thiên thu” không cướp nổi của Dậu thói quen từ thuở chăn trâu cắt cỏ. Bất kỳ lúc nào ở trong làng ra hay đi đâu đó về chớm đến cánh đồng là Dậu đứng nghiêm vươn vai hít một hơi no căng lồng ngực. Dậu bước ra sát lề đường nhìn lướt cánh đồng vừa qua vụ gặt. Tức thì thửa ruộng trước mặt như sôi lên. Con đạc mướt cỏ vồng lên. Cấp tập những lời vô thanh chói chát. Dậu run lên, mồ hôi lõa ra. Sau khi sự việc xảy ra đồng làng đã ngót hai vụ lúa bội thu. Dậu đã nhận được rất nhiều cảm thông, tha thứ... Vậy mà cánh đồng vẫn chưa nguôi cơn giận kẻ đã dìm đồng làng dưới mênh mông nước mặn. Phải mất vài phút trấn tĩnh Dậu mới nhấc lên được chiếc túi vải nhẹ tênh vài bộ quần áo. Quãng đường trục đồng trở nên xa lạ, hun hút. Cái rãnh ngang vài gang tay Dậu đã nín thở lấy đà mà vẫn bị sa chân. Rút được bàn chân lên Dậu ngỡ ngàng không tin ở mắt mình. Trong khoảng không trước mặt cách một tầm tay với thoạt đầu mờ ảo rồi rõ ràng gương mặt cô gái. Dậu thờ ơ ngay được. Vẫn xinh.. . Nhưng khóc cái nỗi gì... Cô gái đưa tay che mặt: “ Anh... Lỗi tại em...”. Dậu để mặc tiếng lòng như gắt lên: “ Thôi đi ...”. Dậu và Yến là đôi bạn thân từ thuở chăn trâu cắt cỏ. Một buổi chiều ở bãi thả về đến gò ông Trâu cô bé Yến họ trâu đứng lại, chăm chăm nhìn lên gò. Hôm ấy Dậu mải chơi nên về sau cùng. Đến chỗ Yến đứng Dậu ngồi trên lưng trâu hỏi xuống: “Hắn ngắm gì thế”. Yến buồn thiu: “Tớ định lúc về lên gò hái bồ kết. Thế mà ai hái hết rồi”. Dậu nhìn lên gò. Cây bồ kết vẫn còn những chùm quả nhưng ở tít trên cao. Cao tít thế người lớn cũng chịu nói gì trẻ trâu. Dậu chọc tức Yến: “Hắn lên xí phần đi. Mùa tới tớ hái cho thừa gội đầu vài năm”. Yến giục trâu đi mấy bước, ngoái lại: “Thèm vào”. Buổi tối, làm xong bài tập về nhà Dậu lắp đèn pin, ra vườn lấy sào tre. Mẹ Dậu lấy làm lạ ra đứng đợi ngoài cổng vườn. Dậu nói thật với mẹ chuyện buổi chiều với Yến. Mẹ hiểu tâm trạng con trai đang tuổi lớn. “Con bé Yến được cả người cả nết. Mẹ đỡ con giúp bạn việc này”. Lên gò, Dậu soi đèn pin cho mẹ chọc sào. Mỗi tiếng tách đầu sào là một chùm bồ kết rơi gọn vào chiếc rổ Dậu giơ đón. Mẹ chỉ rổ bồ kết đầy có ngọn: “Cây trên gò như có ý để phần con bé ngoan. Quả ở trên cao no nắng gió, già nẫu, chỉ phơi vài nắng là khô cong, đen nhánh”. Hôm sau Dậu dong trâu ra bãi sớm hơn mọi ngày, đợi Yến ở đầu lối. “Của hắn đây. Đủ gội cả năm đấy. Mẹ tớ bảo thế”. Yến đón túi bồ kết cúi nhìn bàn chân di di ngón cái. Nhìn mặt Yến đỏ bừng Dậu thấy nóng ran tận chân tóc: “Từ mùa tới tớ sẽ hái cho hắn tha hồ mà gội. Không đùa đâu”. Yến lí nhí “ Ừ... nhớ...” rồi giục trâu đi. Cây bồ kết mùa xuân ra hoa mùa hạ chín  quả. Mùa đến, khi những chùm quả bồ kết ngả màu vàng chanh là Dậu tay sào, tay túi lên gò. Mẹ tỉa gai, kết chùm, phơi đẫy ba nắng. Cứ mùa sau túi bồ kết nhiều hơn mùa trước. Yến băn khoăn: “Hái hết phần người khác...”. Dậu huơ tay chia quãng mái tóc Yến : “Năm ngoái tóc ngang lưng, năm nay tóc dài chớm eo. Tóc dài lên thì quả nhiều theo...”. Bạn bè trang lứa Yến hầu hết đã dùng dầu gội chai, gói theo mốt quảng cáo. Yến vẫn cứ vài ngày một lần nấu nồi nước bồ kết, lá chanh, lá sả. Qua mấy mùa bồ kết Dậu hái, mẹ phơi. Dậu học xong trường nghề được về trạm bơm đồng làng. Yến tốt nghiệp cao đẳng tài chính, có ngay suất biên chế chi nhánh ngân hàng đóng trên xã nhà. Đầu làng cuối xóm lũ trẻ đã ran vè: “Lẳng lặng mà nghe. Cái vè bồ kết...”. Lời vè kể về đôi bạn chăn trâu cắt cỏ. Tình yêu trai làng ta gái làng ta đã chín đương nhiên như cây bồ kết mùa xuân ra hoa mùa hạ chín quả. Buổi tối Dậu sang nhà Yến. Bố Yến ngồi trong nhà rảo ra chặn bước Dậu vừa qua cổng: “Hôm nay tôi nói thật. Tôi không bao giờ để con gái làm vợ con trai người đã phá hỏng việc làm ăn của gia đình tôi”. Dậu gắng bình tĩnh chịu gáo nước lạnh bất ngờ hắt vỗ mặt “Cảm ơn bác. Cháu xin phép vào gặp Yến một lát”. Bố Yến huơ huơ cánh tay: “Ngày nghỉ, các anh nó về đón đi du lịch rồi”. Một thoáng chênh chao, Dậu thong thả bước chân qua cổng.  Dậu vào trạm đóng cầu dao cả bốn tổ máy. Ba tiếng đồng hồ nữa cánh đồng mới gieo sạ sẽ no nước dưỡng mầm. Những chủ ao nội đồng tha hồ mở phai lấy nước “tắm” cá hương. Lắng nghe tiếng máy êm ro, kiểm tra nhiệt độ vận hành an toàn Dậu đi sang phòng trực ban. Nhìn chai rượu trên mặt bàn Dậu suýt bật cười. Buổi chiều anh Thực tổ trưởng bảo nông tay huơ chai rượu múa điệu “lão say” vào phòng. “Lão say... lão say... ối a... Lão mừng cu Cóc... Ôi a...quốc gia... i...a chọn vào...”. Dậu cũng khuỳnh chân vung tay múa theo, hát theo. Thằng Lực con lớn của anh Thực biệt danh cu Cóc đoạt giải nhì toán lớp chín cấp tỉnh được. Chai rượu chờ chiều mai hội bảo nông làm bữa cá rô nướng mừng cu Cóc. Ríu ran... Ồn ào... vỡ òa trong ký ức. Năm kia hội lớp 12 làng Quảng chọn trạm bơm làm nơi họp lớp. Thảo, Yến, Chi trổ tài làm món cá rô đồng ướp sả, ớt nướng vùi trong đống lửa cỏ gừng. Ồn ào... Ríu ran... xui khiến Dậu cầm mà như tóm cổ chai rượu đi ra khỏi phòng. Dậu ngồi trên bờ âu xả. Bốn vòi rồng ào ào đổ nước vào âu. Nước cuồn cuộn chia dòng qua hai cửa phai. Dậu bật nút chai. Rượu nếp quê thơm lừng ngọt mềm môi. Chúc mừng cu Cóc. Cu mày giải phương trình ra nghiệm số đúng đoạt giải. Chú mày vừa “được bài toán” mới lướt qua đề cũng dư biết giải cách chi cũng ra vô nghiệm. Mười mươi là thế. Cánh tay bậc cha chú đã huơ huơ... Trên tầng hai ngôi nhà lừng lững ngã ba làng sáng đèn. Tiếng nhạc réo rắt. Người ta đã hát bài hát khác rồi... Dậu định đậy nút chai nhưng lại đưa lên miệng, dốc nghiêng. Dô nào. Ta dô với ta nào. Rượu anh Thực... Đúng là rượu vợ nấu cho chồng. Chưa bao giờ Dậu uống rượu một mình và uống nhiều đến thế. Ngồi trên bờ âu cỏ xanh mát lịm mà Dậu lại thấy mình đang đi trên bờ máng rồi rẽ xuống bờ đạc. Lại rẽ... Đây rồi! Gò ông Trâu như cái bát xanh khổng lồ úp bên con đường vắt ngang cánh đồng lớn nhất vùng cửa sông Lăng. Có tiếng người thoảng trong tiếng gió trải đồng. Chuyện người xưa để lại ngỡ như huyền thoại mà rất thật với làng. Con sông Lăng chảy qua làng Quảng tấp nập thuyền bè xuôi ngược. Bọn cướp thường lợi dụng sông nước lên cướp bóc. Một đêm mưa gió bọn cướp hội quân tràn vào làng. Dân làng đánh trả quyết liệt. Bản chất côn đồ và hung khí giúp bọn cướp chiếm ưu thế. Thình lình từ trong làng một con trâu lao như tên bắn vào bọn cướp. Con trâu tả xung hữu đột húc đầu, văng sừng. Bọn cướp tháo chạy tán loạn. Con trâu dẫn đầu dân làng truy đuổi. Chớm đến ngã ba đường trục đồng con trâu bị trúng nhát đâm hiểm rống lên, gục xuống. Dân làng để ông Trâu yên vị chờ hôm sau làm lễ trọng táng. Sáng mai, dân làng vô cùng kinh ngạc. Nơi ông Trâu nằm xuống nổi ụ đất đỏ au, lăn tăn mầm cỏ. Người già bảo ông trâu hỏa thần chọn huyệt đất thiêng trấn yểm giữ làng vạn đại bình an khang thịnh. Trải mấy trăm năm gò ông Trâu xanh thẳm cây tự nhiên mọc, cây do con người trồng. Có cây ăn quả, lấy hoa cho lũ trẻ háo hức trông mùa. Có cây làm thuốc, nấu canh, kho cá. Có cây cho gái làng tóc dài da trắng. Có cây cổ thụ vút cao như ngọn hải đăng bốn mùa xanh thẳm cho người làng nhận biết làng mình. Nông thôn mới, con đường mở rộng tôn thêm vẻ đẹp gò ông Trâu. Cái mới vô hình chung tạo cơ hội cho rất nhiều toan tính. Dải  đất hai phía gò ông Trâu trở thành thổ cư, cửa hàng, cửa hiệu của những ông nọ bà kia. Bố Yến chạy cửa đấu thầu gò ông Trâu. Vào tay ông ta ít nhất một nửa gò ông sẽ thành đất nền, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Bố Dậu được dân làng ủy thác việc đưa đơn kiến nghị bảo tồn di tích của làng. Việc của làng gặp được người công quyền có tâm, có tầm. Gò ông Trâu thoát mưu kế hiểm, bình yên xanh thẳm với làng. Dô nào... Ta dô dô với ta... Cái chai lăn lăn đập vào gốc cây. Hình như gốc cây bồ kết... Buổi chiều đi qua gò ông Trâu, Dậu chầm chậm bước nhìn lên. Cây bồ kết đã vào mùa, chi chi chít những chùm quả đang ngả màu vàng chanh... Những chùm quả đang chờ gã trai tay sào tay túi... Không... không phải cây bồ kết. Cái chai lăn lăn và dừng lại bên gốc cây dền gai mọc hoang mép bờ âu xả. Cái chai đứng dựng lên... Cái chai rỗng hóa bộ mặt có cái miệng chem chép: “Hôm nay tôi nói thật...” . Trong cái đầu đang đau như búa bổ, như có đàn ong đang bay chợt có tích tắc êm lặng. Thì ra bấy nay bố Yến giả vờ tử tế bác bác cháu cháu là để che đậy ý đồ xấu xa. Hai ngày nữa là giỗ đầu bố Dậu. Ông ta chọn thời điểm để lộ mặt ra đòn thù: “Bố làm con chịu”. “Dậy... Dậy...”. Dậu chưa kịp dụi mắt đã bị lôi thốc lên. “Chiều rồi hả anh”. “Chiều con khỉ”. Anh Thực gắt lên: “Nước tràn khắp đồng rồi. Vào trạm không thấy mày tao liều ngắt cầu dao rồi đi tìm. Ai ngờ ra nông nỗi này”. Anh Thực xòe lòng bàn tay có mấy con cá, con chết nổ mắt, con vỡ bụng. Dậu vội chạy vào trạm máy lấy ống thử độ mặn. Nguồn nước vào, âu xả, lòng máng. Ba lần thử độ mặn đều gấp bảy lần cho phép. Cánh đồng mới gieo sạ sẽ chết lụi tức thì. Những ao cá hương sẽ trắng mặt ao. Tích tắc, Dậu nhìn về làng. Giờ này mẹ đã nấu xong bữa sáng, đang tưới rau chờ con trai về. Dậu ôm mặt nấc lên: “Mẹ ơi...”. Sáng sớm Dậu đẩy xe thồ hai sọt phân ủ ra đến giữa ngõ thì có tiếng còi xe máy nhấn dồn. Dậu vội tạt xe thồ sát bên ngõ nhường lối cho xe máy đi vào. Xe máy phanh kít. Nhận ra chồng Yến, bạn cùng lớp, Dậu dựa hẳn xe thồ vào bờ dậu: - Vào nhà đi Trường. Tớ không vội đâu. Trường vẫn ngồi trên xe, lật kính mũ bảo hiểm: - Tớ đi họp, tranh thủ tạt vào hỏi hắn việc hôm nọ. Quyết đi. Từ ngày Dậu về bạn bè ở làng gặp nhau, đến nhà hàng ngày. Trường như ngại giáp mặt gã tù về. Vài ba lần tình cờ gặp nhau Trường chỉ chào hỏi vài lời cho phải phép. Ba hôm trước Trường đến nhà vồn vã như bạn thân lâu ngày mới gặp nhau. “Tớ mở thêm bãi vật liệu bên làng Rãng đón cát sỏi miền ngược xuôi về. Hắn giúp tớ làm bảo vệ, công xá khỏi lo...”. Lại thôi hồi: “Mấy sào ruộng bao nhiêu chi phí... Lại còn trông trời trông đất, trông cả người nữa... Quyết đi”. Việc Trường đến nhà Dậu đã thưa với mẹ. Không muốn kéo dài câu chuyện, Dậu dứt khoát: - Cảm ơn cậu đã tin cậy giao việc. Nhưng tớ không giúp được việc ấy đâu. Trường nhảy khỏi xe, vỗ vai Dậu: - Tớ cần cái mác “tù về” để cậu làm xếp bọn kia. Phụ cấp mác tù bằng lương tháng. Quyết đi. Dậu nóng bừng cả người, cố bình tĩnh gỡ bàn tay trên vai:  - Cậu tìm người khác đi. Tớ tù về mà. Vãi xong lượt phân lót thửa ruộng trà sớm Dậu dựa xe thồ bờ đạc đi ra trạm bơm. Kiên là bạn thân, là đồng nghiệp, còn là ân nhân của Dậu. Hai thằng dong tuốt từ lớp một đến trường nghề. Ra trường Kiên có quyết định về trạm bơm đồng làng. Dậu được phân công về trạm bơm tít cuối huyện. Năm ngày trước khi mỗi đứa một nơi Kiên rủ Dậu lên công ty trình diện. Đến nơi hắn kéo Dậu vào ngay phòng giám đốc. “Báo cáo tiền bối giám đốc. Kẻ hậu sinh này có điều băn khoăn. Một thằng nhà đông như quân Nguyên, có xe máy vù vù thì được phân công về làng, làm việc công ty, ngủ nhà, cơm nhà. Một thằng con một, mẹ già, xe đạp không phanh thì phải đi nửa trăm cây số...”. Ông giám đốc ngẫm nghĩ một lúc, mượn khói thuốc lào nén niềm xúc động trước tình cảm trai làng: “Nghe đây. Hoặc tao sẽ phù phép cho thằng nọ biến thành thằng kia. Hoặc làm hiệp cờ tướng rồi tao đổi quyết định”. Khi sự việc xảy ra Dậu bị tạm giam, Kiên tức khắc xin về làng giúp khắc phục sự cố. Trong phòng trực ban bố Trường, ông phó chủ tịch xã và Kiên vừa xong cuộc trao đổi công việc. Hai người miễn cưỡng gật đầu với lời chào của Dậu. Phó chủ tịch sập khóa cặp da đánh tách. Bố Trường vỗ vai Kiên: - Trước khi duyệt thiết kế cậu nhớ cho tôi danh sách thành viên hội đồng. Càng sớm càng tốt. Nhớ đấy. Phó chủ tịch xã chỉ tay sát mặt Kiên, như ra lệnh: - Cậu chớ sai lời tôi đấy. Vào phòng, Dậu bị hút mắt vào tấm sơ đồ trải rộng trên mặt bàn. Kiên rê rê đầu bút chì, giải thích: - Khu đồng gò ông Trâu được quy hoạch cánh đồng mẫu lớn. Từ cầu máng số năm mở thêm tám trăm mét đường máng cấp một chạy hướng bắc nam. Nội đồng có bốn đường máng xương cá chia từng vùng đồng, tổng chiều dài ngót hai nghìn mét. Dậu ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Kiên: - Trò vẽ rắn thêm chân. Cậu ủng hộ chứ? - Rắn rết là thế nào? Kiên ngạc nhiên. Dậu lấy bút chì trong tay Kiên chấm một điểm trên tấm sơ đồ rồi rê rê đầu bút: - Tại sao không từ cầu máng số ba mở tối đa chiều dài hai trăm mét máng cấp một dẫn nước vào ngòi Cả. Ngòi Cả chạy suốt chiều dài khu đồng gò ông Trâu. Biến ngòi Cả thành đường máng tự nhiên, chia quãng làm cống phải chủ động tưới tiêu cho từng vùng đồng. - Hiểu rồi. Kiên reo lên, ôm chầm lấy Dậu - Tớ thật ngu lâu. Đúng là trò lợi ích nhóm. Phải chặn ngay. Kiên kéo Dậu ra thực địa. Đến cầu máng số ba Dậu cầm đầu thước dây đi xuống bờ đạc. Bỗng dưng Dậu bâng khuâng nhớ về một buổi sáng. Sau ngày về, tinh mơ Dậu đã ra cánh đồng. Nỗi ân hận làm Dậu run rối bước chân. Thế rồi từng bước... từng bước... Dậu nguyên vẹn cảm giác cỏ xanh mướt mát và bùn non màu mỡ mơn man bàn chân. Dậu vươn vai hít một hơi no căng lồng ngực, thoải mái bước chân vững chãi trên đồng đất làng mình. Chở mẹ lên chùa làm cỏ vườn cảnh, Dậu đạp xe xuống phố huyện. Cả ngày hôm trước Dậu ở ngoài trạm bơm cùng Kiên cải tạo vườn cây. Kiên bàn trồng thêm năm cây nhãn lồng và ba cây bưởi đào. Dậu nhận việc đi mua cây giống. Chiếc xe con ngược chiều đột ngột quay đầu rồi phanh kít bên cạnh Dậu. Nhìn biển số Dậu biết là xe của vợ chồng Trường. Trong hội bạn lớp 12 làng Quảng vợ chồng Trường sắm ô tô đầu tiên. Dậu tạt xe sát lề đường, xuống xe. Trường mở cửa xe, như lao ra. - Ai khiến cậu chọc gậy việc làm ăn của ông già tớ. Dậu hiểu ra ngay, thản nhiên: - Tớ góp ý với Kiên. Cậu thừa biết tớ từng là thợ trạm... - Thôi đi. Trường vung tay quát lên. - Cậu... Thằng tù về... biết chó gì. Dậu buông xe đạp đổ đánh rầm. Rất nhanh, Yến ra khỏi xe đứng chắn giữa hai người. - Kìa anh - Yến nắm cánh tay chồng. Anh biết rồi còn gì. Khi biết anh Dậu góp ý việc trạm bơm dân làng ai cũng khen... Quyết định là do cấp trên chứ đâu vì... Trường vằng hất tay vợ: - Im ngay. Cô chán sướng rồi chứ gì. Muốn khen nó thì đứng đây mà khen. Trường lao vào xe, rồ ga, vút đi. Yến thản nhiên mở túi xách lấy điện thoại gọi tắc xi. Dậu vội vàng: - Đừng thế. Gọi Trường quay lại đi. - Không? - Yến Dứt khoát. Anh ngạc nhiên chứ em thì quen rồi. Anh đang có việc gì cứ đi đi. Yến giục đến lần thứ ba Dậu mới cầm lấy tay lái xe đạp. Dậu né sau cây mít góc vườn quyết cho thằng bạn một phen tẽn tò. Kiên để xe máy ngoài cổng đi thẳng lại góc hiên, chỉ con mèo vàng: - Ra ngay gốc mít lôi cổ thằng cựu tù về cho tớ. Mau. Con mèo vẫn nằm nghển đầu “meo... meo”. Dậu chịu thua thằng bạn tinh quái, rảo về sân quên cả khép cổng vườn. - Có việc gì thế thằng khỉ. - Có việc đấy - Kiên chỉ tay vào Dậu đang quần đùi áo lót - Vào nhà thay quần áo. Cả hội lớp đang chờ. - Thứ bảy mới họp lớp. - Dậu nhắc Kiên. - Họp sơ bộ đột xuất. Mau lên. Xe máy vù vù. Ngồi phía sau Dậu gặng hỏi thế nào Kiên cũng chỉ lắc đầu hoặc nhát gừng: “Hỏi lắm! Cứ đi. Khắc đến. Khắc biết”. Chớm đến quãng đường ngang qua gò ông Trâu, Kiên chạy xe chậm rì. “Nhìn xem. Còn cây ấy không”. “Cây gì?”. Dậu chột dạ. “Cây bồ kết chứ cây gì”. Dậu sực nhớ ba hôm trước hội cựu binh xã tổ chức “tân trang” gò ông Trâu, thay một số cây già cỗi. Cũng liền ba ngày Dậu ở nhà cải tạo ao thả cá không ra đồng. Dậu nhìn lên đỉnh gò. Cây phượng vĩ rực rỡ hoa đỏ. Kia cây vối... Kia nữa... Vẫn còn đó cây bồ kết chi chit những chùm quả. Lại sắp một mùa bồ kết hái về tỉa gai, kết chùm, phơi sào... Kiên ngoắt sang đường, cho xe chầm chậm qua cánh cổng mở rộng. Nhà vợ chồng Trường. Xuống xe Dậu toan quay ra ngay tức thì bị Kiên túm tay trừng mắt : “Hắn là nhân vật quan trọng”. Trong nhà gần như đủ mặt hội lớp 12 làng Quảng. Thảo, Chi, Thành, Len, Hải, Linh, Mai, vợ chồng Trường. Chỉ thiếu Hưng khểnh, Bảo lém ở đảo xa, Thư, Bắc đang ở nước ngoài. Yến đứng lên tươi tươi, nghiêm nghiêm như ngày nào làm lớp trưởng điều hành họp lớp cuối tuần. 14 VNTB 03(260) - 2022 TRUYỆN NGẮN - Xin phép cả hội được xưng hô như ngày xưa nhé. Các hắn nghe này. Chồng tớ luôn dành cho tớ điệp khúc “Em sướng nhất làng”. Các hắn cũng hay xuýt xoa: “Mày sướng nhất hội”. Có lẽ tớ sướng thật. Học xong có ngay chỗ làm ngon ơ. Lấy được chồng có chức tước, nhà cửa, tiện nghi đàng hoàng. Cách nay ít lâu chồng tớ chuyển điệp khúc: “Cô sướng mà không biết đường sướng”. Bố mẹ chồng cũng nói y thế. Mấy tháng nay tớ để tâm suy nghĩ về điệp khúc mới của chồng. Xem ra chồng tớ đúng. Giờ này, ngày tháng này hai năm trước tớ bắt đầu cuộc sống “sướng nhất làng, nhất hội”. Hôm ấy trong đoàn đưa tớ đi “sướng nhất...” đông đủ các hắn, chỉ thiếu Dậu và bốn hắn nữa. Hôm nay mời các hắn đến đây để chứng kiến tớ bắt đầu cuộc sống sướng - khổ là do tớ... Bắt ngờ “cục gạch” trong túi Dậu đổ chuông. Kiên hích sườn Dậu: “Ra nghe rồi vào ngay”. Dậu đi nhanh ra góc sân áp “cục gạch” lên tai. Ông giám đốc vẫn đùa trêu Dậu như ngày nào: “Tao đang bắn cho đủ hai mươi mốt phát đại... thuốc lào để chúc mừng “ thằng bồ kết”. Phát thứ hai mốt đây. Nghe nhé”. Tiếng điếu cày roách... roách... giòn giã. Dậu run lên, cùng một lúc phải cố nén tiếng reo và tiếng cười. Đơn xin trở lại làm việc của Dậu đã được chấp nhận. Dậu trở vào nhà. Hình như Yến nấn ná chờ Dậu trở vào. Yến đặt lên mặt bàn tờ giấy chi chít những con chữ. Yến nhìn lướt cả hội, ánh mắt dừng lâu hơn với Dậu. Cả hội như nín thở. Yến đặt bút ký góc trái tờ đơn và thong thả ghi rõ họ tên dưới chữ ký. Cầm lên, nhìn thêm lần nữa Yến từ tốn đặt tờ đơn trước mặt Trường: - Em đã hoàn thành việc anh, bạn gái anh và thầy u chờ đợi, thúc giục. Phiền anh mở cửa buồng cho em lấy túi đồ. Yến đứng phắt lên. Cả hội chụm ánh mắt nhìn theo. Dậu chợt nghĩ sự có mặt của hội bạn đã giúp Yến vững vàng, thong thả bước chân đi vào để xách túi tư trang ra khỏi gian buồng ngày nào là buồng hạnh phúc Ra cổng, Kiên chủ động dẫn đầu đoàn. Xe Thảo ngay sau, chở Yến ôm túi đồ nhỏ gọn trong tay. Ngồi sau xe Kiên, hơn một lần Dậu kín đáo nhìn lại phía sau. Đoàn xe chín chiếc đi hàng một. Từ Thảo, Chí, Len gương mặt nào cũng tươi rói như đang đi dự cuộc vui nào đó. Cách ngõ vào nhà Dậu mấy bước Kiên ra hiệu cho cả hội dừng xe. - Các hắn đưa Yến về nơi “sản xuất” cho bố mẹ đỡ sốt ruột. Tớ dong gã “tu huyền’’ này về nhà hắn có tí việc riêng. Các hắn nhớ việc đã bàn nhé. Yến nói thay cho các bạn: - Làm sao quên chứ. Đúng bảy giờ bọn tớ có mặt. Ngày rằm, mẹ lên chùa chưa về. Dậu gác việc báo tin vui, truy Kiên: - Các hắn âm mưu gì mà hẹn tối nay? Kiên quay đầu xe máy, ngồi lên tư thế sẵn sàng vút đi. - Hội ta gặp nhau mừng một ngày có ba bước ngoặt lớn. Hắn, Yến và tớ. A - lê - hấp. Ai về chỗ ấy. Tối nay trạm bơm nhé. Thì ra Kiên đã thu xếp trước mọi việc. Dậu định thụi cho Kiên một cú thì hắn đã vút xe qua cổng. Bâng khuâng Dậu ngước nhìn trời. Ngày đang vào chiều muộn. Mùa này nắng tắt là trăng lên. Trăng lên... Hai năm rồi Dậu mới được cùng hội bạn quây quần trên sân cỏ trước cửa trạm bơm đồng làng. 

TRẦN VĂN THƯỚC