Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm tư liệu, hiện vật, hình ảnh là kỷ vật được hiến tặng bởi các cựu chiến binh. Mỗi kỷ vật chứa đựng những câu chuyện khác nhau về một thời khói lửa, đạn bom mà hào hùng của những thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm tư liệu, hiện vật, hình ảnh là kỷ vật được hiến tặng bởi các cựu chiến binh. Mỗi kỷ vật chứa đựng những câu chuyện khác nhau về một thời khói lửa, đạn bom mà hào hùng của những thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh lắng nghe câu chuyện về những kỷ vật được trao tặng.
Chiếc mũ của người lính xe tăng
Là một trong những cựu chiến binh có số lượng lớn kỷ vật trao tặng Bảo tàng tỉnh, Đại tá Bùi Đình Nho, nguyên Đảng ủy viên Lữ đoàn xe tăng 201, Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh không khỏi xúc động trong lễ trao tặng những kỷ vật của mình diễn ra tại trưng bày chuyên đề “Thái Bình trong dòng chảy lịch sử” nhân kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh. Ngược dòng thời gian, năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách, thực hiện lệnh tổng động viên, thanh niên Bùi Đình Nho đã gác lại ước mơ vào đại học lên đường nhập ngũ. Khởi đầu tại Tỉnh đội Thái Bình, sau đó ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến đấu giải phóng Campuchia và học tập tại Học viện xe tăng Liên Xô. Sau khóa học, ông trở về công tác và giữ chức vụ quan trọng tại các lữ đoàn xe tăng.
Nay đã ở tuổi ngoài 70, Đại tá Bùi Đình Nho quyết định trao tặng những kỷ vật của mình cho Bảo tàng tỉnh. Ông mong muốn những kỷ vật đó sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay có cái nhìn chân thực hơn về chiến tranh, qua đó biết trân quý hơn cuộc sống tự do hôm nay. Các hiện vật của Đại tá Bùi Đình Nho được chia thành 4 nhóm: hiện vật đã được sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; chiến lợi phẩm thu được tại nơi đóng quân của lực lượng Pôn Pốt; kỷ vật ông được tặng, cấp phát trong thời gian học tập tại Liên Xô; hiện vật thời kỳ bao cấp của ông và gia đình. Trong số này, ông dành nhiều tình cảm cho chiếc mũ xe tăng. Đó như chứng nhân lịch sử về những trận chiến cam go, ác liệt.
Đại tá Bùi Đình Nho chia sẻ: Mũ xe tăng nhìn đơn giản nhưng có tác dụng vô cùng lớn vì phải sử dụng chiếc mũ này, các chiến sĩ khi ngồi trên xe tăng mới có thể liên lạc với nhau trong huấn luyện và chiến đấu. Dù chiếc mũ là vật rất nhẹ so với xe tăng hàng 30 tấn nhưng đã có nhiều bài học khi mũ hỏng mà xe tăng đang chạy, những người lính đã có cách ứng biến linh hoạt ra sao để có thể thông tin cho đồng đội. Bởi vậy xoay quanh chiếc mũ xe tăng, có rất nhiều câu chuyện, là những kỷ niệm chiến trường luôn sống mãi, chúng tôi không khi nào có thể quên.
Bảo tàng tỉnh thường xuyên đón các bạn trẻ đến tìm hiểu truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.
Những chứng nhân lịch sử
Với mong muốn làm giàu thêm kho tư liệu cho những cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh, giúp thế hệ hôm nay và mai sau có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều cựu chiến binh đã tự nguyện dành tặng những kỷ vật của mình. Trong số này, có bức ảnh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Liêm chụp cùng đồng chí Nguyễn Thị Trung Kiên - người dẫn đường cho một số cánh quân tiến vào Sài Gòn năm 1975. Đây là phân cảnh trong bộ phim “Cô Nhíp” được thực hiện năm 1976 tái hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Bức ảnh được các đạo diễn chụp nhằm dựng lại thời khắc lịch sử năm 1975, khi nữ biệt động chỉ đường cho đoàn quân tiến đánh vào các vị trí quan trọng của Sài Gòn. Bức ảnh giúp người xem hiểu hơn về những con người làm nên chiến thắng, người Thái Bình trong kháng chiến chống Mỹ…
Cũng là kỷ vật từ giai đoạn chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, chiếc túi đựng cơm vắt của cựu chiến binh Phạm Hữu Doanh, nguyên phóng viên xưởng phim Quân đội, được hiến tặng trong lần cán bộ Bảo tàng tỉnh về thăm gia đình ông tại thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng).
Bà Phạm Thị Chanh, cán bộ Bảo tàng tỉnh, người trực tiếp sưu tầm hiện vật cho biết: Chiếc túi có tác dụng đựng và vắt cơm, chỉ là cơm nắm muối, cơm nắm độn bo bo, cơm nắm độn sắn... nhưng nhờ nó mà chiến sĩ cũng như nhiều đồng đội khác có thể cõng những gùi hàng hơn 30kg, trang thiết bị máy quay trên lưng để vượt đèo, vượt dốc, vượt qua bom đạn của kẻ thù. Cũng với chiếc túi ấy, trong ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, cựu chiến binh Phạm Hữu Doanh đã nắm những nắm cơm chuẩn bị cho những ngày miệt mài với chiếc máy quay rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn ghi lại niềm vui chiến thắng.
Đến nay, Bảo tàng tỉnh đã vinh dự 4 lần được Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh trao tặng hiện vật vào các năm 2006, 2009, 2014, 2018. Đây đều là những quân trang, quân dụng; chiến lợi phẩm thu được của giặc Mỹ, những đồ dùng cá nhân do cán bộ, chiến sĩ tự tạo từ ống pháo sáng, vỏ bom bi, mảnh đạn, tấm vải dù thu được của Mỹ để làm đồ dùng phục vụ sinh hoạt tại chiến trường. Những kỷ vật này đã gắn bó với người lính trong năm tháng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ con đường Trường Sơn huyền thoại.
Mỗi kỷ vật, mỗi câu chuyện là một nỗi niềm xúc động của những người lính đi qua cuộc chiến. Qua đó, thế hệ hôm nay thêm hiểu hơn về những hy sinh lớn lao của các thế hệ ông cha đã phải trải qua để có được cuộc sống độc lập, tự do, hòa bình như ngày hôm nay. Và những chứng nhân lịch sử ấy càng góp phần củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/173993/song-day-thoi-hao-hung-cua-nhung-nguoi-linh-cu-ho
Tú Anh