70 năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng trong trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa ở xã Vũ Lễ (Kiến Xương). Dù tuổi đều đã cao nhưng mỗi lần nhắc tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, họ như sống dậy tuổi trẻ hào hùng một thời hoa lửa.
70 năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng trong trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa ở xã Vũ Lễ (Kiến Xương). Dù tuổi đều đã cao nhưng mỗi lần nhắc tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, họ như sống dậy tuổi trẻ hào hùng một thời hoa lửa.
Ông Nguyễn Văn Hiên, thôn Đồng Vân đã được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi đảng.
Thà hy sinh chứ nhất định không rời pháo
Lật lại trang ký ức đã hằn sâu trong tâm thức gần một đời người, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hiên, thôn Đồng Vân nhớ lại: Ngày đó, chứng kiến đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, tôi chỉ một lòng một dạ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Năm 1950, khi mới 23 tuổi, dù mới xây dựng gia đình nhưng tôi đã xung phong cùng lớp trai làng lên đường nhập ngũ. Cuộc hành quân đi qua nhiều tỉnh, thành phố, tham gia nhiều chiến dịch nhưng nhớ nhất vẫn là trận đánh ở căn cứ Him Lam mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, tôi biên chế tại Đại đội pháo binh 752 phối thuộc trong đội hình Đại đoàn 316 nên được tham gia đưa pháo vào trận địa, chuẩn bị cho trận đánh sinh tử. Khẩu pháo được chia ra nhiều bộ phận, cứ 4 người khiêng một bộ phận của pháo, khiêng liên tục trong đêm, mỗi đêm khiêng khoảng 2km, tùy theo từng trạm một. Ban ngày chúng tôi tranh thủ đào hầm, chặt cây rừng ngụy trang, hỗ trợ bộ phận nuôi quân đào bếp Hoàng Cầm. Trong thời điểm đó không biết mình sống chết thế nào nhưng chúng tôi luôn có ý chí quyết tâm thà hy sinh chứ nhất định không rời pháo. Chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mặt mình, có những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, tôi luôn tự dặn mình phải quyết tâm chiến đấu và phải chiến thắng, đánh đuổi giặc Pháp, trả thù cho các anh. Sau “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến dịch đã toàn thắng về ta. Tôi cùng đồng đội vỡ òa sung sướng, ôm lấy nhau rồi reo hò mừng thắng lợi. 70 năm đã trôi qua, khi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về những đồng đội của tôi ngày ấy, tuy họ đã hy sinh nhưng hình như bên tai tôi tiếng nói của họ vẫn còn văng vẳng như chúng tôi đã từng chiến đấu bên nhau trong chiến hào ngày ấy.
Vẹn nguyên cảm xúc ngày chiến thắng
Cũng giống như ông Hiên, CCB Vũ Ngọc Hải, thôn Man Đích cùng nhập ngũ vào thời điểm đó và may mắn sống sót trở về với gia đình. Nhớ về những năm tháng gian khổ mà oai hùng ấy làm đôi mắt của người lính già sáng hẳn lên.
Ông Vũ Ngọc Hải chia sẻ về những chiến công của mình cùng đồng đội nơi chiến trường Điện Biên Phủ.
CCB Vũ Ngọc Hải chia sẻ: Với chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi có nhiều kỷ niệm lắm bởi ngày đó tôi được cấp trên giao nhiệm vụ là Đội trưởng pháo và cũng chuyên làm nhiệm vụ ngắm pháo. Tôi là người chỉ huy kéo pháo 105mm lên đồi bắn những loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong quá trình kéo pháo lên, mỗi lần tôi hô “hò dô ta nào” là một nhịp để các chiến sĩ lấy đà kéo pháo lên đồi. Vì dốc cao, lối đi hiểm trở nên vừa kéo pháo vừa phải lấy khúc gỗ chèn cho pháo khỏi tụt xuống. Thời điểm đó, việc quân ta đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua bao núi cao, vực sâu vào mặt trận Điện Biên Phủ là một kỳ tích rất lớn. Nhưng càng bất ngờ hơn khi ngay từ những loạt đạn đầu tiên, quân ta đã bắn trúng mục tiêu, làm quân địch vô cùng hoang mang lo sợ. Chính quân Pháp cũng phải thừa nhận “đây là những cú bắn bậc thầy!”.
Và điều người lính cựu này vẫn còn nhớ mãi đến giờ là được chứng kiến thời khắc thắng lợi cuối cùng của chiến dịch, hình ảnh tướng De Castries giơ hai tay đầu hàng đi lên khỏi hầm. “Với thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt gần một thế kỷ xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Điện Biên hoàn toàn giải phóng. Nghe tin, tất cả anh em bộ đội, thương binh đều sung sướng, niềm vui vỡ òa không sao kể xiết. Ai cũng phấn khởi, hạnh phúc dâng trào. Mỗi lần ôn lại kỷ niệm về chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi không kìm được những giọt nước mắt xúc động, nhớ về đồng đội, người còn, người mất. Với tôi, được góp mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ, được chứng kiến giây phút viên tướng địch đầu hàng luôn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của mình” - CCB Vũ Ngọc Hải chia sẻ.
Anh nuôi trên mặt trận Điện Biên Phủ
Cùng ở thôn Man Đích, chúng tôi tìm gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa Nguyễn Quốc Ấn năm nay đã ở tuổi 90. Dù đôi mắt đã mờ, đôi chân đã chậm, ký ức về một thời hoa lửa cũng vơi dần theo năm tháng nhưng những kỷ vật chiến trường luôn là những điều thiêng liêng, trân quý mà ông Ấn giữ gìn. Chiếc Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ là một trong số những kỷ vật minh chứng cho chiến tích trong cuộc đời người lính được ông Ấn nâng niu, trân trọng.
Ông Nguyễn Quốc Ấn luôn tự hào là người lính Điện Biên năm xưa.
CCB Nguyễn Quốc Ấn chia sẻ: Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng tôi cũng đảm nhận nhiệm vụ không kém phần quan trọng đó là phục vụ cho chuyên gia cố vấn người Trung Quốc, rồi sau này chuyển sang làm nhiệm vụ anh nuôi, nấu ăn cho Trung đoàn bộ binh. Khi công binh đào xong hầm cho tiểu đội nuôi quân, mỗi hầm vừa đủ cho 5 - 6 anh nuôi trú ẩn. Chúng tôi phải trải lá chuối khô để nằm. Khi máy bay của địch ném pháo sáng thì anh em trong tiểu đội nuôi quân tranh thủ xóc gạo, nấu cơm. Nhưng để cho đỡ khói, địch không phát hiện, ngoài sử dụng bếp Hoàng Cầm chúng tôi còn làm thêm xung quanh bếp cây chuối to, đục thủng 4 - 5 lỗ để khói bay là là dưới mặt đất rồi tan ra. Trong chiến tranh lửa đạn, đồ dùng để nấu ăn cũng hiếm, lúc đầu chỉ có gạo nếp, không có gạo tẻ, trong khi đồ để nấu xôi không có nên có hôm xôi bị nhão mọi người không ăn nổi. Thương anh em trong Trung đoàn, chúng tôi đã nghĩ ra sáng kiến lấy rành nước làm chõ xôi kê lên chảo nước rồi lấy lá chuối đậy lại, vậy là được bữa xôi ngon cho mọi người ăn. Tới khi được tiếp thêm gạo tẻ mọi người mừng lắm, ai cũng thích ăn cơm để đỡ xót ruột, nóng cổ. Rồi chúng tôi còn lấy phần cơm cháy đun lên để lấy nước cho mọi người uống. Nấu được cơm, canh, nước uống đã khó, việc đưa cơm, canh, nước uống cho anh em cũng rất vất vả. Để mang được đồ ăn cho mọi người, chúng tôi phải bổ ống tre ra cho cơm, canh vào đó rồi gánh mang đi dọc giao thông hào. Đợi mọi người ăn xong chúng tôi lại thu dọn đồ mang về. Thời điểm đó cứ ngày hai bữa, bữa nào cũng chỉ ăn cơm với cá mắm, sợ mọi người xót ruột chúng tôi lần mò đi hái rau tàu bay về luộc để cải thiện cho bộ đội.
“Ngày đó mỗi người một nhiệm vụ nhưng ai cũng hăng say làm việc. Tôi được chứng kiến công đoạn kéo pháo bằng sức người thật phi thường, tất cả đều hô “hò dô ta nào” nhưng tới khi gần trận địa sợ địch phát hiện thì không dám hò mà dùng bằng tiếng gà gáy hoặc chim kêu để thay thế bắt nhịp như “cù cúc cu cu”, “ò ó o o”. Công việc của anh em nuôi quân chúng tôi so với anh em chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận không nguy hiểm bằng nhưng nhiều lần cái chết cũng cận kề trong gang tấc. Có hôm tôi đi 4 cây số lấy gạo khi vừa về tới cửa hầm thì bom nổ chỉ cách chừng 10m, đó cũng là lần tôi thoát chết”- CCB Nguyễn Quốc Ấn cho biết.
Những chiến sĩ Điện Biên ở xã Vũ Lễ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn nhớ về những ký ức đẹp của một thời trai trẻ đã sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp đem lại tự do, hòa bình cho Tổ quốc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. 7 thập kỷ đã trôi qua, mỗi khi nhắc tới Điện Biên Phủ, mỗi người lính cựu đều cảm thấy tự hào, để rồi những ký ức của một thời hoa lửa ấy vẫn sẽ tái hiện lại vào mỗi tháng năm lịch sử như nhắn nhủ tới thế hệ mai sau tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh xương máu của lớp lớp cha anh.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/197110/thien-su-vang-cua-nhung-chien-si-dien-bien
Thu Thủy