"Tiểu Đội Xe Không Kính” Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ lái xe trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
"Tiểu Đội Xe Không Kính” Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ lái xe trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
Không có kính, ừ thì có bụi...
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời.
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Phạm Tiến Duật
Phạm Tiến Duật - Nhà thơ chiến sĩ, với những bài thơ để đời của anh, một trong những bài thơ đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ấy là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Có thể nói, ngay từ chùm thơ đạt giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 (1), Phạm Tiến Duật đã định hình một phong cách cá nhân, đồng thời dõng dạc khẳng định dòng thơ trẻ thời chống Mỹ với những tên tuổi lấp lánh: Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo…, những nhà thơ mặc áo lính. Trong đó, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được viết lúc anh bộ đội Phạm Tiến Duật vừa từ Bắc vào đến Hà Tĩnh, đi theo một đơn vị vận tải mới từ chiến trường ra. Yêu mến, cảm phục những chiến sĩ lái xe dạn dày khói lửa và thích thú khi ngắm nhìn những chiếc ô tô không còn nguyên vẹn mà vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu, thi sĩ họ Phạm đã viết một mạch xong bài thơ này.
Vậy, cái hay của Bài thơ về tiểu đội xe không kính nằm ở đâu?
Trước hết là tên gọi. Về mặt lô gic, hai chữ “bài thơ” không cần thiết phải xuất hiện vì bản thân tác phẩm đã hàm nghĩa “bài thơ” rồi. Tuy nhiên, sự xuất hiện từ bài thơ là để tạo ra nét tương phản với vế còn lại: tiểu đội xe không kính nghe chẳng có gì nên thơ cả. Nhan đề này nối liền thế giới thơ và phi thơ. Một cách gián tiếp, nó còn như một tuyên ngôn nghệ thuật của Phạm Tiến Duật: Đi tìm chất thơ từ hiện thực “trần trụi”, khắc nghiệt của đời sống. Chính tác giả đã khẳng định rõ điều này khi tự nói về tác phẩm của mình (2).
Bài thơ được cấu tứ dựa trên cơ sở hai hình ảnh: chiếc xe và người lính lái xe Trường Sơn. Hai hình ảnh này gắn kết chặt chẽ trong suốt bài thơ, trong từng khổ thơ. Cả hai đều trong thế động, thế đi về phía trước - phía tiền phương - mang theo một sứ mệnh thiêng liêng. Cái tài của nhà thơ là đã tạo được ấn tượng rõ rệt về sự gắn kết và vận động này, nếu không, chiếc xe chỉ là vật nằm chết cứng trong bảo tàng và người lái xe thì đang hồi ức về vinh quang quá khứ. Còn ở đây, là sự sống đang ở thì hiện tại, người và vật sống động, nóng hổi không khí chiến trường. Cái hào hùng khí phách của con người thời đại toát ra một cách tự nhiên, không hề cố ý.
Về hình ảnh chiếc xe. Văn chương cổ điển cũng có tả xe cộ, nhưng thường với nghĩa tượng trưng ước lệ hơn là tả thực "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo", hay: Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh, hoặc: "Một xe trong cõi hồng trần như bay v.v…". Nay, những chiếc xe ô tô không kính trong bài thơ là một hình ảnh thực, thực đến trần trụi. Kính xe che bụi đường, che mưa nắng, chắn vật cản..., bảo vệ an toàn cho người lái xe. Xe không có kính trông giống như người bị khoét mắt, chẳng có gì là đẹp cả, thế mà lại trở thành một đối tượng thẩm mĩ làm nền cho sự xuất hiện của đối tượng thẩm mĩ khác: người chiến sĩ lái xe.
Diễn tả cái biến đổi và bất biến, cái không và cái có là cách cấu tạo tứ thơ độc đáo Phạm Tiến Duật. Hình ảnh chiếc xe ở đầu và cuối bài thơ có sự vận động. Mở đầu là hình ảnh chiếc xe không kính bởi: Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi. Kết thúc bài thơ, tình trạng xe còn tệ hại hơn: "Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước". Sự biến đổi này khắc hoạ tính chất ác liệt, gian khổ ngày một tăng của cuộc chiến. Nhưng có một thuộc tính bất biến xuyên suốt bài thơ trong hình ảnh chiếc xe: luôn tiến về phiá trước, vì nửa đất nước yêu thương! Những từ “chạy”, “đi”, “đi tới”, “phía trước” trong những câu thơ chỉ sự chuyển động có hướng (Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim, Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa, Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới, Võng mắc chông chênh đường xe chạy, Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước) đã thoát ly khỏi hình ảnh chiếc xe, chuyển hoá thành hành động con người. Từ đó làm nổi bật vẻ đẹp bất biến: Tinh thần quả cảm của người lính luôn vượt lên, bất chấp mọi gian nan thử thách.
Bên cạnh cái biến đổi và bất biến là cái không và cái có. Cái không đến từ hiện thực chiến tranh khốc liệt và ngày càng gia tăng: không có kính, không có đèn, không có mui xe, thùng xe không nguyên vẹn vì bom đạn. Những cái không đem đến cái có của những gian khổ: "Bụi phun tóc trắng như người già, Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời". Cái không, mặt khác lại đem đến những cái có đầy chất thơ. Đó là hình ảnh thiên nhiên như một người bạn nồng hậu: "Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái". Là tình đồng đội vô tư phóng khoáng: "Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới/ Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi". Và bao trùm tất cả là có một trái tim quả cảm, cháy bỏng tình yêu nước của người chiến sĩ lái xe.
Tổ chức ý thơ theo các cặp phạm trù triết học nêu trên là một phẩm chất của tư duy thơ hiện đại khi muốn làm nổi bật lên giá trị tinh thần so với giá trị vật chất nhằm mục đích tôn vinh cái cao cả:
"Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ".
(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)
"Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi, anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ".
(Phan Thiết của anh tôi - Hữu Thỉnh)
Dùng hình ảnh những chiếc xe không kính làm điểm tựa, nhà thơ hướng đến mục đích khắc hoạ “nhân vật” (chữ dùng của Phạm Tiến Duật) người chiến sĩ lái xe với nét đặc sắc về tâm hồn, khí phách của họ.
Chính nhà thơ đã bộc lộ: “Tôi thích cái vẻ ngang tàng khí phách, thích cái chất kiêu hùng trong vẻ giản dị nhất của nhân vật”(2). Ngang tàng khí phách là thái độ đáng quý trọng của con người trước hiểm nguy, gian khổ. Người chiến sĩ lái xe thể hiện vẻ ngang tàng trong cách nói. Mở đầu:
"Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi".
Nói chuyện bom đạn vừa trải qua mà nhẹ như không. Rồi sau đó, nhắc đến việc trần mình chống trọi với mưa gió, bụi bặm mà “tặc lưỡi” coi thường:
Không có kính, ừ thì có bụi...
Không có kính, ừ thì ướt áo.
Chẳng một chút ta thán, chẳng chút băn khoăn, người lính còn tìm thấy trong cái khó, cái khổ một cơ hội để bộc lộ mình. Từ dáng ngồi rất “oách” phơi giữa thanh thiên: "Ung dung buồng lái ta ngồi" đến vẻ phong trần bụi bặm: "Bụi phun tóc trắng như người già". Từ cử chỉ hào hoa phóng khoáng: Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc, Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi; đến tiếng cười át cả đạn bom: "Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha". Xe không có kính trong ý nghĩ của họ còn mang lại cả sự tiện lợi (nói đúng ra là cái thói quen linh hoạt, tài ứng phó thích nghi trong hoàn cảnh chiến trường được dịp phát huy): bụi lấm đầy mặt “chưa cần rửa”, lại có thời gian để hút thuốc; áo ướt “chưa cần thay”, lại có cơ hội đi thêm vài trăm cây số nữa, mưa ngừng gió lùa khô mau thôi.
Nhưng ngang tàng không có nghĩa là bừa bãi, vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm. Vì họ là chiến sĩ Quân đội Nhân dân mang sứ mệnh cứu nước cao cả, nghiêm trang. Mặt khác, thực tế của chiến tranh mà họ đang phải tắm mình đủ cho họ thấy chiến tranh không phải trò đùa. Vì vậy, anh lính lái xe trong bài thơ luôn cho ta ấn tượng rất mạnh về cái nhìn. Bằng thị giác, xúc giác, bằng cả trái tim. Nhìn ra xung quanh và nhìn vào chính cõi lòng mình. Nhìn thấy cái hiện hữu và cả những gì không hiện hữu. Nhìn ra mọi chiều nhưng hướng chính là nhìn thẳng, về phía trước - hướng tiền phương!
Trong cái vẻ ngoài “ung dung buồng lái ta ngồi” là một thái độ nghiêm túc :
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng.
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Anh nhìn đất nhìn trời Tổ quốc, nhìn thẳng con đường chiến dịch phía trước, và anh là một điểm của con đường, không còn khoảng cách nữa.
Không chỉ có thế, gánh nặng trách nhiệm đâu có làm tiêu tan chất thơ của tâm hồn. Trong bao nhiêu thứ thấy, người chiến sĩ lái xe còn mở hồn đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên tạo vật lung linh chao động trong những khoảng rừng đêm yên lặng, ở những giây phút hiếm hoi của không gian trận mạc. Sự nhìn thấy chỉ có được từ những tâm hồn lãng mạn yêu đời:
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Hình ảnh thật thi vị. Dường như cả sao trời và cánh chim cũng bay theo anh, cùng anh ra chiến trường.
Chất mơ mộng của tâm hồn người lính không chỉ có trong ánh nhìn khi ngồi bên tay lái, mà còn xuất hiện trong cảm nhận ấm áp về tình đồng đội thương yêu nhau như ruột thịt lúc nấu cơm ăn, trong cảm giác chông chênh khi nằm võng lúc nghỉ, ngủ ở một điểm dừng chân:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy…
Hình ảnh cuối cùng là sự gắn kết cao độ nhất giữa xe và người. Nó tỏa lên cả bài thơ, làm cho bài thơ lung linh một ý nghĩa mang tầm khái quát:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Vâng, chỉ cần có một trái tim yêu nước thiết tha, khát khao giải phóng miền Nam thì tất cả những cái thiếu thốn vất vả đâu có hề gì. Vậy đó, người chiến sĩ lái xe khí phách ngang tàng mà đầy tinh thần trách nhiệm và tha thiết yêu thương.
Bài thơ là một trong những hình mẫu tiêu biểu cho thơ Phạm Tiến Duật. Không dài, khoảng 30 dòng, ngôn ngữ mộc mạc, những hình ảnh khoẻ, chân thực như đời sống tự nhiên ùa vào thơ, sinh động và lôi cuốn. Từ hình ảnh sáng tạo độc đáo: những chiếc xe không kính, tác giả khắc hoạ nổi bật hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn thời chống Mỹ với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, lạc quan yêu đời và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam.
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, qua bài viết này, xin thắp một nén tâm nhang dâng lên hương hồn Nhà thơ - chiến sĩ./.
Đào Xuân Ánh