Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, chính thức đánh dấu Thái Bình trở thành đơn vị hành chính trực thuộc nhà nước trung ương. Mặc dù là tỉnh được thành lập muộn song đất và người Thái Bình đã có từ hàng nghìn năm. Trải qua bao thăng trầm thời gian, vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt, bằng tinh thần đoàn kết và lòng dũng cảm, người Thái Bình đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo sức mạnh tạo nên những đột phá trong tư duy và hành động, đưa Thái Bình tiến nhanh, tiến vững chắc trong giai đoạn cách mạng mới.
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, chính thức đánh dấu Thái Bình trở thành đơn vị hành chính trực thuộc nhà nước trung ương. Mặc dù là tỉnh được thành lập muộn song đất và người Thái Bình đã có từ hàng nghìn năm. Trải qua bao thăng trầm thời gian, vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt, bằng tinh thần đoàn kết và lòng dũng cảm, người Thái Bình đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo sức mạnh tạo nên những đột phá trong tư duy và hành động, đưa Thái Bình tiến nhanh, tiến vững chắc trong giai đoạn cách mạng mới.
Thành phố Thái Bình.
Vùng đất kiên cường
Mảnh đất Thái Bình từ xa xưa đã là vùng đông dân, vựa lúa của vùng đồng bằng sông Hồng nên nơi đây sớm trở thành vị trí chiến lược quan trọng, là hậu phương, là tiền tuyến của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong lịch sử. Mảnh đất này nhân dân vốn có tinh thần dũng cảm, thượng võ, không chịu khuất phục áp bức, bất công nên mỗi khi có giặc đến xâm lược thì nhân dân đều đoàn kết, xả thân đứng lên đánh đuổi giặc.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, đất đai và cư dân Thái Bình được hình thành với tính chất gối sóng nên chính ở miền đất nhiều hứa hẹn nhưng cũng lắm thử thách này chỉ những con người có tố chất dũng cảm, năng động, bền gan, vững chí mới tồn tại được. Cũng do phần đông người Thái Bình không phải là cư dân bản địa mà từ các miền quê khác đến khai phá nên họ cũng là những người tiên phong mở đất. Vì vậy, trong dòng máu của mỗi người dân Thái Bình đã có tố chất anh hùng từ tổ tiên. Lịch sử qua các thời kỳ đều ghi nhận người Thái Bình luôn anh dũng, tiên phong trên mọi mặt trận, nhất là trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, tự hào với tên gọi “Quê hương năm tấn”, nhân dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử những dấu son chói lọi như đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo tiền bối của Đảng, của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam; Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Chiên; Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Quang Thận, người cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập ngày 30/4/1975; Anh hùng Phạm Tuân, người bắn rơi “pháo đài bay” B-52 của giặc Mỹ, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ... Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thái Bình đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Sức bật trong gian khó
Trải qua 133 năm hình thành và phát triển, kế thừa và phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã năng động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo sức bật đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Trong hai mươi năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm”, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh có bước chuyển biến rõ rệt, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá...
Những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động, sáng tạo hoạch định và quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân..., đạt được những kết quả quan trọng.
Trong năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,52% so với năm 2021, đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 15.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt mốc 12.000 tỷ đồng. Đầu tư công giữ vững thành tích năm thứ ba liên tiếp nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, nhất là khu vực trồng trọt tăng 2,5%. Tập trung, tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, kết thúc năm 2019 Thái Bình được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Thái Bình đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết năm 2022, tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao...
Đặc biệt, trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ, tỉnh đang tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường liên huyện huyết mạch; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đến hết năm 2022, tổng số vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh đạt trên 33.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2021. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 660 triệu USD. Các nhà đầu tư luôn coi Thái Bình là mảnh đất tiềm năng với nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ tay nghề.
Ông Park Ki Won, Tổng giám đốc Công ty TNHH OHSUNG VINA chia sẻ: Công ty đầu tư vào Thái Bình từ đầu năm 2022 tại khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu kinh tế Thái Bình), chuyên sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện; tổng số vốn đầu tư 40 triệu USD. Quá trình đầu tư vào Thái Bình, doanh nghiệp luôn được tỉnh, cơ quan chuyên môn và địa phương tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục, mặt bằng, hạ tầng... nên chỉ sau 7 tháng khởi công Công ty đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đây sẽ là cơ sở để nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Thái Bình.
Năm 2023 và những năm tiếp theo, để đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, Thái Bình xác định tập trung phát triển bền vững nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh cao; tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế. Thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Bình tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/171236/tu-hao-que-huong-nam-tan
Nguyễn Cường