Thầy giáo người Thái Bình: 25 năm “gieo chữ” dưới chân núi Ngọc Linh
Ngày: 26/01/2024
Ngọc Linh là dãy núi được xem là “nóc nhà” của Tây Nguyên. Đặc biệt, dãy núi vắt ngang tỉnh Kon Tum còn có sản vật hết sức quý hiếm, chính là sâm Ngọc Linh. Dưới chân núi này có một thầy giáo quê Thái Bình được người dân yêu quý bởi suốt 25 năm qua đã miệt mài, tảo tần “gieo chữ” với những bước chân không mỏi…

Ngọc Linh là dãy núi được xem là “nóc nhà” của Tây Nguyên. Đặc biệt, dãy núi vắt ngang tỉnh Kon Tum còn có sản vật hết sức quý hiếm, chính là sâm Ngọc Linh. Dưới chân núi này có một thầy giáo quê Thái Bình được người dân yêu quý bởi suốt 25 năm qua đã miệt mài, tảo tần “gieo chữ” với những bước chân không mỏi…

Thầy giáo Trần Mạnh Thùy thường xuyên đến tận gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn động viên các em tới lớp.

Gian khó càng níu chân, vất vả không bỏ cuộc

Thầy giáo Trần Mạnh Thùy, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông (Kon Tum) bấm đốt ngón tay đếm khoảng thời gian mình bám bản: “Thấm thoắt đã 25 năm rồi anh ạ”. Ở dưới chân núi Ngọc Linh này, bà con các dân tộc thiểu số coi thầy Thùy như “người cha thứ hai” của nhiều thế hệ trẻ em dân tộc Xơ Đăng. Gắn bó trên vùng núi quanh năm mây phủ nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười, sự thân thiện, ít ai nghĩ hành trình trọn một phần tư thế kỷ đi “gieo chữ” của thầy Trần Mạnh Thùy, sinh năm 1977, quê xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lại chất chứa nhiều ký ức vất vả, gian nan đến vậy.

Năm 1998, Trần Mạnh Thùy được phân công đến huyện Tu Mơ Rông dạy học. Đây là huyện vùng sâu với 95% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. “Khi ấy em rất vui, vì đã toại nguyện ước mơ được trở thành thầy giáo. Tuy nhiên, việc dạy học trên vùng núi cao không phải dễ dàng đối với bất kỳ ai, chứ không riêng một giáo viên mới như chúng em”. Những năm đầu, thầy Thùy dạy tại Trường THCS xã Đắk Sao. Ngày ấy, để đến được trường, giáo viên phải băng qua những con đường sình lầy, giao thông chia cắt. Những lúc trời mưa, đường trở nên trơn trượt, lầy lội. Phải mất hàng giờ đẩy xe, đi bộ mới đến được điểm trường. Các thầy cô phải mang vác thực phẩm, nước uống để bám trụ ở các làng xa, khiến việc di chuyển lại càng thêm gian khó.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với thầy cô giáo chính là khác biệt về ngôn ngữ. Có những lúc việc giao tiếp giữa thầy và trò gần như đi vào “ngõ cụt”. Không nản lòng, thầy Thùy quyết tâm học tiếng Xơ Đăng. Cứ sau 8 giờ tối hàng ngày, thầy Thùy và một số thầy cô giáo cùng trường đến gặp gỡ, nói chuyện với các già làng và người có uy tín để tuyên truyền, vận động bà con đăng ký cho con em đi học. Có người thì nghe theo, nhưng số người không ủng hộ cũng không ít. Ngày ấy, các em đi học được vài ba tháng là bỏ học; học sinh cấp 2 ở nhà làm rẫy, các em nhỏ học cấp 1, mầm non không có ai chăm sóc nên theo cha mẹ đi làm, có khi cả nửa tháng mới về nhà. Thầy Thùy tâm sự: Nhìn các em lấm lết mưu sinh, cơm lại chưa đủ no, áo thì nhiều em tơi tả, chúng em không cầm được nước mắt.

Tiếp xúc với bà con, thầy giáo Thùy thường nói rằng: Biết cái chữ thì mới làm cho cây lúa có nhiều bông, ngô nhiều hạt, mới biết cách đưa điện sáng về làng, có đường rộng để đi; có chữ thì sẽ không nghèo, không còn đói cái bụng nữa... Người không ủng hộ thì cho rằng “Ô, cái thầy Thùy nó chỉ nói hay cái miệng thôi. Làm không có được đâu, học cái chữ khó lắm, chữ không đẻ ra lúa, ra bắp, con tôi không đi học đâu...”. Thầy cho biết: Phụ huynh các em chỉ lo làm nương rẫy, nhiều gia đình thậm chí không muốn để con em mình đến lớp.

Với quyết tâm không bỏ cuộc, cứ mỗi giờ tan học, chiều chiều, giữa chốn thâm u của núi rừng, thầy lân la đến từng nhà, một lần không được thì hai, ba lần. “Các em đến lớp được lần đầu, hôm sau các em không chịu đi nữa, em phải theo đến tận nhà động viên. Lại có em thường xuyên nghỉ học theo cha mẹ lên rẫy, phải lội suối, băng rừng để đón các em về học. Cũng có đôi lúc yếu lòng, muốn bỏ cuộc nhưng sao không nỡ rời xa những ngôi làng nhỏ này, nơi có ngôi trường phía bìa rừng, nơi có những học trò nghèo khát con chữ, nơi có những người dân chân chất, mộc mạc, nghèo khó, nơi khó khăn muôn vàn khi gieo từng con chữ nhưng ăm ắp tình người” - thầy Thùy bộc bạch.

Ngày nối ngày, tuần tiếp tuần, năm tiếp năm, Trần Mạnh Thùy cũng không để tâm đến chặng đường của mình đã đi dài ngắn như thế nào. Thầy chỉ biết, con đường nào dưới chân núi Ngọc Linh này cũng mòn dấu chân mình. Với trách nhiệm và tình thương dành trọn cho học sinh, thầy đam mê, nhẫn nại, bao dung… hướng về những đứa trẻ chốn non cao. Mỗi lần đứng lớp, thầy không vội vàng dạy ngay mà dành nhiều thời gian để trò chuyện và làm quen với từng em. Từ đó, thầy hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán của người dân tộc Xơ Đăng. Lâu ngày thành quen, hình ảnh thầy Thùy đứng lớp dạy học, ân cần với học trò trở nên thân thuộc, khắc sâu vào nhiều thế hệ người dân.

Bữa trưa hàng ngày của học sinh luôn có sự tham gia của thầy hiệu trưởng.

“Trái ngọt” từ tình thương vô bờ

Nhiệt huyết trên bục giảng, tận tâm trong cuộc sống, thầy Thùy được dân làng tin yêu, học sinh quý mến, các cấp ghi nhận. Năm 2004, thầy vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2006, thầy được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Đắk Sao. Cuối năm 2014, thầy được điều chuyển làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông và đến năm 2017 được bổ nhiệm Hiệu trưởng.

Bằng tình thương yêu, thầy giáo Trần Mạnh Thùy gieo vào lòng học sinh những tình cảm yêu thương nhất, mang tới cả một miền tri thức cho các em. Đáp lại tình thương yêu ấy, thế hệ học trò những năm qua luôn chăm ngoan, học giỏi. Chính từ sự chăm sóc, dạy bảo của thầy mà các em đều chăm ngoan, lễ phép, đặc biệt là các em đã yêu con chữ và có ý chí phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi. Trong số đó có em Y Thị bị dượng không cho đi học, bắt đi trông em ở tỉnh Phú Yên. Thầy đã trải qua bao nhiêu ngày đi vào tận nhà vận động người thân và khuyên nhủ em đi học lại. Bây giờ em đang học lớp 11 trường nội trú huyện. Sau vài năm gặp lại đã ôm chặt thầy, khóc thành tiếng: “Em biết ơn thầy Thùy thật nhiều!”.

Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường, chất lượng giáo dục của Trường THCS bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông ngày càng được nâng lên. Công tác duy trì tỷ lệ chuyên cần toàn trường đạt 96%. Hiện nay, các em giao tiếp tiếng phổ thông thành thạo, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. Trong thành tích chung của nhà trường, có sự đóng góp quan trọng của Hiệu trưởng Trần Mạnh Thùy với nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Võ Trung Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nhận xét: Thầy Thùy là nhà giáo tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn truyền cảm hứng, đánh thức ước mơ, khát vọng vươn tới của học sinh, tự tin vững bước vào đời.

Ròng rã 25 năm miệt mài “cõng chữ lên non”, Trần Mạnh Thùy chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để dạy chữ cho học trò. Không chỉ dạy chữ, rèn người, mà còn chăm lo cho học sinh nghèo, các em có hoàn cảnh đặc biệt như con đẻ của mình. Tình yêu thương, chăm bẵm đó đã tiếp thêm nghị lực cho bao thế hệ học sinh nghèo Tu Mơ Rông vững bước trên hành trình ánh sáng.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/192011/thay-giao-nguoi-thai-binh-25-nam-gieo-chu-duoi-chan-nui-ngoc-linh

Nguyễn Văn Chiến Tạp chí Xây dựng Đảng tại Tây Nguyên