Quán triệt và vận dụng tinh thần Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, Thái Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể gắn với thực tiễn địa phương. Từ đó thúc đẩy các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, tạo những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quán triệt và vận dụng tinh thần Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, Thái Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể gắn với thực tiễn địa phương. Từ đó thúc đẩy các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, tạo những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp nối mạch nguồn văn hóa cách mạng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, trải qua các giai đoạn, văn hóa cách mạng theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần hăng say lao động sản xuất, chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân trong tỉnh. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ ngành văn hóa Thái Bình không quản gian khổ, hy sinh, xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn để vừa chiến đấu vừa thực tế sáng tác các tác phẩm nhằm tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc, giáo dục truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ngợi ca tinh thần quả cảm hy sinh anh dũng của bộ đội và nhân dân bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp, giới thiệu gương người tốt việc tốt… Trong các giai đoạn chiến tranh ác liệt và xây dựng, kiến thiết đất nước, sự ra đời của những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như đoàn cải lương, đoàn chèo, đoàn ca múa kịch, Hội Văn học Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đã trở thành những mái nhà chung - nơi tập hợp, định hướng, bồi dưỡng, phát triển cho đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ.
Tiếp nối mạch nguồn văn hóa cách mạng, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, ngành văn hóa tỉnh nhà đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào sự nghiệp chung của dân tộc. Đặc biệt, trong nhiều nhiệm kỳ qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2001 - 2005 chủ trương “Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa”, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục. Tiếp tục chủ trương này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Quan điểm nhất quán trong lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa của tỉnh là tạo sự phát triển đồng bộ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được gắn chặt với phong trào xây dựng nông thôn mới và được cụ thể hóa thành một trong các tiêu chí phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về xây dựng nông thôn mới đã chỉ rõ “Xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa trong sạch, lành mạnh; bảo tồn, kế thừa và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng; quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch… Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, công trình văn hóa, thể thao, các thiết chế văn hóa cơ sở theo chuẩn quốc gia”.
Để khơi dậy, giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình và để văn hóa trở thành nguồn lực tinh thần, sức mạnh nội sinh to lớn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ngày 30/1/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây là lần đầu tiên, tỉnh Thái Bình có nghị quyết chuyên đề về văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thế hệ trẻ góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống.
Những chuyển biến tích cực
Sau hơn 20 năm triển khai, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thưởng thức văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh, đẩy lùi các hủ tục và tệ nạn xã hội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước và cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa, việc triển khai thực hiện quy ước, hương ước thôn làng; công tác an ninh văn hóa, an ninh tôn giáo gắn với đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 1.514/1.797 hương ước, quy ước đã được phê duyệt sau khi sửa đổi, bổ sung. Năm 2022, toàn tỉnh có 563.297/608.370 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 92,6%); 1.690/1.797 thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (đạt 94%); 176/241 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 73%); 14/19 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 73,6%).
Nhận thức về vai trò của văn hóa, trách nhiệm đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được khẳng định sâu sắc trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Di sản văn hóa ngày càng được trân trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện. Đối với việc thu hút đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, công tác xã hội hóa đã được các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia, thu hút số lượng lớn nguồn kinh phí đóng góp, công đức của các tổ chức, cá nhân. Từ năm 2014 - 2019, kinh phí xã hội hóa xây dựng các công trình văn hóa chiếm khoảng 79% tổng kinh phí đầu tư xây dựng. Số lượng, quy mô cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa tăng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động văn học nghệ thuật phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung. Các nghệ sĩ tích cực tìm tòi, đổi mới về phương pháp, bám sát và phản ánh chân thực cuộc sống, quá trình đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước. Giải thưởng văn học, nghệ thuật Lê Quý Đôn đã tôn vinh những văn nghệ sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh qua từng thời kỳ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi. Hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống như nghệ thuật chèo, nghệ thuật múa rối nước… được đẩy mạnh tại các địa phương trong nước và quốc tế, thiết thực giới thiệu mảnh đất và con người Thái Bình.
Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa đã mang nhiều dấu ấn đậm nét qua từng thời kỳ lịch sử. Cùng với quá trình phát triển hưng thịnh của đất nước, những sắc thái tiêu biểu văn hóa Thái Bình trở thành tiền đề, động lực tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quá trình phát triển quê hương.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/169656/van-hoa-thai-binh-nhung-dau-an-tu-hao
Thanh Hằng