Một hồn thơ trong trẻo, bình dị
Ngày: 18/11/2021
Vũ Thanh Huyền là người con của quê hương Thái Bình đất đồng bằng, thuần khiết và bình dị, nết đất ấy cũng làm nên nết người, nét thơ của chị.

Nỗi niềm giêng hai là tập thơ đầu tay của cây bút trẻ Vũ Thanh Huyền. Với bốn mươi bài thơ trong tập thơ đầu tay nhiều rụt rè, dễ thương tập hợp của gần hai mươi năm cầm bút quả là nhiều thận trọng và khiêm tốn.

Vũ Thanh Huyền là người con của quê hương Thái Bình đất đồng bằng, thuần khiết và bình dị, nết đất ấy cũng làm nên nết người, nét thơ của chị.

Dịu dàng, thuần hậu, đằm thắm nữ tính là cảm nhận ở tập thơ đầu tay này.

Không sa vào những nội dung khúc khuất, phô diễn hình thức thời mới, Vũ Thanh Huyền biết chọn cho mình chỗ đứng. Đa phần các bài trong tập chị dùng thể thơ lục bát, thể thơ của ca dao để truyển tải những nỗi niềm, tâm trạng. Vẫn là những nỗi niềm muôn thuở: đầy khát khao được làm vợ, được làm mẹ trong cảnh cô đơn góa bụa vì chiến tranh; nỗi niềm người phụ nữ trong mối tình lỡ dở, nói hộ, nói thêm chuyện tình xưa tích cũ, tâm sự cùng con, v.v..

Đề tài thơ không mới, bao nhiêu người đã viết, nhưng Vũ Thanh Huyền vẫn có sáng tạo của riêng mình, tìm được sự thể hiện riêng của mình.

Chị thông cảm, đồng cảm, chia sẻ với những số phận phụ nữ không may mắn, những cô gái quá lứa nhỡ thì: “Trăng nghiêng qua nửa dốc đời/ Vẫn nguyên tạo hoá,ngậm ngùi trớ trêu”.

Diễn tả chiếc giường đơn của cô gái quá lứa cô đơn đang tuổi xuân thì, khao khát, chị đặt bút: “Giường đơn rộng đến thông thênh”. Giường đơn - giường cho một người nằm, cho vừa đủ một người nằm ngủ lại là rộng đến thông thênh. Chữ thông thênh là sáng tạo của Vũ Thanh Huyền. Rộng đến thông thênh ở đây là cảm giác tâm lý. Khó mà tìm được từ nào diễn tả sự cô đơn, cô quạnh, chông chênh, khát khao…và cả nỗi đau, buồn tủi, của Vũ Thanh Huyền.

Và căn nhà nhỏ người phụ nữ ấy ở cũng vậy “Căn nhà nhỏ trống ba chiều/ Nửa như thiếu, nửa như nhiều, nửa như...”. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra. Mấy cuộc chiến tranh dằng dặc trên đất nước ta hơn nửa thế kỷ qua, bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu mái ấm, tổ ấm bị chia xé. Dông bão dội chồng lên dông bão, giằng xé, đau cuộn bời bời nhớ nhưng gói trọn trong bao trái tim phụ nữ.

Nghĩ về người cũ với mối tình lỡ dở, người phụ nữ trong thơ chị có cách nói tưởng như dứt khoát đầy lý tính: “Chúng mình không thuộc về nhau/ Cau kia không thắm, lá trầu chẳng xanh/ Ông tơ bà nguyệt vô tình”. Ừ nhỉ, “dứt khoát” như vậy thì còn gì để nói nữa? Nhưng: “Người giờ khuất phía chân mây/ Ta dằng dặc phía bên này đơn côi’; “Ở nơi cuối nẻo xa xăm/ Có người ngồi gỡ tháng năm đợi mùa”. Đây mới là chính là thông điệp của tâm trạng, tiếng nói đích thực của trái tim phụ nữ.

Một tâm trạng thiếu nữ rất thật nhưng cũng rất gợi: “Anh mạnh mẽ ồn ào cơn lũ/ Em tím dần trong nỗi nhớ cô đơn/ Xa cách quá hai phương trời xa biệt/ Để mỗi chiều sang em lại vẩn vơ buồn”.

Nhiều khi dầm mình trong đau khổ, có khi do chính người mình yêu vì những tính toán riêng gây ra, người nữ vẫn chỉ hiền lành một câu hỏi: “Khôn ngoan tới mức dại khờ/ Mình thương nhau thế sao giờ xa xôi?”. Nhẫn nhục cam chịu ư? Không! Phụ nữ yêu như vậy đấy!

Phiên chợ tình Khau Vai là phong tục của một dân tộc, đền bù những tổn thương, khao khát, ước mong của những đôi lứa. Có lành được không? Có đền bù được những tổn thương, khao khát hay không? Vũ Thanh Huyền lặng ngẫm: “Chợ tan, còn trái tim đau”.

Chị giãi bày dùm tâm sự Thị Màu: “Nếp nhà Mầu cũng gái ngoan/ Khát khao yêu ...để đến oan trái đời/ Ước mong, mong ước nhỏ nhoi/ Được yêu được lấy cái người mình yêu”. Và bày cho cô gái đắm đuối vì yêu ngày xưa ấy cách chinh phục đối tượng của mình. Vẫn tha thiết đắm say, nhưng Thị Màu của Vũ Thanh Huyền bây giờ khôn ngoan hơn: “Chắp tay cầu Phật một điều/ Xin cho thầy tiểu biết yêu như mình”.

Muốn có tình yêu phải biết yêu! Nhưng tình yêu là một thứ huyền bí vô cùng, có một ngàn lẻ một “bí quyết”, “kinh nghiệm” nhưng nhiều khi chẳng cần “bí quyết”, “kinh nghiệm” gì, chẳng thể “áp dụng” được gì. Vô cùng lắm Vũ Thanh Huyền ơi!

Những câu kết thật đẹp và xa xót:

Giếng chùa nước có đầy vơi

Vẫn trong leo lẻo đức người chân tu

Hội làng mở giữa mùa thu

Trái ngang thủa ấy còn ru kiếp người...

Đây cũng là một trong những bài thơ hay nhất của tập.

Với những hy sinh cao cả, những cống hiến lớn lao của lớp cha anh trong kháng chiến chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc, Vũ Thanh Huyền ngưỡng mộ, thành kính: Đi tìm anh, em cháy cùng ngọn lửa/ Em cúi đầu vái ngọn cỏ non tươi (Khói nhang Thành cổ); “Hồn trinh nữ dựng tượng đài đất Việt/ Kết hương thơm trinh trắng một đài hoa” (Bên mộ chị Sáu),..

Là người con của đồng quê, sống chan hòa với đồng quê, thiên nhiên tươi đẹp, trong lành ùa vào thơ Huyền: “Ngày xuân trẩy hội chùa Hương/ Ngược dòng suối Yến con đường biếc xanh”;“Nắng non thả nhẹ vào xuân/ Lúa xuân mơn mởn đồng gần đồng xa”;“Ríu ran chiền chiện gọi lưng trời/ Giếng làng thả tóc trăng bay rối/ Ướt cả câu Kiều đêm mải chơi”;“Hoa xoan tím rụng tan vào ngõ quê”, v.v...Và trái tim Vũ Thanh Huyền nhiều khi ngẫm ngợi: “Lợi danh như thể phù vân/ Vinh hoa cõi thực xoay vần đảo điên”; “Hồn vừa chạm tiếng mõ rơi/ Cuốn bao toan tính về trời nhẹ không”,...

Gấp tập thơ lại, chúng ta vẫn còn nghe đâu đó một giọng thơ nhẹ nhàng, ấm áp, một bút lực dồi dào của cô gái quê lúa đang chờ ngày bứt phá. Đúng thật thơ chị không phải đọc chậm và chúng ta phải ngẫm. Ngẫm sâu, bởi trong từng câu chữ Vũ Thanh Huyền đang từ từ nhả ra những tơ vàng óng của con chữ sắp vào mùa.

Đàm Chu Văn