Phạm Quang Lịch: Trọn đời giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản
Ngày: 14/11/2022
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi về thăm di tích lịch sử quốc gia cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ - nhà đồng chí Phạm Quang Lịch ở xã Đình Phùng (Kiến Xương). Đến với di tích, chúng tôi được chứng kiến, tìm hiểu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phạm Quang Lịch, tạc nên chân dung người con ưu tú của quê hương Đình Phùng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã dành trọn cuộc đời cho cách mạng.

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi về thăm di tích lịch sử quốc gia cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ - nhà đồng chí Phạm Quang Lịch ở xã Đình Phùng (Kiến Xương). Đến với di tích, chúng tôi được chứng kiến, tìm hiểu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phạm Quang Lịch, tạc nên chân dung người con ưu tú của quê hương Đình Phùng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã dành trọn cuộc đời cho cách mạng.

Di tích lịch sử quốc gia cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ - nhà đồng chí Phạm Quang Lịch ở xã Đình Phùng (Kiến Xương).

Đồng chí Phạm Quang Lịch, bí danh là Hào Lịch, sinh năm 1901 tại làng Nam Huân Trung, xã Đình Phùng. Vốn xuất thân trong một gia đình khá giả, có nhiều ruộng đất nhưng đồng chí lại sớm giác ngộ cách mạng, hiểu thấu nỗi khổ của người nông dân dưới ách áp bức của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Năm 17 tuổi, Phạm Quang Lịch đã đứng lên tập hợp nông dân chống cường hào trong xã, trong huyện. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đều được đồng chí nhiệt tình giúp đỡ. Năm 1927, tại Trường Tư thục Minh Thành (thị xã Thái Bình), đồng chí Phạm Quang Lịch gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên - tổ chức do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1928, đồng chí tham gia Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Thái Bình. Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (tháng 6/1929), đồng chí được cử về thành lập Chi bộ Đảng ở Nam Huân (tiền thân của Đảng bộ xã Đình Phùng ngày nay). Từ Nam Huân, phong trào cách mạng không ngừng lan tỏa đến các địa phương lân cận. Không chỉ tích cực tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Quang Lịch còn tạo điều kiện để Tỉnh ủy Thái Bình đặt nhà in tại tư gia của mình ở thôn Nam Huân. Từ tháng 5 - 10/1930, đây là nơi in ấn tài liệu quan trọng cho tổ chức đảng và phong trào cách mạng địa phương.

Cũng trong giai đoạn này, đồng chí Phạm Quang Lịch đã lãnh đạo nhân dân trong vùng đấu tranh đòi vay thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Đến tháng 11/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), bị kết án tù 20 năm khổ sai. Khát khao được trở về tham gia hoạt động cách mạng, cuối năm 1932, Phạm Quang Lịch và các chiến sĩ cách mạng gồm: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển, Võ Duy Cương bàn kế hoạch vượt ngục. Cuộc vượt ngục thành công, Phạm Quang Lịch trở về xây dựng phong trào cách mạng ở Thái Bình, Nam Định giúp phong trào nơi đây được củng cố và phát triển nhanh chóng. Năm 1933, trong một cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra vào tháng 2/1934, đồng chí Phạm Quang Lịch đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy và trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình.

Cuối năm 1933, đồng chí Phạm Quang Lịch cùng một số cán bộ lãnh đạo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bị địch vây bắt, chúng kết án 20 năm tù khổ sai và giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, sau đó đưa đến giam tại nhà tù Sơn La. Bị giam cầm trong nhà tù thực dân nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, tỏ rõ ý chí kiên cường bất khuất, không chịu khuất phục trước sự tra tấn dã man của kẻ thù. Cùng với đó, đồng chí vẫn hăng hái tham gia học tập, giác ngộ cách mạng cho các đồng chí khác, luôn động viên khích lệ anh em lạc quan tin tưởng vào tương lai, vào con đường mình đã chọn, vào ngày cách mạng thành công. Năm 1937, sau 4 năm bị giam cầm, đày ải tại nhà tù Sơn La, sức khỏe đồng chí yếu dần và đến ngày 30/3/1937 đồng chí Phạm Quang Lịch đã trút hơi thở cuối cùng giữa chốn lao tù khi mới 36 tuổi đời. Tuy tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Phạm Quang Lịch đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Phạm Quang Lịch cũng luôn tỏ rõ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trọn đời giữ vững khí tiết vì Đảng, vì dân, để lại tấm gương sáng ngời về ý chí, đạo đức và bản lĩnh cách mạng cho hậu thế noi theo.

Noi gương đồng chí Phạm Quang Lịch, những người thân trong gia đình, dòng họ tiếp tục đi theo con đường cách mạng, có những đóng góp cho phong trào cách mạng của địa phương. Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, nhất là ảnh hưởng từ người cha, đồng chí Phạm Bái - con trai đồng chí Phạm Quang Lịch cũng sớm lựa chọn con đường cách mạng. Trong quá trình công tác, đồng chí Phạm Bái từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình giai đoạn 1977 - 1984, Phó Trưởng đoàn chuyên gia Trung ương tại Campuchia, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Đồng chí Nguyễn Anh Mộc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đình Phùng


Noi gương đồng chí Phạm Quang Lịch, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Đình Phùng đã tiễn đưa hàng nghìn người con lên đường tòng quân. Kết thúc chiến tranh, toàn xã có 152 liệt sĩ, 18 mẹ Việt Nam anh hùng... Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là trong giai đoạn hiện nay, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Phùng đã đoàn kết, chung tay thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Giá trị sản xuất hàng năm của địa phương đạt bình quân 180 tỷ đồng, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%...

Đồng chí Phạm Ngọc Chiêm,Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đình Phùng


Thế hệ trẻ xã Đình Phùng luôn tự hào khi quê hương đã nuôi dưỡng người con ưu tú Phạm Quang Lịch, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Hàng năm, tuổi trẻ xã Đình Phùng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, chăm sóc di tích để bảo tồn giá trị lịch sử của quê hương. Là thế hệ trẻ, chúng tôi nguyện ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cống hiến nhiều hơn cho quê hương ngày càng phát triển.

Ông Phạm Quốc Hoàng, cháu của đồng chí Phạm Quang Lịch


Lớp hậu duệ dòng họ Phạm ở xã Đình Phùng hôm nay luôn tự hào về đồng chí Phạm Quang Lịch, đồng chí Phạm Bái và các bậc tiền bối cách mạng của dòng tộc. Sứ mệnh của chúng tôi là giữ gìn truyền thống đó cho lớp lớp con cháu mai này. Hiện nay, một số hạng mục trong di tích lịch sử quốc gia cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ - nhà đồng chí Phạm Quang Lịch đã xuống cấp, chúng tôi mong các cấp quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo lại để công trình xứng tầm với di tích cấp quốc gia, kết nối với các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Kiến Xương nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung.


 
Thu Thủy

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/162247/pham-quang-lich-tron-doi-giu-vung-khi-tiet-nguoi-chien-si-cong-san

Thu Thủy