Những thương binh, bệnh binh tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Ngày: 21/07/2023
Những người lính năm xưa của huyện Đông Hưng anh dũng, kiên cường trên chiến trường khi trở về với cuộc sống đời thường vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Những người lính năm xưa của huyện Đông Hưng anh dũng, kiên cường trên chiến trường khi trở về với cuộc sống đời thường vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Thương binh Vũ Hữu Trung, xã Đông Xuân là điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Đông Hưng.

Mới trải qua một đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện trở về nhưng thương binh hạng 1/4 Vũ Hữu Trung, thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân không nghỉ ngơi dưỡng bệnh mà cùng vợ lo chăm sóc cây, con trong trang trại của gia đình. Đây là những việc ông vẫn làm từ khi rời chiến trường trở về. Ông chia sẻ: Tôi bị thương nặng khi làm y tá tại chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1983 tôi trở về quê hương, sau đó lập gia đình. Không cam chịu cuộc sống nghèo khó, nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi đã cùng vợ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình vườn - ao - chuồng.

Trên diện tích 2.000m2, ông Trung đào ao thả cá truyền thống, làm chuồng nuôi lợn, gà và trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, chuối. Từ hai bàn tay trắng, với nghị lực phi thường, vượt qua những cơn đau do vết thương tái phát, luôn có sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, ông tập trung phát triển kinh tế hiệu quả, đưa gia đình thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy, nuôi các con ăn học thành đạt.

Bà Vũ Thị Thu Huyền, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Đông Xuân cho biết: Toàn xã có trên 200 gia đình chính sách, trong đó nhiều thương binh, bệnh binh vẫn tích cực phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương. Điển hình là cựu chiến binh Vũ Hữu Trung, dù là thương binh nặng nhưng đã chủ động vượt qua bệnh tật, chăm chỉ làm kinh tế, là gương sáng cho các thương binh, bệnh binh trong xã học tập, làm theo. Năm 2022, ông đại diện cho huyện Đông Hưng dự hội nghị thương binh tiêu biểu toàn tỉnh và được khen thưởng.

Luôn tâm niệm mình là Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện trong quân ngũ nên khó khăn nào cũng phải vượt qua, bệnh binh hạng 2/3 Nguyễn Đăng Sơn, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế với mô hình trồng hoa, cây cảnh, ghép hoa hồng bán cây giống, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông cho biết: Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng khoán nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Hưởng ứng phong trào phát triển sinh vật cảnh, địa phương có 2 loại cây truyền thống là đào và phát lộc, tôi đã dành thời gian đi tập huấn trồng, chăm sóc cây cảnh, tham quan các mô hình sinh vật cảnh tiêu biểu; trở về, tôi tiên phong chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa sang trồng đào và phát lộc, đồng thời làm tháp phát lộc để tăng thu nhập cho gia đình. 3 năm nay, thấy thị trường có nhu cầu cao về cây giống, tôi chuyển từ trồng phát lộc sang trồng hoa mẫu đơn và hoa hồng. Trồng cây cảnh đỡ vất vả, tốn ít lân, đạm, một năm chỉ bón 1 - 2 lần, cây giống thì tự chiết, giâm cành để trồng không tốn tiền mua nhưng mất nhiều công tỉa cành, uốn thế cho cây, nhất là cây đào. Những công việc này nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi phải cần mẫn, tỉ mỉ, sáng tạo, phù hợp với sức khỏe, là niềm đam mê của tôi.

Bệnh binh Nguyễn Đăng Sơn (người bên phải), xã Minh Tân chăm sóc cây cảnh của gia đình.

Vẫn với diện tích đó nhưng chuyển sang phát triển cây cảnh, cây giống đã cho gia đình bệnh binh Nguyễn Đăng Sơn thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa, thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. 

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hậu, Chủ tịch UBND xã Minh Tân: Bệnh binh Nguyễn Đăng Sơn luôn tích cực hưởng ứng phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của địa phương. Mô hình phát triển kinh tế của ông giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh. Từ mô hình này nhiều cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh và cả người khỏe mạnh ở địa phương đã học tập, làm theo để phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Mạnh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Đông Hưng có trên 5.000 thương binh, bệnh binh. Những năm qua, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo làm tốt công tác chăm sóc, chi trả trợ cấp cho người có công kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tạo mọi điều kiện giúp các thương binh, bệnh binh cùng gia đình phát triển kinh tế như hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công truyền thống, mở rộng kinh doanh dịch vụ. Nhiều thương binh, bệnh binh trên địa bàn huyện đã chủ động vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/179582/nhung-thuong-binh-benh-binh-toa-sang-pham-chat-bo-doi-cu-ho

Thu Hiền