Sẵn sàng cho liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng
Ngày: 07/07/2023
Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng là sân chơi lớn, được những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh mong chờ. Thời điểm này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Thái Bình đã sẵn sàng cho liên hoan với những tác phẩm tâm đắc nhất, là thành quả từ quá trình miệt mài sáng tác cùng mong mỏi đạt được kết quả cao, tạo dấu ấn ở liên hoan năm nay.

Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng là sân chơi lớn, được những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh mong chờ. Thời điểm này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Thái Bình đã sẵn sàng cho liên hoan với những tác phẩm tâm đắc nhất, là thành quả từ quá trình miệt mài sáng tác cùng mong mỏi đạt được kết quả cao, tạo dấu ấn ở liên hoan năm nay.

Các nghệ sĩ Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tìm hiểu thực tế tại khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Các điểm đến không mới nhưng phải chụp theo cách thể hiện mới, cập nhật xu hướng nhiếp ảnh của thế giới là yêu cầu đặt ra đối với hội viên Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình trong chuyến thực tế sáng tác từ ngày 15 - 17/6 vừa qua. Đây là chuyến đi thiết thực chuẩn bị cho liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng sẽ diễn ra tại Thái Bình vào tháng 8 tới. Thời gian nhận ảnh tham gia liên hoan đến hết ngày 16/7, vì vậy các nghệ sĩ đều nỗ lực lao động, sáng tạo nghệ thuật để tìm cho mình những tác phẩm ấn tượng nhất.

Góp phần định hướng phong cách chụp, trước chuyến đi, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức lớp tập huấn phân tích tính mỹ thuật trong nhiếp ảnh và phương pháp hậu kỳ ảnh nghệ thuật với giảng viên đến từ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Từ kiến thức lý thuyết thu nhận được, các nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại huyện Thái Thụy ở cảng cá Quang Lang, biển vô cực, nhà máy may xuất khẩu Đại Dương, khu công nghiệp Liên Hà Thái, làng An Cố, khu nuôi trồng thủy sản, cơ sở mây tre đan xuất khẩu... Trên địa bàn huyện Đông Hưng, đoàn đã đến chiếu chèo làng Khuốc, xã Phong Châu và cơ sở sản xuất bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá. 

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Xuân Chính, Phó Trưởng ban Sáng tác, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, việc có đa dạng điểm đến ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch là dịp thuận lợi để các nghệ sĩ được đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, Thái Bình được biết đến là miền quê lúa hiền hòa nên trong chuyến đi, khi được đến khu công nghiệp lớn với những nhà máy hiện đại đang được triển khai, một số đã đi vào hoạt động, các nghệ sĩ có cơ hội thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình giới thiệu quá trình chuyển biến tích cực trên quê hương, hình ảnh Thái Bình trong tương lai.

NSNA Nguyễn Xuân Chính chia sẻ: 3 ngày tham gia trại sáng tác, các nghệ sĩ đều lao động rất nghiêm túc, luôn tranh thủ thời gian đi sớm về muộn. Mặc dù những điểm đến trong chuyến đi này không tạo nên bất ngờ vì mọi người cũng đã đi rất nhiều nhưng qua trại sáng tác mọi người kết nối với nhau nhiều hơn và chia sẻ kinh nghiệm đã được tích lũy bằng rất nhiều thời gian. Đây là điều vô cùng đáng quý vì trong Chi hội có sự đa dạng về độ tuổi. Trong khi các nghệ sĩ cao tuổi chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm thực tế sáng tác thì các nghệ sĩ trẻ tuổi chia sẻ về góc nhìn mới, kỹ thuật hiện đại. Làm sao trên đề tài cũ, chúng ta không chụp theo cách cũ mà chụp theo hình thức thể hiện mới, cập nhật những xu hướng nhiếp ảnh của thế giới để làm mới đề tài bằng những góc nhìn để những tác phẩm đó mang tính nghệ thuật và có giá trị bền vững trong tương lai.

Với chủ đề “Văn hóa đồng bằng sông Hồng - nơi hội tụ và phát triển”, tác phẩm dự liên hoan thuộc thể loại nhiếp ảnh phong cảnh, văn hóa, di sản vật thể, phi vật thể... có nội dung phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực đồng bằng sông Hồng; những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế; những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phản ánh vẻ đẹp các làng nghề, danh lam thắng cảnh, những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

NSNA Nguyễn Phục Anh, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình cho biết: Trong đợt tập huấn, chúng tôi kết hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam về truyền đạt phương thức sáng tác mới, những góc độ mới, các xử lý khi chụp, cách xử lý hậu kỳ để tạo bức ảnh mong muốn. Để chuyến thực tế sáng tác phát huy hiệu quả cao nhất, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ về thời gian, thời tiết để các nghệ sĩ sáng tác thuận lợi nhất. Bằng tài năng của các nghệ sĩ, chúng tôi mong muốn sẽ có tác phẩm đạt thành tích cao, những tác phẩm mới để phục vụ cho tỉnh nhà.

Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2023 khuyến khích các tác giả đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề, biên độ sáng tạo nhằm phản ánh khát vọng vươn lên trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội. Mong rằng, với tâm huyết của các nghệ sĩ, thông qua liên hoan, hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình giàu truyền thống văn hóa, đang trên đà hội nhập, phát triển sẽ ngày càng đến gần hơn công chúng yêu nghệ thuật trong nước, quốc tế.

Các nghệ sĩ Chi hội Nhiếp ảnh thực tế sáng tác tại cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu (huyện Thái Thụy).

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/178336/san-sang-cho-lien-hoan-anh-nghe-thuat-khu-vuc-dong-bang-song-hong

Tú Anh