Nhà thơ Ánh Tuyết, nguyên Đảng uỷ viên, Chủ tịch Công đoàn, giảng viên khoa Ngữ văn trường cao đẳng Sư phạm Thái Bình
Nhà thơ Ánh Tuyết, nguyên Đảng uỷ viên, Chủ tịch Công đoàn, giảng viên khoa Ngữ văn trường cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Sau 33 năm công tác trong ngành sư phạm với 23 năm chị liên tục là giảng viên giỏi, chiến sỹ thi đua các cấp. Năm 2008, Chị giã từ bục giảng, lòng thanh thản vì đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người: được trò tin yêu, đồng nghiệp mến nể, thư viện nhà trường đã lưu giữ hàng chục đầu sách văn học và nhiều đề tài khoa học do chị hướng dẫn cho sinh viên, thế cũng là niềm vui của đời nhà giáo, nhà thơ như chị.
Nghỉ chế độ, Ánh Tuyết lên kế hoạch cho một chặng đường mới, chăm lo gia đình, mẹ già, các con cháu và niềm đam mê sáng tạo văn chương. Ánh Tuyết là một trong số những người sớm được kết nạp vào Hội VHNT Thái Bình. Năm 2011 Ánh Tuyết vinh dự được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Đến nay chị đã xuất bản được 15 đầu sách văn học trong đó có 8 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 02 tập truyện thiếu nhi, 01 tập phê bình văn học. Còn chừng 03 đầu sách thơ và tản văn, một tập tiểu thuyết cũng đang chờ ra mắt bạn đọc. Ánh Tuyết còn là chủ biên gần chục tuyển tập sách quan trọng: Viết về liệt sĩ, Về Nguyễn Du & Truyện Kiều, về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về nhân vật tiền bối cách mạng Bùi Hữu Diên..Chị còn là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Kiều học Việt Nam, Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Thái Bình.
Ánh Tuyết đã nhận được 13 giải thưởng văn học của trung ương và địa phương trao tặng.
Nhận xét về thơ của nhà thơ Ánh Tuyết, Nhà thơ Kim Chuông, trong bài "thơ và người thơ "còn đang đàn bà" đã có những lời đánh giá đúng, vị trí của thơ Ánh Tuyết, “Từ những năm 1990, trong những gương mặt của văn nghệ sĩ Thái Bình, tôi đã xếp Lương Hữu, Ánh Tuyết, Hồng Nhung là chùm Khuê văn tinh tú - Khoảng sáng văn chương của một miền đất có sự lấp lánh của 3 gương mặt thơ đã góp vào mâm cỗ văn chương trên một vùng quê lúa một dòng chảy đa thanh, đa sắc màu, đa vị” “Ánh Tuyết thật xứng đáng với danh hiệu thi sĩ của tỉnh - thi sĩ của đôi ba gương mặt thật hiếm và quý của Thái Bình, của nền thi ca đương đại Việt Nam”.
Tôi biết rằng đã có khoảng 40 bài phê bình của nhiều tác giả đánh giá về các tập văn, thơ của Ánh Tuyết, đã có 13 nhạc sĩ phổ thơ Ánh Tuyết trong đó có nhạc sĩ Trần Hoàn và Thuận Yến.
Ánh Tuyết không nghĩ một ngày chị lại vào BCH Hội Văn học Nghệ thuật rồi được bầu vào vị trí của những người quản lý lãnh đạo Hội. Duyên do cũng từ nhiều nguyên cớ.
Sau hơn 1 năm trên cương vị chủ tịch Hội, NSND Phạm Huy Tầm (khi đó còn là NSƯT) về nghỉ chế độ, Bà Trần Thanh Phượng lên thay vị trí chủ tịch Hội. Được hơn một năm, bà Trần Thanh Phượng vì lý do sức khoẻ xin được nghỉ chế độ sớm. Lãnh đạo Hội duy nhất còn lại nhà thơ Ánh Tuyết. Tháng 5 năm 2016, nhà thơ Ánh Tuyết nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình.
Không thể kể hết những khó khăn của chị khi đảm nhận cương vị mới, tuy nhiên với tình yêu lòng đam mê nhiệt huyết và hơn hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Chị đã đề nghị với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở Nội vụ, Ban chấp hành Hội kiện toàn vị trí chức danh lãnh đạo chuyên môn thuộc Văn phòng Hội, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình.
Năm 2017 chị cùng với Ban chấp hành Hội tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy và đề xuất kiện toàn chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Hội, nhà báo Phan Thị Hà phụ trách Tạp chí, đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập, bầu bổ sung vào Ban chấp hành, Ban Thường vụ rồi phó chủ tịch Hội. Công tác chuyên môn của các chuyên ngành luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Nhiều cuộc hội thảo, chuyến đi thực tế sáng tác bổ ích, nhiều trại sáng tác đã được tổ chức rất hiệu quả. Mỗi năm Hội tổ chức cho 8 chuyên ngành đi thực tế, Hội tổ chức những trại sáng tác ở Cúc Phương Ninh Bình, Đại Lải, Thanh Hoá, Vũng Tàu, Tây Nguyên, Đà Nẵng... cho các văn nghệ sĩ và thu được hàng trăm tác phẩm có giá trị .
Ngày thơ Việt Nam, Ánh Tuyết cùng Ban chấp hành Hội, các chi hội chuyên ngành phối hợp với các địa phương: huyện Hưng Hà tổ chức tại đền Trần, phối hợp đồng hành với thầy giáo sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh trong chủ đề "Biên cương và tổ quốc" rất hiệu quả, được dư luận đánh giá khá cao.
Điều Ánh Tuyết quan tâm nhất là quyền lợi của hội viên, từ chế độ trợ cấp tác phẩm, chế độ đi thực tế, đi trại sáng tác, chế độ cho những người được cử đi tham dự các trại lớp của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, được triển lãm tranh, ảnh, các nghệ sĩ được giải thưởng huy chương vàng, huy chương bạc hàng năm, không một ai bị quên, bị thiệt thòi. Hội viên phấn khởi ghi nhận điều đó và họ yên tâm sáng tạo ra nhiều tác phẩm thật tốt. Hàng năm đã có hàng trăm tác phẩm và tác giả được hỗ trợ sáng tác.
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn hai giai đoạn 2002 - 2007 và 2007 - 2012 đã được trao tặng thành công. Gồm 96 giải đã được tổ chức trao trọng thể cho các tác giả. Dư luận và hội viên đều ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của chị và tập thể Ban chấp hành
Cho đến nay, Hội viên đều biết nhà thơ Ánh Tuyết đã có vai trò rất quan trọng cho việc giữ gìn sự ổn định, đoàn kết, phát triển của Hội. Hội đã đề nghị Liên hiệp các Văn học Nghệ thuật Việt Nam cấp kỷ niệm chương cho các Văn nghệ sĩ đủ điều kiện, đã có 60 Văn nghệ sĩ được cấp kỷ niệm chương sau nhiều năm gián đoạn.
Mỗi năm các chi hội được kết nạp hội viên mới, bổ sung cho đội ngũ Hội ngày thêm đông thêm mạnh.
Nhà thơ Ánh Tuyết là người sống tình cảm, chị quan tâm đến từng hội viên, ai có việc vui, việc buồn chị đều có mặt. Cả những bài viết khái quát được chân dung sự nghiệp của hội viên, những lời phát biểu chân thành của chị đều toát lên tình cảm của người lãnh đạo tận tâm hết lòng với phong trào Hội và Văn nghệ sĩ.
Kết thúc năm 2019, chuẩn bị cho đại hội nhiệm kì 2020 - 2025 Ánh Tuyết và ban thường trực Hội, Ban chấp hành tổ chức gặp mặt tổng kết công tác Hội.
Ánh Tuyết không chỉ được đa số hội viên tín nhiệm, quý mến, mà chính ban Thường vụ tỉnh ủy cũng đánh giá cao sự đóng góp của toàn thể Hội viên, ban Thường trực, Ban chấp hành Hội trong đó tiêu biểu là nhà thơ Ánh Tuyết - phó chủ tịch Phụ trách Hội.
Cứ nghĩ, một người phụ nữ không phải sinh ra để làm lãnh đạo một Hội VHNT mà vì duyên nợ, nhưng thật sự phức tạp, lại ở vào thời điểm vô cùng khó khăn, làm thế nào Ánh Tuyết đảm đương được đây. Tuy nhiên Ánh Tuyết đã vượt lên, đưa Hội thoát khỏi khó khăn, ổn định đoàn kết và phát triển như chị đã làm giai đoạn 2016 - 2019 vừa qua đã được ghi nhận.
Đại hội nhiệm kì 2020 - 2025 đã thành công rực rỡ, Đại hội đã bầu ra được Ban chấp hành, Ban Kiểm tra Hội, Ban thường vụ Hội và hai đồng chí lãnh đạo Hội là đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh làm chủ tịch Hội và nhà thơ Ánh Tuyết làm phó chủ tịch Hội.
Thế mới biết văn chương đã chọn đúng người và giữ chân nhà thơ nghị lực tâm huyết ở vị trí người lãnh đạo Hội, quả là điều đáng vui mừng. Ở tuổi nào cũng vậy, Ánh Tuyết một người phụ nữ hết lòng vì công việc, sự nghiệp VHNT của tỉnh chị sẽ góp thêm nhiều những sáng kiến, kinh nghiệm để giữ vững sự đoàn kết, ổn định và phát triển của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Lương Hữu