Đọc: “Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp” của Trần Ngọc Phú
Ngày: 18/11/2021
Bộ hồi ký được viết bởi một người lính - tác giả Trần Ngọc Phú là người trong cuộc; đọc kỹ từng trang, từng phần, từng tập, giúp ta cảm nhận của chiến tranh vô cùng khốc liệt

Trời mùa đông lất phất mưa bay, ngồi nhâm nhi tách cà phê trước hiên nhà, đọc bộ hồi ký 3 tập (với tổng số 870 trang) của tác giả Trần Ngọc Phú: “Từ Biên Giới tây Nam đến đất Chùa Tháp”, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành từ năm 2016 đến 2018; càng đọc càng thấy hấp dẫn lôi cuốn đến lạ kỳ. Tôi thực sự xúc động và bất ngờ; xúc động bởi bộ 3 tập hồi ký của tác giả như một bộ biên niên sử ghi chép khá tường tận về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tây Nam và sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của nhân dân và quân đội đã đối với nhân dân Campuchia giúp họ thoát khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri - Khiêu Xăm-phon… gây ra, mà nhân chứng sống tiêu biểu cho cuộc chiến tranh vĩ đại đó là những cán bộ, chiến sĩ của Quân Đoàn 4 và sư đoàn 341 - một sư đoàn anh hùng, cùng các đơn vị quân binh chủng khác của quân đội ta.

Bộ hồi ký được viết bởi một người lính - tác giả Trần Ngọc Phú là người trong cuộc; đọc kỹ từng trang, từng phần, từng tập, giúp ta cảm nhận của chiến tranh vô cùng khốc liệt.

Tôi tự hỏi lòng mình:phải chăng hồi ký của anh là tâm tình của một người lính về những buồn vui, gian nan vất vả thậm chí đổ cả máu và nước mắt mà anh cùng đồng đội đã trải qua trong chiến tranh bảo vệ biên giới tây Nam của Tổ quốc, dường như tác giả đang thủ thỉ tâm tình, san sẻ nỗi buồn và sự thương nhớ những đồng đội đã hy sinh qua từng trang sách; nó như một nén tâm nhang rừng rực của anh trước mồ của những người bạn cùng chiến đấu đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, sự bình yên của nhân dân. Đúng như tác giả tâm sự: “…Bây giờ khi viết  những dòng hồi ức này, tôi không cầm nổi nước mắt rơi xuống bàn phím, kính đã nhòe, vô cùng thương nhớ đồng đội hiền lành đã cùng ở với nhau mấy năm đầu quân ngũ…” (trang 29-tập-1-sdd)…và :”…Mạng sống của con người là vô giá, nhưng trước họa diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri - Khiêu Xăm-phon gây ra, đồng đội tôi đã ngoan cường chiến đấu, hy sinh quên mình. Chúng tôi sẽ trở về quê mẹ, máu của các anh ở lại và đã thấm sâu vào lòng đất. Dòng máu ấy như nguồn mạch chảy mãi không ngừng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia bất diệt…..”- (trang 316, tập 1-sdd).

Qua từng trang sách của tác giả cũng toát lên trách nhiệm của những người còn sống với những người đã mất, với thân nhân gia đình của họ, với đất nước và nhân dân.

Tác phẩm: “Từ biên giới tây Nam đến đất nước chùa Tháp” được Trần Ngọc Phú khởi viết từ năm 2007; nội dung tác phẩm phản ánh những diễn biến lịch sử trên đất nước Campuchia và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam  của nhân dân và quân đội ta ở giai đoạn từ tháng 7 năm 1977 đến tháng 1 - 1979. Đó là những trận tàn sát đẫm máu nhân dân Campuchia bằng các loại vũ khí thô sơ thời trung cổ bằng búa, rìu và cả cuốc, xẻng… của  chính quyền Khmer Đỏ chúng đã giết hại hàng triệu người dân Campuchia vô tội.

Sau năm 1975, Khmer Đỏ đã cho quân đánh chiếm và giết hại những người dân Việt Nam ở các đảo Thổ Chu, Cô Tang và lấn sang biên giới tây Nam Việt Nam, tàn sát nhân dân ta ở khu vực biên giới như Xà Mát, Thiện Ngôn (tỉnh Tây Ninh); An Giang, Hà Tiên, Kiên Giang. Tháng 7 năm 1977, sư đoàn 341 thuộc quân đoàn 4 và các đơn vị khác của quân đội Việt Nam đã phải hành quân tới biên giới tây Nam chiến đấu để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng lực lượng cách mạng Campuchia chiến đấu chống bọn phản động Khmer Đỏ giải phóng thủ đô Phnôm Pênh ngày 7 - 1 - 1979, truy đuổi tàn quân địch, giải phóng đất nước Campuchia và cứu nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, xây dựng chính quyền mới vững mạnh, mang lại hòa bình và cuộc sống ấm no  hạnh phúc cho nhân dân đất nước Chùa Tháp..

Tập 1 và 2 của  bộ hồi ký “Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa Tháp” của Trần Ngọc Phú  viết về  giai đoạn  bảo vệ biên giới  dọc từ Tây Ninh đến Hà Tiên, Kiên Giang của quân đội và nhân dân ta (từ tháng 7 - 1979).

Tập 3 là diễn biến từ đầu tháng 1 - 1979, Quân đội Nhân dân Viêt Nam đáp lời kêu gọi cứu giúp của mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia, cùng lực lượng cách mạng Campuchia tiến công tiêu diệt  tập đoàn Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô PhnomPenh ngày 7 - 1 - 1979. Ở tập sách này, tác giả đã phản ánh trung thực, rõ nét những khó khăn vất vả và sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam  trong cuộc chiến truy quét tàn quân Khmer Đỏ, bảo vệ và giải phóng nhân dân, xây dựng chính quyền mới ổn định, vững mạnh; đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân Campuchia.

Cả ba tập hồi ký với ngòi bút của người lính từng tham gia chiến trận đã giúp cho độc giả thấy rõ sự ác liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tây Nam của Tổ quốc Việt Nam trong cuộc chiến đối mặt với kẻ thù, trước cái chết cận kề, viên đạn vô tình hay hữu ý có thể hạ sát mình bất cứ lúc nào, nhưng những người lính trẻ tuổi chưa tròn đôi mươi vẫn hồn nhiên yêu đời, tin tưởng vào chiến thắng chính nghĩa vào tương lai tốt đẹp của đất nước.

Không chỉ có vậy, tập hồi ký của Trần Ngọc Phú còn toát lên những tâm lý người lính trong chiến tranh, tình yêu thương đồng đội, hậu phương, người lính có cả hai hậu phương: hậu phương gia đình người thân ở miền Bắc và hậu phương miền Nam, nơi mà những người lính đã từng sống khi làm quân quản ở Thành Phố Hồ Chí Minh hoặc ở các xã giáp biên giới. được đồng bào địa phương hết sức yêu thương đùm bọc họ như con ruột của mình.

Điển hình như má Mỹ ở Thường Thới Tiền, Hồng Ngự, Đồng Tháp và các má khác, đã cùng nhau đi hàng trăm km từ Đồng Tháp lên Thành Phố Hồ Chí Minh rồi đi Tây Ninh, đến cửa khẩu, ra chốt thăm hỏi, động viên và cũng để hiểu thêm những gian khổ hy sinh của bộ đội ta.

Tuổi thanh niên ai mà chẳng có mơ ước, ai mà chẳng có tình yêu nam nữ, nhất là với những người lính trẻ xa nhà, xa quê hương, xa người thân. Chính vì thế với tính hồn nhiên của tuổi trẻ, sự trung thực, chân tình của người lính ở những nơi đóng quân không chỉ có các má dành cơm, chia sẻ món ăn ngon cho các "con" của má mà họ còn dành được những cảm tình sâu nặng của những người con gái ở nơi đây. Ở đó, tình yêu lứa đôi của người lính chiến trường thoáng qua mà sâu nặng, trong sáng, thánh thiện, Từ người con gái Tây Ninh tên là Cúc bán hàng nước giải khát, đến cô nữ sinh tuổi đời còn rất trẻ tên là Thanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, họ đều là những nữ thanh trẻ đẹp, đáng yêu.

Đọc bộ hồi ký của Trần Ngọc Phú ta thấy rõ khi cầm súng đánh giặc bảo vệ biên giới tây Nam, anh cũng như hàng ngàn đồng đội trẻ của mình đều chưa biết đến nụ hôn đầu đời, chưa cảm nhận được sự rung cảm của trái tim tình yêu nhưng anh lại nhận thức rất rõ được tình cảm chân tình mà những người con gái đã thầm yêu trộm nhớ anh, dành cho anh, nhưng anh đã tế nhị, nhẹ nhàng từ chối tình cảm ấy. Không phải anh có trái tim sắt đá nguội lạnh trước tình yêu mà bởi anh nhận thức được sự rủi ro giữa sống và chết của người lính trận. Ở đó, những trận đánh quyết liệt, những hy sinh mất mát to lớn của cán bộ và chiến sĩ, những tình đồng đội cao cả, những thiếu thốn về vật chất và tinh thần của người lính được khắc họa rõ ràng, chân thực và sống động. Trong chiến tranh tổn thất đôi bên tham chiến là chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Tác giả đã viết rất trung thực những thắng lợi và cả những sự hy sinh tổn thất của đơn vị mình qua từng trận đánh có trận chiến ta tổn thất nặng nề: đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 273, sư đoàn 341 bị thương và hy sinh chỉ còn hai ngườì: một anh nuôi, một quản lý đại đội. Hay: đại đội 2 tiểu đoàn 7 trung đoàn 64 sư đoàn 320 sau một trận đánh chỉ còn 3 người. (Trang 16, tập 2).

Qua từng trang sách của tác giả ,ta nhận thấy ở đó các vấn đề lớn như: Nghệ thuật chiến tranh; chiến lược và chiến thuật, nghệ thuật nghi binh, thời cơ và chớp lấy thời cơ được trình bày, được mổ xẻ một cách khoa học, sâu sắc với những quyết định chính xác thần tốc tiến công địch mà những vị chỉ huy chiến dịch, chỉ huy quân đoàn, sư đoàn sáng suốt vạch ra để đảm bảo dành chiến thắng qua từng trận đánh và cuối cùng là phối hợp với quân đội cách mạng Campuchia cuộc tổng tiến công đánh đuổi bè lũ Pôn Pốt ra khỏi đất nước chùa tháp.

Không chỉ có nói tới chiến tranh biên giới tây Nam mà tác giả còn đề cập tới những vấn đề thực trạng nền kinh tế Việt Nam, nhất là sự biến động bất ngờ tình hình kinh tế miền Nam sau giải phóng, những khó khăn về vật chất, người dân vượt biên khá nhiều trong giai đoạn này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến, trong tập hồi ký, Trần Ngọc Phú quan tâm cả đến vấn đề tôn giáo và tâm lý, tình cảm của người lính: hòa bình và chiến tranh, nếu nhìn ở góc độ địa giới thì chỉ cách nhau một mương nước, một con đường đất nhỏ, một bên là hòa bình, bên kia là chiến tranh. Khi cái chết luôn thường trực. Rồi vấn đề công tác tư tưởng về sự có mặt của quân đội Việt Nam trên đất Campuchia đối với bộ đội Việt Nam và đối với nhân dân Campuchia như thế nào? Thật không đơn giản. Đây là vấn đề lớn trong công tác tư tưởng, công tác dân vận - địch vận lúc đó. bộ hồi ký cho ta thấy bản lĩnh chính trị của bộ đội ta vững vàng, tuyệt vời; tất cả đều được tác giả dẫn dắt bạn đọc qua từng trang sách.

Cuộc chiến tranh chống bọn phản động Khmer Đỏ ở biên giới tây nam của tổ quốc, đối với người Việt Nam, dù giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng ít nhiều vẫn bị bất ngờ. Bởi khó có thể tin được, một Việt Nam bé nhỏ, vừa trải qua 30 năm chiến tranh khốc liệt, mới giành được hòa bình lại bị ngay chính quyền phản động Khmer Đỏ gây chiến, tấn công. Cuộc chiến bảo vệ biên giới, rồi cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng dưới chế độ Pônpốt của Việt Nam được người dân Campuchia coi như là những người anh hùng tái sinh ra họ lần thứ hai. Họ gọi bộ đội Việt Nam là: “bộ đội của phật”.

Qua từng trang hồi ký cho thấy tác giả luôn bày tỏ nỗi lòng trăn trở thương nhớ những đồng đội gần gũi và đáng kính như hai người Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Sông Thao và Ngô Khắc Quyền, được nói đến nhiều trong cuốn sách này.

Bộ ba tập hồi ký được viết với văn phong giản dị, cấu trúc của bộ  hồi ký nhiều lớp lang, không theo tuyến tính trình tự. Tác giả thường dùng thủ pháp đảo thời gian, tái hiện những sự kiện, những giai đoạn khác nhau cùng đồng hiện, để người đọc, không bị rơi vào lối mòn bị gây nhàm chán.

Nếu tác giả Trần Ngọc Phú không phải là người trong cuộc, không có bầu nhiệt huyết với đơn vị với đồng đội, không say mê, không tài hoa, không vững vàng, không thể viết được như thế. Có thể nói: bộ hồi ký "Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp" là một pho lịch sử về chiến tranh bảo vệ biên giới tây Nam và cuộc chiến của quân đội tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Là nguồn tư liệu hiếm, quý và trung thực nhất về những năm tháng hào hùng, và đầy bi tráng của dân tộc ta. Chắc chắn hiện tại và những thế hệ tiếp theo sẽ còn đón đọc và lưu tâm tới bộ hồi ký này.

Năm 2019, một vinh dự đến với Trần Ngọc Phú, anh đã  được kết nạp vào chi hội văn học - Hội Văn học nghệ Thuật Thái Bình.

Bộ ba tập hồi ký "Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp" là sáng tác đầu tay của Trần Ngọc Phú; một niềm vui bất ngờ đã đến với anh khi bộ hồi ký của anh  đã được trao tặng  giải thưởng văn học “Sông Mê Kông” vào tháng 12 - 2020. Điều đó chứng tỏ cộng đồng thế giới luôn nhìn nhận một cách chân thực về sự hy sinh to lớn của bộ đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới tây Nam và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt - Yêng Sa Ry…

Giải thưởng Văn học “Sông Mê Kông” được tổ chức mỗi năm một lần, (gồm 6 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan); mỗi nước được chọn đề cử một tác phẩm văn xuôi và 1 tác phẩm thơ. (quy định của giải không có giải nhất, nhì, ba); tổ chức giải xoay vòng mỗi năm có một nước đăng cai. Năm nay nước chủ nhà Campuchia là nước đăng cai.

Xin chúc mừng Trần Ngọc Phú, thành công vang dội của anh trên văn đài và giải thưởng "Sông Mê Kông" mà anh vừa được tôn vinh.

 Chúng ta tin rằng trong tương lai không xa anh sẽ còn sáng tác được nhiều tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật cao; góp phần vào việc nâng tầm giá trị của nền văn chương Thái Bình nói riêng văn chương Việt Nam nói chung, trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Đặng Hùng