Những gương mặt khoa danh của huyện Thái Thụy
Ngày: 31/03/2023
Trải hơn 900 năm khoa cử thời Nho học ở Việt Nam, bảng vàng bia đá đã ghi danh gần 3.000 tiến sĩ, trong đó Thái Bình có xấp xỉ 120 vị, riêng huyện biển Thái Thụy có tới 25 vị với những làng khoa bảng nổi tiếng như Phúc Khê, Kha Lý, Luyến Khuyết, Văn Hàn, An Tiêm… Ở nơi cận kề chân sóng, mặn mòi vị biển mà học phong như thế thì thật đáng tự hào. Nhưng điều đáng chú ý là hầu hết các “ông nghè” quê Thái Thụy đều hiển đạt công danh sự nghiệp, trong đó có những nhà giáo tài ba đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước và có những người thơ hay, sứ giỏi đã làm rạng rỡ nước non Đại Việt.

Trải hơn 900 năm khoa cử thời Nho học ở Việt Nam, bảng vàng bia đá đã ghi danh gần 3.000 tiến sĩ, trong đó Thái Bình có xấp xỉ 120 vị, riêng huyện biển Thái Thụy có tới 25 vị với những làng khoa bảng nổi tiếng như Phúc Khê, Kha Lý, Luyến Khuyết, Văn Hàn, An Tiêm… Ở nơi cận kề chân sóng, mặn mòi vị biển mà học phong như thế thì thật đáng tự hào. Nhưng điều đáng chú ý là hầu hết các “ông nghè” quê Thái Thụy đều hiển đạt công danh sự nghiệp, trong đó có những nhà giáo tài ba đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước và có những người thơ hay, sứ giỏi đã làm rạng rỡ nước non Đại Việt.

Người khai khoa ở miền quê Thái Thụy là Nguyễn Mậu, quê làng Bích Du, xã Thái Thượng, đỗ Hoàng giáp năm 1448, làm quan tới chức Tả thị lang bộ Hình hai triều Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Ông có công mở làng Bích Đoài, xã Thái Nguyên. Khi chết được phong tước hầu và hàm Thượng thư, ban cho làm thành hoàng làng này.

Làm quan đồng triều với Nguyễn Mậu là Nguyễn Công Định, quê làng Văn Hàn xã Thái Hưng, đỗ tiến sĩ năm 1463, cũng làm tới chức Hình bộ thượng thư, được vua Lê Thánh Tông giao khởi soạn bộ Quốc triều hình luật bản triều Lê, gọi là Luật Hồng Đức. Con trai ông là Nguyễn Quang Tán đỗ Hoàng giáp năm 1514. Khi nhà Mạc thay thế nhà Lê, Nguyễn Quang Tán bỏ quan về quê giúp dân đào sông, đắp đê trị thủy, khẩn hoang thêm bờ bãi. Hai cha con ông được nhiều làng thờ làm phúc thần.

Hiển đạt vào bậc nhất ở thời Lê sơ là hai anh em nhà họ Quách, quê làng Phúc Khê, xã Thái Phúc. Anh là Quách Đình Bảo, đỗ Thám hoa năm 1463, là một nhà giáo giàu tài năng phẩm hạnh, làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Hình. Em là Quách Hữu Nghiêm, đỗ Hoàng giáp năm 1466, từng giữ nhiều cương vị: Phó đô ngự sử, Đô ngự sử, Thái thường tự khanh, Thượng thư bộ Lại... việc nào cũng làm giỏi. Điều đặc biệt là cả hai anh em đều đã lần lượt được cử đi sứ sang nhà Minh, vì thơ hay, sứ giỏi mà tiếng tăm lẫy lừng đất Bắc. 

Nguyễn Tất Đại quê làng Kha Lý, xã Thụy Quỳnh, đỗ tiến sĩ năm 1469, giỏi cả văn chương và ngự xạ, có tài bắn cung và cưỡi ngựa ít ai theo kịp. Vừa thi đậu tiến sĩ, ông đến ngự điện xin đầu quân. Vua Lê Thánh Tông khen là người có trí dũng bèn chấp thuận giao cho cầm quân đi dẹp loạn và rồi trở thành những võ tướng thân tín trong triều.

Phạm Tử Hiền, quê làng Cao Dương, xã Thụy Hưng, đỗ tiến sĩ năm 1481, làm quan tới chức Hiến sát sứ Thanh Hóa, sau xin cáo quan về quê tổ chức cho dân khai phá ruộng hoang mở đất lập làng Xá Thị, được tôn là Tiên công và được thờ làm phúc thần.

Nguyễn Hưởng Dung, quê làng An Tiêm, xã Thụy Dân, đỗ Hoàng giáp năm 1490. Sau khi đi sứ sang nhà Minh về nước được bổ làm Tế tửu Quốc Tử Giám, đã có nhiều đóng góp vào việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài thành những bậc vua sáng, tôi hiền.

Đinh Trinh, người làng Vị Khê (nay thuộc xã Dương Hồng Thủy), xuất thân từ một nông dân đi làm thuê rồi hiếu học mà thành tài, đỗ tiến sĩ năm 1502, làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Hộ. Khi sang sứ nhà Minh từng được các danh sĩ Trung Hoa ngợi khen về tài bang giao.

Nguyễn Đình Tộ, quê làng An Dân, xã Thụy Dân, đỗ tiến sĩ năm 1532, được bổ chức Thị lang bộ Binh. Từng dấy binh chống lại nhà Mạc. Bị thất bại ở kinh thành, ông cho quân chạy về Ngự Thiên (Hưng Hà), xây thành Ngự Thiên tiếp tục chống Mạc.

Nguyễn Kiêm Tri, người làng Thanh Do, xã Thụy Thanh, đỗ tiến sĩ năm 1535, làm quan tới chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Hai lần đi sứ sang nhà Minh, lập nhiều công tích, được nhà Mạc trọng dụng.

Hầu hết các vị tiến sĩ có quê ở vùng đất Thái Thụy đỗ vào thời Mạc đều là những nhà khoa bảng giàu tài năng và đức hạnh. Tiêu biểu như: Lê Cương Xuyên, quê làng Gang, xã Thụy Ninh (chưa rõ năm đỗ). Khi đi sứ nhà sang nhà Minh đã được người phương Bắc phục tài về bài văn tế Khổng Tử. Phạm Đình Hoàn, quê làng Hòe Nhai, xã Thụy Chính, đỗ tiến sĩ năm 1535, làm Tham chính Hải Dương. Lưu Đức An, người làng Vũ Nghị, xã Thái Hưng, đỗ tiến sĩ năm 1538, làm Thừa Chánh sứ Sơn Nam. Lê Khâm, quê làng An Tiêm, xã Thụy Dân, đỗ tiến sĩ năm 1550, làm Hiến sát sứ Tuyên Quang. Nguyễn Thanh Tĩnh, quê làng Hoa Chử, xã Thụy Duyên, đỗ tiến sĩ năm 1565, làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại, kiêm giáo thụ Quốc Tử Giám. Khi về trí sĩ đã chiêu mộ dân khai hoang vùng đất bãi lập làng Hoa Chử. Khi qua đời được thờ làm phúc thần…

Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) vùng đất Thái Thụy xuất hiện thêm nhiều gương mặt khoa danh sáng láng. Đó là: Hà Công Luận, người làng Phúc Khê, xã Thái Phúc, đỗ tiến sĩ năm 1680. Từng được giao nhiều chức tước trong triều, ngoài trấn. Tuổi già cáo quan về làng, mở mang thêm đất ở vùng bãi bồi ven biển được nhiều làng thờ làm phúc thần. Uông Sĩ Đoan, quê làng Vũ Nghị, xã Thái Hưng, đỗ tiến sĩ năm 1721, làm tới Thượng thư bộ Công. Con trai ông là Uông Sĩ Điển, đỗ tiến sĩ 1766, làm quan đến chức Đồng Bình chương sự (Tể tướng). Phạm Công Thế, quê gốc họ Nguyễn ở xã Phúc Khê, xã Thái Phúc. Từ nhỏ đã ở với ông ngoại ở làng Hoàng Xá, nay thuộc xã Đông Phương, huyện Đông Hưng. Khi đi thi lấy họ Phạm (họ mẹ), đỗ tiến sĩ năm 1727, được bổ vào Viện Hàn lâm, giữ chức Đông các hiệu thư. Nghiêm Vũ Đằng, quê làng Kỳ Nhai, xã Thái Phúc, đỗ tiến sĩ năm 1752, cùng khoa với Lê Quý Đôn. Làm quan tới chức Hàn lâm đại chế.

Vào thời Nguyễn, ba cha con nhà họ Phạm ở làng Luyến Khuyết, xã Thụy Phong đã được giới văn thân, sĩ phu cả nước biết tiếng, nhớ tên. Cha là Phạm Diệu tuy chỉ đỗ Tú tài nhưng đã đào tạo hàng trăm môn sinh trở thành những nhà khoa bảng có danh vọng. Người con lớn là Phạm Thế Hiển đỗ tiến sĩ năm 1829, trải nhiều chức cả ngạch văn, ngạch võ ở trong triều, ngoài trấn. Ngày 1/9/1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, Phạm Thế Hiển đã cùng Nguyễn Tri Phương lo chống giặc, sau được cử làm Tham tán quân vụ cùng Nguyễn Tri Phương bảo vệ Gia Định. Ông đã kiên trì chủ chiến, quyết tử thủ giữ thành Gia Định. Em trai Phạm Thế Hiển là Phạm Thế Húc đỗ Phó bảng năm 1843, được cử vào dạy dỗ Thế tử Hồng Nhậm thành vua Tự Đức.

Tạ Hiện, quê làng Quang Lang, xã Thụy Hải, đỗ Tú tài võ năm 1848, đã làm quan võ tới chức Đề đốc Bắc Ninh, Đề đốc Định An (Nam Định, Hưng Yên). Trước sự bạc nhược của triều đình Huế, tháng 12/1883, ông đã bỏ quan và tập hợp lực lượng tiến hành vũ trang chống Pháp và trở thành thủ lĩnh chống Pháp tiêu biểu. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương đã phong ông làm Đô thống quân vụ Bắc Kỳ.

Hiếu học thành danh là nét đậm trong chân dung những gương mặt khoa danh của huyện Thái Thụy. Trong số ông Nghè ở miền quê này có tới quá nửa là nhà nghèo hiếu học. Tiêu biểu như Đinh Trinh từ thân phận cày thuê cuốc mướn; Nguyễn Thanh Tĩnh từ một anh lái đò sông Cô; Nghiêm Vũ Đằng từ một anh chàng chuyên nghề bán củ nâu ở chợ để kiếm sống, do hiếu học đã thi đỗ tiến sĩ và trở thành những học quan giàu tài năng phẩm hạnh.

Vượt khó, hiếu học, thành danh rất đáng được coi là một truyền thống nổi trội của huyện Thái Thụy trong những truyền thống nổi trội của người Thái Bình - đất Thái Bình.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/171643/nhung-guong-mat-khoa-danh-cua-huyen-thai-thuy

Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)