Tôi là trẻ chăn trâu ở Thái Bình, theo bố mẹ đi lập nghiệp trên Phú Thọ đầu những năm 1960, mãi về sau mới thành cư dân Hà Nội
Tôi là trẻ chăn trâu ở Thái Bình, theo bố mẹ đi lập nghiệp trên Phú Thọ đầu những năm 1960, mãi về sau mới thành cư dân Hà Nội. Tôi từng viết “Thành phố bao nhiêu là to đẹp, nhưng không phải của mình. Thành phố không phải là một cái bánh chưng để tôi xẻ lấy một góc mang về biếu quê”. Giờ đọc lại mới thấy mình cũng là kẻ nặng lòng với quê cũ, nhưng đầy mặc cảm tự ti, cái tự ti của kẻ tha hương. Lại đi đâu cũng bị giễu cợt: “Thái Bình có cái cầu Bo/ Có nhà máy cháo có lò đúc muôi”. Khi đã trưởng thành, tôi tự cắt nghĩa ra cái lý cố của căn bệnh tự ty, ấy là do tôi chưa hề có đóng góp gì gọi là đáng kể cho quê hương mình. Tôi ở ngoài phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tôi đứng ngoài nghe hát “Bài ca năm tấn”. Ôi cái thời Thái Bình làm cuộc cách mạng lúa xuân, giã biệt hẳn với vụ chiêm dài dằng dặc làm nên cái đói tháng ba, cái đói giáp hạt. Tôi không phải nông dân Thái Bình cùng với cụ Nguyễn Ngọc Trìu dứt khoát với vụ chiêm như một căn ủy của nạn đói nghìn năm, rồi về sau cùng cả nước đưa vào từ điển Nông học hai chữ “Lúa xuân”, làm mất hút thành ngữ “đói giáp hạt” trong tiếng Việt. Như thế là, người Thái Bình biết né tránh cái rét, biết dùng hết cái năng xuất cho cây lúa thỏa thuê quang hợp, lại nhanh tay hơn cái nắng gió Tây từng nghìn năm cướp trắng nhiều vụ chiêm khi lúa trổ bông thì cứ đứng trắng phớ mà không vào mẩy nổi.
Kỳ tích ấy của Thái Bình mãi mãi còn là bí ẩn đối với tôi.
Cho đến khi đọc “Cầu Bo qua phố” của nhà văn Võ Bá Cường.
Tôi gặp Võ Bá Cường hồi về Thái Bình viết bài sau đổi mới, có đi với ông mấy lần đến các cơ sở lấy tài liệu. Đó là người đàn ông thanh mảnh, mặc bộ quần áo “ta” lụa màu mỡ gà. Về sau, mỗi lần nhớ đến ông, tôi cứ hình dung một người mặc lụa màu mỡ gà đi thong thả giữa đời, chứ không chen chân vào chỗ lao xao. Tôi dần dà nhận ra, Võ Bá Cường là Tuýp nhà văn càng già viết càng hay.
Như cuốn này là một ví dụ.
Có thể coi “Cầu Bo qua phố” là cuốn lịch sử cận hiện đại của Thị xã Thái Bình mà ông gọi là “phố thị”. Phố thị dần dà thoát thai từ làng Bo, làng Kỳ Bá, Trần Lãm giữa hai dòng sông Kỳ Giang và Trà Lý. Một lịch trình thong thả đô thị hóa, với những người Hoa chạy loạn sang làm ăn buôn bán rồi đất lành nên “chim đậu”, lại những người bản địa giàu có mang điền sản ra lập lên quán xá, hiệu buôn tạp hóa, thuốc Bắc, hãng bia chai, ty rượu; lập lên cả dãy phố An Tập hay còn gọi là phố Cô Đầu nổi tiếng không kém gì phố Khâm Thiên cùng thời.
Do đô thị hóa dần dà nên cái hồn quê không bị mất hẳn, hơn nữa, cái tình làng nghĩa xóm mộc mạc còn là nền tảng của phố thị. Cái chợ Gốc Mít là một đặc trưng. Bà bán hoa gói vừa nền nã, vừa thanh lịch, “bà hàng hoa là lời chào của chợ quê”, cung cách gói hoa, bày hoa màu nọ tôn màu kia là cả một niềm tôn kính tổ tiên như có cả một ngàn năm chắt lọc mà nên cốt cách người đô thị. Nó như một tín ngưỡng. Những trang văn Võ Bá Cường ở chỗ này thăng hoa. Tả gánh rau muống thôi, mà toát nên vẻ duyên dáng của thôn nữ hái - bó rau vắng mặt, của mùa màng, đọc mà thốt nhiên phải hàm ơn cuộc sống. Câu chuyện của kẻ “đất dưới chân bèo” sống nhờ chợ Gốc Mít thôi, cũng cho thấy nền tảng quê của phố thị. Ấy là cô Giản ngẫn ngờ, là Sơn què, là Quốc Trình - loạn chữ thành nhà thơ đường phố. Nhưng vẫn được cả chợ yêu thương, đùm bọc; ngay cả khi đứa con cô gái ngẫn ngờ đẻ hoang, “chợ” vẫn nuôi như một đức hạnh của chợ - nó không phải là nơi tranh mua tranh bán, không lừa đảo chụp giựt. Có lẽ từ cái chợ Gốc Mít ấy mới sinh ra được anh cán bộ Vị nuôi thú ở vườn hoa chéo: Cô gái tiễn người yêu ra trận, vào trải ni lông ở gốc cây gội bị dân quân bắt, ông Vị đã nhường căn phòng của mình cho họ mà xuống bếp. Mấy năm sau hòa bình họ đưa con trai được đặt tên là Gội đến cảm tạ ân nhân.
Nhưng cái thăng hoa của nền tảng mới là chuyện đáng kể.
Cái trầm tích “lão nông tri điền” của người nông dân Thái Bình thì tôi đã nói ở trên. Giờ xin nói về sĩ khí của người quê cụ Lê Quý Đôn - nhà bác học đầu tiên của nước Nam ta, tôi muốn thưa đôi điều về nét thăng hoa của trầm tích ấy.
Ở đất quê thời nào cũng vậy, trí thức hay tiểu trí thức nông thôn đều làm cái xiển dương và kết tủa văn hóa làng. Từ văn hóa làng mới ra văn hóa vùng miền, như văn hóa Kinh Bắc, như văn hóa châu thổ sông Hồng với đặc trưng là Thái Bình sinh ra câu hát chèo làng Khuốc, như Nam Định sinh ra hát chầu văn - hầu đồng. Rất lạ là thời xưa gần như cả làng mù chữ, chỉ có sư cụ, ông đồ và ông từ là có đôi ba chữ mà thôi. Vậy nhưng tôn ti trên dưới, làng xóm trong ấm ngoài êm, hết thảy nhờ vào lễ nghĩa do “chữ” khuôn xếp. Ở những làng “đất học” thì con em được học lên. Như cụ Vũ Ngọc Nhạ tạo nên cốt cách Ông Cố Vấn mà trong giới tình báo xưa nay, người như Vũ Ngọc Nhạ không còn ai hơn nữa. Cái chất người Thái Bình nhã nhặn, chân thành đã làm nên nét hấp dẫn bất chấp chính kiến. Hay như cụ Nguyễn Ngọc Trìu, người soạn Chỉ thị 100 - CT/TW để cụ Lê Thanh Nghị ký khoán đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, rồi cụ lại tham gia soạn dự thảo Nghị quyết số 10 - NQ/TW (khóa VI) mà dân nông nghiệp quen gọi là Khoán 10 thì rành rành là một sự kết tủa kinh nghiệm từ người nông dân Thái Bình chất phác chân thành mà nên. Vậy nhưng con người quản lý Nguyễn Ngọc Trìu vẫn có nét riêng của tỉnh Thái. Là khi cụ nhắc cánh cán bộ phải gắng lập ở tỉnh một Khán Đài Thi, như các văn sĩ đất Thăng Long xưa từng lập ở núi Nùng Bách Thảo, một khán đài cho tao nhân mặc khách uống rượu bình thơ.
Canh nông vi bản. Nhưng cái đích đến của con người là văn chương nghệ thuật. Là Cái Đẹp.
Nông thôn tạo nên vẻ thanh nhàn của văn nhân. Nếu thành thị là cái nôi cho tiểu thuyết thì nông thôn là cánh võng của thi ca. Đất Thái Bình tuy không sinh ra Nguyễn Bính, nhưng lại là nơi hấp dẫn những danh sĩ Bắc Hà. Võ Bá Cường viết rất hay về điều đó. Ông tả hai đệ nhất thi đàn Việt là cụ Nguyễn Du và cụ Nguyễn Công Trứ “đã từng chao chân trên sông Trà Lý” mà làm nên kiệt tác Truyện Kiều, làm ra “Lối hát nói” - một thể loại văn chương duy nhất không qua cung đình mà trở thành bác học. Từ hát nói sẽ phát sinh hát ca trù, hát bội - hai loại hình nghệ thuật đều bắt đầu từ thơ. Thế rồi, Thái Bình chứ không phải nơi nào khác đã lập nên phố ca trù từng mời gọi Tản Đà, Nguyễn Tuân, Tô Hoài làm chính khách. Những trang văn trong ký “Chiều chiều” của Tô Hoài cho thấy nhà hát (ca trù) của bà Ký Đường trở lên là những trang ký ức vừa huyên náo, vừa đẹp đẽ vào bậc nhất của nhà văn gắn riệt với Hà Nội này.
Nhân nói về Tô Hoài - Hà Nội xin nói thêm. Thái Bình sẽ gắn với tên tuổi của nhà văn Võ Bá Cường sau “Cầu Bo qua phố”. Ông xứng đáng được như vậy vì yêu đến hết lòng mảnh đất mẹ sinh, hiểu rò re róc rách từng lối ngõ thị xã đến rất nhiều tính nết của người Thái Bình xưa. Ông tự hào việc hồi đầu chống Pháp, các văn nhân thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Phạm Duy, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Đình Thi... tạo nên tại phố Đống Năm một “thủ phủ” của văn chương kháng chiến - như Quần Tín trong Thanh Hóa, Hạ Hòa hay Đại Từ trên Việt Bắc. Thủ phủ “Đống Năm” cũng “làm nên” các nhà văn Chu Văn, Bút Ngữ, Đức Hậu vào những năm 1960. Đây cũng là ga đỗ của thi nhân kiêm nghệ sĩ điêu khắc người Động Trung đất học là cụ Nguyễn Diên - một nghệ sĩ dân gian mà bác học. Ngôi nhà của cụ ở 18 Hàng Bún, Hà Nội mấy mươi năm bao cấp đã trở thành nơi tá túc theo nghĩa thực khách những Trúc Thông, Nguyễn Mỹ, Lưu Quang Vũ, Lê Huy Quang và nhiều năm sau là kẻ viết những dòng này. Có thể nói mà không sợ quá lên rằng, Nguyễn Diên là người Thái Bình vô danh nhưng không hổ danh phận là con dân tỉnh Thái, là cái phần trầm tích văn hóa của xứ này.
Đọc xong “Cầu Bo qua phố”, tôi giật mình rồi lòng tự nhủ lòng: Khi tôi đã mờ mắt chân chậm, phải nhớ dặn con cháu đưa nhanh về Đông Trà bản quán, kịp khi tôi có nằm xuống thì nằm ngay trên đất làng mát mịn, nơi con sông Trà Lý chảy qua cầu Bo mà về, mà thôi đời làm sông, tự hóa thân vào với biển sau khi đã dành những hạt phù sa mang nặng từ rừng, tấp lê thành bãi sú vẹt rồi thành làng thành ruộng nuôi tôi.
Nay nhờ giời còn ít nhiều minh mẫn, xin chắp tay tri ân nhà văn đã giải mã giúp cái bí ẩn kỳ tích Thái Bình. Lại chọn ngày 18 tháng Năm, là ngày lành giờ tốt, với tình đồng nghiệp tương kính nhau viết vài dòng cảm nhận, cốt để lưu giữ cái đằm thắm sang trọng của thiên tùy bút mà qua đó, tôi thấy ra diện mạo tinh thần của nhà văn Võ Bá Cường.
Võ Bá Cường