Mùa thu năm 1976. Một buổi trưa, có một anh bộ đội đột ngột xuất hiện trước cửa phòng làm việc của tôi ở khu tập thể
Mùa thu năm 1976. Một buổi trưa, có một anh bộ đội đột ngột xuất hiện trước cửa phòng làm việc của tôi ở khu tập thể. Anh nhìn tôi mỉm cười thân thiện như đã quen biết nhau. Tôi mời anh vào, anh vui vẻ bắt tay tôi và nói: “Tôi vừa ở miền Nam ra”. Người gầy gò, da ngăm đen, đôi mắt sáng và chiếc ba lô lép kẹp. Ngồi chơi một lát, anh bắt đầu đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới viết, cả những bài đã in trên báo chí. Nghe thơ, tôi nhận ra người, vội chìa tay cho anh: “Chào anh Phan Đức Chính”. Chúng tôi đã gặp nhau và quen nhau như thế. Mới năm trước, tôi đã đọc bài thơ “Hội chim câu’’ của anh được giải của tạp chí Văn Nghệ quân đội. Dù chim bay tít tắp lên trời/ chim vẫn nhớ nơi chim quen thuộc/ ngôi nhà của chim có cây cau bên bể nước/ nơi hội chim câu là hội của người. Tôi đọc lại mấy câu thơ trên cho Phan Đức Chính nghe, anh rất vui. Trưa ấy tôi mời anh ăn cơm tập thể, rồi buổi chiều chúng tôi đèo nhau bằng xe đạp về quê anh ở xã Văn Lang, huyện Hưng Hà. Ngày ấy sau chiến tranh các làng quê còn nghèo lắm. Đường xá chật hẹp và lầy lội, nhà dân hầu hết là mái rạ tường đất. Nhà Phan Đức Chính cũng vậy, tường đắp đất rất dày và mái rạ cũng dày, trước cửa có vườn và ngoài kia là cánh đồng lộng gió. Nhà có mẹ anh và cậu em trai. Anh tràn trề niềm vui khi được ngồi dưới mái nhà nghèo đầm ấm của mình. Tôi ở chơi với anh mấy ngày, nằm gác chân lên nhau trò chuyện cả buổi. Anh nói anh đã từ quân đội chuyển ra báo Lâm Đồng được hai năm. Đợt này anh quyết định xin chuyển về tỉnh để được gần quê. Anh kể chuyện quân ngũ cho tôi nghe. Phan Đức Chính vào bộ đội từ năm 1963, năm anh vừa 18 tuổi. Ở quân chủng Phòng không - Không quân một thời gian anh được cử đi học y sĩ. Anh đã theo đơn vị tham gia chiến dịch đường Chín - Nam Lào, anh còn được biên chế vào Trung đoàn tên lửa SAM II anh hùng bảo vệ bầu trời Hà Nội trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Rồi anh theo đơn vị đi dọc đất nước tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Suốt 15 năm sống, chiến đấu trong quân đội, ngoài nhiệm vụ cứu thương cho bộ đội, anh còn tranh thủ thời gian viết báo và làm thơ. Vì có tác phẩm đăng báo, anh được cử đi dự trại viết văn của quân chủng Phòng không - Không quân, được các nhà văn có tên tuổi giảng về lý luận và hướng dẫn sáng tác. Những bài thơ “ Hoa trên trận địa”, “Đôi dép bác Hồ”, “Khóm dừa và ngôi nhà bác ở” của anh là viết ở trại viết văn đó. Bài thơ đầu tay của anh viết năm 1968 được đăng trên báo Quân đội nhân dân đã le lói một nhà thơ có hứa hẹn: Những cánh hoa mà ta yêu dấu/ cánh vươn dài trên đất bỏng hôm nay/ hoa rực lên màu hồng chiến đấu/ đạn bom rền hoa vẫn ngát hương bay… Anh thường viết trên đường hành quân, giữa hai trận chiến đấu. Có lần gặp đoàn xe chở vũ khí, quân nhu từ chiến trường trở ra Bắc, anh chép vội bài thơ mới viết gửi một lái xe chuyển ra, sau này anh mới biết bài thơ đã được đăng trên tạp chí tác phẩm mới danh giá thời ấy. Khi chuyển về Thái Bình, anh đã là cây bút có tên tuổi trên báo chí và được nhiều bạn đọc biết. Phan Đức Chính viết không nhiều và rất thận trọng khi cầm bút. Anh thường nghiền ngẫm ý tưởng cho bài thơ, trăn trở vật vã khi viết. Nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Phan Đức Chính sớm xác định cho mình bất kỳ bài thơ nào cũng phải có “tứ” mới. Đó là điều đáng quý nhất ở Phan Đức Chính. Vì thế thơ anh viết không nhiều nhưng còn lại nhiều hơn người viết nhiều. Mẹ và Làng quê là hai đề tài Phan Đức Chính có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay nhất, mặc dù thơ chiến đấu, thơ thế sự anh cũng khá thành công. Cảm hứng về quê hương của anh cũng thật hào sảng ngay từ thời thơ bé:
Cho con cưỡi buổi chiều hè
Trên lưng trâu thả hồn quê lên trời
(Bao giờ cho đến ngày xưa)
Trong mảng thơ viết về làng quê, về tình yêu của Phan Đức Chính, một trong những bài tôi thích là “Chút lửa ấm vụ Đông”.
Chút lửa ấm vụ đông
Có một vụ đông rau diếp làm đình
Cha mẹ thương nha bên này, bên nấy
Chiếc nón lá giấu đi mà chẳng lấy
Trả nón rồi đưa dâu.
Có một vụ đông xao động buồng cau
Anh đón em về bên đây đò giống
Củ khoai tây hồng như quả trứng
Bắp cải tròn gói cái rét vào trong.
(Phan Đức Chính)
Có một vụ đông rau diếp làm đình. Câu thơ đầu tiên của bài thơ tám câu đã bất ngờ mở ra một miền ca dao cổ tích:
Bao giờ chạch đẻ ngon đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim thái gém thì mình lấy ta
Là sự chòng ghẹo, trêu đùa sao, hay là thách đố của tình yêu? Cũng như câu “chiếc nón lá giấu đi mà chẳng lấy”, đầy ý nhị của tình yêu chỉ có ở làng quê. Mình với ta yêu nhau, nhưng đã đủ niềm tin để lấy được nhau chưa? Mà cũng là bao khó khăn thách thức về lễ nghi, thủ tục, sự chấp thuận của mẹ cha, họ hàng, làng xóm. Rồi phong tục, tập quán, lễ giáo và kỷ cương. Cưới xin là việc hệ trọng nhất của một đời người, là một nghi lễ lớn của văn hóa làng. Vì thế không dễ dàng gì, vì thế mới rau diếp làm đình. Bài thơ tám câu nói về tình duyên của cha mẹ, rồi tình duyên của chúng mình trong một vụ Đông.
Có một vụ đông xao động buồng cau
Anh đón em về bên đây đò giống
Củ khoai tây hồng như quả trứng
Bắp cải tròn gói cái rét vào trong.
Đám cưới thật mộc mạc, giản dị và thân thương. Anh đón em về bên đây đò Giống. Đám cưới của cha mẹ cũng giản dị như vậy: trả nón rồi đưa dâu. Thủ pháp của Phan Đức Chính trong bài thơ này là rất thâm hậu. Anh vẫn đi đúng phương pháp sáng tác của mình là luôn cấu tứ chặt chẽ và để hình tượng thơ nói thay mình những nghĩ suy thầm kín. Đây thật ra là một bài thơ tình nói về tình yêu, hạnh phúc của đời cha mẹ đến đời con cái, nhưng là của người quê mình mang đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc. Giản dị mà sâu nặng. Đám cưới không hoa, không pháo, đơn giản là “trả nón rồi đưa dâu” và “anh đón em về bên đây đò giống”, mà sao đầm ấm và sâu nặng nghĩa tình.
Nhưng điều ngạc nhiên là câu kết của bài thơ, một trong những câu thơ hay nhất của Phan Đức Chính: “Bắp cải tròn gói cái rét vào trong”. Mới đọc, cảm thấy câu thơ rất hay này không ăn nhập với không khí toàn bài. Nhưng ngẫm kỹ, lại thấy nó có mối liên hệ với câu mở đầu: “Có một mùa đông rau diếp làm đình”.Mình với ta đến với nhau đã khó, nhưng dựng xây nên hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người, sống với nhau trọn đời tốt đẹp còn khó hơn. Vì thế, bắp cải tròn gói cái rét vào trong. Bởi vì không có hạnh phúc dễ dàng, cũng không có vinh quang may mắn.Thông điệp của Phan Đức Chính gửi đến bạn đọc là thế. Một bài thơ lấy cảm hứng từ ca dao tục ngữ, thấm đẫm hồn quê được viết ra vô cùng giản dị và khúc chiết.
Phan Đức Chính viết không nhiều nhưng viết rất khó khăn và kỳ công. Như đã nói ở trên, Phan Đức Chính thành công hơn cả khi viết về làng quê và viết về mẹ. Anh cũng là một trong số ít nhà thơ có nhiều câu thơ hay để lại cho nền văn học ghi dấu ấn của riêng anh, không giống với bất kỳ ai:
Tiếng đàn bầu ngả nón xuống dòng sông/Bắp cải tròn gói cái rét vào trong. Tiếng chim trời lên đây đậu lại, sao mây lại cắm sào trên bến Âu Lâu/ Chúng con cúi rạp mình tát nước, mưa từ trong đất mưa ra/ Đất làng ta cũng giống bao làng khác, mọi cái nghèo đều dễ nhận ra nhau…
Và anh viết về mẹ: Mẹ ơi, nếu biết ngày mai chúng con chóng già hơn mẹ/ thì những ngày xưa mẹ chẳng vội lấy chồng/ Mưa đời mẹ, đời con sao khỏi ướt/ Nơi con cò đậu cọc cầu ao/ mẹ vo gạo con cò bay đến đậu/ Mẹ biết gói câu ca trong chiếc lá/ Mẹ như mầm non mọc trước hoàng hôn…
Phan Đức Chính sống bình dị và lặng lẽ. Anh tránh xa những ham hố ồn ào của thời kinh tế thị trường và công nghệ thông tin đang thịnh hành, thời mà người ta có thể một ngày làm dăm bẩy bài thơ, một năm tự bỏ tiền ra in vài tập thơ rồi bỏ tiền ra thuê quảng cáo, ca ngợi. Anh thanh thản ở một vùng quê, làm thuốc và nghiền ngẫm, chậm rãi viết ra những bài thơ thấm đẫm hồn quê và tình người. Và anh đã có chỗ đứng riêng trong đời sống văn học của đất nước.
Đức Hậu