Tấm lòng người con liệt sỹ
Ngày: 22/11/2021
Bộ sách ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng của tác giả Nghệ sĩ Đức Viên đã được Liên hiệp Hội Khoa học tỉnh Thái Bình công nhận là đề tài khoa học cấp tỉnh về Giáo dục truyền thống. Bộ sách được nhận giải Ba giải thưởng Văn học Nghệ thuật

Năm 2006 tôi đang dạy học tại trường Trung học cơ sở Minh Thành. Vừa đảm nhiệm công việc giảng dạy, tôi còn đi sáng tác ảnh nghệ thuật và có nhiều tác phẩm ảnh đăng trên các báo, tạp chí của tỉnh Thái Bình. Năm ấy, mẹ tôi mất. Trong lúc đau thương, chị em tôi không thể tìm ra một tấm chân dung của mẹ để thờ, đành phải lấy ảnh của mẹ từ chứng minh thư nhân dân ra làm di ảnh. Nỗi đau cũng nguôi ngoai dần. Một chiều cuối thu 2006, tôi ngồi trước bàn thờ của mẹ, nhìn tấm di ảnh lòng buồn đau và tự trách mình. Tôi đã đi chụp rất nhiều ảnh cho bố mẹ của các bạn, mà sao mình không chụp cho mẹ một bức chân dung đẹp để sau này được ngắm mẹ trĩ nặng, được thấy ánh mắt mẹ hiền dịu khi nhìn các con. Tại sao mình lại sơ suất đến vậy? Tôi bật khóc rồi thiếp đi trong chiều thu. Khi tỉnh lại tôi đã tự đặt ra cho mình một câu hỏi: Mẹ mình, người vợ liệt sĩ, con trai có phương tiện, có kỹ thuật chụp hình mà không chụp cho mẹ bức di ảnh đẹp phải lấy ảnh trong chứng minh thư ra để phóng làm ảnh thờ! Thế còn các bà Mẹ Việt Nam anh hùng thì sao nhỉ? Tôi biết nhiều mẹ Việt Nam anh hùng đã ở tuổi gần đất xa trời, lại rơi vào tình trạng giống như mẹ của tôi!

Một ý nghĩ loé lên trong đầu: Phải chụp một bộ ảnh thật đẹp về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh. Phải làm ngay không chậm trễ, kịp tri ân các Mẹ. Thế là ngày 12/8/2006, tôi bắt tay vào thực hiện ý tưởng chụp ảnh mẹ Việt Nam anh hùng.

 Đầu tiên tôi chọn địa bàn huyện Tiền Hải vì ít nhiều ở đây tôi quen đường đi lối lại. Tôi đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh để lấy giấy giới thiệu và danh sách địa chỉ cụ thể của các Mẹ. đồng chí Phó giám đốc Sở, cho biết:

Thái Bình có hơn hai nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện chỉ còn hơn một trăm Mẹ còn sống, với đề nghị:

 Việc chụp ảnh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là tự nguyện, anh đồng ý thì chúng tôi viết giấy giới thiệu. Tôi nói ngay:

 Việc làm này là tâm nguyện của tôi, xin đồng chí cứ yên tâm! Cầm giấy giới thiệu trong tay, tôi mừng rơi nước mắt. Đây chính là "bảo bối" giúp hành trình chụp ảnh các mẹ Việt Nam anh hùng của mình ngắn lại, bớt đi nhiều khó khăn hơn.

Ngay ngày hôm sau tôi đi rất sớm xuống huyện Tiền Hải gặp Phó chủ tịch và gặp đồng chí phụ trách phòng Thương binh Xã hội huyện. Xem giấy giới thiệu xong, đồng chí  băn khoăn:

- Chụp thế này các anh có lấy tiền của các Mẹ không?.

Tôi cười: Các anh yên tâm! Tôi không làm điều ấy, vì đây là tâm nguyện của tôi. Từ thành phố Thái Bình về trung tâm huyện Tiền Hải, rồi từ đó tôi đến các xã ở khu Đông, khu Nam và khu Tây huyện. Ròng rã gần một tháng, đúng vào dịp mùa hè, trời nắng chang chang, với chiếc xe máy, bộ đồ nghề, ngày ngày vượt bốn năm chục cây số, tôi đi đến từng xã, tìm và chụp ảnh các mẹ Việt Nam anh hùng.

Tôi chụp cho Mẹ Lương Thị Huệ ở xã Đông Minh. Chắc khi sinh nở không kiêng cữ được nên mẹ Huệ nói nhịu nhưng với kinh nghiệm nắm bắt tâm lý của một nhiếp ảnh có nghề. Tôi để Mẹ tự nhiên thì mới chụp được những bức hình đẹp.Tôi hài lòng vì bức chân dung của Mẹ khá đẹp. Đến xã Đông Lâm - quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân Tiền Hải chụp mẹ Việt Nam anh hùng  Phạm Thị Sót. Mẹ Sót đã bước vào tuổi 104, tuổi gần đất xa trời. Mẹ nằm với đôi mắt nhắm nghiền, như đang chìm đắm vào thế giới nào đó trong căn nhà ẩm thấp. Người nhà thay áo và bế Mẹ ra sân. Loay hoay mãi tôi mới chọn được vị trí  đủ ánh sáng đẹp để Mẹ ngồi. Còn phải có người đỡ vai, đỡ lưng cho Mẹ. Tôi run run bấm máy. Cảm động vô cùng vì sức Mẹ đã quá yếu với  đôi mắt nhắm nghiền, những nếp nhăn trên trán Mẹ giống hệt những cọng rơm khô xếp nếp dấu ấn của thời gian. Nếu không nhanh tay chụp bức hình này cho Mẹ thì thật có lỗi. Bức hình Mẹ chụp quá đạt. Cảm động nhất là sau này khi tôi xuất bản cuốn sách ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xem bộ ảnh, không ai có thể cầm lòng trước bức ảnh của Mẹ Sót. Mấy tháng sau mẹ qua đời. Bức hình tôi chụp Mẹ hôm ấy là bức chân dung được gia đình chọn để thờ.

Phải mất gần một tháng tôi mới chụp xong chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Tiền Hải. Bức nào cũng tôi cũng rất ưng ý. Khi đã dồn hết tâm sức vào một công việc mang ý nghĩa lớn lao, tôi không kể sớm trưa chiều tối, bất chấp mọi khó khăn, lòng thanh thản lạ.

Sang huyện Kiến Xương cuộc đi lại săn ảnh cũng không kém phần vất vả. Nhiều chuyện vui, cũng không ít chuyện rất buồn. Tôi không quên khi đến chụp một Mẹ ở xã Hồng Tiến, Bà mẹ Việt Nam anh hùng bị ung thư lợi, khối u to như hai quả cam sành ở miệng không nhìn được khuôn hình, mà cũng không nên chụp Mẹ trong khi đó. Mẹ đã ngoài tám mươi, yếu lắm rồi, chắc cũng không được lâu nữa. Đành tạ lỗi với Mẹ. Chỉ nghĩ vậy thôi đã thấy lòng buồn tê tái. Một Mẹ ở Thượng Hiền lần nào xuống Mẹ cũng đi vắng. Tôi cất công đi lại tìm Mẹ đến lần thứ 7 mới chụp được hình Mẹ khi mẹ đang chăm ruộng vừng. Không sao cả, nếu phải đến nhiều lần hơn, con cũng chẳng ngần ngại  tìm gặp bằng được Mẹ. Mẹ Lều Thị Tân xã Vũ Công trong ngôi nhà tình nghĩa bên đường làng.Trong ngôi nhà của Mẹ tất cả các thứ đều chỉ có một, đơn chiếc đến xót xa. Tôi  phải kiên trì đi lại đến lần thứ 3 mới có được bức ảnh ưng ý của Mẹ. Chụp ảnh xong, mẹ Tân nhìn lên tấm ảnh người con liệt sĩ trên bàn thờ, buồn rầu nói:

- Anh con trai tôi lúc còn nhỏ ở nhà với mẹ cũng thích chụp ảnh lắm!.

Tôi đến xã Quang Minh huyện Kiến Xương chụp hình Mẹ Lê Thị Phương

Bức hình sống động mặc dù Mẹ đã rất yếu. Nào ngờ đâu, hai ngày sau Mẹ qua đời.Thật may và hạnh phúc cho tôi, nếu chỉ chậm hai ngày, thì sẽ không thể có bức hình của Mẹ. Có lẽ con trai và chồng Mẹ, hai liệt sĩ linh thiêng đã đưa đường chỉ lối để tôi kịp làm được điều ân nghĩa nay.

 Tôi đến huyện Vũ Thư lấy danh sách, có 16 Mẹ. Thời kỳ này, đã vào năm học mới, buổi sáng tôi phải lên lớp, buổi chiều không vướng họp hành mới tranh thủ đi xuống các xã để chụp. Vậy nên công việc càng khó khăn vất vả hơn nhưng cũng thêm nhiều kỷ niệm buồn vui. Chiều hôm đó tôi đến xã Tân Lập, UBND xã không còn ai. Bác bảo vệ chỉ cho tôi vào nhà Mẹ Nguyễn Thị Mừng. Hỏi thăm mãi, khi đến nhà thì gặp một người phụ nữ khoảng 60 tuổi. Chị này nhất quyết không cho tôi vào nhà mà chị cứ hỏi: anh là ai! chụp ảnh để làm gì? Đưa giấy giới thiệu, chứng minh thư và thẻ hội viên nhiếp ảnh chị cũng không xem. Tôi nói thế nào chị cũng không chuyển, đành phải vác máy ra về. Thì ra người nhà của Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở đây không tin, chưa tin, nên nhất định không cho tôi gặp Mẹ. Phải nhờ các đồng chí ở Ủy ban xã đưa xuống tôi mới được vào nhà gặp Mẹ. Khó khăn chỉ là chất xúc tác giúp cho tôi có thêm động lực để hoàn thành công việc tự nguyện có ý nghĩa lớn lao.Tôi cần mẫn như một chú ong mật đi đi lại lại khắp địa bàn huyện Vũ Thư  để  chụp hình cho 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi đã quen với công việc, đã hiểu mình phải làm gì để động viên các Mẹ hợp tác với mình. Tâm nguyện ghi sâu trong lòng: Nhất định phải chụp được tất cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh khiến tôi thêm quyết tâm.

Chụp xong các mẹ huyện Vũ Thư thì đã là mùa đông, ánh sáng không còn nhiều để chụp những bức ảnh đẹp. Còn 5 huyện và thành phố nữa, đành kiên trì chờ đợi sang xuân, khi thời tiết đẹp lên sẽ thực hiện tiếp ý nguyện của mình.

mùa xuân 2007 đã qua 2 tháng mà các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, tôi chưa chụp được thêm mẹ nào, mưa nhiều quá.  Phải tới tháng 3/2007, nắng hửng lên rồi, tranh thủ cơ hội, buổi chiều nào tôi cũng đi huyện Đông Hưng để chụp. Việc chụp ảnh các mẹ Việt Nam anh hùng dường như đã thấm vào máu của tôi, nhất định phải có một bộ ảnh mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh để tri ân các Mẹ. Đến mỗi nơi, thấy các Mẹ đã già yếu tôi thấy mình phải hết sức khẩn trương để hoàn thành tâm nguyện.

Khi chụp các mẹ Việt Nam anh hùng ở Thái Thuỵ, câu chuyện Mẹ Chạc quê ở Thụy Hải làm tôi nhớ mãi. Mẹ không có chồng và có một con duy nhất là liệt sĩ, 80 tuổi vẫn ở ngôi nhà cổ của một xã ven biển. Hôm tôi đến lần thứ nhất, ngồi nói chuyện với Mẹ thì không sao, nhưng đến khi giơ máy lên là Mẹ cứ sụt sùi khóc không chụp được, đành phải ra về bởi vì nắng chiều đã hết. Từ đó về thành phố cũng gần 40 cây số. Lần thứ 2, tôi xuống, lại như lần trước, trò chuyện với Mẹ xong, chuẩn bị bấm máy, Mẹ lại khóc. Nhìn người mẹ già nua với hàng nước mắt, tôi không thể kìm lòng, làm sao chụp được. Lần thứ 3, tôi đến vào lúc 10h trưa, Mẹ đang nằm ở giường, tôi gọi:

  - Mẹ Chạc ơi có nhận ra con không? Lần này tôi đã chuẩn bị máy từ trước. Khi Mẹ ngồi dậy đi ra cửa chưa kịp nhận ra, tôi đưa cho Mẹ chiếc mũ cối. Mẹ cầm lấy ngồi xuống vệ cửa, ánh mắt buồn nhìn cái mũ như Mẹ đang gặp lại con mình. Đúng lúc ấy một đợt nắng bừng lên, những tia nắng nhảy trên vai và trên tóc Mẹ. Tôi nâng máy lên bấm liên tục 10 kiểu, kiểu nào  cũng rất ưng ý.

 Từ 20/4/2007, tôi về chụp các Mẹ ở Hưng Hà. Đường từ thành phố về Hưng Hà xa hơn cả, tôi cứ một mình rong ruổi, đến gặp các Mẹ, tâm tình trò chuyện để mong có được tấm ảnh đẹp. Có những mẹ do chưa hiểu phải làm công tác tư tưởng và khi mẹ đồng ý cho thì hết nắng. Lại lóc cóc ra về, bụng đói,người mệt lử. Nếu chán nản là bỏ cuộc, nhưng tôi đã thành công với quyết tâm cao nhất.

 Ngày 20/5/2007, tôi sang chụp các mẹ Việt Nam anh hùng huyện Quỳnh Phụ. Quỳnh Phụ chỉ còn 16 Mẹ đang sống, các Mẹ đều trên 80 cả rồi, yếu lắm. Nhớ mãi kỉ niệm bức ảnh tôi chụp Mẹ Nguyễn Thị Đề ở xã Quỳnh Giao mà tôi nhanh tay chụp được sau hàng rào cánh cổng. Khi tôi đến, nhà khóa cổng, người cháu đi vắng. Một bà già hàng xóm tốt bụng đã gọi Mẹ ra ngoài cổng nói chuyện. Đợi mãi mà trời lại sắp mưa, tôi bèn lấy máy ra và chụp Mẹ qua lỗ cửa cổng sắt. Một tấm ảnh trực diện nhưng rất đẹp. Mẹ cười hồn nhiên lộ ra hàm răng đen cái còn cái mất. Mẹ Vũ Thị Nghĩ ở xã An Mỹ, tôi chụp Mẹ rất nhiều kiểu, nhưng kiểu ảnh nào mắt mẹ cũng đọng buồn. Tôi động viên Mẹ:

Con chụp cho Mẹ một kiểu Mẹ đang ngồi suy tư đúng với cái tên của Mẹ nhé. Mẹ đồng ý cho tôi bấm máy. Khi lên ảnh đúng kiểu mẹ đang ngồi lặng lẽ suy tư rất đẹp.

Tròn một năm, suốt hai đợt nghỉ hè và vừa dạy học vừa đi chụp ảnh mẹ Việt Nam anh hùng, tôi đã đến 285 xã phường của 8 huyện thị thành phố trong tỉnh. Nắng có, mưa có, với bao chuyện buồn vui. Có những bà mẹ tôi phải đến nhiều lần và phải tới một phần ba số Mẹ, tôi phải đến hai, ba lần mới chụp được. Để chụp bức anh mẹ Việt Nam anh hùng  ở Thụy Hải - Thái Thụy, tôi phải đi đi về về, tính ra hết 240 cây số. Mẹ Việt Nam anh hùng  ở Thượng Hiền - Kiến Xương, tôi phải đi về đến 7 lần tính ra phải đi tới 280 cây số. Thực tế quá trình làm bộ ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng  tôi đã đi tới 7000 cây số, chụp gần 50 cuộn phim và đã rửa hơn 1000 ảnh cỡ 12x18cm. Tôi cũng đã hoàn chỉnh 118 ảnh các Mẹ trong vi tính để chuẩn bị in ra ảnh cỡ 30 - 45 cm chuẩn bị cho cuộc triển lãm ảnh. Đến ngày hoàn thành bộ ảnh, kinh phí chi cho hành trình chụp 119 Mẹ Việt Nam anh hùng không thể tính đếm,  nó là cả sự miệt mài lao động, lao tâm khổ tứ vì nghề, mới có được những bộ ảnh về các mẹ.

 Những ngày chụp ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng với tôi có rất nhều kỷ niệm không thể nào quên. Thương tôi đường xa bụng đói, có những Mẹ mời ở lại ăn cơm. Một Mẹ xã ở Thái Sơn cứ nằng nặc dúi vào túi áo tôi 20 ngàn đồng:

Con cầm lấy ăn chút gì cho đỡ đói, nhưng tôi một mực xin gửi lại Mẹ. Nhiều buổi trưa mùa hè không về được, ngồi nghỉ ở quán nước quê, ăn chiếc bánh mỳ hay bát mì tôm, chợp mắt dăm phút rồi lại lên đường. Gian nan vất vả không làm tôi lùi bước, chỉ mong muốn làm sao để chụp được các Mẹ Việt Nam anh hùng trong đời sống thường ngày một cách dung dị nhất, thanh thản nhất: Điều tôi ước là tổ chức được cuộc triển lãm ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng đã thực hiện được. hạnh phúc và biết ơn của tôi đã thành công hơn khi nghĩ về các mẹ, mặc dù người còn người mất.

Khi ngồi nhớ lại lúc chụp ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Bình, trước tôi là hình ảnh và danh sách 118 Mẹ Việt Nam anh hùng. Các Mẹ đều đã ở tuổi 80, nhiều mẹ đã ngoài 90 và có 2 mẹ đã ngoài 100 tuổi. Tuổi già sóng sánh như bát nước chè, như tàn lửa rạ, nay còn, mai đã ra đi, mới cảm nhận hết được bộ sưu tập ảnh 118 Mẹ Việt Nam anh hùng của Thái Bình hiện đang còn có ý nghĩato lớn biết nhường nào. Bộ sưu tập là một nhân chứng sinh động về lòng yêu nước, yêu độc lập tự do, về sự đóng góp lớn lao, sự hi sinh không gì bù đắp được của những người Mẹ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Hơn nữa, bộ sưu tập 118 Mẹ Việt Nam anh hùng này là sự dâng hiến của một người con liệt sĩ tới những người đã quên mình vì Tổ quốc!

Bộ sách ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng của tác giả Nghệ sĩ Đức Viên đã được Liên hiệp Hội Khoa học tỉnh Thái Bình công nhận là đề tài khoa học cấp tỉnh về Giáo dục truyền thống. Bộ sách được nhận giải Ba giải thưởng Văn học Nghệ thuật mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn giai đoạn (2007 -  2012). Và được đánh giá là bộ sách ảnh về Mẹ Việt Nam anh hùng có giá trị không chỉ trong tỉnh và có tiếng vang trong cả nước. Đó là Bộ sách ảnh \rất quý về Mẹ Việt Nam anh hùng ở Thái Bình.

Nguyễn Đức Viên