Vang mãi bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngày: 12/05/2023
Ngày này cách đây 69 năm (7/5/1954 - 7/5/2023), quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Ngày này cách đây 69 năm (7/5/1954 - 7/5/2023), quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Những người lính Điện Biên năm xưa cùng hát lại ca khúc Giải phóng Điện Biên.

Chia lửa cùng Điện Biên

Trong những năm từ 1947 - 1953, quân và dân ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông (năm 1947), chiến dịch Biên giới (năm 1950)... làm cho cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến có lợi cho ta, tạo ra thế bất lợi đối với thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút, làm tiêu hao quân chủ lực của ta, đồng thời khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta và Thượng Lào. Trước âm mưu mới của địch, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược - đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch. Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 4/1954, từ Điện Biên Phủ tin chiến thắng dội về dồn dập khắp nơi làm cho quân dân Thái Bình nức lòng phấn khởi, đẩy mạnh nhiệm vụ phối hợp với Điện Biên Phủ. Ngày 14/4/1954, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ra Nghị quyết động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thi đua hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch, tích cực phối hợp với Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương của trên, quân và dân ta đã tích cực tìm địch, nhằm vào những chỗ sơ hở của địch mà đánh. Chỉ tính riêng trong tháng 4/1954 - tháng phối hợp cùng Điện Biên Phủ đánh Pháp, quân dân Thái Bình đã đánh 197 trận, diệt và làm bị thương gần 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới. Chia lửa với Điện Biên, từ tháng 2 - 5/1954, Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người, hàng nghìn dân công gánh gạo, tải thương vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã nhận được hàng vạn lá thư, hàng chục nghìn gói vật phẩm gồm thuốc lào, thuốc lá, xà phòng, thuốc đánh răng, thuốc chữa bệnh, quần áo, hàng chục tấn quà để gửi tới chiến sĩ Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị ta tiêu diệt làm nức lòng quân dân cả nước và Thái Bình. Phát huy thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và thiết thực chào mừng chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, xác định thời cơ tiêu diệt địch đã đến, Tỉnh ủy quyết định tổ chức phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn ở thị xã và các vùng tạm chiếm, đồng thời điều động lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực quyết liệt đánh địch, buộc chúng phải vội vã rút chạy. Sáng sớm ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ dưới nắng ban mai trên nóc dinh tỉnh trưởng ngụy quyền. 9 giờ sáng cùng ngày, các đơn vị bộ đội tỉnh, bộ đội huyện Kiến Xương, Đông Quan và bộ đội Trung đoàn 64 tiến vào tiếp quản thị xã Thái Bình trong niềm vui giải phóng. Chào đón ngày mới, cùng với cả nước, quân dân Thái Bình hồ hởi, hân hoan, hăng hái bắt tay vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, nâng cao cảnh giác cách mạng, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, chống âm mưu của đế quốc cưỡng ép đồng bào di cư đồng thời khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương sau chiến tranh, tích cực lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là trong những giai đoạn khó khăn, cam go ác liệt nhất, Thái Bình luôn là hậu cứ vững chắc của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ, nơi đứng chân vững chắc của một số cơ quan của Liên khu 3 và một số địa phương bạn. Mặt khác, Thái Bình không chỉ bảo đảm đủ nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến tại địa phương mà còn huy động đáng kể sức người, sức của cho chiến tranh cả nước, chủ yếu là cho chiến trường chính Bắc Bộ, bổ sung cho bộ đội chủ lực với quân số tương đương 3 đại đoàn, huy động 10 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, cung cấp cho trung ương và các tỉnh bạn hàng chục vạn tấn lương thực. Chỉ riêng các khoản thuế quy ra thóc (từ năm 1951 đến tháng 6/1954), Thái Bình đã đóng góp cho nhà nước 63.600 tấn. Trên chiến trường cả nước, 9.922 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh. Trong đó, riêng chiến trường Điện Biên Phủ có 268 liệt sĩ, ngoài ra còn có 2.538 người là thương binh. Những con số nêu trên là minh chứng sống động nhất về những đóng góp xứng đáng của quân và dân Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ. Những hy sinh và công lao to lớn đó đã góp phần “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình.

Tô thắm truyền thống vẻ vang

Quê hương Thái Bình tự hào có anh hùng Tạ Quốc Luật (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) - người Đại đội trưởng cùng đồng đội bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới “mưa bom bão đạn”, quê lúa cũng có rất nhiều tấm gương chiến sĩ dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”... quyết tâm tiêu diệt giặc. 

69 năm đã trôi qua, song ký ức về những ngày tham gia chiến dịch vẫn còn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh (CCB) Đỗ Thế Đậu, 98 tuổi, 72 năm tuổi đảng, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ). Mỗi lần kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc lại một thời hoa lửa ông không giấu được niềm xúc động, tự hào. Ông kể: Tôi đi bộ đội năm 1947, biên chế vào Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Khi hành quân đến Điện Biên Phủ, đơn vị của chúng tôi nhận lệnh đánh địch ở đồi Him Lam, sau đó là đồi A1. Các chiến sĩ vừa tham gia đào hào vừa chiến đấu trong thế trận vô cùng ác liệt, giằng co từng tấc đất nhưng ai cũng hừng hực khí thế quyết tâm tiêu diệt giặc. Thời điểm cuối tháng 4/1954, tôi là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó chỉ huy một tiểu đội đến giữ chốt ở đồi A1. Khi địch tấn công ra, chúng tôi đều đánh lùi được địch trong 2 trận đầu, đến trận thứ 3 quân ta và địch đánh giáp lá cà, dùng lưỡi lê để đâm nhau. Sau khi quân địch chạy, chúng rải mìn và bắn lại dữ dội nhằm cản bước tấn công của quân ta. Trận đó, tôi bị trúng đạn vào đầu gối chân phải, thịt tại đầu gối vỡ nát, đi lại rất khó khăn nhưng vẫn nhờ đồng đội băng bó lại, cắt chỗ thịt nát bị đạn bắn vất ra ngoài để tiếp tục di chuyển và chiến đấu. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm sao để đánh thắng quân địch nên không để ý đến vết thương đang đau đớn chảy máu mà vẫn súng vác vai, hai tay bám vào thành hào tiếp tục di chuyển chiến đấu đến trận thứ 4 thì quân địch rút lui. Trong trận này, tôi được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba ngay tại mặt trận.

Cựu chiến binh Vũ Văn Đệ, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải năm nay tròn 100 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, CCB Vũ Văn Đệ, xã Nam Hồng (Tiền Hải) lại nhớ về những ngày cùng đồng đội kéo pháo vào rồi lại kéo ra phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù năm nay tròn 100 tuổi song ông vẫn kể rành mạch những chi tiết trên chiến trường: Tôi nhập ngũ tháng 8/1948, đến năm 1953 được cử sang Trung Quốc học sử dụng pháo, đến năm 1954 thì trở về nước và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là lính bộ binh. Đầu năm 1954, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, để kéo được những khẩu pháo vào trận địa phải có từ 80 đến 100 người kéo. Đường ra trận chủ yếu mới mở quá hẹp, cộng với địa hình dốc, trời mưa trơn, lầy lội, một bên là vực thẳm, một bên là sự bắn phá của địch. Bấy giờ, chúng tôi ai cũng lấm lem bùn đất, chân tay xước xát máu me, hai mắt trũng sâu, thâm quầng vì đói ăn, vì thiếu ngủ. Thế nhưng, chúng tôi ai cũng mang trong mình quyết tâm đánh địch, dù gian khổ việc kéo pháo vào diễn ra một cách suôn sẻ. Niềm hân hoan chuẩn bị được tấn công địch chưa được bao lâu thì ngay sau đó, tôi và đồng đội lại nhận lệnh kéo pháo ra nên ai cũng bàng hoàng nhưng sau đó được chỉ huy đơn vị giải thích Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Tất cả các chiến sĩ yên tâm thực hiện lệnh của chỉ huy. Đặc biệt, sau sự hy sinh lấy thân mình cứu pháo của đồng chí Tô Vĩnh Diện, toàn đơn vị đã biến đau thương thành hành động với quyết tâm dâng cao ngùn ngụt, chúng tôi lại đã đưa pháo vào mặt trận để giành thắng lợi cuối cùng.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Ái, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải (người bên phải) cất giữ cẩn thận tấm vải dù thu được từ quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

69 năm qua, CCB Trần Ngọc Ái, 91 tuổi, xã Tây Tiến (Tiền Hải) vẫn giữ cẩn thận chiếc dù là chiến lợi phẩm thu được từ quân địch và coi đó như một kỷ niệm nhắc nhớ về những ngày chiến đấu cam go ở sân bay Mường Thanh. Khi đó, ông Ái là chiến sĩ bộ binh thuộc Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Ông kể: Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đào giao thông hào cắt sân bay Mường Thanh với mục đích mở lối tiến công thẳng đến chỉ huy của Điện Biên Phủ và cắt đứt việc tiếp tế của máy bay địch ở sân bay Mường Thanh. Máy bay địch lúc bấy giờ chỉ thả lương thực, vũ khí trên cao, quân ta thu giữ được nhiều lắm. Đơn vị của chúng tôi ban đêm đi đào, ban ngày thì phòng ngự. Tuy nhiên, có những đoạn hào vừa đào xong đã bị xe tăng và xe ủi của địch lấp hết, anh em tìm cách trú ngụ rồi lại đào tiếp. Địch câu pháo bắn phá vào tất cả các đường dây liên lạc của mình nhằm cắt đứt thông tin giữa tiền tuyến với Sở Chỉ huy chiến dịch và hậu phương. Cuộc chiến vô cùng ác liệt, đạn bắn hết không yểm trợ kịp nên hai bên đánh giáp lá cà, đơn vị của tôi anh em hy sinh gần hết.  Đến 17 giờ chiều ngày 7/5, có tin báo tướng chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ của Pháp ra đầu hàng, đồng đội phấn khởi lắm, ai cũng vui mừng nhảy lên hào ôm nhau sung sướng “thắng rồi, thắng rồi” mà nước mắt tuôn rơi không ngớt. Rất may mắn cho tôi còn sống để chứng kiến ngày chiến dịch toàn thắng, đất nước được độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng trong tâm can tôi lúc nào cũng đau đáu nhớ về đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại ở lòng chảo Điện Biên Phủ.

69 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn tỏa sáng. Tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực, tự cường, quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho non sông Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 69 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam rực rỡ cờ hoa, ngập tràn niềm vui chiến thắng. Thế hệ những người trực tiếp chiến đấu và cả thế hệ những người đang thụ hưởng thành quả của chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 69 năm ai cũng cảm nhận một cách trọn vẹn sắc đỏ của màu cờ chiến thắng đang rực lên từ mọi nẻo đường đất nước và từ chính trong thẳm sâu trái tim mình. Trong âm vang của bản hùng ca chiến thắng, chúng ta kính cẩn nghiêng mình tri ân các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương, bệnh binh đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc và tươi đẹp như hôm nay. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nguyện đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, thử thách quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nguyễn Hình - Tiến Đạt

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/174395/vang-mai-ban-hung-ca-chien-thang-dien-bien-phu

Nguyễn Hình - Tiến Đạt