Thái Bình: Kết nối 303 điểm cầu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII)
Ngày 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 11.600 điểm cầu trên toàn quốc, hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.
Ngày 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 11.600 điểm cầu trên toàn quốc, hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Bình.
Play Video
Tại Thái Bình, hội nghị được kết nối tới 303 điểm cầu trong toàn tỉnh, trong đó có 19 điểm cầu cấp tỉnh/huyện; 284 điểm cầu cấp xã/cơ sở với trên 32.400 đại biểu tham gia nghiên cứu, học tập.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất
Truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” - Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích làm rõ các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai và các căn cứ chính trị, thực tiễn đặt ra. Về quan điểm, đồng chí nhấn mạnh điểm mới của Nghị quyết lần này là làm rõ hơn về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời, đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất. Về mục tiêu, Nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại. Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí nhấn mạnh 6 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết gồm: Thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất. Đặc biệt đối với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nội dung về cơ chế xác định giá đất, điểm mới đột phá của Nghị quyết lần này là bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Còn về xác định giá đất, cơ chế tài chính về đất đai, điểm mới nổi bật của Nghị quyết lần này là đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Đây là điểm mới trong tổ chức thực hiện và điều này còn cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết cũng như của chính sách, pháp luật về đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí đề nghị các cơ quan trong cả hệ thống chính trị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết đồng bộ, hiệu quả; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022.
Nông dân và cư dân nông thôn văn minh; nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn
Truyền đạt chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Nghị quyết hướng tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết, đồng chí nhấn mạnh 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá. Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa (XIII), đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác; 45.000 hợp tác xã; 340 liên hiệp hợp tác xã. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nghị quyết cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh.Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ CHQS tỉnh.
Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Thái Bình.Các đại biểu dự hội nghị tại cầu huyện Tiền Hải.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đông Hưng.Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Vũ Thư. Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Kiến Xương.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Hưng Hà.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Quỳnh Phụ.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Thái Thụy.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Báo Thái Bình.
Theo kế hoạch, chương trình hội nghị sẽ tiếp tục vào sáng ngày 22/7 với chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương truyền đạt và bế mạc hội nghị.
Thông qua hội nghị giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các nghị quyết. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện các nghị quyết; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/155241/thai-binh-ket-noi-303-diem-cau-nghien-cuu-hoc-tap-quan-triet-nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-xiii
Tin: Đào Quyên Ảnh: Nhóm phóng viên