Xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ), miền quê giàu truyền thống yêu nước, cái nôi của phong trào cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Giao hôm nay tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương
Xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ), miền quê giàu truyền thống yêu nước, cái nôi của phong trào cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Giao hôm nay tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương.
Ngôi nhà của gia đình đồng chí Nguyễn Quang Cáp, nơi cách đây hơn 1 thế kỷ diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ An Hiệp - chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Quỳnh Côi trước đây, nay là huyện Quỳnh Phụ.
Địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng
Trong những năm 1927 - 1930, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước chống lại thực dân, đế quốc và bọn tay sai. Hòa chung khí thế cách mạng sôi sục, để khích lệ tinh thần chiến đấu của quần chúng nhân dân, nhiều chí sĩ yêu nước quê hương Quỳnh Giao đã đứng ra quy tụ những người ưu tú thành lập chi bộ cộng sản.
Đồng chí Nguyễn Quang Vụ, Bí thư Chi bộ thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà của gia đình đồng chí Nguyễn Quang Cáp, nơi cách đây gần 1 thế kỷ diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ An Hiệp - chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Quỳnh Côi trước đây, nay là huyện Quỳnh Phụ. Theo chia sẻ của các bậc cao niên và lão thành cách mạng trong làng, đồng chí Nguyễn Quang Cáp là người giác ngộ cách mạng từ những năm 1930. Sau khi hoạt động ngoài Hải Phòng bị bắt và bị đưa về quản thúc tại địa phương, đồng chí mở hiệu buôn bán lẻ với mục đích liên lạc với các chiến sĩ cộng sản, đồng thời truyền bá tư tưởng cộng sản tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Quang Cáp là 1 trong 3 đảng viên đã đứng ra thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện và được bầu làm bí thư chi bộ, cũng là đảng viên cộng sản Đông Dương đầu tiên của xã Quỳnh Giao.
Không chỉ là nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ, trong kháng chiến chống Pháp, Quỳnh Giao là cơ sở cách mạng nằm giữa vòng vây của địch. Giai đoạn 1945 - 1949, lực lượng du kích của xã Quỳnh Giao nói chung và thôn Sơn Đồng nói riêng được tỉnh, huyện đánh giá cao và trở thành nỗi ám ảnh của thực dân Pháp và tay sai. Địa phương đã xây dựng nhiều làng kháng chiến kiểu mẫu, là cơ sở để phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm lan tỏa ra các vùng lân cận.
Cụ Hoàng Hữu Tiên, thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao năm nay gần 100 tuổi, từng là thành viên của đội du kích thôn Sơn Đồng đã cùng rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng tham gia đánh thực dân Pháp và bọn tay sai vẫn còn nhớ những năm tháng chiến đấu của đội du kích Sơn Đồng. Theo lời cụ Tiên kể lại, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại xã Quỳnh Giao có 6 đội du kích, mỗi đội từ 50 - 60 người. Khi địch bao vây làng, các đội du kích tìm cách liên lạc để bàn kế hoạch và dùng tín hiệu riêng. Chính tiếng trống Sơn Đồng là biểu tượng cho tinh thần đánh giặc giữ làng. Nhờ tiếng trống Sơn Đồng, lực lượng du kích đã tập hợp lại tổ chức nhiều trận đánh phá tan vòng vây, làm chết và bị thương nhiều quân địch.
Diện mạo nông thôn mới xã Quỳnh Giao.
Phát huy truyền thống quê hương
Trong kháng chiến, mảnh đất Quỳnh Giao lừng lẫy chiến công đánh giặc giữ nước. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, ngày nay, cán bộ và nhân dân Quỳnh Giao lại viết thêm những kỳ tích trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương.
Trên con đường khang trang, rợp cờ hoa, đồng chí Nguyễn Viết Đợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: Quỳnh Giao hôm nay là hình ảnh xã nông thôn mới với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, khang trang. Năm 2014, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2021. Đến nay, tất cả các trục đường trong xã đều được đổ bê tông, có điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã bình quân 5 năm trở lại đây đạt trên 10,8%, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm còn 2,91%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt trên 55 triệu đồng. Nhiều công trình phúc lợi, công trình sự nghiệp được xây dựng từ nguồn xã hội hóa đồng bộ chính là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất và sự đồng thuận của nhân dân địa phương.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, tận dụng lợi thế về quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật đầu tư đồng bộ, đầu mối giao thông kết nối cả đường bộ và đường thủy, Quỳnh Giao tập trung phát triển công nghiệp. Cụm công nghiệp Quỳnh Giao đã trở thành cụm công nghiệp đầy tiềm năng của huyện, là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp đầu tư. Đến thời điểm này đã có hàng chục nhà đầu tư thứ cấp cả trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư vào cụm công nghiệp Quỳnh Giao, hứa hẹn mang lại sự chuyển dịch kinh tế quan trọng cho các địa phương trong vùng dự án và tạo việc làm cho nhiều lao động. Đó là những kết quả quan trọng góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đưa sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương lên tầm cao mới.
Mảnh đất Quỳnh Giao hôm nay đang đổi thay rõ rệt. Tiếp nối truyền thống, trong giai đoạn mới, Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/158037/quynh-giao-xung-danh-manh-dat-anh-hung
Nguyễn Cường