Đường vào nhiếp ảnh
Ngày: 30/11/2021
Sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Hội VHNT Thái Bình, anh em trong chi hội nhiếp ảnh động viên tôi viết một bài để nhớ lại những năm tháng hoạt động của chi hội Nhiếp ảnh

 

Sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Hội VHNT Thái Bình, anh em trong chi hội nhiếp ảnh động viên tôi viết một bài để nhớ lại những năm tháng hoạt động của chi hội Nhiếp ảnh.

Xin cho tôi được viết bài mang tính chất hoài niệm về đường vào nhiếp ảnh của tôi trong hội văn nghệ Thái Bình.

Tôi là một tay máy đến với nhiếp ảnh muộn màng, đến tuổi nghỉ hưu mới tham gia hoạt động nhiếp ảnh. Đến nay là 30 năm đồng hành cùng anh em trong chi hội. Đã được đi mọi miền đất nước để khám phá cảnh quan, con người các dân tộc, và đặc biệt là quê lúa, quê biển Thái Bình.

Mỗi chuyến đi đều chọn được một số ảnh để đến hôm nay tôi đã in được một tuyển tập sách ảnh lấy tên là “Dấu ấn thời gian”.

Nhớ đến những ngày đầu cầm máy đi sáng tác ảnh còn ấu trĩ, cứ chụp theo như ảnh mình ưa thích. Sau một thời gian tìm hiểu qua các cuộc thi và đọc sách báo, tôi đã nhận ra văn học nghệ thuật là phải có sáng tạo. Phải tìm ra cái mới, không lặp lại cái người ta đã phát hành.

Đặc điểm của nhiếp ảnh là tạo hình trực tiếp, khoảnh khắc nhạy cảm, đưa những cảnh vật và hoạt động của con người vào một bố cục chặt chẽ với những tỷ lệ vàng.

Một ảnh nghệ thuật phải là ảnh có nội dung, có hình thức đẹp, mang lại cảm xúc cho người xem như một bài thơ có tứ hay, không thừa, không thiếu.

Một câu hỏi luôn đặt ra cho người nghệ sĩ nhiếp ảnh là: chụp cái gì? chụp ở đâu? Chụp thế nào?

Chúng ta không thể không đi đến những điểm du lịch và lễ hội đã có nhiều ảnh đẹp, nhưng phải biết chọn lọc để không mất thời gian và công sức.

Trong các cuộc thi đã có quá nhiều ảnh ruộng bậc thang và lễ hội phải bỏ đi. Có nhà phê bình nhiếp ảnh đã nêu ra luận điểm “chống nhạt trong ảnh nghệ thuật Việt Nam”.

Muốn chống nhạt thì đề tài phải lấy trung tâm diễn tả là con người.

- Con người với thiên nhiên.

- Con người với xã hội.

- Con người với cuộc sống,…

 Khen cái cần khen, chê cái cần khắc phục.

Không quên lời Bác Hồ dặn: “Văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” để xây dựng xã hội “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhiếp ảnh ngày nay phát triển rộng rãi, ai cũng chụp được ảnh đưa lên facebook cũng là thuận lợi nhưng cũng là thách thức yêu cầu người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải có những tác phẩm vượt trội để phù hợp với trình độ thưởng ngoạn của công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Chi hội nhiếp ảnh Thái Bình được thành lập rất sớm, là tỉnh đầu tiên đăng cai liên hoan ảnh nghệ thuật sông Hồng. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tích, có nhiều tác phẩm được trao giải, huy chương các loại. Ảnh của Thái Bình đã hội nhập với cả nước và quốc tế với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao.

Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội chúng ta không thể quên các nghệ sĩ đầu tiên đã có những đóng góp tích cực, nay nhiều người đã ra đi như nghệ sĩ Đăng Quang, Hà Thành, Minh Tân, Phan Anh Quỹ, Hữu Túy, Huy Tư…

Những người cao tuổi chúng tôi chỉ mong muốn đội ngũ của chúng ta ngày càng đông, có nhiều sức sống mới. Quê hương đang chờ các nghệ sĩ bám sát cuộc sống ghi cho được những hình ảnh đẹp, có ý nghĩa, góp phần xây dựng Hội ngày thêm vững mạnh cùng đất nước.

Ngô Quang Yên