Những điều cần biết về tiêm vaccine mũi 4 và các biến chủng mới của COVID-19
Ngày: 08/07/2022
Biến thể BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây, tuy nhiên BA.5 không gây ra các triệu chứng nặng như biến chủng Delta.

Biến thể BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây, tuy nhiên BA.5 không gây ra các triệu chứng nặng như biến chủng Delta.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới tạm thời đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các biến thể mới liên tục xuất hiện, gần đây nhất là BA.5, đã khiến cho tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường.

BA.5 là biến thể được cho là có khả năng lây lan nhanh và có thể lấn át biến thể cũ. Thêm vào đó, kháng thể từ các mũi vaccine COVID-19 hoặc lần nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó đều giảm dần theo thời gian.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, virus SARS-CoV-2 đã phát triển ra rất nhiều biến thể. Vì vậy, việc có xuất hiện biến thể mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm đến một số biến thể đáng quan ngại như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron. Trong đó, Omicron có các biến thể phụ như BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5.

Biến thể BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây, tuy nhiên BA.5 không gây ra các triệu chứng nặng như biến chủng Delta do người dân đã được tiêm vaccine. Vì thế, việc nhiễm biến thể BA.5 không gây quá tải cho các cơ sở y tế và không gây tử vong ở người bệnh.

Tuy vậy, đối với những người có bệnh lý nền hoặc người bị suy giảm miễn dịch, tình trạng trở nặng và phải nhập viện vẫn có thể xảy ra.

Biến thể, BA.5 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như: sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh lý nền như ung thư, đái tháo đường,... khi mắc COVID-19 rất dễ trở nặng. Vì vậy, những đối tượng này cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng khác thường của cơ thể.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguy cơ bùng phát dịch do biến thể BA.5 không lớn do người dân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, trong tương lai khi khả năng miễn dịch cộng đồng suy giảm, nguy cơ tái nhiễm với COVID-19 sẽ tăng lên. Vì vậy, việc theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh và đánh giá các nguy cơ để đưa ra các giải pháp kịp thời, quyết liệt như đeo khẩu trang, tiêm mũi 3, 4 vaccine... giúp phòng ngừa khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, vaccine phòng chống COVID-19 chỉ đem lại hiệu quả phòng bệnh từ 60 - 80% và khả năng miễn dịch của vaccine sẽ suy giảm theo thời gian từ 4 - 6 tháng. Do đó, việc tiêm mũi vaccine nhắc lại, mũi 3, 4 là điều cần thiết để phòng chống dịch bệnh.

Hiện, Bộ Y tế đang chỉ định tiêm mũi 4 cho các nhóm đối tượng sau:

- Những người mắc bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em chưa được tiêm vaccine vì đây là đối tượng dễ có triệu chứng nặng và tử vong.

- Đối tượng có nguy cơ cao như các nhân viên y tế ở tuyến đầu để phòng tránh bệnh và tránh lây nhiễm chéo ra cộng đồng.

Tại Việt Nam, mũi 3 vaccine COVID-19 được tiêm rộng rãi cho toàn bộ người dân. Tuy nhiên, mũi 4 sẽ cân nhắc tiêm cho các đối tượng mắc bệnh lý nền, những người bị suy giảm miễn dịch.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/13/154119/nhung-dieu-can-biet-ve-tiem-vaccine-mui-4-va-cac-bien-chung-moi-cua-covid-19

Theo vtv.vn