CHIẾN TRƯỜNG KHÔNG TIẾNG SÚNG - GIẢI NHÌ
Ngày: 05/01/2022
Không khói lửa, không tiếng súng, không mưa bom bão đạn..., cuộc chiến của hành trình gần 600 ngày “chống giặc Covid - 19” âm thầm mà tàn khốc và đau thương.

Chiến trường không tiếng súng

                                                     

Không khói lửa, không tiếng súng, không mưa bom bão đạn..., cuộc chiến của hành trình gần 600 ngày “chống giặc Covid - 19” âm thầm mà tàn khốc và đau thương. Chiến trường nơi tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã đầu quân hơn 24.000 nhân lực y tế tham gia hỗ trợ. Khoảng 2.300 nhân viên trong số đó bị phơi nhiễm khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, 2 điều dưỡng và một bác sĩ ra đi mãi mãi. Sẵn sàng đối mặt với cam go, thử thách, kiên cường bền bỉ vượt qua mọi bão giông, hiểm nguy; sức mạnh của sự đồng cảm sẻ chia, của tình yêu thương và lòng nhân ái đã chiến thắng “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm. Ở nơi nóng bỏng nhất, trên những địa bàn nguy hiểm nhất, khi nhân dân cần nhất, những “chiến binh áo trắng” Thái Bình xứng đáng là lực lượng chi viện tuyến đầu, làm tròn sứ mệnh cao cả bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân.

KỲ I: BÁC SĨ ĐÂU CẦN LÀ ANH HÙNG!

Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày trung tuần tháng 7 không còn cảnh ồn ã, náo nhiệt của một cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam. Cơn mưa rào bất chợt như nàng thiếu nữ đỏng đảnh với tính khí thất thường đón đoàn cán bộ y tế đầu tiên của Thái Bình vào chi viện càng làm cho không khí vắng lặng trên các tuyến phố như thêm hiu hắt. Vẫn biết Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực sự mọi người không thể hình dung nổi cảnh tượng thực tại trước mắt ở chốn đô thị phồn hoa vốn trước đó sôi động là thế. Và rồi thêm một lần bất ngờ khi sự tưởng chừng như quá đỗi yên ả đó chỉ là trạng thái tạm thời ngưng nghỉ của những tiếng còi hú liên hồi từ các đoàn xe cấp cứu ken dày các phố. Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn chi viện đùa vui với chúng tôi rằng đó chính là “đặc sản” của Sài Gòn trong gần 90 ngày anh ở đó.

Tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, hệ thống y tế quá tải. Huy động nhân lực từ trung ương và các địa phương, Bộ Y tế ra lời kêu gọi sự hỗ trợ kịp thời và tích cực chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Chỉ tiêu giao quân số về Khoa Cấp cứu, không suy nghĩ nhiều, Tùng nói với Trưởng khoa: Thôi anh ở nhà, để em đi! Nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn, những lo lắng ập đến trong Tùng, bởi tất cả các thành viên trong đoàn mặc dù đều là sức trẻ, nhiều nhiệt huyết, tình nguyện xung phong lên đường không các định ngày trở về; nhưng tất cả chưa có kiến thức chuyên môn thực tế về chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid – 19, chưa từng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn...  Lúc đó, đoàn chi viện cho Bắc Giang vừa mới trở về, chưa hết thời gian thực hiện 21 ngày cách ly theo quy định; việc học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp, kịp thời là không thể. Cũng đúng ngày lên đường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 – nơi đoàn sẽ vào hỗ trợ bất ngờ gọi điện thông báo đã có sự tiếp ứng từ đoàn Quảng Ninh. Lại thêm tâm lý lo lắng vì bước chân đi rồi còn chưa biết vào Sài Gòn sẽ hỗ trợ ở đâu...

8 ngày chi viện cho Khoa Hồi sức Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – tuyến cao nhất điều trị bệnh nhân về phổi, đặc biệt là lao phổi, 60 “chiến binh” bắt đầu bước vào một trận chiến hoàn toàn mới lạ, chưa có ai từng được tham gia. Tùng đôn đáo vất vả trong cả hai vai: vừa đảm bảo công tác quản lý, điều hành thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ của một bác sĩ chuyên môn. Để đảm bảo quá trình vận hành tốt nhất, có thể kịp thời thực hiện hỗ trợ giữa các thành viên, Tùng thiết lập lịch trình di chuyển thống nhất chung, đồng thời phân chia thành các kíp, ca trực cụ thể để mọi người chủ động. Bắt nhập nhanh được guồng quay của công việc hoàn toàn mới, nhưng hầu hết anh em khi mới tiếp cận đều rơi vào trạng thái “sốc” tâm lý. Số bệnh nhân nặng đông không xuể, lại chủ yếu là bệnh nhân thở máy với con số thường xuyên lên tới 50 người, trong đó 30 người phải sử dụng máy thở xâm nhập, máy trợ thở oxy dòng cao, lọc máu.... Vì thế, số bệnh nhân tử vong cũng ngày một nhiều hơn, trung bình chỉ tính riêng trong Khoa Hồi sức,  mỗi ngày có tới hơn 10 bệnh nhân ra đi. Nguy cơ phơi nhiễm trong thực hiện nhiệm vụ cũng là vấn đề đáng báo động khi tính đến thời điểm đó, đoàn Quảng Ninh đã có 16 nhân viên y tế xét nghiệm dương tính với Covid – 19.

Đoàn Quảng Ninh rút quân, đoàn Thái Bình lại bổ sung chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 6 tại khu tái định cư phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức. Để thực hiện nhiệm vụ ban đầu là thiết lập và vận hành Khoa Cấp cứu công suất 200 đầu oxy trung tâm với nhân lực 75 cán bộ y tế, bao gồm 26 bác sĩ và 49 điều dưỡng; Tùng đã đích thân trực tiếp đi khảo sát thực tế, chọn vị trí phù hợp, đồng thời chủ động tư vấn cải tạo công năng. Sau 2 tuần, Khoa Cấp cứu  chính thức đi vào hoạt động với số bệnh nhân tiếp nhận ban đầu chỉ dừng ở con số 25, sau đã nhanh chóng tăng lên 170 – 180 bệnh nhân nặng thở oxy ở cả 3 dòng kính, Mask và HFNC. Bệnh nhân ngày càng quá tải nên dù đã chia 3 ca 4 kíp làm việc liên tục trong ngày vẫn không xuể. Áp lực đè nặng lên vai cán bộ y tế, nhất là ở khoa điều trị đặc biệt này, ngày nào cũng có bệnh nhân tử vong gây ám ảnh tâm lý... Chưa kể các trang thiết bị phòng hộ của Bệnh viện cung cấp không đủ, nhân viên y tế khoác trên mình bộ đồ bảo hộ suốt nhiều tiếng liền trong thời tiết nóng bức, bộ quần áo bên trong ướt sũng như nhúng nước, người cảm lạnh, người choáng ngất...

Căng thẳng là thế, mệt mỏi là thế, có những lúc nản chí muốn bỏ cuộc “đảo ngũ” là thế, song vì sức khỏe bệnh nhân, đặt lương tâm, y đức nghề nghiệp lên trên hết, 60 chiến binh cũng vượt qua. Những tin nhắn cảm ơn của bệnh nhân khi ra viện, những trường hợp bệnh nhân phục hồi một cách ngoạn mục, số bệnh nhân nặng giảm đi, tỷ lệ bệnh nhân tử vong không còn nhiều mỗi ngày... là động lực, là  nguồn vui vô tận, là cả bến bờ hạnh phúc của những chiến binh áo trắng. Chạy đua với tất cả, họ thầm lặng cống hiến, muốn cho đi thật nhiều, cho đi tất cả mà không mưu cầu nhận lại, chỉ cần nụ cười người bệnh ngày càng nhiều hơn. Vì bệnh nhân, bác sĩ đâu cần là anh hùng!

Còn với Đoàn trưởng Vũ Sơn Tùng, gần 90 ngày trải nghiệm nơi tâm dịch là ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề. Ký ức ấy là sự khốc liệt của đau thương, là nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi về những bệnh nhân trẻ dù đã tận tâm. Tận lực cứu chữa hết sức nhưng vẫn không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Nhưng ký ức ấy còn là những dư âm vang vọng của nghĩa tình đồng bào đùm bọc, thân thiện, biết sống cho nhau, vì nhau. Ký ức ấy cũng là mốc đánh dấu sự trưởng thành ngoạn mục trong chuyên môn, mở mang tầm mắt “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”; là những mối quan hệ thân thiết, rộng mở khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn tất cả, hành trang của 90 ngày trở thành cuốn cẩm nang vô giá để Tùng áp dụng thực tế trong xây dựng, vận hành cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Thái Bình ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Và cũng rất đỗi tự hào, chàng trai trẻ ấy, cánh chim đầu đàn ấy đã thực sự chiến thắng trở về từ cuộc chiến chống Covid-19 không ít gian nguy và thách thức, như ông nội năm nào cũng chiến thắng trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ gian khổ.

 KỲ II: VƯỢT QUA NHŨNG NỖI ĐAU THẦM LẶNG

Đã có ai nói, những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, việc cần làm là lựa chọn cách thức để vượt qua. Nhưng, vượt qua một nỗi đau, vượt qua trong âm thầm lặng lẽ không hề là một cách thức dễ dàng. Chúng tôi cố gắng không chạm vào nỗi đau của chị - điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung, một trong 60 cán bộ y tế của tỉnh Thái Bình tham gia đoàn công tác đầu tiên chi viện phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ký ức là những mảnh ghép đầy xúc cảm, không thể thoáng qua, không dễ xóa nhòa. Đối diện với chúng tôi, gương mặt che kín gần hết dưới lớp khẩu trang y tế không giấu được đáy sâu đôi mắt vẫn đong đầy nỗi buồn mất mát.

Đúng ngày đầu tiên của tháng 9, vừa hết ca trực ở bệnh viện, đặt bước chân đầu tiên lên xe trở về nơi nghỉ, Dung nhận điện thoại của người thân báo tin bố ốm nặng, khó qua khỏi. Bỗng nhiên, sự mỏi mệt vì áp lực công việc quá tải ập đến, đè nặng lên cả cơ thể cô. Đôi chân như hai khúc chì, cứng nhắc, không muốn bước; tưởng chừng chỉ một tích tắc nữa thôi, đầu gối rệu rã của cô sẽ long ra như những con ốc vít bị tháo rời, khuỵu xuống... Dung không nhớ mình có thể lê về chỗ nằm bằng cách nào nữa, rồi như thể người liệt giường đột nhiên bừng tỉnh sau một cơn mê dài, tiếng chuông điện thoại réo vang lúc 23 giờ đêm của chị gái với giọng nói thổn thức, ngắt quãng, nhả từng từ, từng từ ...bố... mất... rồi... em... ơi.... Đi qua cả một quãng đời, đến giây phút ấy, Dung mới hiểu, mới thấm, thế nào là cảm giác bất lực. Mồ côi mẹ từ nhỏ, đến tuổi trưởng thành lại mất cha. Cô òa khóc, không thể giấu anh em đồng nghiệp được nữa...

Bàn thờ bái vọng nghi ngút khói hương giữa tâm dịch Sài Gòn như ảo ảnh mà Dung không bao giờ ngờ được nó không chỉ còn là ở trong các bài báo cô đọc trên internet, mà đã trở thành câu chuyện có thực của cuộc đời cô, rơi vào đúng thời điểm cô cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ngoài sức tưởng tượng trước khi lên đường nhận nhiệm vụ chi viện. Nhưng rồi khó khăn không trường tồn, chỉ có con người cứng rắn trường tồn. Sau ba ngày để tang, nén nỗi đau thầm lặng cháy âm ỉ mỗi giây, mỗi phút trong sâu thẳm cõi lòng, Dung quay trở lại nơi biết bao bệnh nhân đang chờ đợi cô, cần cô hơn lúc nào hết.

Tòa nhà bệnh viện dã chiến 24 tầng, tầng 1 nơi Dung làm tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất. Trong đời làm nghề, chưa bao giờ Dung thấy ở đâu bệnh nhân đông như nơi này. Nhưng điều làm cô thực sự sốc những ngày đầu đặt chân vào đây là tỷ lệ bệnh nhân tử vong quá cao, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng như tờ giấy pơ luya, nhanh trong một tích tắc. Hàng ngày trực tiếp chứng kiến sự đau thương mất mát, nỗi buồn ly biệt với người cha quá cố cũng nguôi ngoai đi phần nào. Dung thấy được an ủi khi cha vẫn còn là người may mắn, hạnh phúc ra đi trong vòng tay của những người thân thương; còn ở đây, nơi cô hàng ngày bước qua bước lại, bệnh nhân chết không có người thân bên cạnh, đơn độc một mình ra đi... Có bệnh nhân vừa còn ngồi trên giường bệnh đó thôi, cũng vừa tự vận động đi lại khá ổn trước mặt mọi người, vậy mà một lúc sau đã chết gục trong nhà vệ sinh. Có gia đình bốn mẹ con đều nhiễm bệnh cùng vào nhập viện, hai trong bốn đôi mắt đã bị mù. Đau đớn thay, chính hai đôi mắt không thể còn nhìn thấy ánh sáng ấy lại mất luôn cả cơ hội chớp mở trong bóng tối. Sau hai ngày người mẹ mù ra đi vĩnh viễn, cô con gái mù cũng đầu hàng số phận, xuôi tay nhắm mắt.

Dung còn nhớ ngày rằm tháng 7, 7 ca tử vong liên tiếp. Sân bệnh viện càng chờ càng vắng lặng tiếng lăn bánh của xe vận chuyển thi hài. Tử thi cứ khênh ra rồi lại khênh vào, cuối cùng đành xếp gọn ở góc phòng của người còn sống. Nhiều bệnh nhân tinh thần hoảng loạn, thậm chí bị sang chấn về tâm lý khi trực tiếp chứng kiến, bỗng chốc bệnh trở nặng hơn, diễn biến nhanh, 10 ngày liên tục sốt và ho ra máu, không đáp ứng thuốc, không qua khỏi. Nặng thì thế, nhẹ cũng nằm tại chỗ, từ bơm thuốc, cho ăn đến thay bỉm, dọn vệ sinh... đều một tay điều dưỡng chăm lo. Chăm sóc bệnh nhân mắc Covid – 19 là công việc mới hoàn toàn, chưa từng có tiền lệ. Việc tập huấn cũng chỉ diễn ra trong một buổi chiều ngắn ngủi với những kiến thức chăm sóc bệnh nhân nhẹ, khác xa hoàn toàn với thực tế chăm sóc toàn diện bệnh nhân nặng. Ấy vậy mà rồi “trăm hay không bằng tay quen”, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, Dung luôn hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao, làm hết sức mình có thể.

 “Cảnh giới cao nhất của mạnh mẽ là chấp nhận. Khi nào chúng ta có thể chấp nhận được mọi biến cố xảy đến với mình, chúng ta là người mạnh mẽ nhất”. Khác với điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung, bác sĩ chuyên khoa cấp I gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đỗ Ngọc Hoàng gặp biến cố “có một không hai”: bị phơi nhiễm với Covid – 19 trong một ca trực đêm tự tay đặt ống nội khí quản cho 4 bệnh nhân để thở máy. Hoàng cười chia sẻ với chúng tôi: Lúc đầu mới biết kết quả xét nghiệm dương tính, thú thật em cũng hơi lo. Nhưng là bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, đặc biệt là kinh nghiệm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid nguy kịch, cộng với “bản lĩnh lâm sàng” vốn có, em đã nhanh chóng vượt qua tâm lý hoang mang. Hàng ngày em tự chăm sóc bản thân, giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ việc dùng thuốc theo phác đồ. Và dù trong khu điều trị, đã bàn giao vị trí kíp trưởng, nhưng Hoàng vẫn luôn theo dõi sát và tư vấn cách giải quyết mọi công việc của khoa, của kíp, của nhóm kịp thời, hiệu quả, góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, từng bước giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

Ngay sau khi khỏi bệnh, bảo đảm thực hiện thời gian cách ly theo quy định, Hoàng nhanh chóng trở lại cùng anh chị em trong đoàn tiếp tục tham gia chăm sóc và điều trị các bệnh nhân Covid – 19. Những trải nghiệm thực tế khi chính mình trở thành bệnh nhân Covid – 19 càng làm Hoàng thêm thấu hiểu nỗi đau thể xác cũng như sự xáo trộn thậm chí khủng hoảng về tâm lý của người bệnh. Được tín nhiệm phân công đầu quân vào nơi khó khăn, vất vả nhất của bệnh viện dã chiến, Hoàng đã phát huy triệt để kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn trong khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid – 19 nặng và nguy kịch thở máy. Hạnh phúc bao nhiêu với những bệnh nhân thoát được cửa tử, thì cũng bấy nhiêu lần, Hoàng và đồng nghiệp không khỏi yếu lòng, đau đớn rơi nước mắt khi chứng kiến những bệnh nhân qua đời vì biến chứng nguy hiểm của Covid – 19, dù các anh đã tận tâm, tận lực bằng cả khối óc và trái tim mong muốn cứu sống được họ. Song dẫu nghiệt ngã là vậy, cuộc sống vẫn trao tặng những khoảnh khắc, dấu ấn khó quên, từ những điều bình dị. Vẫn nụ cười đôn hậu, Hoàng không giấu niềm tự hào khi chia sẻ tình cảm của bệnh nhân chào đón anh bằng giọng đồng thanh thông báo “Bác sĩ Hoàng Thái Bình đến đấy!”. Hoán trả cho những nỗi đau thầm lặng, anh như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin và sức mạnh vào những ngày tháng tươi sáng hơn...

KỲ III: THƯƠNG LẮM NHỮNG TRÁI TIM CÔ ĐƠN

Rót cốc nước hoa đậu biếc tím xanh một màu thanh nhã đến đặc biệt mời chúng tôi uống, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Thúy - Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư bắt đầu ngay câu chuyện, như thể những mảng ký ức đã qua vẫn luôn đồng hành cùng chị, mỗi ngày một đậm nét hơn. Chưa một mũi tiêm phòng, tuổi lại đã khá cao, hoàn cảnh gia đình  cũng không thực sự rảnh rang như người khác – vẫn đang rất cần chị với vai trò người vợ, người mẹ, hơn nữa là tấm chân tình của người con dâu hiếu thảo bấy lâu vẫn chăm sóc, nâng niu mẹ chồng gãy cả hai chân không đi lại được, nhưng nhận lời động viên của ông xã “Em cứ đi, mọi việc ở nhà đã có anh lo!” người phụ nữ tưởng chừng nhỏ bé và mềm yếu ấy đã quyết định viết đơn tình nguyện, xung phong tham gia lực lượng y tế chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Những hình ảnh đau thương ở Ấn Độ mãi ám ảnh trong tâm can chị, và vô thức tâm niệm “sống chết cũng phải đi”  hối thúc chị nghe ngóng, chờ đợi, chỉ chờ có cơ hội hỗ trợ phòng chống dịch bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Ngày điều dưỡng trưởng họp chốt quân số, chị vui như chưa từng có niềm vui nào ý nghĩa và giá trị hơn thế. Không có nhiều thời gian chuẩn bị, Thúy điện hỏi kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp đang chi viện cho Bắc Giang, Bình Dương..., mau mắn trở thành người chị cả tất bật mua sắm vật dụng, nhu yếu phẩm cho các anh em trong đoàn. Ngày lên đường cũng là ngày giỗ cha, nén tâm nhang cháy đỏ trong lòng chị. Thúy bất giác nhìn qua cửa sổ máy bay, trên những tầng mây trắng, gương mặt cha lúc ẩn lúc hiện, nhưng vẫn nụ cười ấm áp và nhân hậu thân thuộc, ông như đang vẫy tay tạm biệt: “Con gái của ba chắc chắn sẽ làm rất tốt!”.

Sau màn chống giọt bắn như mờ sương vì hơi thở, thậm chí có người thêm cặp kính cận tròn xoe, Thúy vẫn còn nhớ rất rõ những ánh mắt mở to ngạc nhiên của các đồng nghiệp ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng với một câu hỏi giống nhau duy nhất dành cho chị: “Chưa tiêm sao dám xung phong đi chi viện, liều thế, không sợ lây nhiễm à?”. Và cũng chính vì lo giữ an toàn cho chị nên suốt thời gian ở đây, chị chỉ được phân công làm công việc hành chính. Nhưng khi nghe đồng nghiệp cùng đoàn kể lại những cảnh tượng đau lòng bên trong buồng bệnh, lòng Thúy như có lửa, chỉ muốn được vào khu điều trị để hỗ trợ mọi người cùng giành giật sự sống cho bệnh nhân.

“Có bao nhiêu ca tử vong?” là câu hỏi thường trực đầy lo lắng của chị mỗi sáng. Con số đó mỗi ngày một nhiều hơn, không còn cách nào khác, chị chỉ biết lăn xả vào phát cơm, mang đồ cho bệnh nhân lên các tầng cao mà không biết mệt, không thấy nặng; dẫu không trực tiếp nhưng cũng góp phần chia sẻ công việc với các lực lượng, và quan trọng hơn, kịp thời giúp người bệnh được động viên, an ủi phần nào trong cơn bĩ cực. Và như để bù đắp những khao khát cống hiến, sau khi được tiêm phòng, chuyển sang chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 6, Thúy xung phong bổ sung lực lượng ở ngay  kíp trực đầu tiên....

Trong suốt buổi trò chuyện cùng chúng tôi, lúc nào đôi mắt điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đỏ hoe, có lúc giọng chị nghẹn lại không kể tiếp được nữa... Chốc chốc chị lại vội quay đi để kiềm chế cảm xúc, lắc đầu với câu nói đầy thương cảm lúc nào cũng trực chờ trào ra khỏi tâm can chị: “Đau đớn lắm, thương bệnh nhân lắm!”. Do đặc thù của bệnh nhân nhiễm Covid-19 không thể  có người nhà đi cùng nên việc chăm sóc toàn diện hoàn toàn phụ thuộc vào nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân phải thở máy, không cử động được, cũng không nói được, điều dưỡng chỉ có thể cảm nhận mong muốn giúp đỡ của họ qua ánh mắt. Điều đó đòi hỏi phải thực sự quan sát, thực sự nhanh nhạy, thực sự để tâm và có trách nhiệm.

Ở ngay ca trực đầu tiên, vừa bước vào phòng bệnh, thoáng nhìn thấy một bệnh nhân to béo gần một tạ thở HFNC đang có dấu hiệu chuyển biến nặng, điều dưỡng Thúy vội lao vào vỗ rung hỗ trợ thở, đồng thời liếc nhìn nhanh số điện thoại ghi trên giường bệnh, kịp thời giúp bệnh nhân gọi điện cho người thân. Chứng kiến ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, nghe tiếng nói thì thào đau đớn thốt ra khó nhọc từ miệng bệnh nhân trong cơn nguy cấp: “Bố ơi, con sắp chết rồi...”, trái tim Thúy như bị bóp nghẹn... Đưa bệnh nhân chuyển tuyến gấp đi Bệnh viện Chợ Rẫy, lần đầu tiên thao tác và di chuyển trong bộ đồ bảo hộ kín mít, lùng bùng lại thêm cảm giác như ngạt thở vì đeo hai chiếc khẩu trang, Thúy và đồng nghiệp vẫn lấy hết sức chạy đua với thời gian, từng giây, từng phút. Để rồi trượt dài trên con dốc, chiếc bình ô xy bỗng nhiên đổ lăn kềnh khi gần tới xe cấp cứu. Lái xe vô tâm không những không trợ giúp mấy chị em phụ nữ, chỉ đứng một chỗ nhìn, quát tháo... Và, trong lúc làm thủ tục bàn giao cho nơi tiếp nhận mới, bệnh nhân đã phụ công các chị, không kịp chờ đợi. Khi Thúy quay ra xe để đưa bệnh nhân nhập viện, họ đã xuôi tay về với thế giới bên kia ngay trên chiếc xe cứu thương. Thúy thực sự sốc, lòng chị nặng trĩu như đang rơi dần xuống vực thẳm...

Những ngày sau đó, chỉ tính riêng khoa của chị, mỗi ngày cũng có ít nhất 3 – 4 bệnh nhân tử vong. Thực tế khác xa với thời gian chị làm việc ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khi chưa phải vào buồng bệnh. Song chính cú sốc từ ca trực đầu tiên ở đơn vị chi viện mới đã giúp chị dũng cảm đối diện với thực tế, nhận ra mình càng cần phải quyết tâm vượt qua hơn, bởi phải thực sự có một tinh thần “khỏe” – tinh thần thép mới có thể chăm sóc tốt cho các bệnh nhân, những người không có người thân yêu bên cạnh những lúc nguy kịch nhất, kể cả phút giây chia lìa... Vậy là vừa làm vừa học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, mỗi ngày bước chân vào buồng bệnh, Thúy quên cả khái niệm thời gian, quay cuồng trong công việc, tìm mọi cách tốt nhất có thể để quan tâm nhiều hơn đến mỗi bệnh nhân, và đặc biệt lưu tâm nhiều hơn đến những bệnh nhân tuổi cao, bệnh nhân không nơi nương tựa, bệnh nhân nặng...

 Ngồi với chúng tôi, chị vẫn nhớ từng tên, từng hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân. Có trường hợp bệnh nhân trẻ sinh năm 1996 đồng hương Thái Bình quê Hưng Hà, cứ nhìn thấy chị lại chới với “Chị ơi, cứu em với!.” Nhìn cậu thanh niên trạc tuổi con mình bị khủng hoảng tâm lý, ngày càng thêm suy sụp tinh thần, Thúy tìm mọi cách động viên, trấn an để bệnh nhân vững tâm phối hợp điều trị. Xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy được vài ngày, cậu thanh niên lại đề đạt nguyện vọng được quay trở về nơi Thúy chăm sóc. Sức trẻ là vậy, song do quá lo lắng dẫn tới bi quan, không cố gắng vượt qua nghịch cảnh, chàng trai trẻ ấy đã ra đi mãi mãi trên giường bệnh....

Đè thật sâu, nén thật chặt sự ủy mị của phụ nữ, ngăn không cho cảm xúc yếu đuối trực dâng trào như muốn vỡ ra trong lồng ngực những phút sinh ly tử biệt diễn ra thường xuyên, dồn dập mỗi ngày, Thúy càng thấu hiểu, chị không còn đơn thuần là một nữ điều dưỡng, hơn lúc nào hết, chị còn cần là, còn phải là bờ vai ấm áp, là chỗ dựa tinh thần duy nhất sưởi ấm trái tim yếu ớt, mong manh và vô cùng cô đơn của bệnh nhân. Với tâm niệm khắc khoải ấy, bước vào mỗi ca trực, những phút giây đầu tiên bao giờ chị cũng lưu tâm trước hết đến những bệnh nhân đặc biệt.

Bởi thế mà đồng nghiệp đã có lúc trêu đùa hỏi thăm “ông Tằng của chị Thúy” bởi người bệnh già nua này không còn người thân, luôn nằm yếu ớt thở khó nhọc trên chiếc giường gấp ở một góc phòng đón từng thìa sữa chậm rãi, kiên nhẫn của chị. Lúc tỉnh, lúc mê, tưởng chừng ông lão không còn có thể gắng gượng nổi nữa, như chiếc lá vàng xơ xác chỉ cần một làn gió nhẹ thoáng qua cũng đủ lìa cành; ấy vậy mà, có lẽ “sinh ra trong cõi hồng trần, đời người phải lấy chữ nhân làm đầu”, những nghĩa cử chăm chút tận tụy của chị Thúy đã làm hồi sinh một kiếp người. Sâu thẳm lòng mình, niềm vui mang ý nghĩa và giá trị như giây phút điều dưỡng trưởng chốt danh sách quân số đi chi viện lại rưng rưng, nhẹ nhàng lan tỏa ấm nóng trong từng mạch máu, không hẳn vì ông lão chắp hai tay ra biểu hiện cám ơn chị thay cho khẩu ngữ không nói được, mà hơn hết, mạng sống của một con người chị đã góp phần cứu giữ, và hành trình đồng hành cùng người bệnh, chị đã hái được hoa thơm trái ngọt... Ngày trở về, chị dâng lên bàn thờ cha món quà vô giá – Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh, tấm huy hiệu của UBND Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng duy nhất cho một thành viên của mỗi đoàn chi viện có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thành phố.

Chia tay Sài Gòn, chia tay những “đặc sản” là tiếng còi hú vang vọng đặc quánh cả ngày lẫn đêm trên mọi tuyến phố, là ánh sáng đèn điện lung linh huyền ảo bao phủ những dày nhà cao tầng bên trong kín mít bệnh nhân thở máy, là những bữa cơm khô cong nguội ngắt để từ trưa qua chiều đến đêm không kịp ăn, là những bộ blue ướt sũng có thể vắt ra nước giữa nắng hè chói chang oi ả... Sài Gòn đã hết giãn cách, đã không còn vắng lặng. Thành phố lại hồi sinh, hòa vào nhịp chảy sôi động và náo nhiệt. Ký ức vẫn vẹn nguyên và cuộc chiến chưa kết thúc. Nhưng ở nơi chiến trường không tiếng súng ấy, sẽ còn nhiều, còn rất nhiều chiến binh áo trắng “vì bệnh nhân, bác sĩ đâu cần làm anh hùng”./.

 

NGUYỄN THỊ HỒNG THẢI