Ngày 07/12/1970, đánh dấu sự ra đời của Hội văn học nghệ thuật Thái Bình và chi hội Mỹ thuật từ đây được thành lập
Ngày 07/12/1970, đánh dấu sự ra đời của Hội văn học nghệ thuật Thái Bình và chi hội Mỹ thuật từ đây được thành lập. Các họa sĩ Bùi Tằng Hoàn, Trần Dậu là những người đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của Hội và chi hội. Số thành viên ban đầu tham gia chi hội không nhiều, nhưng luôn cố gắng đẩy mạnh phong trào mỹ thuật tỉnh nhà, sau đó các hoạ sĩ Hoàng Xuân, Xuân Ba, Đào Mưu, Nguyễn Sinh Kung, Kim Quyên,...lần lượt tham gia và đến nay chi hội có 42 hội viên, trong đó 18 hoạ sĩ được kết nạp vào hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trong chặng đường 50 năm - Mỹ thuật Thái Bình, có nhiều dấu mốc rất quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, phát triển của chi hội.
Năm 1975, triển lãm Mỹ thuật toàn tỉnh lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Chào mừng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước”, triển lãm đã tập hợp nhiều họa sĩ trong tỉnh tham gia với đầy đủ các thể loại, chất liệu như sơn dầu, bột màu, lụa, tranh cổ động...Những bức tranh như “Chợ Buộm”, “Tập cấy đêm”, “Ao làng” của Bùi Tằng Hoàn, “Cầu phao Thái Bình”, “Giếng khoan dầu Tiền Hải”, “Phong cảnh Hà Giang” của Trần Dậu, “Thu hoạch đay cói” của Đào Mưu, tranh khắc gỗ “Tháp khoan dầu”của Nguyễn Sinh Kung, những bức lụa về Tây Nguyên của Ngô Diễn nơi hoạ sĩ đóng quân trước năm 1975, các tranh cổ động của Đỗ Như Điềm, Chu Hùng Sơn...và nhiều các hoạ sĩ khác đã tạo nên một triển lãm đầy màu sắc. Triển lãm được Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Cẩn, Lê Quốc Bảo... và các thầy giáo ở trường Mỹ thuật Việt Nam, hội Mỹ thuật Trung ương đánh giá cao; có nhiều tác phẩm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua và lưu giữ.
Sau triển lãm đầu tiên đó, nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật được thực hiện đã giúp cho phong trào Mỹ thuật tỉnh nhà càng ngày càng phát triển, lớp hoạ sĩ mới có tay nghề, có niềm đam mê như hoạ sĩ Tiến Chai, Đỗ Như Điềm, Đặng Xuân Thu, Hà Trí Dũng, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Quốc Việt, Phạm Hào, Vũ Văn Lừng, Hồng Quý... đã thổi luồng gió mới, với cái nhìn đa chiều, song bám sát thực tiễn đời sống lao động, chiến đấu, học tập, lao động sản xuất của các tầng lớp nhân dân. Trong sáng tác có sự tìm tòi, đổi mới thực hiện tác phẩm trên nhiều chất liệu, thể loại khác nhau.
Năm 1994, tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền- Hà Nội, lần đầu tiên các hoạ sĩ tỉnh nhà bước ra một sân chơi lớn hơn, đem những tác phẩm của mình đến với khán giả thủ đô. Họ tự tin với những “đứa con cưng của mình”, tự tin vào chất lượng tay nghề. Sự thành công của triển lãm đã giúp các họa sĩ Thái Bình củng cố tinh thần, tạo sức mạnh, niềm tin vào con đường nghệ thuật mình đã chọn. Sau triển lãm này, có nhiều hoạ sĩ đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam như Đặng Xuân Thu, Trần Thanh Liêm, Đỗ Như Điềm, Nguyễn Tiến Chai, Nguyễn Quốc Việt...Tính từ năm 1970 đến 1995, với sự chung sức đồng lòng của nhiều hoạ sĩ, Hội Văn học Nghệ thuật cùng Chi hội Mỹ thuật tổ chức được 11 triển lãm với các chuyên đề đan xen khác nhau.
Năm 1996, sự ra đời của triển lãm khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh đồng tổ chức với quy mô lớn, tập hợp các tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của 08 tỉnh. Chi hội Mỹ thuật Thái Bình nằm ở khu vực II Đồng bằng sông Hồng. Với một sân chơi lớn, chuyên nghiệp, các hoạ sĩ trong tỉnh đã phải làm việc nhiều hơn, tìm tòi nhiều hơn để giới thiệu đến với công chúng và giới chuyên môn. Triển lãm được tổ chức luân phiên hằng năm ở mỗi tỉnh. Mỹ thuật Thái Bình cũng đã gặt hái được không ít thành công với những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, được khẳng định bằng nhiều giải thưởng trong cuộc thi.
Ngoài các hoạt động triển lãm khu vực, Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình hằng năm tổ chức các trại sáng tác cho hội viên. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức 6 trại sáng tác đồ họa cho các họa sỹ trong Chi hội mỹ thuật Thái Bình tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại và lưu giữ các tác phẩm xuất sắc vào bộ sưu tập của Hội mỹ thuật Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các họa sĩ học hỏi, giao lưu với các đồng nghiệp và tiếp cận các loại hình nghệ thuật, chất liệu mới.
Các họa sĩ trong Chi hội tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác tranh cổ động phục vụ chính trị, các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã nhận được nhiều giải thưởng và có các họa sĩ hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực đồ họa áp phích như họa sĩ Đỗ Như Điềm, Cao Tuấn Việt..
Đất nước hội nhập phát triển, nhu cầu văn hoá cũng theo đó tăng dần lên, các cuộc triển lãm trong và ngoài nước được tổ chức nhiều hơn, nhiều họa sĩ trẻ dám nghĩ dám làm, dám mơ ước được hình thành. Có không ít những hoạ sĩ đã tự tin khẳng định tên tuổi bản thân ở vùng đất mới. Họ trau dồi tay nghề, tiếp thu những loại hình nghệ thuật mới và có những thành tựu nghệ thuật đáng nể như: Mai Oanh, Nguyễn Thị Mỵ, Phạm Văn Tuyến, Phạm Hùng Cường, Nguyễn Tuấn Long, Hoàng Trung Dũng, Bùi Thanh Tâm, Lưu Tuyền…
Năm 2013, Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Thái Bình được thành lập. Đây là một mô hình được quan tâm và nhân rộng đối với Hội Mỹ thuật Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật trong cả nước. Các họa sĩ trẻ là lớp kế cận đàn anh đi trước, họ có nhiệt huyết, hăng say và đột phá trong tư duy sáng tạo, tiếp nhận trào lưu nghệ thuật mới. Họ không ngừng kết nối, giao lưu, tổ chức các cuộc triển lãm và học hỏi với các họa sĩ tỉnh ngoài. Bên cạnh đó Hội Văn học Nghệ thuật và Chi hội cũng chú trọng hơn việc tổ chức các chuyến đi thăm quan thực tế các vùng miền cho các họa sĩ. Chính những cuộc đi thực tế đó các họa sĩ đã nuôi dưỡng thêm niềm đam mê với nghệ thuật, là nền tảng để phát triển những tác phẩm có chất lượng và ngày càng ghi nhận nhiều gương mặt mới đến với mỹ thuật tỉnh nhà.
Tiếp bước của lớp họa sĩ đi trước, các họa sĩ trẻ đã bám sát các chủ đề của cuộc sống như vấn đề con người, xã hội, môi trường… Kết hợp giữa bản sắc văn hóa dân tộc và các trào lưu nghệ thuật hiện đại góp phần thay đổi nhận thức của công chúng yêu nghệ thuật và thực sự tạo nên bước đột phá, thành công.
50 năm là một chặng đường không quá dài nhưng ghi nhận rất nhiều sự cố gắng của lớp họa sĩ ban đầu đến lớp hoạ sĩ hiện tại. Dù ở lứa tuổi nào, họ vẫn cùng chung chí hướng phát triển mỹ thuật tỉnh nhà, dần từng bước đưa mỹ thuật Thái Bình mạnh hơn nữa, hoà nhập cùng Mỹ thuật trong cả nước, đưa các tác phẩm Mỹ thuật đến với công chúng, bám sát thực tế, có sức lan toả hơn. Chúng ta cùng kỳ vọng vào một chặng đường tiếp theo thành công hơn cho mỹ thuật tỉnh nhà. Chi hội Mỹ thuật luôn song hành cùng các chi hội chuyên môn khác đưa văn nghệ tỉnh nhà sang một trang mới thành tựu hơn, hội nhập cùng sự phát triển chung của văn học nghệ thuật cả nước trong thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Quốc Việt