Đặng Hấn đùa vui nghiêm túc
Ngày: 18/11/2021
Nhà thơ Đặng Hấn thích đùa vui với trẻ em và cả với người lớn. Đùa vui tới mức viết quá trình học tập, lập thân, lập nghiệp, một việc cần nghiêm túc

Nhà thơ Đặng Hấn thích đùa vui với trẻ em và cả với người lớn. Đùa vui tới mức viết quá trình học tập, lập thân, lập nghiệp, một việc cần nghiêm túc, ông vẫn gói gọn vào bốn câu có vẻ như thơ: "Học toán xong rồi nghiên cứu toán/ Rồi đi dạy toán chục năm dòng/ Năm mươi tuổi thành nhà thơ trẻ/ Chuyên làm thơ cho lứa nhi đồng".

Làm thơ cho "lũ trẻ con", ông càng thích đùa vui. Đùa vui rồi hãy đưa ra điều khuyên bảo. Trong bài "Đỏ chon chót", ông viết: "Đỏ chon chót: Hoa mào gà/ Trắng ngà ngà: Nõn cải bắp/ Tím ngăn ngắt: trái mồng tơi/ (…) Chua giôn giốt: Lá chua me/ Xanh lè lè: Mắt mèo mướp/ Trơn tuồn tuột: Cháu thuộc bài…".  Trong bài tự thuật, ông viết: "Trường tổng hợp có chàng/ Dáng thất thểu lang thang/ Người cao cao ôm ốm/ Da tai tái vàng vàng/ Ghét rượu chè, thuốc xái/ Nghiền ngô, sắn, khoai lang/ Nết hiền - nhiều lúc bướng/ Thuần tính - lắm khi ngang/ Học hành chăm đáo để/ Thi cử chẳng phải xoàng/ Châm chọc chừng kha khá/ Thơ thẩn biết làng nhàng…

Ông Đặng Hấn làm thơ, viết văn cho cả người lớn và trẻ em, song phần viết cho trẻ em nổi trội hơn. Vì vậy ông được nhiều đồng nghiệp quan tâm, bình luận. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc bản thảo của ông rồi góp ý: "Anh Hấn thân mến! Đầu tiên mừng là khả năng thơ anh khá rõ. Anh có thể theo đuổi. Nói chữ "có thể" vì có nhiều người không nên khuyến khích, hoặc chỉ khuyên họ viết truyện, lý luận chứ đừng làm thơ.

Có những khả năng gì đó mới nên làm thơ. Một trong những khả năng đó là tưởng tượng. Óc tưởng tượng anh khá phong phú. (nhưng đó cũng là tai họa sau này).

Nhờ có tưởng tượng nên anh biết tìm cái tứ. Thơ không có tứ, cũng có thể rất hay. Đó là cái hay của tình thật, cảnh thật, của văn hay. Nhưng có tứ thì nó thêm chất trí tuệ, sáng tạo. Có tứ, dễ sáng tạo, nhưng lại cũng mấp mé giả tạo. Làm thế nào để óc tưởng tượng, để nuôi nó trong sáng tạo, không rơi vào giả tạo?(…)

Tôi đề nghị anh đọc ngay bây giờ những nhận xét của tôi bên lề các trang bản thảo của anh. Nhưng để đó một hay hai năm sau đọc lại. Và có lẽ lúc ấy anh sẽ hiểu rõ ý tôi.

Các bài thích tôi đánh dấu (+), kém thì dấu trừ (-) . (Tháng 6/1986, nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên cho bản thảo tập "Những chuyện thần tiên" của Đặng Hấn)

Nhà thơ Nguyễn Thái Vận viết: "Đặng Hấn xuất hiện trong danh sách những người trúng giải cuộc thi viết cho các em với tập thơ "Cầu chữ Y". Phải nói rằng viết cho các em, Đặng Hấn nhạy cảm, giàu óc tưởng tượng. Anh nhìn thiên nhiên, sự vật, con người và cuộc sống xung quanh với con mắt trong sáng tươi non và mới mẻ. Đã nhiều người viết về con ve sầu, thế mà anh vẫn có riêng một con ve vui tặng các em: "Con ve bằng đốt ngón tay/ Chứa trăm băng nhạc chưa đầy bụng đâu/ Tại sao lại bảo ve sầu/ Nhạc ve nhuộm đỏ một màu phượng vui".

Tập thơ "Cầu chữ Y" còn nhiều bài nói về tình cảm bà cháu, cha con, mẹ con với những nét ngộ nghĩnh mà rất tinh tế đằm thắm, tạo được ý nghia giáo dục.

(Trích bài "Đọc cầu chữ Y", báo Văn Nghệ 25/10/1986)

Nhà thơ Trần Thanh Địch viết: "Tập thơ "Cầu chữ Y" của Đặng Hấn chỉ có 20 bài nhưng khá vững chãi, bé hạt tiêu. Nhiều chất lãng mạn thiếu nhi, nhiều kịch tính đột biến, hóm và thông minh… Mỗi bài thơ đều mang một nội dung giáo dục mà vẫn mượt mà tươi tắn… Mỗi nội dung đều được Đặng Hấn khai thác với những đường nét và màu sắc khác so với những cách nhìn thường tình.

("Cầu chữ Y" của Đặng Hấn, Văn Nghệ TP.HCM, 12/11/1986).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: "Đặng Hấn là nhà thơ đích thực viết cho thiếu nhi. Anh có nhiều bài thơ vươn được tới con trẻ mà còn chinh phục được cả người lớn. Anh đã hai lần được Hội nhà văn trao giải thưởng cho mảng văn chương khó viết này…"

 (Trích bài đăng báo Nhân Dân, 31/10/2000)

Nhà thơ Phạm Hổ bình bài thơ "Cầu chữ Y": Bài thơ cho bạn đọc thấy mấy điều bất ngờ. Đầu tiên là sự giống nhau và khác nhau giữa những cái cầu bình thường với cái cầu nói trong bài thơ. Cầu nào cũng là chữ I cả, nhưng một bên là I ngắn, một bên là Y dài.

Điều thứ hai: cái cầu này là một ngã ba, nơi mà người ta rất dễ lạc lối. Nhưng ở đây không ai bị nhầm. Điều đó đủ biết giữa người và cầu đều hiểu nhau, thân thuộc với nhau (cả trên cầu và dưới cầu).

Cuối bài là hai câu kết có một ý mà hai nghĩa: Người đi trên cầu chữ Y là cao hơn cầu, vì cầu nằm dưới chân. Nhưng còn cái nghĩa thứ hai nữa: chữ nghĩa, học thức giúp con người sống đẹp hơn, cao hơn.

Bút Ngữ