GỬI SÀI GÒN DẤU YÊU
Ngày: 15/04/2022
Tôi yêu Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh lúc nào chẳng rõ. Một Sài Gòn ồn ào hoa lệ đọng lại trong ký ức với những kỷ niệm khó phai. Thành phố phương Nam nắng và gió, nắng thì nắng chang chang và mưa thì mưa ào ạt.

GỬI SÀI GÒN DẤU YÊU

                                                                        (Tác phẩm đoạt giải Khuyến Khích)

                                                                                                     VŨ THANH HUYỀN

Tôi yêu Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh lúc nào chẳng rõ. Một Sài Gòn ồn ào hoa lệ đọng lại trong ký ức với những kỷ niệm khó phai. Thành phố phương Nam nắng và gió, nắng thì nắng chang chang và mưa thì mưa ào ạt. Sài Gòn không có kiểu thời tiết “ẩm ương” như miền Bắc quê tôi. Mưa phùn dầm dề, nồm ẩm suốt giêng hai, mưa ngâu lộp độp cả tuần lễ hay những ngày hè nắng như thiêu như đốt. Tôi bén duyên với Sài Gòn không chỉ bởi mình đã có một thời gian gắn bó mà cảm nhận về thành phố như một cô gái trẻ năng động, hừng hực sức thanh xuân đã quyến rũ biết bao người. Nhịp sống hối hả cả ngày cũng như đêm với những con đường tấp nập, náo nhiệt và cư dân nơi đây sao mà hồn hậu, cởi mở, hào sảng mà phóng khoáng đến thế. Đại dịch Covid-19 tràn qua như một trận đại hồng thủy kinh hoàng nhất trong lịch sử, nó làm chao đảo cả thế giới, không kể nước giàu hay nghèo, quân sự hùng mạnh, hay thô sơ, non yếu. Nó đưa chúng ta bước vào một cuộc chiến mới, không kém phần gay go ác liệt như những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm trước đây. Cuộc chiến không có bom rơi, đạn nổ, không có máy bay gầm rú trên bầu trời và đạn pháo chát chúa của giặc. Cuộc chiến với Sars-CoV-2, với nhiều biến thể nguy hiểm, gieo rắc cái chết cho loài người. Năm 2021, năm thứ ba, thế giới chung sống với Covid 19, mà loài người chúng ta chưa thể khống chế được con vi rút bé nhỏ vô hình này. Miền Bắc đang bước vào những ngày mùa thu, làn gió heo may se se dịu dàng, hương hoa sữa mơn man và cốm xanh thơm ngát đã thay thế cho cái nắng hầm hập oi nồng của mùa hè. Đất trời mát mẻ, xanh thẳm trong veo làm lòng người lắng dịu sau những ngày hè nóng nực, bức bối. Nhưng cuộc chiến với Sars - Cov-2 dường như chưa có phần hạ nhiệt. Mỗi ngày, những ca mắc mới vẫn không ngừng tăng lên theo cấp số nhân, nhiều biến thể nguy hiểm được phát hiện và số người vĩnh viễn phải ra đi vì nó vẫn là nỗi đau xoáy vào nhân loại. Những ngày này Miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm dịch của cả nước. Tính đến nay số người mắc đã lên đến hàng trăm nghìn người, số người bị con vi rút corona cướp đi tính mạng cũng đã lên tới cả chục nghìn. Những con số nhức nhối trong lòng mỗi chúng ta. Mỗi sáng thức dậy, việc làm đầu tiên tôi làm là với lấy chiếc điện thoại, đọc những dòng tin tức cập nhật về tình hình dịch bệnh trong cả nước. Trái tim tôi không khỏi nghèn nghẹn, xót xa khi những thông tin ấy về Sài Gòn luôn đứng đầu cả nước. Ôi, thành phố thân thương, một đầu tàu kinh tế của cả nước, “Hòn ngọc Viễn đông” phồn hoa, tấp nập đang bị dịch bệnh bủa vây tứ phía và chìm vào trong cơn bạo bệnh. Chính quyền và người dân thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp từ giãn cách xã hội đến lệnh giới nghiêm để ngăn chặn dịch bệnh. Những đường phố vắng tanh, bến tàu, sân ga, phi trường và những nơi công cộng trở nên vắng lặng. Ta bất chợt thấy bên kia của sự náo nhiệt và không khỏi bâng khuâng, xa xót trước cảnh thành phố im lìm nép mình trong đại dịch. Thành phố giãn cách và giới nghiêm, mọi hoạt động gần như ngưng trệ, nhà nhà đóng cửa, không còn cảnh hối hả, tất bật mà lặng lẽ buồn hiu, hoang vắng. Thành phố tĩnh lặng quá, tĩnh lặng đến nao lòng. Hơn 40 năm trước khi Sài Gòn và miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Khi ấy, cha tôi, chàng thanh niên bước vào độ tuổi đôi mươi. Ông đã cùng bạn bè cùng trang lứa gác lại mơ ước của mình lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Ông đã có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn mùa xuân 1975 ấy. Nhưng có không ít đồng đội ông đã ngã xuống đâu đó trên những cánh rừng, trên những con đường tiến về thành phố mà không kịp hưởng phút giây “Đất nước trọn niềm vui”. Trong kí ức của ông ngày đó, dẫu chiến sự có ồn ào, đâu đó vẫn có những cảnh chết chóc, nhưng cuộc sống trong nội thành vẫn sôi động và đầy đủ sắc màu. Trong ông nhen nhóm một tình yêu với Sài Gòn hoa lệ mà nghĩa tình với bao kỷ niệm của một thời trai trẻ. Có lẽ trong lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của mình, đây là lần đầu tiên Sài Gòn vắng vẻ và tĩnh lặng đến thế. Sài Gòn như nàng công chúa bị mụ phù thủy Covid -19 yểm bùa phải chìm vào giấc ngủ sâu trong rừng. Nàng công chúa Sài Gòn đang khép đôi mi dài lại, nàng ngủ, nàng nghỉ ngơi và chờ chàng hoàng tử chiến thắng Corona đến đánh thức nàng dậy. “Chống dịch như chống giặc” lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lay động trái tim mỗi chúng ta. Từ suy nghĩ đến hành động “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng quê là một pháo đài chống dịch”. Tinh thần tự giác và tình yêu thương đồng loại đã nhân lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam. “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, thúc giục bao người tình nguyện khoác ba lô lên đường vào Nam “chống giặc”. Cả nước hướng về Sài Gòn với bao niềm yêu thương, xúc động và sẻ chia, đùm bọc. Tôi đến chia tay người bạn thân của mình trong đoàn y bác sĩ, tình nguyện của tỉnh lên đường chi viện cho Sài Gòn chống dịch. Người bạn tâm sự rằng: - Trong hai lần xuất quân Thái Bình tiễn hơn 700 y bác sĩ, sinh viên, giảng viên ngành y lên đường vào Nam chia lửa chống dịch với Sài Gòn, Bình Dương. Chúng mình ra đi với một niềm tin chiến thắng, thấy vinh dự tự hào khi được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình cho cuộc chiến này. Tôi nắm chặt bàn tay người bạn thân mến, và bắt gặp những nụ cười, những ánh mắt lấp lánh niềm tin của những người trong đoàn. Họ ríu ran chào nhau, hẹn nhau “khi nào hết dịch sẽ về”. Tôi bồi hồi nghĩ đến cha ông mình thuở “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, họ cũng ríu ran hẹn nhau “Khi nào hết giặc mới trở về quê hương”. Không chỉ Thái Bình, quê tôi mà các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Kạn, Yên Bái..., có tỉnh có tới hai, ba lần xuất quân chi viện cho Sài Gòn, Bình Dương. Trong cái nóng nực của đất phương nam, các y bác sĩ, những tình nguyện viên phải mang trong mình những bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong môi trường dịch bệnh nguy hiểm, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào. Các chiến sĩ ấy căng mình chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch, không ít người đã nhiễm bệnh, có người đã ngã xuống để lại cho ta những hồ sơ, những đề nghị công nhận vinh danh “liệt sĩ thời bình”. Họ lặng thầm quả cảm để nhân lên những “ vùng xanh” bình yên và hy vọng. Trong câu chuyện với người bạn thân của tôi đang chiến đấu giữa tâm dịch, cô ấy kể về nhiều mảnh đời bất hạnh khi nhiễm phải Covid, nhiều y bác sĩ vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa là người nhà chăm sóc họ. Có những người tình nguyện trẻ đã hoãn lại lễ cưới của mình để đến với miền Nam trong lúc Tổ quốc và nhân dân cần họ. Có người mẹ trẻ phải xa đứa con nhỏ, chưa biết bao giờ mới được gặp lại, ngày ngày nhớ con, sau giờ làm việc chỉ biết lấy điện thoại ra để ngắm hình con qua sóng mạng. Có cả những người không thể gặp được cha mẹ lần cuối, khi họ từ giã cõi đời này, đành lòng từ tâm dịch hướng về quê hương tưởng nhớ mẹ cha. Nơi tuyến đầu ấy họ nén thương đau, nén lại nỗi nhớ, tình cảm riêng tư của mình để vững vàng hơn, quả cảm hơn và cũng nghĩa tình hơn. Những tình cảm dấu yêu ấy gửi Sài Gòn còn là những chuyến xe chở lương thực, thực phẩm từ mọi miền Tổ quốc vào tiếp tế cho thành phố. Nào là rau củ, gạo muối, cá, thịt, nào là những đồng tiền chắt chiu dành dụm bấy lâu nay, dù bản thân chưa đủ đầy cũng mang ra gửi Sài Gòn, góp một phần nhỏ bé từ hậu phương cho tiền tuyến miền Nam. Những nồi bánh tét, bánh chưng, hay những gói muối vừng nho nhỏ mà mang nặng bao nghĩa tình của đồng bào cả nước. Đúng là “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thế mới thấy sao thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”, thế mới thấm thía hơn câu ca dao “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Và cũng qua đó mới thấy Tổ quốc mình sao mà đẹp mà nghĩa tình, thân thương và tự hào đến vậy! Trở lại Sài Gòn những ngày tháng này, thành phố đang sống trong cảnh giãn cách xã hội và thực hiện lệnh giới nghiêm. Nhưng cũng là một dịp mỗi cư dân sống chậm lại, nghĩ chậm lại cảm nhận đầy đủ hơn về cuộc sống, về tình người ấm áp trong cơn hoạn nạn. Có những con người tuy chưa giàu có như anh Vũ Quốc Cường ở quận 1, dành cả đời làm từ thiện, anh thành lập quán cơm chay thiện nguyện hỗ trợ đồng bào nghèo. Anh đã nhiễm Covid 19 và ra đi, trong khi con gái anh, sinh viên đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đang trong tuyến đầu chống dịch. Hay anh Nguyễn Tuấn Anh, ở quận Tân Phú người sáng lập ra cây gạo ATM miễn phí cho người nghèo. Còn nhiều, nhiều người khác nữa với những siêu thị “không đồng”, những việc làm nhường cơm, xẻ áo cho đồng bào mình cùng dìu nhau đi qua những ngày gian khó, những con người bình dị, thân thương mà cao cả, lấp lánh như những đóa sen đời. Đất nước chúng ta, một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trải qua bao cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, thiên tai, lũ lụt..., nhưng chưa bao giờ khuất phục. Đất nước kiên cường, với những con người hồn hậu quả cảm “yêu nước thương nòi”, đoàn kết vô song đã viết lên bao trang anh hùng ca bất khuất. Trong nghịch cảnh, tình yêu thương, đoàn kết, ý chí quật cường lại nhân lên gấp bội. Sài Gòn đang chờ những bàn tay, khối óc và trái tim của mỗi người chúng ta vực dậy sau cơn hoạn nạn. Sài Gòn ơi, chúng tôi, những người từ hậu phương, những người đang thầm lặng, quả cảm nơi tuyến đầu chống dịch và tấm lòng của đồng bào cả nước sẽ là sức mạnh vô song, sẽ là chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa Sài Gòn thức dậy sau giấc ngủ dài. Ngày chiến thắng không còn xa, ngày mà bình yên sẽ trở về trên quê hương đất nước . Mỗi con đường, góc phố lại tấp nập, đông vui như chưa hề có dông bão vừa quét ngang qua nơi đây.

VŨ THANH HUYỀN