(Bài giới thiệu cuốn sách của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)
(Bài giới thiệu cuốn sách của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi giới thiệu tác phẩm.
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Là người Việt Nam, hẳn ai cũng từng có lúc ngâm nga một câu Kiều hay bắt gặp đời mình, phận mình trong Truyện Kiều, cuốn sách của “muôn nghìn tâm trạng” mà Đại thi hào Nguyễn Du đã chấp bút từ hơn hai trăm năm trước. Nhưng đọc Truyện Kiều và trước tác đồ sộ của Nguyễn Du mà chưa có dịp nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của ông thì thật khó có thể hiểu hết ông, khó có thể thấy hết cái hay, cái đẹp của những áng văn chương mà ông đã để lại cho cuộc đời.
Đại thi hào Nguyễn Du là người được hậu thế xưng tụng “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt đến nghìn đời”, biết đồng cảm với mỗi con người cùng mọi nỗi đau đớn của họ, biết cảm nhận đời sống xã hội của thời đại cùng với những nhân tình thế thái, những thăng trầm lịch sử trong thời đại đó. Tấm lòng nhân đạo mênh mông kết tinh trong những vần thơ của ông chính là “nỗi đau nhân tình” đọng lại dẫu trải qua muôn vàn “tang thương dâu bể”. Thế nhưng, lòng đồng cảm sâu xa với “thập loại chúng sinh” phải chăng chưa khởi lên từ những ngày tháng huy hoàng ở Bích Câu, khi ông còn là trang công tử hào hoa đất Thăng Long xưa vẫn ngày ngày giong thuyền trên Long Câu Hồ? Phải chăng nguồn cảm hứng cho những trước tác bất hủ của ông chỉ khởi đầu khi ông “từ bỏ phong lưu há phải cuồng”, thăm thẳm vời vợi trong chặng đường chu du muôn dặm nơi đất khách “Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không”? Cái quặn đau “Thương vãn sự” đối với người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong thảm án Lệ Chi Viên phải chăng không chỉ đơn thuần từ cái đồng cảm của hai nhà văn hóa lớn, mà đã đến từ những năm tháng Nguyễn Du sống ở chính mảnh đất Thái Bình, quê hương của người con gái tài hoa Nguyễn Thị Lộ, vốn người làng Hải Triều (làng Hới) huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)? Và hồn thơ lục bát thấm đẫm chất dân gian đã đạt đến mức trác tuyệt trong Truyện Kiều và các trước tác khác phải chăng là sự hòa quyện của điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh quê mẹ, diệu Ví dặm quê cha và làn điệu chèo cổ Thái Bình, quê hương “người con gái vườn chè”, người vợ tần tảo Đoàn Thị mà ông đã được bầu bạn, sẻ chia trong suốt mười năm nương náu, ẩn dật “thập tải phong trần”? Mười năm đầy cơ hàn, đau thương, gia cảnh lụn bại, vợ con lìa đời, nhưng vẫn có Phong Nguyệt sào, có Chiềng Hới, có làng Hải An nơi nương náu.
Mười năm đầy ắp tình người, tình đất tại trấn Sơn Nam Hạ, tại mảnh đất Thái Bình, nơi cưu mang, nơi có dòng Bạch Lãng, có dòng Phú Nông giang chảy qua làng thôn Quỳnh Hải (sông Luộc, đoạn chảy qua Quỳnh Côi) về với biển, đêm đêm vẫn dịu dặt ánh trăng ghé thăm an ủi:
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thuyền quyên
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
(Quỳnh Hải Nguyên tiêu)
Phải chăng, chính tình người, tình đời ăm ắp đầy vơi tại trấn Sơn Nam Hạ, Thái Bình đã trở thành suối nguồn nuôi dưỡng cho tiếng thơ Nguyễn Du ngày càng gần gũi hơn với tiếng lòng của người dân lao động, tiếng cười “tiếu hạo hồ yên dã thảo trung” của ông lão lái đò “Thanh Thảo thôn tiền ngọa lão ông” (Thôn dạ), tiếng nói của người trồng dâu, người dệt chiếu...?
Nhà văn Võ Bá Cường đã đau đáu đi tìm lời giải cho những câu hỏi ấy. Ông đã tìm về với Tiên Điền, với sông Lam, đã thấy mảnh đất Hồng Lĩnh thấp thoáng một phần đời Nguyễn Du trong đó. Nhưng chính tại mảnh đất Thái Bình, Võ Bá Cường mới thực sự tìm được chính hình bóng của Nguyễn Du cùng với những năm tháng Đại thi hào hóa thân, ẩn mình vào mảnh đất “đi dễ về khó, đi gần về xa” này. Hình bóng và những năm tháng đó của Đại thi hào đã được Võ Bá Cường khắc chạm trong tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như”, không phải bằng chuyên khảo hay đề tài nghiên cứu - vốn đã có nhiều công trình trước đây đề cập đến - mà bằng thể loại tiểu thuyết dã sử, với độ mở vô tận của trí tưởng tượng và lòng tri ân, nhằm phục dựng lại bóng dáng một thiên tài “thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Viết về Nguyễn Du, về Truyện Kiều, xưa nay đã có nhiều người viết, nhưng tái hiện lại một quãng đời cơ cực mà dồi dào chất liệu thi ca của Tố Như thì có lẽ chưa ai dám làm; lại càng chưa có ai hạ bút tái hiện cuộc đời Đại thi hào trong những năm tháng sống tại Thái Bình theo lối dã sử. Dã sử được tái hiện với mảnh đất, con người bao năm vẫn đầy ắp tình đời ấy, đến một lúc nào đó sẽ trở thành “tiếng Kiều đồng vọng”, thành chính sử trong lòng người, chính sử trong chính không gian ấy.
“Còn có ai người khóc Tố Như” là tấm lòng, là tâm huyết của một nhà văn, một người con Thái Bình cống hiến cho chính mảnh đất quê hương mình. Tác giả cũng dâng tặng cho làng văn học nghệ thuật không chỉ là một tạo tác văn chương với những nét độc đáo cả về nội dung và hình thức mà còn góp thêm một mảnh ghép rực rỡ sắc màu, làm tươi đậm hơn bức tranh nghệ thuật đầy tự hào về một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/183698/con-co-ai-nguoi-khoc-to-nhu-mot-tao-tac-van-chuong-doc-dao