Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm (1442 - 1504), người làng Phúc Khê, nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, là em ruột Thám hoa Quách Đình Bảo. Năm Nhâm Tuất (1502), dưới triều vua Lê Thánh Tông ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Qua thơ văn, biểu tấu, vua Minh khen sánh ngang với nhân tài thời tam đại (thời cổ đại của Trung Quốc) và hai lần ban cho áo quý, một đặc ân hiếm thấy trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt với các vương triều phương Bắc.
Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm (1442 - 1504), người làng Phúc Khê, nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, là em ruột Thám hoa Quách Đình Bảo. Năm Nhâm Tuất (1502), dưới triều vua Lê Thánh Tông ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Qua thơ văn, biểu tấu, vua Minh khen sánh ngang với nhân tài thời tam đại (thời cổ đại của Trung Quốc) và hai lần ban cho áo quý, một đặc ân hiếm thấy trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt với các vương triều phương Bắc.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh minh họa
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, từ thuở thơ ấu Quách Hữu Nghiêm đã được gia đình mời thầy về rèn cặp tại nhà cùng bốn anh em trai, trong đó Đình Bảo là anh cả, Hữu Nghiêm là em út. Khi quan Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Thành, quê làng An Lạc, nay thuộc xã Mê Linh, huyện Đông Hưng cáo quan về mở trường dạy học ở làng Kim Bôi, Đình Bảo và Hữu Nghiêm đã được gia đình cho lên theo học. Năm 25 tuổi, Quách Hữu Nghiêm thi đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông. Sau khi thi đỗ thì cha mất, ông ở nhà cư tang cha. Hết tang, được bổ vào Viện Hàn lâm cùng làm việc với anh trai. Cả hai anh em đều được vua Lê Thánh Tông tin dùng và thường được giao nhiều công việc hệ trọng.
Năm Giáp Thìn (1484), Quách Hữu Nghiêm được thăng Phó Đô ngự sử. Trước đó, vào năm Tân Sửu (1481), Quách Đình Bảo đã được bổ dụng chức này. Làm quan trong Ngự sử đài là rất hợp với sở trường, năng lực và là cơ hội tốt để hai anh em ông thực hiện hoài bão của mình. Theo sử gia Phan Huy Chú thì ở cương vị này có thể “giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, trừ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện”.
Khi bổ dụng Phó đô Ngự sử Lê Thánh Tông đã giao cho ông đặc trách theo dõi chế độ tuyển dụng và tiền lương cho các giám sinh ở Quốc Tử Giám. Đây là một trong những lĩnh vực mà vị vua anh minh này đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng đào tạo, tuyển dụng nhân tài cho quốc gia. Ngày 16 tháng 6 năm Giáp Thìn (1484), Quách Hữu Nghiêm dâng biểu đề xuất việc cải cách chế độ tuyển sinh, hình thức đào tạo và tiền lương cho các giám sinh ở Quốc Tử Giám. Đọc tờ biểu, vua chấp thuận và ban chỉ dụ cho thi hành ngay.
Năm Canh Tuất (1490), Quách Hữu Nghiêm được bổ dụng Đô ngự sử (đứng đầu) Ngự sử đài và vẫn đặc trách theo dõi những hoạt động của Quốc Tử Giám. Tháng 5 năm Canh Tuất (1490), mở kỳ thi Điện, ông được giao làm giám thí (chánh chủ khảo) lấy đỗ 54 người. Năm Quý Sửu (1493), mở kỳ thi Đình, ông được giao làm đề điệu (phó chủ khảo), lấy đỗ 48 người. Vào những năm này, mặc dù rất bận mải với những công việc ở Ngự sử đài và ở Quốc Tử Giám nhưng Quách Hữu Nghiêm vẫn cùng anh trai là Quách Đình Bảo thường dự các buổi bình thơ, xướng họa với Lê Thánh Tông trong hội Tao đàn, ông đã được vua giao viết lời đề tựa tập “Văn minh cổ súy”. Đây là một tập sách khá đồ sộ gồm hai quyển do vua Lê Thánh Tông ngự chế, các hoàng thái tử và bề tôi họa vần.
Năm Đinh Tị (1497), vua Lê Thánh Tông băng hà, Lê Hiến Tông lên nối ngôi, Quách Hữu Nghiêm tiếp tục được trọng dụng, được thăng chức và được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn. Năm Canh Thân, Cảnh Thống năm thứ 4 (1500), ông được bổ chức Thái Thường tự khanh. Năm Nhâm Tuất (1502), được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Nhiệm vụ của đoàn sứ bộ lần này là mang lễ vật sang tạ ơn mũ áo mà vua Minh ban cho Lê Hiến Tông. Trước đó, theo định lệ, khi vua Lê Thánh Tông qua đời, Lê Hiến Tông lên nối ngôi, triều đình nhà Lê đã cử hai đoàn sứ bộ sang nhà Minh để báo tang Lê Thánh Tông và xin phong vương cho Lê Hiến Tông. Sau đó, nhà Minh đã cử hai đoàn sứ bộ sang nước ta viếng Lê Thánh Tông và ban sách phong cho Lê Hiến Tông. Vào năm Canh Thân (1500), triều đình nhà Lê cũng đã cử hai đoàn sứ bộ sang nhà Minh tạ ơn. Một đoàn do Hình bộ Tả thị lang Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu sang tạ ơn về việc phúng tế. Một đoàn do Đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu dẫn đầu sang tạ ơn về việc sách phong và xin ban mũ áo.
Khi đoàn sứ bộ do Quách Hữu Nghiêm dẫn đầu đến nơi, Hoàng hậu nhà Minh sai các quan ra thu các hòm xiểng để kiểm nhận đồ tiến cúng, trong đó có một hộp hương kỳ nam rất quý lạ. Trước đó, khi vừa đặt chân tới kinh đô nhà Minh, Quách Hữu Nghiêm có mua một chiếc áo long cổn là của cấm để trong hòm. Sợ lính Minh xét thấy sẽ gây phiền hà, ông bèn thảo vội bài bảng văn với lời lẽ khéo léo và thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng dâng lên. Đọc xong bài văn của Quách Hữu Nghiêm, vua Minh đưa cho quan Thái giám là Trần Khoan và các quần thần cùng xem, ai cũng tấm tắc khen và cho đó là tấm lòng chân thành của Quách Hữu Nghiêm. Vua Minh ban yến, lại hậu thưởng cho một cái áo màu đai hồng, trước ngực, sau lưng đều thêu hình con dê thần bằng kim tuyến xen chỉ tơ, chỉ gai. Nhận áo quý, Quách Hữu Nghiêm đã ứng khẩu đọc luôn bài biểu tạ ơn, trong đó có đoạn: “Nay thần may mắn, nhân việc đi công cán, được thấy mặt rồng, ngửa thấy mặt trời ở chốn Trường An tấc lòng thiết tha được sự góp mũ áo ở chốn triều hội hân hạnh xiết bao. Ngờ đâu, kẻ hèn mọn nơi xa lại được ân ban chồng chất. Thần được vẻ vang phẩm phục rực rỡ, áo mệnh phụ mới ban nét thêu con dê thần tươi đẹp. Tự nghĩ, phận hèn như chồi cây ngọn cỏ, càng thấy ơn trời đất sinh thành.
Thần được đội ơn khôn xiết, ghi nhớ mãi. Xin kính chúc nhà vua sống lâu muôn tuổi, thọ ngang với trời. Thần dân khắp nơi đều vui thịnh trị, các nước lớn bé đều được thấm nhuần ân trạch, đó là điều thần hằng mong muốn”.
Khi vào công việc chính, Chánh sứ họ Quách dâng bài biểu tạ ơn việc vua Minh đã ban áo cho Lê Hiến Tông với lời lẽ mềm mại, bay bướm. Vua Minh xem xong khen tài năng của sứ thần họ Quách đáng sánh ngang với nhân tài ở thời tam đại. Các danh sĩ Trung Hoa cũng hết lời ca ngợi ông.
Ngày mùng 9 tháng Giêng năm Quý Hợi (1503), Quách Hữu Nghiêm đến kiến diện, cáo từ vua Minh để dẫn đoàn sứ bộ nước ta lên đường về nước. Vua Minh lệnh cho Tây di đô đốc đại thông sự Cầm y vệ đô chỉ huy sứ Dương Tông ban cho Quách Hữu Nghiêm chiếc áo đai hồng thứ hai có hoa mây dệt ở giữa, đằng trước, đằng sau thêu hình con dê thần bằng kim tuyến xen chỉ tơ sống, chỉ gai và bốn tấm lụa sợi gai, ba tấm lụa tơ chín. Lại sai bọn Binh bộ Thượng thư Tang Dật cấp cho một chiếc thuyền đi nhanh để về nước. Nhận những đặc ân của vua Minh, Quách Hữu Nghiêm đã ứng khẩu đọc bài thơ tạ ơn. Bài thơ này đã được Lê Quý Đôn chép trong “Toàn Việt thi lục”, được chép trong nhiều bộ sử lớn của nước nhà và đã được dịch thơ in trong các bộ tổng tập, tuyển tập văn học cổ:
Nhân sang cống hiến tạ ơn phong
Rạng rỡ thao bồi bệ ngọc trung
Áo trãi đã thêu tam phẩm quý
Buồm mây lại vượt tám phương thông
Lời thơ biển cả khôn bì rộng
Sức rượu cầu vồng dám đọ hùng
Phúc thọ sánh cùng Chu nhã chúc
Bóng gương nhật nguyệt sáng soi chung.
Xét trong lịch sử bang giao, chưa thấy có vị sứ thần Đại Việt nào được trọng đãi, ân thưởng đặc biệt như Chánh sứ Quách Hữu Nghiêm. Sử gia Phan Huy Chú đã đánh giá ông là “nhà ngoại giao đầy mưu lược chính trị”, đã xuất sắc làm tròn bổn phận của người đi sứ “toàn quân mệnh, tráng quốc uy” (làm tròn mệnh vua, làm tăng thế nước). Theo sử gia họ Phan: “Nước Việt ta có cõi đất phía Nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy nuôi dân, dựng nước có quy mô riêng nhưng ở trong thì xưng đế mà đối ngoại thì xưng vương”. Bởi: “Cuối cùng đánh được giặc mạnh khiến chúng phải nguội lạnh cái lòng dòm ngó phương Nam đó há phải vì binh lực mà thôi đâu”.
Sau chuyến đi sứ này, danh tiếng về tài năng bang giao của Quách Hữu Nghiêm vang lừng hai nước Việt - Hoa. Về nước, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, kiêm Đô ngự sử. Khi đã ở tuổi ngoài 60, Quách Hữu Nghiêm vẫn chưa được vua Lê Hiến Tông cho về trí sĩ, nhưng một tai nạn hy hữu đã đến với ông. Trong một lần về thăm nhà, thuyền của ông đã bị đắm trên ngã ba sông Côn. Vua Hiến Tông chỉ dụ cho xây đền thờ ông làm phúc thần, gọi là đền Côn Giang, nay thuộc địa phận xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy. Sử gia Phan Huy Chú đã xếp hai anh em Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm trong số 18 danh thần vào hàng “những người phò tá có công lao tài đức” ở thời Lê.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/209407/su-than-quach-huu-nghiem-hai-lan-duoc-vua-minh-ban-ao-quy
NGUYỄN THANH (Vũ Quý, Kiến Xương)