Thành phố Thái Bình: Triển khai quy hoạch mở rộng không gian đô thị khu vực ven sông Trà Lý và đường Hai Bà Trưng
Thành phố Thái Bình được thiên nhiên ban tặng dòng sông Trà Lý đầy thơ mộng chảy qua. Tuy nhiên, sự ưu đãi “nhất cận thị, nhị cận giang” đã “ngủ quên” từ nhiều thập kỷ nay. Với tầm nhìn chiến lược khai thác triệt để lợi thế này trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh và thành phố Thái Bình hoàn tất quy hoạch, triển khai đồng bộ mở rộng không gian đô thị khu vực ven sông Trà Lý và đường Hai Bà Trưng, xây dựng tâm điểm sông Trà Lý trở thành một quần thể thương mại, dịch vụ, điểm nhấn văn hóa của một đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong tương lai.
Thành phố Thái Bình được thiên nhiên ban tặng dòng sông Trà Lý đầy thơ mộng chảy qua. Tuy nhiên, sự ưu đãi “nhất cận thị, nhị cận giang” đã “ngủ quên” từ nhiều thập kỷ nay. Với tầm nhìn chiến lược khai thác triệt để lợi thế này trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh và thành phố Thái Bình hoàn tất quy hoạch, triển khai đồng bộ mở rộng không gian đô thị khu vực ven sông Trà Lý và đường Hai Bà Trưng, xây dựng tâm điểm sông Trà Lý trở thành một quần thể thương mại, dịch vụ, điểm nhấn văn hóa của một đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong tương lai.
Thực hiện Thông báo số 97-TB/TU, ngày 1/3/2021 và Thông báo số 355-TB/TU, ngày 24/2/2022 của Tỉnh ủy Thái Bình về việc triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp và các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Thái Bình, định hướng phát triển đô thị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 28/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu khu vực ven sông Trà Lý thành phố Thái Bình.
Nội dung của các Thông báo và Quyết định trên cho thấy: Về lâu dài, không gian đô thị được mở rộng dọc hai bên sông Trà Lý, từ cầu Hòa Bình (đường vành đai phía Bắc) đến hết địa phận xã Vũ Đông (đường vành đai phía Nam) thành phố Thái Bình. Để triển khai dứt điểm từng giai đoạn, Quyết định số 654/QĐ-UBND của UBND tỉnh xác định quy hoạch phân khu trung tâm bên hữu sông Trà Lý, từ giáp tuyến tránh S1 (quốc lộ 10 - phía Bắc) đến giáp khu vực dân cư, tái định cư phường Trần Lãm (phía Nam). Song trùng với thời gian triển khai, lập quy hoạch chi tiết phân khu theo dự án. Đến năm 2023, thành phố Thái Bình phải dứt điểm di dời giải phóng mặt bằng toàn bộ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dân cư... nằm trong địa phận tổng quy hoạch tả, hữu sông Trà Lý từ cầu Hòa Bình (đường vành đai phía Bắc) đến hết địa phận xã Vũ Đông (đường vành đai phía Nam).
Theo đề án di chuyển tại Tờ trình số 60/TT-UBND, ngày 27/4/2022 của UBND tỉnh đã được kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh khóa XVII ngày 29/4/2022 thông qua, cụ thể: Tổng phải di dời cả hai bên tả, hữu sông Trà Lý hơn 100 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, bến bãi, 8 trụ sở cơ quan và hơn 260 hộ gia đình...; tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự toán gần 4.000 tỷ đồng. Đề án cũng nêu ra các điểm di dời đến để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình tự lựa chọn cho phù hợp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp di chuyển đến khu công nghiệp Gia Lễ và cụm công nghiệp Ninh An. Các hộ gia đình được bố trí di chuyển tới khu tái định cư Đồng Lôi và nhà ở xã hội. Các bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng được chuyển tới khu vực triền sông xã Phúc Thành (Vũ Thư), xã An Bình (Kiến Xương), xã Đông Hoàng (Đông Hưng). Riêng các cơ quan hành chính được di chuyển tiếp nhận ngay các công trình hiện có, cụ thể: trụ sở làm việc của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh chuyển đến Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Báo Thái Bình chuyển đến trụ sở Kho bạc Nhà nước Thái Bình (cũ), các đơn vị: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trạm Thủy văn trước mắt bố trí di chuyển đến trụ sở Cục Thuế tỉnh (cũ), trụ sở Chi cục Thuế thành phố (cũ)...
Về cơ chế bồi thường, hỗ trợ di chuyển, đề án nêu rõ: Đối với các trường hợp đã hết thời hạn thuê đất hoặc còn thời hạn thuê đất nhưng không thực hiện di dời thì áp dụng nghiêm theo quy định của Luật Đất đai. Nếu có nhu cầu, được hỗ trợ thuê lại đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đối với các trường hợp còn thời hạn thuê đất và tự nguyện di dời trước khi có dự án đầu tư được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai và được hỗ trợ một phần kinh phí di chuyển. Đồng thời, được hỗ trợ để được thuê đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất thực hiện thu hồi được bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bố trí đất tái định cư theo quy định hiện hành. Các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện chấp hành, bàn giao đất thu hồi trước thời hạn thì được hưởng cơ chế hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ.
Cùng thời điểm triển khai quy hoạch mở rộng không gian đô thị khu vực sông Trà Lý, Tỉnh ủy Thái Bình cũng đã chấp thuận chủ trương mở rộng đường Hai Bà Trưng và chỉnh trang đô thị liền kề nhằm tạo nên sự kết nối hài hòa, đồng bộ không gian đô thị tổng thể của thành phố.
Quan điểm chỉ đạo nhất quán của Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu UBND tỉnh và UBND thành phố Thái Bình phải bảo đảm các tiêu chí bảo tồn nguyên vẹn các công trình di tích lịch sử văn hóa, các công trình nhà ở có giá trị lịch sử. Quy hoạch hài hòa các tuyến phố liền kề, kết nối thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí kết hợp đi bộ và các tiện ích công cộng khác. Kết cấu xây dựng hạ tầng cơ sở phải bảo đảm đồng bộ, hiện đại theo quy chuẩn đô thị thông minh. Đối với khu vực sân vận động và các khu đất trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liền kề cần có phương án phù hợp, ưu tiên đáp ứng nhu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân theo nguyên tắc tương đồng.
Theo báo cáo khả thi thực hiện phương án mở rộng đường Hai Bà Trưng lên 26m và chỉnh trang đô thị liền kề, UBND thành phố Thái Bình phải tiếp tục tổ chức di dời, tái định cư cho 622 hộ dân, 14 trụ sở cơ quan và 12 doanh nghiệp trên địa bàn với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 2.900 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.
Dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao chủ trương đúng đắn, kịp thời, có tầm nhìn chiến lược bền vững lâu dài của Tỉnh ủy Thái Bình. Trong một tương lai gần, không gian đô thị khu vực sông Trà Lý và đường huyết mạch Hai Bà Trưng hiện diện một quần thể đô thị văn minh, hiện đại, trở thành lá trầu mặt, điểm hẹn văn hóa của thành phố cấp I thuộc tỉnh và trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng còn một số băn khoăn, lo ngại cần được đặt ra về kết cấu xây dựng hạ cấp mặt đê hai bên sông Trà Lý; hệ thống cấp thoát nước, điện năng; hệ thống giao thông tổng thể và nội bộ, cơ chế kêu gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư... Đó là những băn khoăn có cơ sở. Nên chăng, các ngành chức năng và thành phố Thái Bình sớm công khai quy hoạch tổng thể và chi tiết để nhân dân tham khảo, đóng góp ý kiến. Đồng thời, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành tư vấn về quy hoạch, kết cấu, xây dựng hạ tầng, giải pháp đầu tư, cơ chế hoạt động... Có như vậy, quần thể đô thị khu vực sông Trà Lý và đường Hai Bà Trưng mới thực sự hoàn hảo là những công trình thế kỷ; trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa của tỉnh Thái Bình và khu vực, là niềm mơ ước, mong mỏi của các tầng lớp nhân dân
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/208/150808/thanh-pho-thai-binh-trien-khai-quy-hoach-mo-rong-khong-gian-do-thi-khu-vuc-ven-song-tra-ly-va-duong-hai-ba-trung
NGUYỄN TRỌNG THẮNG