Bà ơi
Ngày: 29/11/2021
Tuổi thơ của tôi không có nhiều may mắn và hạnh phúc được ở bên bà nội, bà ngoại. Tôi mất bà nội khi mới hai tuổi, mất bà ngoại khi bốn tuổi

Tuổi thơ của tôi không có nhiều may mắn và hạnh phúc được ở bên bà nội, bà ngoại. Tôi mất bà nội khi mới hai tuổi, mất bà ngoại khi bốn tuổi. Ký ức về những người bà thân yêu của tôi mỏng và xa mờ.

  Ông trời như thấu hiểu những thiệt thòi ấy nên đã bù đắp cho tôi có thêm "bà nội", "bà ngoại" khác để mỗi lần bất chợt nghĩ đến các bà, lòng tôi vẫn nghẹn ngào, vẫn thảng thốt muốn gọi: Bà ơi!

  "Bà nội "mà tôi muốn kể  là bà kế của ông nội tôi. Sau khi bà nội tôi mất được vài năm, ông nội tôi tục huyền với bà khi hai người đã ở tuổi xế chiều. Ông nội tôi khi ấy đã là một lương y có tiếng, bà là người cùng chăm sóc vườn thuốc nam với ông. Bà hiền hậu, chịu thương, chịu khó, nhanh nhẹn, hiểu việc, lại cũng góa bụa từ sớm nên ông và bà gắn bó rất tự nhiên. Các bác, các chú và cô của tôi cùng người con gái riêng của của bà đều ủng hộ. Mọi người đều bảo với nhau rằng : người thiếu bố thì tìm bố, người thiếu mẹ thì tìm mẹ cho ấm áp sum vầy. Lũ trẻ chúng tôi từ lâu lắm đã không được cất tiếng gọi bà, giờ có "bà nội" nên vui hơn bao giờ hết. Chúng tôi đòi bố mẹ cho được về chơi với ông bà nhiều hơn.

Mỗi lần về, bà chăm chiều, chu đáo với từng đứa. Quà của bà chỉ giản dị là những tấm bánh đa, bánh sắn, là những cái kẹo bột nho nhỏ, khô giòn nhưng đứa nào cũng thích.Trước lúc chúng tôi đi bà chuẩn bị sẵn những túi quà nhỏ là những món ăn để chúng tôi mang theo. Khi bố mẹ tôi công tác ở trại dâu tằm Vũ Đoài, gần nơi ông bà đang ở, hằng ngày bà dậy sớm cơm nước ,sao thuốc, phơi thuốc cho ông, rồi lặn lội đi tắt lối cánh đồng ra cơ quan, giúp bố mẹ tôi cơm nước, chăm sóc bốn chị em tôi, đến tối bà lại hối hả về nhà cơm nước cho ông. Bà cứ lặng lẽ, cần mẫn, chu đáo với người xa, người gần như thế. Cả quãng tuổi thơ của chúng tôi được bà chăm sóc, yêu thương. Trong số những người con của ông tôi, bà gắn bó với gia đình tôi hơn cả. Bố mẹ tôi cũng luôn yêu quý, kính trọng bà. Bà còn bảo: Sau này nếu chẳng may ông bỏ bà đi trước, bà sẽ ở với bố mẹ tôi. Chính bố mẹ tôi cũng muốn như vậy.

Mà rồi, ông nội tôi đi trước bà thật. Ông đi đột ngột sau một tai biến khi đang ngồi cắt thuốc cho khách. Sau đám tang ông đã xảy ra chuyện ngoài ý muốn của bà. Người con gái riêng của bà chỉ vì lóa mắt với những lợi ích trước mắt, đã thu vén hết tài sản của ông bà mang đi, rồi tuyệt giao, tuyệt tình với phía ông nội tôi. Bà không còn cách nào khác phải đi theo người con gái của bà. Chúng tôi, ai cũng buồn, cũng nhớ bà và tiếc cho cách hành xử thực dụng của người đàn bà mà một thời chúng tôi coi như bác ruột. Sau này, bố mẹ tôi chuyển công tác về trại dâu tằm Vũ Phúc, gần với nơi bà đang sinh sống, gia đình tôi đã tìm lại được bà, đã vài lần đón bà đến nhà chơi, bà chỉ ở lại ăn bữa cơm rồi về. Trong niềm vui được gặp lại nhau bà vẫn ngần ngại chuyện cũ nên giữ mấy bà cũng không ở. Bà mất, vài tháng sau chúng tôi mới biết nên cũng không kịp đến thắp cho bà nén nhang!

"Bà ngoại " đến với chúng tôi, cũng chỉ biết nói là duyên trời định, trời cho. Bố tôi, trước khi cưới mẹ tôi, đã đính ước với một cô giáo. Khi bố tôi đi làm chuyên gia bên Lào, có lẽ cô giáo nghĩ chiến tranh không biết thế nào, con gái có thì nên đã trả lễ ông bà nội tôi, cưới một Hoa kiều. Khi bố tôi ở chiến trường về, nghe tin thế cũng thông cảm cho cô giáo, quên chuyện cũ và tìm hiểu rồi nên duyên với mẹ tôi. Ai cũng yên bề, cũng hạnh phúc nên không trách cứ gì và coi nhau như anh em. Bà mẹ của cô giáo, phần vì còn quý bố tôi, phần như muốn bù đắp những gì chưa phải trước đây nên đã quyết nhận mẹ tôi là con gái bà, bố tôi vẫn là con rể. Cô giáo và em trai, em gái của cô được bà dạy chúng tôi gọi là dì, là cậu. Và bà coi mẹ tôi như con gái cả của bà vậy. Tôi nhớ, mỗi lần mẹ tôi sinh em, bà và các dì mang gà, mang trứng, mang cơm nếp nghệ thăm mẹ. Quê bà là đất chè Mét nổi tiếng, mùa nào thức ấy bà đạp xe mang chè, mang quả mít to nhất nhì vườn, mang nải chuối tiêu chín trứng cuốc cho chúng tôi. Chúng tôi nghỉ hè, bà bảo các cậu đến đón về chơi, bao giờ chúng tôi chán đòi về với bố mẹ thì bà mới cho về. Khi tôi biết tự đi xe, tôi đạp xe về chơi với bà nhiều hơn. Khi ấy tôi là một con nhóc còi cọc, đen nhẻm, tóc rễ tre, đi dép cụt mõm và rộng hơn chân, đang học chuyên văn trường huyện. Áp lực bị điểm kém dễ bị loại khỏi đội tuyển đi thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi toàn quốc làm tôi buồn chán, đạp xe về với bà. Thấy tôi không vui, bà hỏi chuyện, tôi vừa kể vừa khóc, bà đã chải tóc, rửa mặt cho tôi, động viên tôi ăn cơm. Buổi chiều, bà bỏ mọi công việc lại, đạp xe cùng tôi trở nhà tôi, dặn dò bố mẹ tôi rồi mới yên tâm ra về. Các dì mỗi lần ôn thi đại học đều lên nhà tôi ở. Mỗi khi có cậu, có dì đi lấy vợ, lấy chồng, bố mẹ tôi trách nhiệm là anh chị cả. Chúng tôi đã gắn với nhau suốt những năm dài như thế trong yêu thương, trong ấm áp tình thân. 

 Rồi bà yếu dần, những năm cuối đời của bà phải nằm liệt một chỗ. Chúng tôi lớn lên, lấy vợ lấy chồng, về thăm bà cũng ít dần. Bố mẹ tôi muốn về thăm bà lại phụ thuộc vào chúng tôi đưa đi. Những xao nhãng vô tình cũng đã khiến chúng tôi chậm chân, không kịp về với bà lúc bà nhắm mắt.

 Nhiều lúc, tôi tự hỏi: Cuộc đời đã cho tôi những người bà nhân hậu như thế, đã cùng nhau đi suốt cả quãng đường dài, sao không đi hết được đoạn đường cuối, lúc nghĩa tử là nghĩa tận thì lại thiếu vắng nhau?.

Nhìn các con tôi ngày ngày kề bên ông bà ngoại, các con của các em trai tôi quấn quýt bên ông bà nội, tôi thấy chúng nó thật hạnh phúc và thầm mong chúng đừng vô tình, vô tâm với những người đã rất mực yêu thương chúng.

Ký ức đẹp đẽ về những người bà vẫn đau đáu trong tôi. Trong những đêm khó ngủ của một người đã vào tuổi trung niên, tôi vẫn nghẹn ngào thầm gọi: Bà ơi!

Phạm Hồng Oanh