Trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đọc văn là phân môn chính của môn Ngữ văn. Đọc văn trong nhà trường là đọc - hiểu văn bản, theo đó, với giáo viên Ngữ văn là dạy cách đọc văn cho học sinh, với học sinh là học cách đọc văn.
Trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đọc văn là phân môn chính của môn Ngữ văn. Đọc văn trong nhà trường là đọc - hiểu văn bản, theo đó, với giáo viên Ngữ văn là dạy cách đọc văn cho học sinh, với học sinh là học cách đọc văn. Hình thành và nâng cao năng lực đọc văn cho học sinh là mục tiêu mới của môn Ngữ văn ở trường phổ thông, trong đó có cấp Trung học cơ sở. Thực tế cho thấy, năng lực đọc văn của học sinh hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giáo viên chưa thật sự chắc chắn trong những tri thức về kiểu, loại văn bản khi hướng dẫn học sinh đọc - hiểu.
Đích của việc đọc một văn bản (nhất là văn bản văn học) là hiểu được mục đích giao tiếp của tác giả (ý nghĩa của văn bản) cùng cách thức biểu đạt (hình thức của văn bản), từ đó liên hệ với những vấn đề đời sống đương đại. Mỗi văn bản là sản phẩm đặc thù của sự phản ánh theo đặc trưng kiểu, loại nên chúng sẽ mang những giá trị riêng biệt về mục đích giao tiếp và cách thức biểu đạt. Từ đó, việc đọc văn bản không thể tách rời cách hiểu chúng trong đặc điểm kiểu, loại, chẳng hạn yêu cầu về đọc truyền thuyết sẽ khác với đọc cổ tích, ngụ ngôn hoặc truyện cười,…
Các bài viết trong mục “Trao đổi về cách đọc văn trong nhà trường” sẽ là những gợi ý có tính định hướng góp phần rèn năng lực đọc văn cho học sinh trong đổi mới chương trình giáo dục Ngữ văn đã và sẽ diễn ra.
Mong được bạn đồng nghiệp cùng trao đổi.
Hiểu gì khi đọc truyền thuyết.
1. Hiểu mục đích kể truyện truyền thuyết
Truyền thuyết là hình thức kể chuyện dân gian về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, qua đó thể hiện cách lí giải, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Như vậy, truyền thuyết được kể với hai mục đích. Một là giải thích các sự kiện và nhân vật theo quan niệm của người xưa (chẳng hạn như nguồn gốc của người Việt, sự tích đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, vì sao có hiện tượng lũ lụt hàng năm ở đồng bằng Bắc bộ, vì sao có tên gọi hồ Hoàn Kiếm, vì sao có tục ngày tết làm bánh chưng, bánh dầy). Hai là thể hiện thái độ và cách đánh giá sự kiện và nhân vật lịch sử như: suy tôn nguồn gốc giống nòi và ý nguyện đoàn kết thống nhất cộng đồng (Con Rồng, cháu Tiên); quan niệm và ước mơ về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm (Thánh Gióng); ước mơ sức mạnh chế ngự thiên tai (Sơn Tinh, Thủy Tinh); ca ngợi chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và khát vọng hòa bình của dân tộc (Sự tích Hồ Gươm); đề cao nghề nông và sự thờ kính Trời Đất, tổ tiên (Bánh chưng, bánh dầy)…
Mỗi truyền thuyết mang trong nó hạt nhân lịch sử. Nói cách khác, nội dung của mỗi truyền thuyết có cốt lõi sự thật lịch sử. Con Rồng, cháu Tiên; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh; Bánh chưng bánh dầy là những truyền thuyết về thời kì đầu dựng nước và giữ nước của các vua Hùng thời đại Hùng Vương. Sự tích Hồ Gươm là truyền thuyết về thời Hậu Lê,… Mỗi truyền thuyết gắn liền với tên đất tên người trong quá khứ: đất Phong Châu nước Văn Lang của Hùng Vương (Con Rồng, cháu Tiên), Lang Liêu là con thứ mười tám của vua Hùng (Bánh chưng, bánh dầy), làng Phù Đổng, làng Cháy (Thánh Gióng), thần núi Tản Viên (Sơn Tinh, Thủy Tinh), thời giặc Minh và Lê Lợi (Sự tích Hồ Gươm), …Nhưng truyền thuyết không phải là hình thức kể lịch sử, mà là lịch sử được hình tượng hóa theo trí tưởng tượng sáng tạo. Ở đây, cả người kể và người nghe tin câu chuyện như có thật, cho dù trong các văn bản truyền thuyết đầy rẫy các chi tiết kì ảo, siêu thực, phi thường. Do vậy, đọc truyền thuyết còn là để hiểu lịch sử được phản ánh trong văn học.
Nếu truyền thuyết là truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, nếu truyền thuyết có cốt lõi sự thật lịch sử, thì việc gắn kết ý nghĩa nội dung truyền thuyết với các tri thức lịch sử sẽ là yêu cầu tích hợp cần vận dụng trong đọc - hiểu. Con Rồng, cháu Tiên; Bánh chưng, bánh dày; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh là những truyền thuyết về thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu lịch sử Việt Nam. Những truyền thuyết này gắn với nguồn gốc dân tộc và công cuộc dựng nước, giữ nước thời các Vua Hùng. Sự tích Hồ Gươm là truyền thuyết về thời Hậu Lê. Do vậy, đọc truyền thuyết còn là để thấy bóng dáng lịch sử dân tộc và thời đại được phản chiếu trong các hình tượng nghệ thuật. Chứng cớ lịch sử của truyền thuyết còn được thể hiện trong những chi tiết tên đất, tên người có thật. Chẳng hạn trong văn bản Con Rồng, cháu Tiên là “Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở đất Phong châu, đặt tên nước là Văn Lang”; trong Thánh Gióng “Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư, làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng, những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những ao hồ liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét ra lửa, lửa đã thiêu cháy một làng cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy”; thần Sơn Tinh trong Sơn Tinh, Thủy Tinh là người ở núi Tản Viên (thuộc huyện Ba Vì, Tỉnh Hà Tây); Sự Tích Hồ Gươm gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn Thanh Hóa và anh hùng Lê Lợi,... Do vậy, đọc truyền thuyết còn là để tăng thêm hiểu biết và tình yêu đối với đất nước và ông cha trong các trang sử vàng truyền thống. Và đó sẽ là tích hợp truyền thuyết nghệ thuật với lịch sử và văn hoá dân tộc trong hoạt động đọc văn.
2. Hiểu những nét đặc sắc trong cách kể truyện truyền thuyết
Sự việc trong văn bản truyền thuyết là chuỗi sự việc được tổ chức như một câu chuyện có đầu cuối, gọi là cốt truyện. Các truyền thuyết du hành và đi vào trí nhớ dân gian trên cỗ xe cốt truyện này. Tính chất đơn giản và tuyến tính của cốt truyện dân gian biểu hiện rõ trong hình thức tự sự dân gian đầu tiên là truyền thuyết. Chẳng hạn, cốt truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm chuỗi sáu sự việc (Vua Hùng kén rể - Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn - Vua Hùng ra điều kiện chọn rể - Sơn Tinh đến trước, được vợ - Thủy Tinh đến sau, tức giận dâng nước đánh Sơn tinh nhưng không thắng nổi - Hàng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thua).
Đọc truyện dân gian trước hết là để nhớ và kể lại câu chuyện khi cần trong hoạt động giao tiếp. Khi câu chuyện làm tổ trong trí nhớ người học có nghĩa là một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và nhân loại được bảo tồn. Đọc truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh trước hết là nhớ và kể được truyện này từ tiến diễn của sáu sự việc đó. Việc chia nhỏ văn bản theo từng đoạn ứng với mỗi sự việc để kể và nêu sự việc chính, từ đó làm xuất hiện cốt truyện sẽ là cách đọc cốt truyện trong đọc - hiểu văn bản truyền thuyết.
Trong các văn bản truyền thuyết, sự việc gắn với nhân vật. Nhân vật, bằng hành động sẽ tạo ra sự việc, sự việc phản ánh các hành động của nhân vật. Cốt truyện truyền thuyết Thánh Gióng là chuỗi các hành động của nhân vật (Mới lên ba tuổi, Gióng đã đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc - Gióng ăn cơm của dân làng nuôi, vươn vai thành tráng sĩ - Gióng nhổ tre bên đường để đánh giặc khi gậy sắt gẫy - Gióng đánh xong giặc, cởi áo giáp sắt để lại, rồi bay về trời). Do vậy tập trung cho lời kể hành động luôn là đặc điểm của cách xây dựng nhân vật trong truyền thuyết. Nhưng các hành động của nhân vật trong truyền thuyết không bình thường mà phần phiều là phi thường do chúng xuất hiện chủ yếu ở các nhân vật siêu đẳng là thần thánh và nhất là do trí tưởng tượng của niềm ngưỡng vọng tôn vinh của người kể. Vì vậy các chi tiết kể về hành động của nhân vật trong truyền thuyết hết sức khác thường. Ví dụ, một đoạn trong Sơn Tinh, Thủy Tinh “Hôm sau, mới tờ mờ sáng, Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến trước rước Mị Nương về núi. Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp mị nương. Thần hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép lạ bốc từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời”; một đoạn khác trong truyền thuyết Thánh Gióng “Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi. nhẩy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẫy, Thánh Gióng bèn nhổ cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc. Đến đây, một mình một ngựa, Thánh Gióng lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời”.
Truyền thuyết không nhằm tạo ra nhân vật như là tính cách xã hội phản ánh đặc điểm của loại người này hay loại người khác trong hiện thực đời sống, mà tạo ra câu chuyện của các nhân vật (là thần như Thánh Gióng ; bán thần như Sơn Tinh, Thủy Tinh; là người như Lang Liêu) nhằm giải thích hiện tượng từ đó nói lên mơ ước của nhân dân, do đó các nhân vật truyền thuyết là các biểu tượng nghệ thuật. Thánh Gióng là biểu tượng cao cả của người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm, từ đó là biểu tượng của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước của nhân dân ta ; Sơn Tinh là biểu tượng của sức mạnh và ước mong chiến thắng thiên tai của người Việt cổ; Lang Liêu là biểu tượng của tình yêu lao động trồng trọt và sự thờ kính Trời, Đất, tổ tiên của nhân dân ta.
Từ đó, mục đích đọc truyền thuyết không dừng lại ở việc nhận ra ý nghĩa giải thích hiện tượng, mà còn là và chủ yếu là hiểu các ý nghĩa biểu tượng của nhân vật từ các sự việc và các hành động phi thường của họ nổi bật trong văn bản.
3. Hiểu ý nghĩa của truyền thuyết trong xã hội ngày nay
Truyền thuyết có từ lâu đời và được lưu truyền tới ngày nay là bởi ý nghĩa trọng đại của nó đối với đời sống cộng đồng. Ngày nay, bằng thành tựu khoa học kĩ thuật, người ta có thể giải thích chính xác các hiện tượng mưa gió bão lụt. Nhưng trong khi tưởng như không cần nương nhờ vào sức mạnh siêu phàm của thần Sơn Tinh thì chính chúng ta đã và đang thực hiện ý chí và ước mơ chiến thắng thiên tai từ ngàn đời của ông cha ta. Chúng ta không quên ý chí và ước mơ ấy của ông cha trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay. Sau thời giặc Ân, đất nước ta còn đứng trước biết bao hiểm họa xâm lăng. Vì độc lập tự do cho dân tộc, chúng ta đã chiến đấu không chỉ bằng vũ khí sắt thép, tre nứa sẵn có. Nhưng sức mạnh vượt trội của chúng ta chính là lòng yêu nước mãnh liệt sẵn sàng đồng sức, đồng lòng, không sợ nguy nan, xả thân vì đất nước. Tinh thần ấy được khơi lên và tiếp sức từ Thánh Gióng. Những đền thờ ghi công, tưởng nhớ người anh hùng dựng nước và giữ nước; những lễ hội tưng bừng tái hiện và vinh danh công đức của các bậc tiền nhân làm rạng danh đất nước xuất hiện ở nhiều địa phương trên đất nước ta,... Điều đó cho thấy truyền thuyết mãi là giá trị thiêng liêng trong lòng dân tộc, và trường tồn cùng thời gian. Đó là đọc văn gắn với đời sống.
Trần Đình Chung