Thành phố Thái Bình: Những sự kiện đáng nhớ
Ngày: 14/06/2024
Thành phố Thái Bình ngày nay vốn được hình thành và phát triển trên một không gian xã hội, không gian lịch sử của vùng đất đã trải mấy ngàn năm gắn với những địa danh của buổi đầu dựng nước cùng sự biến đổi địa danh, mở rộng địa giới trong tiến trình lịch sử.

Thành phố Thái Bình ngày nay vốn được hình thành và phát triển trên một không gian xã hội, không gian lịch sử của vùng đất đã trải mấy ngàn năm gắn với những địa danh của buổi đầu dựng nước cùng sự biến đổi địa danh, mở rộng địa giới trong tiến trình lịch sử.

Một góc thành phố Thái Bình.

Trước hết, về địa danh Bo, kẻ Bo là một địa danh mang âm Việt cổ, ra đời từ thời Hùng Vương. Trong quá trình Hán hóa, tên gọi này được ghi chép thành Bố - Bố Hải - Kỳ Bố - Kỳ Bá song hành với Bồ - Bồ Xuyên. Những sự kiện lịch sử của vùng đất Kẻ Bo - Bố Hải từ thuở mới hình thành đến hết thời Bắc thuộc (thế kỷ X) hiện chưa khảo cứu được. Từ thế kỷ X trở về sau, vùng đất nay thuộc thành phố Thái Bình đã xuất hiện dằng dặc những sự kiện trên các trang sử của dân tộc và lịch sử Đảng ta. Sau đây là lược điểm một số sự kiện đáng nhớ.

Năm 966, Nam Sách vương (Ngô Xương Văn) qua đời, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy cát cứ, xảy ra loạn 12 sứ quân. Trần Lãm là một sứ quân mạnh nhất chiếm giữ vùng Bố Hải Khẩu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép sự kiện vào năm Đinh Mão (967): “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối dõi, bèn cùng với con là Liễn tìm đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nuôi làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, đều thắng được cả”. Năm 968, Trần Lãm qua đời, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế lập ra nhà nước Đại Cồ Việt.

Sang thế kỷ XI, nhà Lý mở mang chính sách khuyến nông, vua Lý Thái Tông đã về Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền. Sách Toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng 2 năm Mậu Dần (1038), vua ngự ra Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”. Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi”.

Sử sách còn truyền, vào thế kỷ XI, Bùi Quang Anh người ấp Hàm Châu, nay thuộc xã Tân Bình, thành phố Thái Bình làm quan võ, phục vụ hai triều Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông, được phong chức Anh Dực tướng quân. Ông cùng phụ thân là Bùi Quang Dũng dẹp loạn Ngô Văn Kháng ở Bố Hải Khẩu rồi thay cha giữ chức Tiết độ sứ, quản thành Kỳ Bố. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào các năm 1075 - 1077, Bùi Quang Anh tập hợp quân dân vùng Cửa Bố theo Lý Thường Kiệt tham gia đánh phá căn cứ hậu cần xâm lược của quân Tống ở Khâm Châu. Sau đó rút quân về xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt, góp phần làm nên chiến thắng đánh tan quân của Quách Quỳ, Triệu Tiết.

Trải qua các triều đại phong kiến từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, vùng đất thuộc thành phố Thái Bình hiện tại mà trung tâm là kẻ Bo - Bố Hải Khẩu xưa, về tên gọi, địa dư, duyên cách có nhiều thay đổi. Từ thời Lý - Trần, khi huyện Vũ Tiên được thành lập, huyện lỵ đặt tại hương Kỳ Bố (Bá) nên huyện này còn gọi là huyện Bố.

Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh lỵ đặt tại phủ lỵ Kiến Xương, bên bờ sông Trà Lý, gọi là thị trấn Thái Bình. Ngày 4/2/1895, Kinh lược xứ Bắc Kỳ ra quyết định sáp nhập hai làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên vào thị trấn Thái Bình. Ngày 7/12/1895, Thống sứ Bắc Kỳ đã ký nghị định chuyển thị trấn thành thị xã. Năm 1906, dưới thời công sứ Legendre, thị xã Thái Bình được chia thành ba khu phố chính: phố Đệ Nhất, phố Đệ Nhị và phố Đệ Tam. Năm 1930, dưới thời công sứ Bary lập quy hoạch mở đường trong thị xã Thái Bình. Mỗi đường phố được đặt tên của một viên công sứ hoặc phó sứ từng trị nhậm ở Thái Bình nhưng dân ta vẫn quen gọi theo cách của mình là phố Đền Mẫu, phố Vọng Cung, phố Giá Nứa.

Từ sau năm 1945, thị xã Thái Bình lại nhiều lần thay đổi. Tháng 3/1949, các thôn Tống Vũ, Kỳ Bá, Lạc Đạo, An Tập, An Chính, Tam Lạc, Đồng Lôi của huyện Vũ Tiên sáp nhập vào thị xã Thái Bình. Năm 1951, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã sáp nhập vào thị xã 3 xã: Tiền Phong (huyện Thư Trì); Trần Lãm (huyện Vũ Tiên); Hoàng Diệu (huyện Đông Quan). Tháng 2/1950, quân Pháp tiến đánh và đóng chiếm Thái Bình, thành phố trở thành vùng tạm chiếm. Ngày 30/5/1952, Thủ hiến Bắc Việt ban hành nghị định về địa giới của thị xã Thái Bình: Bắc giáp sông Đoan Túc, xã Đoan Túc và xã Bồ Xuyên; nam giáp sông Lạc Đạo và xã Kỳ Bá; đông giáp sông Trà Lý; tây giáp xã Kỳ Bá”.

Sau năm 1954, thị xã được chia thành 3 tiểu khu: Đề Thám, Lê Hồng Phong và Quang Trung, trên cơ sở của 3 khu phố cũ thời tạm chiếm. Từ năm 1965 - 1975, các đơn vị hành chính của thị xã thay đổi nhiều lần. Số lượng khu phố có lúc chia nhỏ lên đến 17 khu phố, sau đó hợp nhất còn 10 khu phố. Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 53 về việc sáp nhập các thôn Kỳ Bá, An Tập, Đồng Lôi thuộc xã Vũ Lãm, huyện Vũ Tiên và thôn Bồ Xuyên thuộc xã Tiền Phong, huyện Thư Trì vào thị xã Thái Bình. Ngày 3/1/1981, thực hiện Quyết định số 03 của Chính phủ các khu phố nội thị của thị xã đổi gọi là phường. Thị xã hợp nhất các khu phố thành lập 5 phường: Lê Hồng Phong, Đề Thám, Quang Trung, Bồ Xuyên, Kỳ Bá. Ngày 8/4/1982, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định sáp nhập vào thị xã Thái Bình các xã Tiền Phong, Trần Lãm của huyện Vũ Thư. Ngày 20/3/1986, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 24 sáp nhập các xã Đông Hòa, Hoàng Diệu của huyện Đông Hưng, Vũ Phúc, Vũ Chính, Phú Xuân của huyện Vũ Thư. Tháng 6/1989, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 72 thành lập phường Phú Khánh. Tháng 4/2002, Chính phủ có Nghị định số 45 thành lập phường Tiền Phong, phường Trần Lãm. Ngày 18/4/2003, thị xã Thái Bình được công nhận đô thị loại III. Ngày 29/4/2004, Chính phủ có Nghị định số 117 thành lập thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và các đơn vị hành chính xã, phường hiện tại. Ngày 13/12/2007, Chính phủ có Nghị định số 181 sáp nhập vào thành phố các xã Đông Thọ, Đông Mỹ của huyện Đông Hưng; Vũ Lạc, Vũ Đông của huyện Kiến Xương và Tân Bình của huyện Vũ Thư. Cùng dịp này, xã Hoàng Diệu được chuyển thành phường, thành lập mới phường Trần Hưng Đạo, từ đó thành phố đã có 10 phường, 9 xã, tổng diện tích tự nhiên được nâng từ 4.330ha (năm 2004) lên gần 6.800ha; dân số từ 14,5 vạn người lên 17,8 vạn người (năm 2007).

Từ khi thực dân Pháp đặt Phủ Bo làm tỉnh lỵ thì phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp ở vùng đất này lại quật cường hơn. Đầu năm 1913, Phạm Văn Tráng một hội viên của Việt Nam Quang phục hội từ Quảng Châu (Trung Quốc) mang tạc đạn về nước trừng trị tên Tuần phủ Thái Bình gian ác. 10 giờ ngày 12/4/1913, sau giờ làm việc, Nguyễn Duy Hàn từ công đường bước ra tới ngõ Vọng Cung, bên đường Lê Lợi ngày nay, thì một trái tạc đạn nổ ngay trước mặt làm y gục chết tại chỗ.

Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá về Việt Nam thì thị xã Thái Bình là một trong những địa chỉ đỏ để Tỉnh hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội (gọi tắt là Thanh niên) sớm ra đời. Cuối năm 1927, chi bộ Thanh niên trường tư thục Minh Thành được thành lập. Tháng 3/1928, Hội nghị đại biểu Hội Thanh niên ở trường Minh Thành đã bầu ra Ban Tỉnh bộ do Nguyễn Văn Năng làm Bí thư. Cuối tháng 6/1929, Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Thái Bình tổ chức phiên họp bất thường tại nhà số 9, ngõ 1, phố Juyn Pích-kê (phố Lê Lợi ngày nay). Hội nghị đã nhất trí quyết định giải tán Hội Thanh niên, chuyển Ban Tỉnh bộ Thanh niên thành Ban Tỉnh ủy của Đảng bộ và bầu đồng chí Tống Văn Phổ làm Bí thư. Ngay sau đó, chi bộ Đảng cộng sản thị xã ra đời. Ngày 1/8/1929, nhân kỷ niệm ngày toàn thế giới chống chiến tranh đế quốc, truyền đơn được rải khắp nơi và một lá cờ đỏ búa liềm có dòng chữ “Đông Dương Cộng sản Đảng vạn tuế” lần đầu tiên phấp phới trên ngọn một cây cao ở phía nam thị xã Thái Bình. Đó là những mốc son đánh dấu bước ngoặt để các tầng lớp nhân dân thị xã Thái Bình quật khởi đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng và sớm giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.

Công viên Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Từ đầu tháng 2/1950 đến cuối tháng 6/1954 là những ngày thị xã Thái Bình chịu nhiều gian khổ, ác liệt nhất do quân Pháp chiếm đóng. Bất chấp mọi hiểm nguy, quân và dân thị xã đã ngoan cường đánh địch, đến ngày 30/6/1954 quân Pháp phải rút chạy hoàn toàn, thị xã sạch bóng quân xâm lược.

Trải 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có biết bao tên đất, tên người của thị xã Thái Bình đã được ghi trên những trang sử hào hùng của dân tộc. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước ta phong tặng cán bộ và nhân dân thị xã Thái Bình mãi mãi là niềm tự hào, là điểm tựa vững vàng để thành phố Thái Bình vươn tới những tầm cao.

Gần 40 năm trên đường đổi mới và hội nhập, đặc biệt là chặng đường 20 năm kể từ ngày thành lập, thành phố Thái Bình đã có những bước tiến dài chưa từng có trong lịch sử. Ngày 25/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Trong mục tiêu tổng quát đã xác định: “Phấn đấu đến năm 2025, thành phố Thái Bình được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đến năm 2030, trong nhóm các đô thị phát triển khá, đến năm 2045, trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của khu vực”.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/201543/thanh-pho-thai-binh-nhung-su-kien-dang-nho

Nguyễn Thanh Vũ Quý, Kiến Xương